Các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2012 tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội được phát huy và đạt kết quả.
Ngày 29/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2012.Kết quả tích cực đạt được nhờ giải pháp điều hành
Theo đó, về giá cả và lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,47% so với tháng trước. Như vậy, tốc độ tăng CPI tiếp tục giảm mạnh từ mức 2,2% trong tháng 9 (cao nhất kể từ đầu năm) xuống còn 0,85% trong tháng 10 và 0,47% trong tháng 11.
Đây là kết quả của việc thực hiện kịp thời các biện pháp ổn định giá cả thị trường, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012.
Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức cao, có xuất siêu, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cán cân tổng thể, tăng dự trữ ngoại tệ Nhà nước. Tính chung 11 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 103,98 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. 11 tháng đầu năm đã cân bằng xuất nhập khẩu.
Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực qua từng tháng, chỉ số tồn kho giảm dần và thấp hơn nhiều so với đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Sản xuất nông nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng vẫn phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá, khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng đầu năm ước đạt trên 6 triệu lượt người, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2011.
An sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm. Trong 11 tháng của năm 2012, cả nước nước tạo việc làm cho trên 1,39 triệu lao động, đạt 86,9% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 72,5 nghìn người, đạt 85% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nổi lên là kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, vẫn còn tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao trở lại; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chậm được xử lý và có nguy cơ tăng; việc triển khai cơ cấu lại một số ngân hàng yếu kém còn chậm; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giảm quy mô, ngừng hoạt động, giải thể vẫn còn lớn, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động; đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là người nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, người lao động mất việc làm còn nhiều khó khăn...
Thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm
Tại phiên họp này, nhiều thành viên Chính phủ nhận định thời gian tới, tốc độ tăng CPI có thể sẽ cao lên do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, nhất là nhu cầu về lương thực, thực phẩm, song chúng ta phải giữ cho được CPI cả năm 2012 theo mục tiêu đã đề ra (vào khoảng 8%), vì việc thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm 2012 không chỉ cho năm nay mà còn cho cả năm 2013 và các năm tiếp theo.
Với tinh thần chung như vậy, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát và một số thành viên Chính phủ đề xuất, cần tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm; bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm; xử lý nghiêm và công khai các hành vi đầu cơ trục lợi, găm hàng, đẩy giá lên cao trong dịp Tết Nguyên đán.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho hay, với những giải pháp tổng thể, quyết liệt, hiệu quả đã được các lực lượng chức năng triển khai thực hiện thời gian qua, tới nay tới nay tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm đã giảm mạnh, đặc biệt là gà nhập lậu đã giảm được 90%. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống, xử lý tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm nhất là tình trạng nhập lậu trâu, bò mang mầm mống dịch bệnh (từ Campuchia) ở khu vực biên giới Tây Nam.
Bên cạnh kiểm soát lạm phát, một số thành viên Chính phủ cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, cần tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế; đồng thời rà soát lại tình hình tồn kho, đề xuất giải pháp, cơ chế, phù hợp để hỗ trợ tiêu thụ, xử lý hàng tồn kho. Quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; thúc đẩy xuất khẩu, duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Ngoài ra, việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng là những nội dung lớn được các thành viên Chính phủ đề cập.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay trước hết phải thực hiện các giải pháp tăng cầu cho thị trường bất động sản theo hướng hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở; cơ cấu lại sản phẩn cho phù hợp với khả năng thanh toán của người dân nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp; xem xét thành lập các định chế tài chính phù hợp nhằm tạo nguồn vốn cho thị trường bất động sản cả về trung và dài hạn.
Chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở vừa nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân, vừa tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và đẩy mạnh việc tiêu thụ nhóm hàng vật liệu xây dựng tồn đọng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói.
Tại phiên họp, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh đề nghị các Bộ, ngành địa phương quan tâm hơn nữa tình tới công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; phòng chống tội phạm, cải cách hành chính; đặc biệt hết sức lưu ý tới việc phòng, chống lãng phí trong dịp Tết nguyên đán, đảm bảo cân đối ngân sách cho năm 2013, quyết liệt xử lý nợ xấu.
Nhấn mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp làm một lợi thế rất lớn của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị cần tính toán một cách căn cơ hơn nữa kế hoạch phát triển nông nghiệp cho năm 2013, trong đó có tính toán về quy hoạch thủy lợi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản,… Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng lưu ý cần quan tâm nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo về thị trường, sớm phát hiện và có biện pháp ứng phó linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ tháng 11/2012. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tạo đà cho năm 2013
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2012 tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng; các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đã báo cáo trước Trung ương, Quốc hội có khả năng thực hiện được.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, khó khăn thách thức trước mắt còn rất lớn. Vì vậy, cần tiếp tục tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì được mức tăng trưởng hợp lý, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2012, tạo đà cho năm bản lề 2013.
Cùng với đó là tích cực, khẩn trương chuẩn bị kế hoạch, nhiệm vụ của năm 2013 ngay từ bây giờ, trong đó hết sức lưu ý tới nhiệm vụ kiểm soát giá cả, lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội của năm 2013; đảm bảo cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2013 là sâu sát, cụ thể.
Chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; không chủ quan, lơ là trước mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ giá cả của các mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh, sữa, xăng dầu, thực phẩm.
Tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất theo chiều hướng giảm dần của lạm phát, cho đây là việc làm thiết thực, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa là để kích thích kinh tế nhằm duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.
Rà soát các khoản thu, quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước, đồng thời giữ được mức bội chi NSNN như đã được Quốc hội thông qua. Tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu, hàng tồn kho mà trực tiếp là bất động sản.
Chú ý thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhất là các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ứng trước của năm 2013, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn FDI, ODA; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, bảo đảm hiệu quả trong đầu tư công.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; ưu tiên cho phát triển nông nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu nhất là đối với những sản phẩm chúng ta có lợi thế; duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý thị trường, giá cả, tăng cường các điểm bán hàng bình ổn giá, chuẩn bị đủ hàng hóa phục vụ cho dịp Tết. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo; kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chất cấm trong thực phẩm.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngay từ bây giờ phải xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho Tết nguyên đán, trong đó lưu ý tới tới thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chương trình Tết cho người nghèo; kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ; triển khai hiệu quả các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp cuối năm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó phải chấm dứt cho được tình trạng nhập gia súc, gia cầm lậu.
Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhất là những vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm; phát huy các hình thức thông tin hiệu quả đang được thực hiện như đối thoại trực tuyến, Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, qua đó tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2012.
*Tại phiên họp này, Chính phủ cũngxem xét, thảo luận về Đề án Cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2012 – 2020, Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.
Theo Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc
Chinhphu.vn
http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/thuc-hien-cho-duoc-muc-tieu-kiem-che-lam-phat-cua-ca-nam-20121129063258992ca33.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,240.90 | 4,820.90 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,343.40 | 3,943.40 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
13,930.30 | 12,630.30 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,694.10 | 1,344.10 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 142
- Truy cập hôm nay: 2867
- Lượt truy cập: 8603237