Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Khó nhưng không thể không làm
2013-01-21 09:20:02

"Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó khăn, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, bình tĩnh, tỉnh táo.

Mỗi cá nhân tốt thì tổ chức sẽ tốt, mỗi tổ chức tốt thì Đảng ta sẽ mạnh, mà Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn"- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn củaphóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp xuân Quý Tỵ- 2013.

- Thưa Tổng Bí thư, năm 2012 đã đi qua với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tổng Bí thư đánh giá như thế nào về những kết quả mà toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong năm qua?

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm 2012 - năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI - Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách nhằm định hướng giải quyết nhiều vấn đề lớn và hệ trọng của Đảng, của đất nước. Với sự nỗ lực phấn đấu to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đất nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiềm chế thành công ở mức một con số (6,81% so với 18,13% năm 2011); tăng trưởng GDP đạt trên 5%.

Lần đầu tiên Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục - gần 115 tỉ USD; vươn lên đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, với gần 8 triệu tấn. Dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay, tỉ giá cơ bản ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.500USD/người/năm.

Trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam vẫn huy động trên 13 tỉ USD vốn FDI, gần 6,5 tỉ USDvốn ODA, cho thấy niềm tin và sự ủng hộ của các nhà đầu tư, các đối tác đối với tiến trình phát triển của Việt Nam.

Du lịch được coi là một điểm sáng, đã đón hơn 6,8 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 160.000 tỉ đồng.

Năm 2012, phong trào xây dựng nông thôn mới, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng được triển khai sâu rộng với tinh thần nghiêm túc, cầu thị và xây dựng, đã mang lại những kết quả bước đầu quan trọng . Không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội tiếp tục được phát huy.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại được triển khai sâu rộng, với tinh thần chủ động, tích cực và hiệu quả, cả trên bình diện song phương và đa phương; cả đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, qua đó tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa Việt Nam với các nước, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tuy nhiên, phải nói rằng, năm 2012 là một năm đầy khó khăn. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động bất lợi đến công cuộc xây dựng, phát triển của nước ta.

Ở trong nước, nền kinh tế bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém; kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; lãi suất tín dụng vẫn còn cao; nợ xấu, hàng tồn kho lớn; thị trường bất động sản đóng băng. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động… đã tác động tiêu cực đến công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Đời sống của một bộ phận nhân dân- nhất là đối tượng người nghèo, người lao động có thu nhập thấp rất khó khăn; chênh lệch giàu-nghèo gia tăng. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội; tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn giao thông vẫn đáng lo ngại. Vấn đề biển Đông diễn ra phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi cách chống phá Đảng, Nhà nước ta, nhằm gây mất ổn định chính trị-xã hội và đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia.

- Gần đây, trong các văn bản, nghị quyết của Trung ương, trong phát biểu của Tổng Bí thư tại các diễn đàn hội nghị, các cuộc làm việc, cụm từ "tái cơ cấu," "đổi mới mô hình tăng trưởng" thường được nhấn mạnh. Phải chăng đây là một tư tưởng mới của Đảng ta trong đường lối phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xin Tổng Bí thư chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một nội dung tư tưởng mới, có ý nghĩa xuyên suốt của Nghị quyết Đại hội XI là đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết hài hòa hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, cần chú ý ba trụ cột:

 Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tập trung giải quyết 3 khâu đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trải qua 6 kỳ hội nghị Trung ương, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, đề ra những chủ trương lớn về nhiều vấn đề, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước, trong đó đều nhấn mạnh mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thực hiện tốt các chính sách xã hội, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển khoa học và công nghệ, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực gắn với bảo vệ môi trường sinh thái... đó là vì sự phát triển bền vững.

Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng... chính là vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, sự phát triển bền vững của đất nước.

Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là một nhiệm vụ lớn và phức tạp, cần được triển khai thực hiện đồng bộ ở các ngành, các lĩnh vực, trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương, đơn vị cơ sở. Trước mắt, tập trung ưu tiên tái cấu trúc ba lĩnh vực đặc biệt quan trọng là đầu tư công; hệ thống ngân hàng thương mại và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Qua làm việc, tiếp xúc, lắng nghe các ý kiến đóng góp, phản hồi, có thể thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đều đồng tình, đánh giá cao, cho rằng Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết rất "đúng", rất "trúng" vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện ra sao, kết quả đến đâu, có tạo được chuyển biến thực sự trên thực tế hay không.

Đi làm việc các nơi, tôi vẫn thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần, để nghị quyết đi vào cuộc sống, mỗi bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần nắm chắc nội dung, tinh thần nghị quyết, vận dụng sáng tạo vào thực tế tại địa phương, đơn vị, xác định mục tiêu ưu tiên trong từng giai đoạn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng.

Càng đi xuống cơ sở càng thấy rõ, sự năng động, sáng tạo của cán bộ- nhất là người đứng đầu, có vai trò rất quan trọng. Như xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông- một xã thuộc diện khó khăn ở vùng sâu Đồng Tháp Mười, nhưng đã rất thành công với mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh nhờ biết vận dụng những tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Hay xã Trạm Tấu- một trong 10 xã vùng cao của huyện Trạm Tấu, huyện đặc biệt khó khăn nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái- có hơn 80% diện tích là đất rừng, đất lâm nghiệp, nhưng không để xảy ra cháy rừng; 97% dân số là đồng bào Mông, nhưng bà con đã thực hiện định canh định cư. Đảng ủy, chính quyền xã đã thành công trong việc vận động người dân có đất, hiến đất cho người thiếu đất, nhờ vậy 100% số hộ trong xã đều có đủ đất sản xuất.

