Các đại biểu đều nhất trí cao việc cần thiết phải có đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên việc lựa chọn “nội thất” - phương án, nguồn lực nào để thực hiện thành công đề án - lại không được đề án nói rõ. Nói như đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) thì “mô hình hướng tới của đề án là “nhà cấp 4” hay “biệt thự” vẫn chưa rõ ràng”.
Cần cụ thể nguồn lực
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) mở đầu ngày thảo luận bằng một loạt câu hỏi còn bỏ ngỏ trong đề án. Ông nói bản chất tái cơ cấu kinh tế chính là phân bổ lại nguồn lực để giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất, nhưng phải làm rõ việc phân bổ nguồn lực đó như thế nào? Cái nào dùng nguồn lực nhà nước, cái nào dùng nguồn lực xã hội? Ông Hòa nói tiếp: “Phải lượng giá được quá trình này, ảnh hưởng ngân sách chung và riêng thế nào? Đồng thời làm rõ hệ thống luật pháp để thúc đẩy tái cơ cấu, môi trường pháp lý để đầu tư tái cơ cấu. Phải cho thấy tái cơ cấu không là việc của riêng doanh nghiệp nhà nước như đề án nói mà là toàn xã hội. Như vậy mới huy động tối đa nguồn lực”.
Còn đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc tìm thêm nguồn lực là rất khó nhưng nếu sử dụng đúng chỗ cũng là cách để tăng thêm nguồn lực. Ông Phương đề xuất: “Nên đặt vấn đề ở nơi nào là điểm nghẽn, như vậy mới xác định được trọng tâm tái cơ cấu. Nhà nhà, ngành ngành, người người tái cơ cấu thì sẽ thành phong trào, làm suy giảm nguồn lực”.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng đề án còn bỏ quên nhiều nguồn lực. Ông nói: “Nên xem lại có nên tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng quá thiên về xuất khẩu hay không. Bởi lẽ thời gian qua xuất khẩu có tăng nhưng nhập khẩu còn tăng nhiều hơn. Phụ thuộc vào xuất khẩu, khi nền kinh tế thế giới “sổ mũi” thì chúng ta cũng “hắt hơi” theo, trong khi nền kinh tế nội địa với 88 triệu dân lại không được đề án hướng tới nhiều. Đồng thời những lợi thế sẵn có về tự nhiên, địa chính trị như lợi thế về nông nghiệp, lợi thế về bờ biển dài... chưa thấy đề án đề cập”.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng mô hình hướng tới của đề án chưa rõ ràng - Ảnh: Việt Dũng |
Tránh đua đòi tái cơ cấu
Một câu chuyện rất thực tế mà đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) đặt ra: “Thời gian qua nhiều nơi, nhiều công trình đua nhau áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới, kỷ lục mới. Tốt thì có tốt nhưng tốn kém vô cùng”. Ông Học dẫn chứng nhiều tỉnh đua nhau làm cầu dây văng, nhưng giá thành của cầu dây văng đắt gần gấp đôi cầu bêtông. Trong khi cầu Thăng Long xây bằng bêtông theo công nghệ của Nga đã gần 30 năm nay vẫn sử dụng tốt nhưng giờ nếu xây cầu lớn vượt sông, ít địa phương áp dụng phương án này.
Từ điều này, ông Học cho rằng việc tái cơ cấu có xáo trộn, sắp xếp lại nhiều đơn vị, thành phần kinh tế, nếu nơi nào cũng đua nhau làm theo cái mới nhất, đắt nhất mà không cân phân hiệu quả sẽ là tai họa. Ông Học đơn cử mới đây nhất Vinalines dự định dùng 100.000 tỉ đồng phát triển đội tàu, nhưng bị phản ứng sau mấy hôm đã giảm xuống còn 68.000 tỉ đồng. “Làm quy hoạch mà thay đổi mau chóng như vậy thì rất nguy hiểm cho việc tái cơ cấu” - ông Học dẫn chứng.
