Hội nghị 25 năm FDI: Thủ tướng nên có một tuyên bố mạnh mẽ trong kêu gọi đầu tư
2013-03-14 09:25:42
Thưa ông, số liệu mới nhất của Bộ KHĐT cho thấy, năm 2012 vốn đầu tư đăng ký tăng thêm (7,7 tỷ USD) gấp 2,3 lần so với năm 2011. Trong khi đó vốn đăng ký mới chỉ bằng 70% so với năm 2011. Chúng ta thấy gì qua những con số này?
Việc vốn đăng ký tăng thêm cao như thế là một tín hiệu tốt. Nó cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn ở Việt Nam họ đang phát triển vững chắc và tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư cũng như triển vọng phát triển của nước ta.
Trước đây các doanh nghiệp vào chủ yếu đầu tư theo chiều rộng, nay họ phát triển vững vàng rồi, nắm vững được chính sách pháp luật, hiểu rõ môi trường kinh doanh cũng như môi trường xã hội hơn nên họ chủ trương tiếp tục đầu tư theo chiều sâu, tăng cường mở rộng nhà máy với quy mô lớn hơn.
Ở đây có thể thấy lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với gần 550 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 11,7 tỷ USD, chiếm hơn 70 % tổng vốn đầu tư đăng ký trong năm 2012.
Thường thì vốn đăng ký tăng thêm và vốn giải ngân trên thực tế gần như chồng khít, khoảng cách không xa lắm. Vì đa số các nhà đầu tư làm ăn có lãi thì họ mới đăng ký xin tăng thêm vốn, và đã đăng ký thì thể nào cũng đưa vốn thực vào sản xuất. Trong khi đó khoảng cách giữa số vốn đăng ký mới và vốn giải ngân thì khá xa. Việc nhà đầu tư đưa ra con số đăng ký là một chuyện, việc họ có hiện thực hóa con số đó hay không lại là chuyện khác, chưa biết thế nào.
Môi trường đầu tư đã có những cải thiện đáng kể. Nhưng rõ ràng so với các năm trước thì con số 8,6 tỷ USD vốn dự án đăng ký mới năm 2012 chỉ bằng 70% năm 2011. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2013 thì tổng vốn đăng ký mới cũng chỉ bằng 40% cùng kỳ năm 2012. Có phải dòng vốn mới đang chững lại vì khả năng cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam bị sụt giảm so với các nước trong khu vực? Nếu không thì phải giải thích điều này thế nào?
Việc vốn đăng ký tăng thêm cao là một tín hiệu tích cực. Còn việc vốn đăng ký mới thấp nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể do kinh tế thế giới suy thoái nên số lượng doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng mạng lưới sang nước khác giảm đi.
Đặc biệt trong năm 2012, tình hình kinh tkế Việt Nam có nhiều khó khăn, bất động sản suy thoái, hệ thống tài chính ngân hàng rúng động, sức tiêu thụ xã hội giảm sút nghiêm trọng, hàng tồn kho , nợ xấu lớn, một loạt thất thoát của các doanh nghiệp nhà nước bị phanh phui... Những tồn tại trên ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư và khiến những nhà đầu tư mới quan ngại .
Một điểm đáng chú ý là năm 2012 dòng FDI từ Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,59 tỷ USD, chiếm hơn 34% tổng vốn đầu tư. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2013 thì họ đã chiếm hơn 40% tổng vốn đầu tư. Từ vị trí là nhà đầu tư lớn thứ 3 những năm trước thì nay họ đã vươn lên đứng thứ nhất. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
Việc gia tăng dòng vốn từ Nhật Bản có thể có nhiều nguyên nhân. Sau các vụ động đất, sóng thần ở trong nước, họ tăng cường đầu tư ra nước ngoài để san sẻ rủi ro.
Trước đây họ đầu tư nhiều vào Trung Quốc nhưng có thể do bối cảnh chính trị nên giờ họ dè chừng, hạn chế hơn và chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một điểm đến. Thời gian gần đây ghi nhận việc họ đưa vào các dự án tương đối lớn như Cty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone VN với tổng vốn đầu tư là 574 triệu USD hay dự án nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng của Tập đoàn Lixil có vốn đăng ký 441 triệu USD.
Đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Các doanh nghiệp Nhật Bản là những nhà đầu tư tốt. Họ có vốn lớn, công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp phụ trợ, công nghệ quản lý, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tuân thủ luật pháp, có văn hóa doanh nghiệp, hầu hết rất có trách nhiệm với môi trường, và đặc biệt họ có hiệu ứng lan toả đối với doanh nghiệp trong nước.
