PGS.TS. Đỗ Đức Minh – Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) và các chuyên gia ngành Thuế, các chuyên gia thuế nước ngoài khẳng định việc chống chuyển giá rất phức tạp, rất khó khăn và ở Việt Nam càng khó hơn vì khuôn khổ luật pháp chưa hoàn thiện, đội ngũ cán bộ còn yếu.
Nỗ lực chống chuyển giá
Con số lỗ luỹ kế lên tới 3.768 tỷ đồng sau 18 năm hoạt động ở Việt Nam, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20%-30%/năm đã khiến Công ty Coca-Cola Việt Nam lọt vào diện nghi ngờ có hiện tượng chuyển giá.
Mới nhất năm 2010, doanh thu của Coca - Cola Việt Nam lên đến 2.529 tỷ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỷ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỷ đồng. Lỗ lớn như vậy nhưng DN này tuyên bố trong 3 năm tới sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư thêm 300 triệu USD (?!).
Không chỉ Coca – Cola Việt Nam, hàng loạt DN FDI khác cũng có những biểu hiện đáng ngờ về chuyển giá. Một nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội kể một ví dụ khá thú vị về Công ty Hanel thường xuyên báo lỗ, nhưng sau gợi ý cho các nhà quản lý “sẽ giải thể nếu tiếp tục lỗ” thì năm sau DN này báo lãi 3 triệu USD.
“Khi nguồn vốn FDI ồ ạt đổ vào Việt Nam, “chuyển giá” ngày càng gia tăng và có vẻ các cơ quan chức năng đang vô cùng khó khăn, chật vật và lúng túng để phát hiện, xử lý vấn đề này”, PGS.TS. Đỗ Đức Minh – Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) phát biểu.
Ông Minh lưu ý, hiện tượng chuyển giá từ những vụ việc đã phát hiện cho thấy NSNN của Việt Nam thất thu nhiều thế nào trong khi “toàn ngành Tài chính đang nỗ lực để đến ngày 27/12/2012 này, hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh về thu NS Quốc hội giao”.
Ngay với trường hợp của Coca-Cola Việt Nam, theo ông Nguyễn Quang Tiến – Vụ trưởng, Phó trưởng ban Cải cách, Tổng cục Thuế, cơ quan thuế chưa có nhận định nào về việc chuyển giá ở Coca – Cola Việt Nam vì chưa thanh tra Coca - Cola Việt Nam, Cục Thuế Tp.Hồ Chí Minh mới chỉ thanh tra năm tài chính 2006 của DN này nhưng đã giảm lỗ 72 tỷ đồng, giảm trừ chuyển lỗ quá thời hiệu 889 tỷ đồng. Ông cho thời gian tới đây tập trung vào thanh tra các DN sản xuất nước giải khát lớn như Coca- Cola và Pepsi, Nhà máy bia Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng, những năm tới hoạt động chuyển giá ở Việt Nam sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn. Ở Australia đã từng như vậy. Chúng tôi đã liên tục chống chuyển giá trong suốt 30 năm qua”, ông Michael Palmer – Chuyên gia về chuyển giá Australia - người đang hỗ trợ Tổng cục Thuế Việt Nam về giá chuyển nhượng và chuyển giá cho biết.
GS. Nhan Đình – Giám đốc Viện Kế toán quốc gia Thượng Hải (Trung Quốc) lưu ý, hoạt động chuyển giá thường có ở các tập đoàn đa quốc gia, các DN lớn. Ông chia sẻ kinh nghiệm có những DN nhìn bề ngoài là những DN bình thường, những DN độc lập nhưng giữa họ có những mối liên kết về đầu tư, về góp vốn hay sáp nhập hoặc là tham gia quản lý. Giữa họ có mối quan hệ điều phối nhau hoặc khống chế nhau, không giao dịch theo quy luật của thị trường.
Cách làm này của các DN không chỉ gây thất thoát nguồn thu thuế trong nước mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong sản xuất kinh doanh, thậm chí thôn tính đối tác kinh doanh.
Lực bất tòng tâm
Ông Minh và các chuyên gia ngành Thuế, các chuyên gia thuế nước ngoài khẳng định việc chống chuyển giá rất phức tạp, rất khó khăn và ở Việt Nam càng khó hơn vì khuôn khổ luật pháp chưa hoàn thiện, đội ngũ cán bộ còn yếu.