Cùng suy nghĩ này, đại biểu Phạm Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng không nên tái cơ cấu theo kiểu 63 tỉnh là 63 nền kinh tế, dẫn đến không tập trung mạnh cho lĩnh vực, địa phương nào mà làm phân tán nguồn lực. Ông Hùng nói việc cần tránh nhất trong tái cơ cấu là đầu tư tràn lan dẫn tới thiếu vốn. Điển hình là cả nước có tới 260 cảng, 21 sân bay, 28 khu kinh tế cửa khẩu nhưng nhiều cảng không có hàng bốc dỡ, sân bay chỉ bay được vài chuyến/ngày và nhiều khu kinh tế cửa khẩu bỏ hoang.
Đại biểu Phạm Văn Hổ (Phú Yên) rất thực tế khi đề nghị trong việc tái cơ cấu phải cho thấy rõ địa phương sẽ được lợi gì, được ưu đãi gì. “Chẳng hạn chúng ta kêu gọi giữ cho được 3,8 triệu ha đất trồng lúa, nhưng không cho các địa phương thấy họ được lợi gì trong việc giữ đất lúa và cũng không có kế hoạch gì cụ thể thì địa phương không dại mà giữ để chịu thiệt” - ông Hổ thẳng thắn.
Về sự bảo đảm thành công cho việc tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) nói phải rút ra bài học kinh nghiệm sau những lần tổ chức đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp trước đây. Đó là những bài học thực tiễn quý giá mà nếu chúng ta phớt lờ cũng là bỏ qua một nguồn lực.
Nhiều đại biểu cho rằng nên lập ra một cơ quan độc lập, thay mặt Quốc hội để kiểm soát quá trình tái cơ cấu. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) còn kiến nghị nên thành lập bộ máy điều tra đặc biệt, kiểm toán viên giỏi nhất, thanh tra giỏi nhất, điều tra viên giỏi nhất. Cho họ chế độ đặc biệt để thực thi công vụ trong quá trình kiểm soát tái cơ cấu. Có vậy mới đủ cơ chế để đề án này thành công
* Đại biểu ĐỖ MẠNH HÙNG (Thái Nguyên): Không để lợi ích nhóm chi phối Việc tái cơ cấu nền kinh tế cần nhất là phải làm rõ cho người dân thấy mình có lợi ích trong đó, chứ không phải một nhóm người nào đó được hưởng lợi ích. Có như vậy mới khoan được sức dân. Tôi đề nghị giảm mạnh đầu tư theo kiểu cấp vốn mà tăng qua kênh tín dụng để đối tượng nhận vốn có trách nhiệm hơn. Đồng thời tách chức năng quản lý nhà nước và chủ sở hữu. Nên có một hội đồng quản lý vốn do Thủ tướng hoặc phó thủ tướng làm chủ tịch với các thành viên gồm nhiều thành phần của hệ thống chính trị. * Đại biểu BÙI VĂN PHƯƠNG (Ninh Bình): Đừng nghĩ tái cơ cấu không tốn tiền Đang có tư duy cho rằng tái cơ cấu không phải là gói cứu trợ mà chủ yếu xây dựng chính sách để tạo đòn bẩy nên không tốn chi phí. Nhưng tôi suy nghĩ khác, đơn cử công nghệ cũ, ô nhiễm môi trường nếu thay đổi đâu thể bán nhà máy cũ đi, không thêm tiền mà có nhà máy mới. Nhất định phải có tiền để đổi công nghệ. Chưa kể những vấn đề khác như việc xây dựng hành lang pháp lý, các quy chuẩn kinh tế để xã hội đi theo. Do đó ngoài việc sắp xếp lại vốn, đang cần một nguồn vốn khác để điều hành việc tái cơ cấu này. |
Theo Viễn Sự Tuổi trẻ
http://cafef.vn/20120611083543749CA33/chon-noi-that-nao-cho-ngoi-nha-kinh-te.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,544.00 | 5,084.00 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,608.00 | 4,128.00 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,720.30 | 13,260.30 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,741.30 | 1,341.30 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 279
- Truy cập hôm nay: 5391
- Lượt truy cập: 8845117