Liệu có thể hiểu là chúng ta đang dần chiếm được cảm tình của các nhà đầu tư khó tính và có thể bắt đầu thời kỳ chuyển từ thu hút đầu tư theo chiều sâu?
Đúng vậy. Hiện chúng ta đang ghi nhận những dòng vốn mới đến từ các nhà đầu tư như Mỹ, Nhật, Singapo, các nước liên minh châu Âu… Đây là lúc chúng ta phải xác định thu hút đầu tư có trọng điểm, trọng điểm về khu vực, về lãnh thổ. Phải chọn lọc nhà đầu tư, hướng đến những nhà đầu tư nghiêm túc, có chất lượng, phù hợp quy hoạch chứ không tiếp nhận một cách tràn lan như trước đây nữa.
Chúng ta cũng nên đưa ra những chính sách để chọn lọc nhà đầu tư. Chúng ta không phân biệt đối xử, nhưng nên có chính sách ưu đãi tốt hơn những nhà đầu tư nghiêm túc. Bên cạnh các nhà đầu tư từ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa, cũng đang rất cần thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư từ EU, Mỹ, nơi mà có rất nhiều tiềm năng, quan hệ chính trị văn hoá xã hôi tương đối tốt nhưng quan hệ đầu tư chưa xứng tầm.
Trong chương trình triển khai MUTRAP 4, có một phần rất quan trọng mà tôi cho rằng sẽ giúp phát triển về chất, là vấn đề hỗ trợ của EU trong đầu tư vào Việt Nam. Thu hút được nhiều công ty xuyên quốc gia từ Nhật bản, Mỹ, EU, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận những tiến bộ, tinh túy nhất của thế giới trong lĩnh vực công nghệ, quản lý, phát triển nguồn nhân lực, từ đó lan toả tới các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thời gian tới khi mà những lợi thế về đất đai, tài nguyên phong phú, nguồn nhân công rẻ của Việt Nam giảm dần, theo ông chúng ta sẽ phải thu hút vốn bằng cách nào thưa ông?
Tôi nghĩ tới đây, trước mắt là trong hội nghị 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài (27/3/2013) đích thân Thủ tướng Chính phủ nên có những tuyên bố mạnh mẽ về thu hút đầu tư, đưa ra những cam kết rõ ràng, hấp dẫn hơn. Rõ ràng tính cạnh tranh trong thu hút FDI của chúng ta đang sụt giảm so với các nước trong khu vực. Nếu không có một tuyên bố mạnh mẽ hơn, có sức ảnh hưởng hơn thì chúng ta sẽ khó nâng cao được sức cạnh tranh với các nước láng giềng, những nước mà điều kiện môi trường, con người, hạ tầng, tương tự hoặc có phần nhỉnh hơn.
Tiếp theo chúng ta phải cải tiến cách xúc tiến đầu tư, tìm một cách làm mới hiệu quả hơn.
Sau đó, trình độ và kỷ luật lao động chính là yếu tố tiên quyết nhất mà chúng ta phải cải thiện. Hiện sản xuất trong nước còn không đủ lao động dùng thì làm sao có lao động giá rẻ cho doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa các nhà đầu tư càng ngày càng có xu hướng đầu tư theo chiều sâu, hàm lượng công nghệ cao hơn, chúng ta sẽ không thể tận dụng điều này làm lợi thế nữa.
Do đó phải làm sao để lực lượng lao động của ta xứng tầm với họ. Phải có chính sách để đẩy chất lượng nguồn nhân lực lên cao hơn. Sau đó là hạ tầng, không chỉ là đường sá bến bãi… mà phải bao gồm cả hạ tầng xã hội, môi trường xã hội, phải giải quyết được các tệ nạn xã hội, giải quyết vấn nạn tham nhũng. Cuối cùng là các chính sách phải nhất quán, ổn định, tạo điều kiện để các nhà đầu tư làm ăn lâu dài và phát triển bền vững tại VN.
Xin cám ơn những chia sẻ của ông!
Thanh Uyên
Theo TTVN
http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/hoi-nghi-25-nam-fdi-thu-tuong-nen-co-mot-tuyen-bo-manh-me-trong-keu-goi-dau-tu-201303132146410201ca33.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,333.50 | 4,913.50 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,426.80 | 4,026.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,205.60 | 12,905.60 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,728.40 | 1,378.40 |
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
© 2011 Copyright By Ngoc Thanh NTGold. All Rights Reserved.
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 158
- Truy cập hôm nay: 4341
- Lượt truy cập: 8597323