Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng rút lui khỏi các dự án dẫn đến việc huy động vốn, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông của TPHCM bị chững lại.
Nhà đầu tư nước ngoài rút lui
Cuối năm 2007, Công ty GS E&C (Hàn Quốc) ký biên bản ghi nhớ với UBND TPHCM nghiên cứu đầu tư dự án đường trên cao số 1 dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo đó, đơn vị này trình dự án trong vòng 6 tháng và hoàn tất hồ sơ dự án trong vòng 12 tháng sau ngày ký biên bản ghi nhớ.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm nghiên cứu, Công ty GS E&C đã trả lại dự án với lý do điều kiện kinh tế không thuận lợi và muốn tập trung nguồn lực cho dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Sau đó, UBND TPHCM cũng đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Tamouh (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) khi giao Sở GTVT hướng dẫn nhà đầu tư này các thông tin cần thiết về quy hoạch tổng thể, các dự án xây dựng cầu đường, nhất là đường trên cao theo hình thức BOT hoặc BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, đến nay vẫn không thấy Tập đoàn Tamouh tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Một tập đoàn nước ngoài khác là Wijaya Baru Global Berhad (Malaysia) cũng từng “nhòm ngó” dự án đường trên cao số 2. Tháng 2-2008, UBND TPHCM có văn bản đồng ý cho Tập đoàn Wijaya Baru Global Berhad nghiên cứu khả thi dự án. Thế nhưng, sau một thời gian nghiên cứu, tập đoàn này cũng xin rút vì nhận thấy tính khả thi không cao.
Doanh nghiệp trong nước “bỏ chạy”
Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng “bỏ của chạy lấy người” do khó khăn về tài chính, điển hình là Công ty CP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland). Giữa năm 2012, Petroland chính thức rút khỏi dự án đường Vành đai 2 (đoạn từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh) khiến đoạn đường dài 5,2 km trên rơi vào tình trạng “vô chủ”.
So với các dự án ở trên, dự án này có tiến độ thực hiện khả quan hơn vì đã được các bên liên quan thống nhất về nhiều mặt, đồng thời UBND TP cũng đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường xem xét 2 khu đất ở huyện Bình Chánh và Nhà Bè nhằm thực hiện việc đổi đất lấy hạ tầng với Petroland. Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết Petroland không đầu tư đoạn đường trên là do gặp khó khăn về tài chính. Theo tính toán, tổng vốn đầu tư đoạn đường này khoảng 8.000 tỉ đồng (đã bao gồm giải phóng mặt bằng).
Việc Petroland rút lui khiến tiến độ khép kín đường Vành đai 2 càng trở nên xa vời. Đến nay, đường Vành đai 2 vẫn còn “hở” khoảng 14 km. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng đã có một vài nhà đầu tư đến Sở GTVT tìm hiểu về việc đầu tư các đoạn đường còn lại của đường Vành dai 2 nhưng đến nay vẫn chưa thấy họ lên tiếng nhận dự án. Sở GTVT cũng đang tích cực họp bàn phương án tài chính và tìm nhà đầu tư để có thể nhanh chóng khép kín đường Vành đai 2.
Theo giải thích của Sở GTVT tại cuộc họp với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP mới đây, việc huy động vốn từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đang gặp rất nhiều khó khăn. Đối với các dự án thực hiện theo hình thức BOT, Sở GTVT cho biết hiện nay trạm thu phí đã dày đặc nên khó đặt thêm trạm mới để thu hồi vốn cho các dự án sau này.
Tương tự, việc đầu tư dự án theo hình thức BT cũng gặp nhiều khó khăn vì quỹ đất TP không còn nhiều để giao cho nhà đầu tư khai thác thu hồi vốn. Đầu tư theo kiểu thanh toán bằng tiền cũng khó khả thi vì lãi suất ngân hàng khá cao. Thu hút nhà đầu tư mới gặp vô vàn khó khăn, trong khi các nhà đầu tư cũ lại rút lui khiến việc đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông của TP bị chững lại.
Xin hoài phát nản!
Trong buổi tọa đàm “Thực hiện các dự án đối tác công - tư: Kinh nghiệm và đề xuất” do Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cùng Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Sài Gòn Truyền Thông tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng chính cơ chế “xin - cho” cũng góp phần làm nản lòng nhà đầu tư. Thay vì thực hiện theo hợp đồng đã ký với UBND TP thì doanh nghiệp vẫn phải làm văn bản xin được thu phí hoàn vốn và phải đợi HĐND TP thông qua.
Điển hình là trường hợp của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP (CII). Trong hợp đồng BOT dự án cầu đường Bình Triệu 2 (phần 1 - giai đoạn 2) có ghi rõ thời gian thu phí hoàn vốn tại trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13 là 3 năm 3 tháng, bắt đầu chậm nhất từ ngày 1-4-2011. Tuy nhiên, sau đợt thu phí thử nghiệm thành công, đến nay CII vẫn chưa thể thu phí sau nhiều lần trình văn bản xin thực hiện theo hợp đồng.
|
http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/nhieu-du-an-trong-diem-bi-tac-20121224084913684ca33.chn