Nhà đầu tư đón đầu cơ hội
Ngày 20/6/2013, ông Roger Lee, Giám đốc Phát triển của Tập đoàn TAL (Hồng Kông) đã cùng các đồng sự của mình có chuyến công du tới Việt Nam. Điểm đến đầu tiên trong hành trình của đoàn lại chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) – cơ quan chính phủ đặc trách về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Cao Viết Sinh của Bộ này, ông Roger Lee đã bày tỏ mong muốn được lãnh đạo Bộ giới thiệu các địa điểm thích hợp để TAL mở một tổ hợp sản xuất mới, bao gồm các nhà máy se sợi, nhuộm và dệt may với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu USD, sau đó sẽ tiếp tục tăng thêm 200 triệu USD nữa. “Chúng tôi mong muốn tìm được một khu đất rộng khoảng 30 ha được cấp nước đầy đủ, dễ dàng kết nối với các bến cảng để xây dựng nhà máy mới của mình. Hy vọng, trong vòng 6 tháng nữa TAL có thể bắt đầu các kế hoạch đầu tư mới”, ông Roger Lee bày tỏ ý định.
Trên thực tế TAL đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2004, với một nhà máy dệt may được xây dựng ở Thái Bình có tổng vốn đầu tư là 42,2 triệu USD. Nhà máy này hiện tạo công ăn việc làm cho 3.100 lao động tại địa phương mà cơ cấu kinh tế còn nặng về nông nghiệp này. Kế hoạch xây dựng thêm tổ hợp nhà máy mới, với đầy đủ các công đoạn sản xuất, với tổng vốn đầu tư dự kiến gấp 10 lần hiện tại, có thể được coi là bước đón đầu của TAL trong việc Việt Nam sẽ tham gia TPP trong thời gian tới. Bởi, trong câu chuyện với các lãnh đạo Bộ KH-ĐT, ông Roger Lee cũng đã nhắc tới việc Việt Nam hiện đang đàm phán không chỉ TPP mà cả Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU và đó là cơ hội cho các nhà đầu tư như TAL.
Theo lời ông Roger, năm ngoái công ty ông đạt doanh thu khoảng 600 triệu USD. Có tới 90% sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với các thương hiệu như Burberry, Brooks Brothers, Banana Republic, Tommy Hilfiger… Con số này ở châu Âu là 9% và ở châu Á – Thái Bình Dương là 1%. “Ở Mỹ, cứ 6 chiếc áo sơ mi được bán ra thì có 1 chiếc là do TAL sản xuất”, ông Roger cho biết. Mỹ là thị trường có vai trò quan trọng như vậy đối với TAL nên dễ hiểu vì sao công ty này quan tâm tới việc Việt Nam tham gia đàm phán TPP và bắt đầu xúc tiến việc mở rộng đầu tư tại đây. Một khi Việt Nam tham gia TPP, các sản phẩm của TAL xuất khẩu sang Mỹ, thay vì chịu thuế suất 7% như hiện nay, sẽ được hưởng thuế suất 0% – một mối lợi nhìn thấy rất rõ.
Một câu chuyện tương tự. Khoảng hơn một năm trước, ông Nick Athanasakos, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách toàn cầu về sản xuất của Tập đoàn Nike cũng đã tới Việt Nam. Khi ấy, làm việc với Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh, ông Athanasakos cũng không dấu giếm khi cho biết, Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong khâu sản xuất của Nike và hiện đã trở thành địa điểm sản xuất lớn nhất toàn cầu của tập đoàn này. Ông Athanasakos cho hay, Nike cũng đang rất quan tâm tới việc Việt Nam đàm phán tham gia TPP và FTA với EU. Thậm chí, Nike sẵn sàng ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán này.
