Bước sang 2013, các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục ổn định vĩ mô, giữ lạm phát để khôi phục và đưa niềm tin thoát ra khỏi đáy.
Đưa niềm tin “thoát đáy”
Theo TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Quản lý kinh tế T.Ư, Chính phủ phải kiên quyết với mục tiêu và thông điệp lớn lao nhất là đảm bảo ổn định vĩ mô, thông qua đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Làm được như vậy sẽ khôi phục được bất ổn vĩ mô, vốn là rủi ro lớn nhất thời gian qua khi lòng tin của doanh nghiệp (DN), người dân, của cả xã hội đang ở mức thấp nhất.
“Cách nhìn của chính sách chúng ta trong năm tới là vẫn phải chịu đau để ổn định kinh tế vĩ mô, thông điệp này phải nhất quán. Bên cạnh đó cũng phải làm thế nào để DN bớt khó khăn, vì đằng sau đó là vấn đề xã hội. Làm thế nào để DN ngo ngoe và phải sống được.
Trong một ngày nền kinh tế không thể hửng nắng lên ngay được, nhưng khi chúng ta nói tái cơ cấu thì phải làm thật, không nói chơi, không để bất ổn. DN cũng phải cười được, phải có bánh chưng ăn tết thì nền kinh tế mới phát triển được”, TS Thành chia sẻ.
|
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng các chính sách kinh tế năm 2012 có một vài bất ổn đã khiến người dân, DN phần nào mất niềm tin vào quá trình điều hành nền kinh tế.
Các biến động về giá cả như tăng giá xăng dầu, điện, nước hay những tồn tại lớn của nền kinh tế như nợ xấu ngân hàng, biện pháp giải cứu thị trường không rõ ràng, tồn kho lớn… khiến họ không biết được phương hướng. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất của năm 2013 chính là tạo sức mua, kích thích được sức mua để lấy lại niềm tin thị trường.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người dân đang mất niềm tin trước các vấn đề kéo dài của nền kinh tế và họ cũng không còn kiên nhẫn để chờ đợi. “Những lời nói suông không còn giải quyết được chuyện gì nữa.
Đó là chưa kể, nói suông còn gây phản cảm và nối dài thêm những nghi ngờ của người dân, DN. Vì thế, hơn lúc nào hết, Chính phủ cần có những hành động thực tế để lấy lại niềm tin trong năm mới này bằng hành động cụ thể như cương quyết trừng trị tham nhũng, gây thất thoát tài sản nhà nước…
Tôi cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề trọng tâm của năm 2013, cụ thể là tái cơ cấu DNNN, hệ thống ngân hàng thương mại và đầu tư công. Trong đó, trước hết là tái cơ cấu DNNN, để tạo niềm tin và thúc đẩy giải tỏa các vấn đề tồn đọng khác của nền kinh tế”, bà Lan nói.
Sức ép lạm phát trở lại
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng trong vòng hơn 1 năm qua, dù lạm phát được kiềm chế, xã hội ổn định nhưng năm 2013 sức ép lạm phát tăng trở lại rất lớn. Điều này tiềm ẩn ở giá lương thực 2012 giảm sút từ tháng giêng tới tháng 9, giá thực phẩm cũng giảm từ tháng 3 đến tháng 10.
|
“Nếu hai anh này tăng như các mặt hàng khác thì CPI (chỉ số giá tiêu dùng) năm 2012 chắc chắn trên 10% so với cuối 2011. Điều đó cho thấy chúng ta rất nỗ lực chống lạm phát bằng tất cả công cụ. Nó xuống thấp 6,8% nhờ giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh.
Liệu năm sau có giảm như vậy nữa không là câu hỏi đặt ra, lương thực thực phẩm hay tăng theo chu kỳ. Năm nay xuống năm sau lên, vì người nông dân chuyển từ cây, con này sang cây, con khác. Cái này cần phải đặc biệt tính tới”, ông Nghĩa cảnh báo.
Cũng lo lắng lạm phát quay trở lại, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh phân tích cái khó nhất của năm 2013 là có giữ được lạm phát dưới 6,8% không khi ngân sách eo hẹp, Chính phủ sẽ phải tăng thu. Nếu tăng thu, các DN lại đẩy giá lên, chắc chắn lạm phát bị kéo theo.
Nguy cơ rất rõ bởi trong 2012 khoản tăng thu duy nhất là thu từ dầu thô, nhưng không phải do giá mà do tăng sản lượng. Sản lượng năm 2013 chưa biết thế nào trong khi con số 5 vạn DN giải thể, phá sản sẽ khiến ngân sách bị hụt nguồn thu từ thuế, còn 6 vạn DN thành lập mới chưa có doanh thu, lợi nhuận.
