Thời điểm tốt nhất để giải phóng hàng tồn đã qua
Hiệp hội mía đường đã nhiều lần “cầu cứu” Bộ Công thương, đến ngày hôm nay đã có quyết định chính thức gì chưa thưa ông?
Chưa. Đến giờ này chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể nào, hình như cuộc họp ngày 4/3 của Bộ quyết định sẽ cho phép doanh nghiệp xuất khẩu. Chúng tôi vẫn đang chờ thôi.
Tại thời điểm tháng 11 năm ngoái khi chúng tôi gửi kiến nghị đó, lượng đường tồn kho còn 110.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm 2011 khoảng 60%. Giá đường bán sỉ đã thấp hơn khoảng 4.000 đồng. Hầu hết các nhà máy đường đều đang bị lỗ ít nhất từ 500 – 1.000 đồng/kg khi bán mức giá này.
Chúng tôi tính nếu giải phóng hàng tồn thì phải xuất đi trước tết, đó là mùa tiêu thụ mạnh nhất. Nhưng, xin mãi mà Bộ Công Thương không cho vì sợ sang năm sẽ thiếu đường, Bộ nói nếu muốn xuất thì phải đợi đến tháng 7, tháng 8 năm nay.
Hiện nay giá bán còn xuống thêm 1000 đồng/kg nữa, chỉ xoay quanh mức 13.000 đến dưới 14.000 đồng/kg. Có nhà máy đóng cửa có nhà máy cầm chừng.
Thời điểm tốt nhất để giải phóng hàng tồn đã qua, nhưng chậm còn hơn không. Bây giờ mới 400 ngàn nhưng đang ở chính vụ nên tới đây còn cao hơn nữa. Nếu còn chần chừ thì không biết chuyện gì sẽ xẩy ra.
Xuất "chui"
Có thông tin một số doanh nghiệp vẫn xuất khẩu được sang Trung Quốc?
Có. Theo thông tin tôi biết thì hiện giờ một số công ty xuất khẩu vẫn tìm cách xuất “chui” được, nhưng phải chịu “làm luật” tới 320 đồng/kg. Vì biết nhà nước không cho phép xuất khẩu, doanh nghiệp bên này “bán chui” nên phía Trung Quốc ép giá mua xuống thấp hơn trước, doanh nghiệp bán được nhưng bị thiệt.
Xuất kiểu này nhà nước không thu được thuế, nhà xuất khẩu chịu tiền làm luật cao nên ép xuống nhà máy giảm giá, nhà máy lại ép xuống người trồng mía, thiệt hại chung cho kinh tế đất nước.
Vì sao lượng tồn kho cao kỷ lục như thế thưa ông?
Theo thông tin quốc tế mà Hiệp hội nắm được, đường nhập lậu qua biên giới phải lên tới 400-500 ngàn tấn/năm (bằng 1/3 sản lượng trong nước) chứ không phải 200 ngàn như Hải quan và Bộ Công Thương nói.
Bởi vì Thái Lan mỗi năm xuất qua Campuchia hơn 600 ngàn tấn, trong khi Campuchia chỉ có mấy triệu dân, nhu cầu chỉ khoảng 200 ngàn tấn. Số dư ra hơn 400 ngàn chúng tôi nghĩ chỉ qua Việt Nam thôi chứ không đi qua Lào hay Mianma đâu.
Trong nước sản xuất ra tiêu không hết, giá nội địa lại cao hơn giá quốc tế, thêm 400 ngàn tấn nhập lậu giá rẻ đó, thêm mấy chục ngàn tấn nhập theo hạn ngạch thuế quan… Rồi còn chưa kể lượng đường tạm nhập tái xuất, mượn đường Việt Nam để xuất qua Trung Quốc nhưng thấy vào mà chẳng thấy ra. Thử hỏi không dư sao được!
Bộ Công Thương không bao giờ ghi số đường lậu vào tính toán cung cầu, nhưng con số đều có thể thống kê được vì sao lại phải ngại? Con số đó thực và nó rất mạnh mẽ.
Người nông dân dọa bỏ cây mía
Hiện việc thu mua của các nhà máy với người trồng như thế nào thưa ông?
Khó khăn thế nhưng hiện cơ chế tạm trữ gạo thì có nhưng không có tạm trữ đường. Dù không bán được đường tồn kho nhưng các nhà máy vẫn phải nhập cho nông dân. Mía là loại cây thời vụ, không tồn trữ được nên đến đợt “chín” thì phải đốn và ép. Các nhà máy cố gồng lên mà chịu đựng chứ cũng không giảm giá thu mua được nữa. Thấp hơn thì người nông dân dọa bỏ cây mía, khi đó còn ngành mía đường còn thảm hơn.
Nói chung, chính sách cho cây mía chưa có. Cây mía nước ta chất lượng kém nhất thế giới nhưng giá mía được mua cao nhất thế giới. Trong khi thực tế người nông dân mấy năm qua chỉ tạm vừa lòng chứ không được hưởng nhiều. Vì mía chúng ta năng suất kém quá, chất lượng đường kém quá, làm nhiều mà thu hoạch được bao nhiêu đâu! Nó không đem lại nhiều thứ cho nông dân như họ mong muốn.
Thế nên dù giá nội địa cao hơn giá đường nhập khẩu mà nhà máy vẫn lỗ, người nông dân vẫn nghèo. Chúng ta vẫn không thể cạnh tranh được với mía đường Thái Lan!
Đúng vậy. Thái Lan họ có hẳn một bộ Luật mía đường từ năm 1984 với những chính sách rất tốt. Trong luật có vài điều như thế này: Dù bất cứ tình trạng nào, người nông dân trồng mía cũng không bao giờ bị lỗ. Các nhà mía đường thực ra là ăn theo nông dân, chủ đạo của ngành mía đường là nông dân chứ không phải nhà máy. Người ta kiểm soát xuất nhập và định giá đường định giá mía.
Còn Việt Nam chúng ta có cái gì? Chúng ta không có cái gì cả! Chúng ta chỉ có những chính sách từng vụ từng năm không trọn vẹn. Thế nên ngành đường cứ bấp bênh với cơ chế “xin – cho” theo từng năm từng vụ. Chúng tôi đã có kiến nghị với các bộ ngành liên quan về việc ban hành một nghị định, chính sách cụ thể để tạo cho cây mía nước ta phát triển bền vững. Nhưng việc đó còn xa.
Trước mắt, xin cho chúng tôi xuất khẩu. Xuất lỗ cũng được, nhưng chúng tôi phải xuất đi, bởi vì tồn kho đã cao quá rồi.
Thanh Uyên
http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/mia-duong-vi-dau-nen-noi-2013030610482254ca33.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,333.50 | 4,913.50 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,426.80 | 4,026.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,205.60 | 12,905.60 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,728.40 | 1,378.40 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 159
- Truy cập hôm nay: 5004
- Lượt truy cập: 8597986