Hiện thị trường Mỹ chiếm tới 42% doanh thu của Nike. Sản lượng giày, với hai thương hiệu Nike và Converse, mà Nike gia công ở Việt Nam cũng đã chiếm tới 41% sản lượng của tập đoàn này, với chỉ riêng giá trị giày dép xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã hơn 2 tỷ USD/năm. Hiện thuế suất xuất khẩu giày dép từ Việt Nam sang Mỹ đang là 12%. Một khi TPP được thực thi, mức thuế suất này lập tức về 0%, tất nhiên với điều kiện hiện đang được đàm phán là 70% nguyên phụ liệu phải có xuất xứ từ các quốc gia thành viên TPP. Bởi thế, cũng dễ hiểu vì sao Nike “ngóng” việc Việt Nam gia nhập TPP đến như vậy. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng đủ thấy một năm Nike sẽ hưởng lợi lớn như thế nào từ việc Việt Nam gia nhập TPP. 12% của 2 tỷ USD là 240 triệu USD!
Nike, theo thông tin mà Doanh Nhân có được, là một trong các hãng sản xuất của Mỹ hiện đang rất tích cực vận động chính quyền nước này cởi mở hơn khi đàm phán TPP. Tập đoàn này cũng ủng hộ việc chính quyền Mỹ áp dụng mức thuế suất thấp đối với giày nhập vào thị trường này, với lý do là “có lợi cho người tiêu dùng của Mỹ”!
Thực tế, không chỉ TAL hay Nike, thời gian qua đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó lĩnh vực xơ sợi chiếm tỷ lệ khá lớn, đến Việt Nam bày tỏ mong muốn xây dựng nhà máy mới ở Việt Nam để đón đầu TPP. Chỉ riêng trong lĩnh vực xơ sợi, dệt nhuộm đã có thể kể đến Texhong (Hồng Kông), Toray International và Mitsui (Nhật Bản), Lenzing (Áo), Sunrise (Trung Quốc), thậm chí cả một số nhà đầu tư Mỹ và Hàn Quốc… Texhong hiện đã bắt đầu đưa nhà máy dệt nhuộm có vốn đầu tư 300 triệu USD của mình ở Quảng Ninh đi vào hoạt động, với 5 xưởng sợi, 370.000 cọc sợi, dự kiến đạt sản lượng 139.000 tấn/năm. Tập đoàn này, từ năm 2006, cũng đã xây dựng một nhà máy dệt tại KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai), với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD.
Trong khi đó, thông tin từ Ban quản lý các KCN tỉnh Quảng Ninh cho biết, một doanh nghiệp khác của Trung Quốc cũng đang quan tâm xây dựng một nhà máy tương tự của Texhong ở tỉnh này.
“Việc Việt Nam hoàn tất thành công quá trình đàm phán Hiệp định TPP là rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam và sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư, tăng cường cơ hội cho tất cả mọi người”, ông Mark Gillin, Chủ tịch AmCham nhận xét.
Và cơ hội của Việt Nam
Việt Nam được cho là quốc gia có lợi hơn cả trong số 11 quốc gia tham gia đàm phán gia nhập TPP. Cụ thể, Việt Nam sẽ có rất nhiều thuận lợi trong việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của các nước thành viên tham gia hiệp định này, đặc biệt là thị trường Mỹ, với thuế suất ưu đãi chỉ 0-5%. Và một khi Nhật Bản cũng tham gia đàm phán TPP, cái lợi của Việt Nam còn lớn hơn nữa.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, Mỹ là bạn hàng lớn thứ hai của Việt Nam, sau EU, với kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 19,6 tỷ USD trong năm 2012, chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Còn Nhật Bản đứng thứ 4, với 13,1 tỷ USD, chiếm 11,4%. Các lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may, da giày, thủy sản và đồ gỗ của Việt Nam được cho là có nhiều lợi thế. “Tăng trưởng thương mại sẽ kéo theo FDI và từ đó tạo thêm việc làm và thu nhập, nguồn thu thuế, xuất khẩu, ngoại hối và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam”, ông Mark Gillin nhận định. Cũng theo ông Gillin, nếu Việt Nam có thể tận dụng được tất cả các lợi thế thì TPP sẽ có thể tạo điều kiện giúp cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận các thị trường trọng yếu dễ dàng hơn, thúc đẩy cạnh tranh…
Cũng giống như ông Gillin, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, TPP sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội hơn trong thu hút FDI. “Họ sẽ nhìn vào những cơ hội có được từ việc thị trường xuất khẩu rộng mở, thuế suất thấp, để tìm đến Việt Nam. Cộng thêm những lợi thế về giá nhân công rẻ, cần cù, khéo léo, Việt Nam sẽ có thể thu hút FDI được nhiều hơn”, ông Doanh nhận định.
