Thúc đẩy giải ngân
Thông tin mới nhất ngay trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), diễn ra trong hai ngày 4-5/6/2012 tại Đông Hà (Quảng Trị), đó là Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng công bố Chiến lược Đối tác quốc gia (CPS) của WB với Việt Nam giai đoạn 2012 - 2016. Theo đó, chiến lược mới sẽ hỗ trợ những cải cách và các khoản đầu tư được coi là then chốt cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, thì trong giai đoạn CPS mới, phân bổ dự kiến từ nguồn vốn ưu đãi của WB, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), để hỗ trợ Việt Nam là khoảng 4,2 tỷ USD. “Đây sẽ là lượng vốn IDA được phân bổ lớn nhất cho Việt Nam từ trước đến nay, phản ánh hiệu quả hoạt động của Việt Nam, cũng như việc tăng tổng thể nguồn IDA. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ có thể tiếp cận nguồn IBRD (Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển), dự kiến khoảng 770 triệu USD đến giữa năm 2014”, bà Kwakwa cho biết.
Động thái này, tiếp theo khoản cam kết gần 7,4 tỷ USD của các nhà tài trợ tại Hội nghị CG 2011, cũng như các công hàm trao đổi khoản tín dụng ưu đãi mà Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam hồi cuối tháng 3 vừa qua…, đã một lần nữa cho thấy sự tin tưởng của các nhà tài trợ, các đối tác phát triển dành cho Việt Nam.
Cam kết sử dụng hiệu quả từng đồng vốn ODA đã hơn một lần được Chính phủ Việt Nam khẳng định. Song thực tế, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, giải ngân vốn ODA của Việt Nam, dù đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới.
“Giải ngân trung bình vốn ODA của ADB trong khu vực là trên 23%, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ khoảng 16%. Hàng tỷ USD vốn ODA mà ADB dành cho Việt Nam vẫn còn tồn đọng, cần phải có giải pháp để thúc đẩy giải ngân”, Thứ trưởng Sinh nói và cho biết rằng, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay, việc đẩy nhanh thực thực hiện, giải ngân vốn đầu tư, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn FDI, ODA được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu để tăng tổng cầu, giảm hàng tồn kho và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tình hình giải ngân vốn ODA trong 5 tháng đầu năm nay đã có bước cải thiện rõ rệt, với khoảng 1,72 tỷ USD (trong đó, vốn vay là 1,57 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại là 159 triệu USD), tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2011, giải ngân vốn ODA đã đạt 3,65 tỷ USD - một con số rất cao. Còn năm nay, những kỳ vọng tiếp tục được đặt ra. Thậm chí, năm 2012 còn được Việt Nam và các nhà tài trợ coi là năm tạo sự đột phá trong giải ngân vốn ODA.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực hơn nữa trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, như giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị, quản lý dự án… để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và sử dụng hiệu quả từng đồng vốn quý báu này”, Thứ trưởng Sinh nói và cho biết, sau khi Chính phủ ban hành định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015, Nghị định 131/2006/NĐ-CP về quản lý, sử dụng vốn ODA cũng đang được sửa đổi, bổ sung, nhằm đơn giản hóa và hài hòa thủ tục, thúc đẩy giải ngân vốn ODA.
Nâng cao hiệu quả viện trợ
Song một điều quan trọng hơn, như bà Victoria Kwakwa đã từng khẳng định, không phải là giải ngân được bao nhiêu tiền, mà là đồng tiền đó đã hỗ trợ cho Việt Nam thế nào trong quá trình phát triển. Hiệu quả viện trợ có ý nghĩa quan trọng như vậy.
Tại Diễn đàn Hiệu quả viện trợ lần thứ 5, với chủ đề Nâng cao hiệu quả viện trợ vì sự phát triển bền vững, diễn ra ngày 30/5 tại Hà Nội, ông Franz Jessen, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng đã một lần nữa nhấn mạnh điều này. Ông Jessen cũng bày tỏ kỳ vọng rằng, thông qua Diễn đàn này, các nhà tài trợ sẽ có những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ, nhằm giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu quan trọng trong những năm tới.
Những mục tiêu đó, theo ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã được chỉ rõ trong Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015. Đó là, vốn ODA sẽ được sử dụng để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, trong đó tập trung vào 3 đột phá chiến lược đã được xác định trong Chiến lược 10 năm 2011 - 2020.
“Nguồn vốn quý báu này cũng được xác định là sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện Đề án Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 - 2020, cũng như hỗ trợ thực hiện các chương trình quốc gia giai đoạn 2012 - 2015. Các sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường cao tốc, hệ thống nguồn điện, lưới điện… sẽ được ưu tiên cao nhất trong sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để phát triển…”, ông Khang cho biết.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, trong khuôn khổ các Hội nghị CG thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển đã đi tới thống nhất rằng, sẽ chuyển trọng tâm hợp tác giữa hai bên từ nguồn lực và huy động nguồn lực sang các đối thoại thực tiễn hơn.
Thực tế, khi công bố CPS mới với Việt Nam, WB cũng đã nhấn mạnh 3 nội dung chính trong hợp tác chiến lược giữa hai bên, bao gồm tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam, nâng cao tính bền vững trong quá trình phát triển và mở rộng điều kiện tiếp cận với các cơ hội kinh tế, xã hội. Chiến lược cũng đã nhấn mạnh việc cải cách, xóa bỏ sự thiếu hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.
“Trước kia, sự hợp tác chỉ tập trung vào dòng tài chính. Nhưng Việt Nam đang ngày một thành công ở nhiều lĩnh vực, nên WB phải chuyển sang những hình thức hỗ trợ về tri thức, ý tưởng sáng tạo để Việt Nam tự vận dụng”, bà Kwakwa khẳng định.
Theo Nguyễn Hà
Báo đầu tư
http://cafef.vn/20120604092751531CA33/nang-cao-hieu-qua-vien-tro.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,537.00 | 5,077.00 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,602.20 | 4,122.20 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,701.50 | 13,241.50 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,728.30 | 1,328.30 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 94
- Truy cập hôm nay: 5853
- Lượt truy cập: 8845579