Nhưng ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông- nơi có điều kiện đất đai, khí hậu rất thuận lợi cho phát triển các cây công nghiệp giá trị kinh tế cao, thì tỉ lệ hộ nghèo vẫn trên 40%, tình trạng phá rừng, xâm canh xâm cư vẫn diễn biến phức tạp...

- Sau gần một năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã có sức lan tỏa sâu rộng, dù còn có ý kiến cho rằng việc thực hiện nghị quyết chưa mang lại kết quả như mong muốn. Là người thiết kế và đã dành nhiều tâm huyết cho công việc này, xin Tổng Bí thư cho biết cần phải làm gì để nghị quyết tiếp tục được triển khai quyết liệt và hiệu quả?

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trong lịch sử, đây không phải lần đầu tiên Đảng ta ban hành một nghị quyết về xây dựng Đảng. Nhưng ngay từ khi ra đời, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đã thu hút sự quan tâm, đồng tình hưởng ứng của tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân, cho rằng Đảng ta đã "bắt trúng bệnh" và "bốc đúng thuốc". Bản thân tiêu đề "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã nói lên tính thời sự, cấp bách của việc ban hành nghị quyết này.

Bước vào kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề mới đang đặt ra, cả về lý luận và thực tiễn. Trong khi đó, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên còn những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên... Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đã chỉ rõ ba vấn đề cấp bách, bốn nhóm giải pháp cần làm ngay để xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về tư tưởng, tổ chức và cán bộ.

Sau gần một năm triển khai, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã được tiến hành từ cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng đến từng đảng viên, trở thành đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn không ít băn khoăn, cho rằng bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua như "hòa cả làng", chẳng biết bộ phận không nhỏ (tham nhũng, biến chất...) nằm ở đâu, thậm chí có tâm tư, tâm trạng chưa hài lòng, cho rằng "không thành công" vì không kỷ luật được ai.

Đằng sau sự quan tâm và nỗi băn khoăn đó, có thể cảm nhận nhân dân trông đợi và kỳ vọng nhiều lắm, yêu cầu, đòi hỏi cao lắm và trách nhiệm chính trị của Đảng lớn lắm. Cần nhận thức rõ rằng, nghị quyết này với yêu cầu trước mắt chủ yếu là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, nếu ai không chịu nhận khuyết điểm, không chịu sửa thì mới kỷ luật, xử lý.

Vả lại, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 không phải chỉ có kiểm điểm tự phê bình và phê bình mà còn một loạt biện pháp, giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức, cán bộ, chế độ sinh hoạt, cơ chế giám sát , công tác giáo dục...

Có thể dễ dàng nhận thấy, các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 đang được triển khai thực hiện rất khẩn trương và nghiêm túc. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã ban hành một loạt nghị quyết, kết luận, quy định quan trọng về giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên; sự gương mẫu của người đứng đầu; về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp Trung ương... , đã lập lại Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết; chấn chỉnh ngay một số khuyết điểm; đổi mới ngay một số lề lối, phong cách công tác; xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm ở các cấp...

Tinh thần nghị quyết cũng đã lan tỏa sâu rộng trong hoạt động của toàn hệ thống chính trị, phả vào hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành luật pháp, chính sách, thành các chương trình hành động cụ thể.

Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng, đáng chú ý là Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Hà Nội đã đi đầu cả nước, thí điểm thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy và đối với lãnh đạo một số sở, ngành thành phố ngay từ đầu năm 2013. Chính phủ đã ban hành chương trình hành động nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó xác định các nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; đề cao và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra đều đang tích cực vào cuộc. Nhiều địa phương đã có chương trình, kế hoạch sửa chữa ngay một số khuyết điểm, khắc phục sớm một số yếu kém...

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó khăn, phức tạp; đó là cuộc đấu tranh cam go ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người.

Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là tất cả chúng ta- từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, bình tĩnh, tỉnh táo. Mỗi cá nhân tốt thì tổ chức sẽ tốt, mỗi tổ chức tốt thì Đảng ta sẽ mạnh, mà Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn.

- Nhân dịp xuân mới Quý Tỵ- 2013, Tổng Bí thư có điều gì nhắn gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài?

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm 2013, bên cạnh những thuận lợi và thành tựu đã đạt được, dự báo tình hình thế giới cũng như ở trong nước sẽ còn tiếp tục khó khăn. Tôi mong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hãy vững một niềm tin, đồng lòng nhất trí, quyết tâm đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục những bước phát triển vững chắc. Mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam có một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công. Từ niềm vui nhỏ sẽ nhân nên niềm vui lớn, từ thành công nhỏ sẽ làm nên thành công lớn của đất nước, dân tộc.

- Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư!

Theo TTXVN

http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/xay-dung-chinh-don-dang-kho-nhung-khong-the-khong-lam-20130121074541787ca33.chn





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,333.504,913.50
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,426.804,026.80
100g ABC Bullion Bar
14,205.6012,905.60
1kg ABC Bullion Silver
1,728.401,378.40
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 113
  • Truy cập hôm nay: 652
  • Lượt truy cập: 8601022