Ai và như thế nào? TPP là hiệp định thương mại tự do khu vực, giúp việc luân chuyển hàng hóa giữa các nước dễ dàng hơn nhờ hàng rào thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu và các biện pháp ưu đãi hàng nội địa được dỡ bỏ. TPP còn bao gồm các nguyên tắc thống nhất giữa các đối tác về một số vấn đề mới như quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, chi tiêu của chính phủ, tính minh bạch, DNNN và liên kết chuỗi cung ứng. 11 quốc gia tham gia đàm phán TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Nhật Bản cũng đã bày tỏ ý định tham gia đàm phán TPP. Nếu đàm phán thành công, TPP sẽ bao trùm một khu vực kinh tế với 40% dân số thế giới và hơn 50% GDP toàn cầu |
Tất nhiên, sẽ không chỉ là các quốc gia thành viên TPP, các nhà đầu tư khác cũng sẽ “nhòm ngó” Việt Nam vì những lợi thế mà TPP mang lại. “Hàn Quốc chẳng hạn, nhiều tập đoàn lớn của họ như Samsung, LG, Kumho… đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Đã có nhà đầu tư nói rằng, người lao động Việt Nam chăm chỉ, cần cù, năng suất lao động bằng 80% người Hàn Quốc, nhưng lương thì lại rất rẻ. Họ đã nhắm đến Việt Nam cũng là vì lý do này, và giờ cộng thêm lợi thế về thị trường xuất khẩu thì càng có lý do để họ lựa chọn Việt Nam”, ông Doanh phân tích.
Thậm chí, một cách cụ thể hơn, trao đổi với Doanh Nhân, ông Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital, cho rằng, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để được hưởng lợi về thuế khi xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia TPP, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản – hai thị trường nhập khẩu tương ứng lớn thứ nhất và thứ tư thế giới”. Chuyên gia đầu tư đã có nhiều năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam còn nhận định thêm: “Để tận dụng được nhanh nhất cơ hội này, tôi cho rằng họ sẽ chọn cách mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp để đỡ mất thời gian. Vì thế, khi có TPP, hoạt động M&A ở Việt Nam sẽ bùng nổ”.
Rõ ràng là, nếu Việt Nam nhập nguyên liệu từ Mỹ để làm hàng may mặc thì sẽ khó cạnh tranh, nhưng nếu nhà máy dệt và sản xuất vải của Mỹ đặt ở Việt Nam thì sẽ có lợi cho cả hai. Và như vậy thì không lý gì nhà đầu tư không vào Việt Nam, và cũng không lý gì Việt Nam lại để vuột cơ hội này.
Chuẩn bị tốt để lên tàu
Nhưng trái ngược với nhận định khá lạc quan của nhiều chuyên gia kinh tế khác, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, lại tỏ ra khá thận trọng khi nhìn nhận về những cơ hội mà Việt Nam có được từ TPP. Ông cho rằng, cần phải xem xét lại một cách chính xác TPP có thực sự tác động nhiều đến nền kinh tế Việt Nam hay không? “Nền kinh tế Việt Nam hiện đã mở lắm rồi, với kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn GDP. Cùng một lúc, chúng ta lại đang đàm phán cả TPP, FTA với EU, rồi cả liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazastan… Nếu nền kinh tế quá mở như thế, Việt Nam có chịu được không? Tương tự như vậy với FDI, tôi cho rằng, khả năng hấp thụ vốn FDI khoảng 10-11 tỷ USD/năm như hiện nay là phù hợp, nếu tính về tỷ lệ trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (FDI hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 ước bằng khoảng 30% GDP – PV). Nếu vốn FDI vào quá nhiều thì cũng sẽ không còn “đất” cho doanh nghiệp trong nước”, ông Mại đặt vấn đề.
