Hôm qua, khi dự thảo Luật Thuế TNCN được “đặt lên bàn nghị sự”, thì ở ngoài xã hội, dư luận lại xôn xao về mức học phí ngất ngưởng khi sinh viên một trường đại học ở Hà Nội phải làm “thủ tục nhập trường” với 5,1 triệu đồng cho 8 khoản phí, chưa kể chi phí ký túc xá.
Trong đó, có không ít khoản “vẽ voi”: Tiền thẻ, học quy chế, đồng phục thể dục, vệ sinh, thậm chí cả tiền… đồng phục tình nguyện. Điều đáng nói, mức học phí trên không phải là cá biệt khi mà một quan chức nhà trường khẳng định: “Mức thu đã được nhà trường tính toán, tham khảo cụ thể. So với tình hình thực tế thì còn khá… khiêm tốn”.
Tình hình thực tế là như thế nào, và tính toán phù hợp ra sao? Điều đó không được giải thích.
Hóa ra, “thực tế” đôi khi không phải là “thực tế”, khi giữa cách nhìn, cách hiểu và sự chịu đựng thực tế của người làm chính sách và người “bị chính sách” điều chỉnh là rất khác nhau.
Trên bàn nghị sự chiều qua, khi Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS của Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiên quyết bảo lưu quan điểm mức khởi điểm chịu thuế 7 triệu đồng/người/tháng và giảm trừ gia cảnh 2,8 triệu đồng, thay vì 9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng như tờ trình của Chính phủ, đã không nhận được sự đồng tình của nhiều người.
Thậm chí, việc đòi hạ mức khởi điểm chịu thuế đã được Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn ví như “gáo nước lạnh”.
Kể từ năm 2007, lạm phát cộng dồn đã làm VND mất giá tới 70%. Và việc một luật thuế có hiệu lực chưa tới 3 năm đã 3 lần phải điều chỉnh bằng cách dãn, miễn cho người bị chính sách điều chỉnh là một minh chứng rõ ràng nhất cho thấy những tính toán, cách nhìn nhận thực tế của người làm chính sách, với thực tế của dân chúng rất khó gặp nhau.
Và vì thế, việc tính toán một mức khởi điểm cũng như giảm trừ gia cảnh căn cứ vào mức “lạm phát lý thuyết” 7%, cho thấy Uỷ ban TC-NS chưa có sự thay đổi so với những người soạn thảo Luật Thuế TNCN mà hôm nay uỷ ban này đang có trách nhiệm thẩm tra, chỉnh sửa để phù hợp với thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai hôm qua đã nói lên một sự thật là từ 2007, nền kinh tế liên tục gặp khó khăn, lương có tăng cũng không bù đắp được (sự mất giá đồng tiền) so với lạm phát.
Và sự thật đáng để những người làm chính sách phải suy nghĩ nhất là việc chúng ta “hoàn toàn chưa công bố được mức sống tối thiểu”, trong một bối cảnh là “tiền lương tối thiểu hoàn toàn không đủ đáp ứng một mức sống tối thiểu”.
Thế nào là mức sống tối thiểu - điều đó hôm qua chưa có câu trả lời. Ấy thế mà hai từ “hợp lý” liên tục được đưa ra, để giải thích cho điều ngay chính một vị chủ nhiệm ủy ban khác của QH là ông Phan Trung Lý còn phải yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ.
Việc một luật thuế nhìn nhận thực tế đời sống người dân qua lăng kính quan chức, định ra một mức cho đó là tối thiểu, hoặc không quan tâm đến thế nào là tối thiểu cũng giống với việc - như bà Mai nói - “chỉ biết thu tiền rồi mặc kệ người dân muốn sống thế nào thì sống”.
Đó là chưa kể tới cách đặt vấn đề: Mỗi người nộp thuế chỉ được giảm trừ gia cảnh cho 2 trường hợp, trong khi văn hóa Việt Nam là gia đình nhiều thế hệ. Liệu người dân có chấp nhận một bộ luật buộc họ phải chọn hoặc là phụng dưỡng cha mẹ, hoặc là nuôi con?
Theo Đào Tuấn
Lao động
http://cafef.vn/20120914093511209CA33/gao-nuoc-lanh.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,562.70 | 5,102.70 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,623.50 | 4,143.50 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,770.10 | 13,310.10 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,752.70 | 1,352.70 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 153
- Truy cập hôm nay: 2411
- Lượt truy cập: 8842137