Năm 2012, Bộ Tài chính và ngành Thuế đã đặt thanh tra giá chuyển nhượng là nhiệm vụ trọng tâm, đã thanh tra 1.495 DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá, đã điều chỉnh giá, nên nhiều DN đang báo lỗ đã thành có lãi, truy thu và phạt 6,228 tỷ đồng, giảm lỗ 3.307 tỷ đồng, thu về ngân sách 207 tỷ đồng, đặc biệt có cuộc thanh tra điều chỉnh giảm giá vốn gần 80 triệu USD. Tổng cục Thuế |
Trong khi thực hiện việc chuyển giá, DN đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ chặt chẽ, hợp đồng có giá trị pháp lý... “Bản thân chúng tôi cũng không đủ kiến thức chuyên sâu đối với những giao dịch chuyên sâu của DN”, ông Michael Palmer chia sẻ.
Ông cho biết ở Australia tiến hành 30 cuộc thanh tra, kiểm toán/năm đối với 30 tập đoàn lớn nhất hoạt động ở Australia và nước này có tổ thanh tra chống chuyển nhượng với hơn 1000 cán bộ và chuyên gia nước ngoài. Còn ở Việt Nam, toàn ngành thuế có 46.000 người.
Phó trưởng ban Cải cách, Tổng cục Thuế Nguyễn Quang Tiến cho biết, Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế JICA, ADB, EU, IFC, WB về đào tạo nâng cao năng lực chống chuyển giá cho các cán bộ thuế và đây là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế.
Tổng cục Thuế đã có chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015. Đồng thời đã thành lập Tổ chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá, nhưng chỉ mới có 22 thành viên từ các vụ và đơn vị chức năng ở 2 cục thuế lớn là Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh. Dự kiến sẽ thành lập tổ chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá tại một số cục thuế có quản lý nhiều DN liên kết khác.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc quản lý vẫn là một dấu hỏi khi đội ngũ cán bộ ngành thuế còn nhiều yếu kém, bất cập, chưa hoà đồng được với trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ như hiện nay cán bộ có thể có trình độ thẩm tra, phân tích về báo cáo tài chính của DN nhưng lại yếu về ngoại ngữ nên không đọc được báo cáo của các DN nước ngoài. Trong khi đó, hoạt động chuyển giá của DN thường được lên kế hoạch trước và rất tỉ mỉ, thậm chí có cả sự giúp sức của các công ty kiểm toán để bằng mọi cách có thể lách luật được.
Một khoảng trống nữa trong việc xác định chuyển giá ở Việt Nam đó là thiếu các thông tin bổ trợ quan trọng hỗ trợ cho việc phân tích so sánh như: cơ cấu tổ chức, quan hệ sở hữu vốn trong tập đoàn, quy trình sản xuất sản phẩm, thông tin chung của ngành (như xu hướng phát triển, tốc độ tăng trưởng, tỷ suất lợi nhuận của ngành).
Thiếu những thông tin này sẽ không thể áp dụng phương pháp định giá công bằng để tìm ra những kẽ hở chuyển giá.
Dẫn chứng cho vấn đề này ông Nhan Đình cho biết, ở Trung Quốc cũng có những công ty sản xuất nước giải khát nước ngoài, nhưng các công ty sản xuất trong nước chiếm một vị thế cân bằng 50/50 nên các cơ quan quản lý có cơ sở để xác định giá cũng như lợi nhuận thật của các DN nước ngoài.
Ngoài ra việc thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền đánh thuế của các nước dẫn đến sự hợp tác trao đổi thông tin từ cơ quan thuế nước ngoài còn hạn chế.
Quan điểm của ngành Thuế là đưa trách nhiệm của các công ty kiểm toán vào chế tài. Nếu khi cơ quan thuế phát hiện có hoạt động chuyển giá của DN thì công ty kiểm toán cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật. Đây là một cách xử lý sòng phẳng, nếu cơ quan kiểm toán đã “ăn” phí dịch vụ của DN để tiếp tay chuyển giá thì cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi bị phát hiện. Ông Nguyễn Quang Tiến – Vụ trưởng, Phó trưởng ban cải cách, Tổng cục Thuế |
Theo Linh Ly
TBNH
http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/kho-nhu-chong-chuyen-gia-2012121212013935ca33.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,542.00 | 5,042.00 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,606.30 | 4,106.30 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,714.90 | 13,214.90 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,755.20 | 1,355.20 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 290
- Truy cập hôm nay: 799
- Lượt truy cập: 8834885