Nhìn vào thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hôm nay, lập luận của chuyên gia kỳ cựu này không phải không có lý. Đơn cử một trong những điều kiện đang được đàm phán là để được hưởng thuế suất ưu đãi 0-5%, các sản phẩm xuất khẩu phải có 70% nguyên phụ liệu có xuất xứ từ các quốc gia thành viên TPP. Trong khi đó, hiện tại, Việt Nam nhập khẩu đến 80-90% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc – quốc gia hiện không tham gia đàm phán TPP.
Cũng tương tự như vậy với FDI. Sau 25 năm thu hút dòng vốn này, dù đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam, song cũng đã bắt đầu xuất hiện những câu hỏi về việc Việt Nam thực sự thu được gì từ FDI? Và có nên dành cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam hay không khi mà các nguồn lực về đất đai đang dần bị thu hẹp?… Gần đây nhất là những cú sốc đối với doanh nghiệp và nền kinh tế trong nước do Hiệp định Thương mại Thế giới (WTO) gây ra. Đây là một bài học nhãn tiền cho Việt Nam trong đàm phán TPP, hay FTA với EU, hoặc bất cứ hiệp định thương mại tự do nào khác. Nhưng “hoa hồng nào chẳng có gai”, ông Lê Đăng Doanh phản biện một cách hình ảnh khi Doanh Nhân đề cập tới những quan ngại của dư luận gần đây về những cái “mất” khi Việt Nam tham gia vào TPP. “Chúng ta vẫn nói nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, nhưng thực tế, ta gần như là xuất khẩu… hộ Trung Quốc. Xuất khẩu nhiều, nhưng nhập khẩu cũng lắm. Giá trị gia tăng rất thấp. Còn FDI, đúng là năng lực hấp thụ hiện tại của nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế, nhưng chúng ta phải có cái nhìn “động” hơn”, ông Doanh nói.
Có lẽ, điều ông Doanh kỳ vọng là nền kinh tế Việt Nam được đổi mới và cải cách theo đúng kế hoạch hiện tại, đó là tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Bởi vậy mà ông nhấn mạnh: “Điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội từ TPP là phải cải cách. Nếu mở cửa mà không cạnh tranh được thì nền sản xuất trong nước sẽ bị đè bẹp”. Thực ra, đây cũng chính là kịch bản khiến ông Mại lo ngại. Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp lao đao, làn sóng M&A đang sầm sập đến. Mối nguy doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp nước ngoài mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã từng cảnh báo, không phải là không có cơ sở.
Dẫu vậy, Việt Nam đã “bám” vào mạn con tàu TPP. Nói như ông Fred Burke, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, nếu không leo lên con tàu TPP trước khi nó rời bến, Việt Nam sẽ bị mất các thị trường xuất khẩu, kinh tế có thể bị suy giảm sâu hơn. Điều này đồng nghĩa với mất các cơ hội thu hút FDI. Nhưng cơ hội có lẽ chỉ thực sự đến và mang lại giá trị đích thực cho nền kinh tế khi chúng ta chủ động đón nhận và sẵn sàng các phương án phòng bị. “Được” hay “mất” là hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của chúng ta.
Giờ đây, cả ông Roger Lee của TAL và ông Nick Athanasakos của Nike đều rất mong ngóng quá trình đàm phán TPP sẽ có thể kết thúc vào cuối năm nay để những kế hoạch mở rộng kinh doanh của họ tại Việt Nam sớm đơm hoa, kết trái.
Theo Thái Bình
Diễn đàn Doanh nghiệp
http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/san-sang-khi-tau-tpp-roi-ben-2013072217551185013ca33.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,539.90 | 5,039.90 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,604.60 | 4,104.60 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,709.20 | 13,209.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,759.70 | 1,359.70 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 328
- Truy cập hôm nay: 478
- Lượt truy cập: 8820108