Để tháo gỡ khó khăn, TS Ánh cho rằng trong khi chính sách tài khóa hết dư địa thì chính sách tiền tệ cần có sự hỗ trợ tích cực. Qua đó, phải tiếp tục giảm lãi suất, giảm chi phí cho các DN mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. TS Ánh đặc biệt chú ý về sự phối hợp đồng bộ giữa hai chính sách này. “Có lẽ chúng ta không nên nói chung chung mà nên chỉ ra một vài điểm cụ thể.
Ví dụ, 2013 Bộ Tài chính quyết định miễn giãn, hoãn một loạt sắc thuế, nhưng không rõ mục tiêu trong đó. Phải tiên liệu được chính sách này có tác động gì đến nợ xấu ngân hàng không…”, ông Ánh nêu.
Ý kiến Thay đổi tư duy phát triển
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Năm 2013, điều đầu tiên cần phải thúc đẩy là thay đổi tư duy phát triển. Từ đó thay đổi thể chế đối với DNNN, ngân hàng, đầu tư công thông qua luật mới hoặc điều chỉnh luật cũ, quy định rõ vai trò chức năng của khu vực công là gì, phải hạn chế trong lĩnh vực nào, những chỗ nào phải nhường bước cho khu vực tư nhân. Quan hệ giữa nhà nước và DN phải rõ ràng, sòng phẳng, giữa một mặt là đóng vai trò chủ sở hữu để quản lý cho thật tốt nhằm đảm bảo tất cả những nguồn lực nhà nước đổ vào phải được sử dụng hiệu quả, giám sát tới nơi tới chốn; mặt khác đứng trên quản lý nhà nước phải đảm bảo tuân thủ pháp luật trong tất cả các quy định pháp luật chuyên ngành. Ví dụ như thanh tra, kiểm tra, chế độ kế toán, kiểm toán… là phải tuân thủ chứ không như bao lâu nay hoàn toàn lờ đi. Điều tiết vĩ mô thì nhà nước có thể dùng bất cứ DN nào trong thị trường, chứ không cứ là DNNN. Tư duy như vậy là không dứt khoát”. Không nên dựa quá nhiều vào dân số trẻ Nhà nghiên cứu về kinh tế VN Trinh Nguyễn, đang làm việc tại Bộ phận Nghiên cứu kinh tế thế giới của Ngân hàng HSBC trụ sở Hồng Kông: “Kinh tế VN năm 2013 khả quan hơn năm 2012 vì nhu cầu bên ngoài sẽ trở lại khi những thị trường xuất khẩu chính của VN hồi phục. Các chỉ số gần đây của kinh tế Trung Quốc hay Nhật Bản và Mỹ đã có những diễn biến tích cực, thị trường châu Âu tuy chưa cho thấy dấu hiệu này, thậm chí được dự đoán có thể xấu hơn, nhưng nhìn tổng quan xuất khẩu năm 2013 của VN sẽ lạc quan, bởi nguồn cầu bên ngoài hồi phục phần nào. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa vẫn tiếp tục khó khăn và lạm phát sẽ ở mức hai con số, khoảng 10 - 11% do chịu tác động của giá sản xuất tăng, bao gồm giá dầu. Đối với GDP, chúng tôi dự báo tăng trưởng 5,5%. Năm 2013 nền kinh tế sẽ phải tập trung giải quyết vấn đề ngân hàng và bất động sản. Đây là hai hệ quả rõ ràng nhất từ việc siết chặt tín dụng và chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Một vấn đề khác cũng cần giải quyết là, dân số VN tăng nhanh, thu nhập của người dân được cải thiện nhưng chuỗi cung ứng thực phẩm và hàng hóa lại không theo kịp. Nếu những cải cách của Chính phủ được thực hiện tích cực, thì dân số trẻ chính là bàn đạp quan trọng của phát triển. Nhưng việc dựa vào lợi thế dân số trẻ quá lớn cũng như nguồn đầu tư từ bên ngoài không phải là cách bền vững. Lợi thế dân số trẻ, nhân công rẻ sẽ dần biến mất sau hai thập niên. Cho nên, đó không phải là định hướng lâu dài mà phải tập trung vào cải thiện năng lực sản xuất. Trung Quốc từng dựa vào lợi thế dân số trẻ, nhân công rẻ nhưng sau đó đã phải nâng lương và kết quả nhà đầu tư chuyển tới Mexico”. Trần Tâm (ghi) |
Theo Anh Vũ - Trần Tâm
Thanhnien
http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/can-tai-co-cau-niem-tin--20121231075831684ca33.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,528.00 | 5,028.00 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,594.80 | 4,094.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,677.70 | 13,177.70 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,745.10 | 1,345.10 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 220
- Truy cập hôm nay: 5653
- Lượt truy cập: 8832975