Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Quả đấm bông thay vì quả đấm thép
2012-05-25 09:51:04

 

TBKTSG đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với TS. Nguyễn Tú Anh, Phó trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Theo ông, với tình hình đã và đang diễn ra với các “quả đấm thép”, liệu chiến lược công nghiệp hóa sẽ đi về đâu?

Ông Nguyễn Tú Anh: Nếu vẫn tiếp tục như thế mà không thay đổi thì chiến lược công nghiệp hóa chắc chắn sẽ phải thất bại.

Vấn đề lớn nhất rút ra từ những đổ vỡ này là gì?

- Vấn đề cực kỳ nghiêm trọng ở đây là quản trị. Tức là dòng vốn đổ vào cho các tập đoàn này đã không kiểm soát được. Lỗ mà không ai biết, đến khi vỡ ra rồi, mới hay.

Như vậy, sự đổ vỡ là do cách thức thực hiện chứ không phải do chọn ngành?

- Tôi không nói là tất cả những ngành được lựa chọn để phát triển đều đúng. Có một thời chúng ta đã chọn rất nhiều ngành mũi nhọn, tương tự như một quả mít vậy, chỗ nào cũng mũi nhọn cả. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại vì việc lựa chọn không dựa trên lợi thế gì cả. Công nghiệp ô tô là một ví dụ cụ thể.

Đóng tàu, vận tải hàng hóa, logistics... thì cũng đâu có gì khá hơn. Thế nhưng, trong Đề án tái cơ cấu kinh tế mà ông là thành viên soạn thảo vẫn đề xuất tập trung ưu tiên phát triển một số ngành mũi nhọn, trong đó có những ngành kể trên?

- Việt Nam có bờ biển dài, lại nằm trên những tuyến vận tải sôi động nhất của thế giới. Nền kinh tế của chúng ta lại có độ mở rất cao với tỷ lệ xuất nhập khẩu trung bình hàng năm chiếm trên 160% GDP... Đấy là những lợi thế mà nhiều nước khác muốn cũng không có. Thế thì tại sao chúng ta lại phải từ bỏ? Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc tận dụng lợi thế để phát triển đội tàu nhằm ít nhất chiếm được một thị phần nào đó trong vận tải hàng hóa. 

Tôi cho rằng Vinashin, Vinalines đổ vỡ không có nghĩa là bỏ hết, không làm nữa hoặc bỏ đi để làm cái khác. Trong trường hợp này, thất bại không phải do chọn ngành mà như tôi nói lúc đầu, vấn đề nghiêm trọng là ở cách thức thực hiện, là vấn đề quản trị.

Điều đó có nghĩa để phát triển những ngành được lựa chọn, Chính phủ vẫn phải đổ tiền vào cho các tập đoàn nhà nước? Giống như Đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sẽ tiếp tục chi thêm 100.000 tỉ đồng cho Vinalines để phát triển đội tàu?

- Theo tôi, đối với những ngành mũi nhọn, có sức lan tỏa cao trong nền kinh tế chúng ta vẫn phải đầu tư nhưng cách thực hiện phải khác. Trước hết, cần phải tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Cải tổ để tạo một cơ chế quản trị minh bạch và giám sát chặt chẽ, kịp thời nhằm đảm bảo rằng những đồng tiền không bị ném ra một cách vô trách nhiệm. Cải tổ để có một cơ chế thân thiện thị trường hơn. 

Tức là, tạo một sân chơi bình đẳng, trong đó không riêng gì doanh nghiệp nhà nước mà các công ty tư nhân đều được tham gia vào thị trường. Muốn được như vậy, cần phải tách chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành ra khỏi chức năng quản lý kinh doanh.

Khi những vấn đề đó được đảm bảo rồi thì mới bỏ tiền vào đầu tư, chẳng hạn như cho Vinalines. Điều này cũng phù hợp với đề án tái cơ cấu kinh tế mà chúng tôi đã đề xuất.

Cải cách về quản trị là đúng. Nhưng nhiều người vẫn băn khoăn bằng cách nào để các doanh nghiệp nhà nước có động lực nâng cao hiệu quả?

- Theo tôi, đối với những ngành mà tư nhân cũng muốn tham gia thì nhất thiết phải tiến hành cổ phần hóa, rút dần vốn nhà nước, biến họ thành những doanh nghiệp tư nhân. Còn những lĩnh vực mà tư nhân không làm nhưng đưa lại lợi ích to lớn cho xã hội thì mô hình quản trị phải rất khác so với thông thường. Chúng tôi đang nghiên cứu để đề xuất có một cơ chế riêng cho những doanh nghiệp nhà nước dạng này. 

Ở đây, đúng là không chỉ vấn đề kiểm soát mà còn phải làm thế nào tạo ra động lực để các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả. Mô hình này vẫn đang được mổ xẻ, tranh luận nhưng một thực tế cho thấy ở Singapore là khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động hết sức hiệu quả, chứ không phải nhà nước thì không hiệu quả.

Nhưng như vậy thì rút cuộc có nên tạo ra những “quả đấm thép”?

- Những quả đấm thép, những tập đoàn to lớn không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng là làm sao để đạt được công nghệ cao, công nghệ lõi trong một ngành, một lĩnh vực nào đấy của nền kinh tế và có tính độc lập, tự chủ để chúng ta bình đẳng trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu (chứ không phải bất bình đẳng như hiện nay). Có những sự ngộ nhận rằng để đạt được mục tiêu thì phải tạo ra lợi thế kinh tế quy mô, những quả đấm thép. 

Lập luận này chưa hẳn đúng. Hơn thế, người ta đã lợi dụng lập luận ấy để tạo ra những tập đoàn và những tập đoàn ấy không thành quả đấm thép mà lại trở thành những quả đấm bông thôi.

Vai trò của Nhà nước là chỉ tạo ra cú hích ban đầu cho một nhóm ngành nào đấy và dĩ nhiên là ngành đó phải có những lợi thế mà thị trường nhìn thấy được. Khi ấy, các nguồn vốn sẽ tích tụ vào đó, kể cả nguồn vốn tư nhân hay nước ngoài. Trong quá trình đó, các doanh nghiệp sẽ lớn mạnh dần và hình thành những quả đấm thép. Đây mới là quả đấm thép đích thực do thị trường tạo ra, thay vì những quả đấm bông do ý chí nhà nước tạo ra.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch:

Cần tách bạch hai việc

Vấn đề phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải hàng hải là đúng bởi đó là những ngành kinh tế mang tính chiến lược quốc gia. Xác định ngành gì là mũi nhọn phải dựa trên lợi thế tĩnh và động của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Ví dụ, Việt Nam có chiều dài bờ biển lớn, đây là lợi thế không phải quốc gia nào cũng có trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết Trung ương về kinh tế biển cũng nói rõ, ngành đóng tàu, ngành vận tải biển là những ngành cần thiết cho nền kinh tế. Việc định hình những ngành chiến lược gắn liền với quá trình xây dựng, công nghiệp hóa đất nước, đặc biệt là kinh tế biển, cần có những chính sách phát triển phù hợp. Còn việc xử lý các tập đoàn làm ăn thua lỗ lại là chuyện khác. Cần tách bạch hai việc với nhau.

Tuy nhiên, khi xác định ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển là ưu tiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì chúng ta lại thiếu chính sách để các thành phần kinh tế tham gia mà chỉ tập trung cho một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đây cũng là một nguyên nhân khiến ngành đó không phát triển được.

Sắp tới, tôi cho rằng không nên tập trung nguồn lực đầu tư vào các tập đoàn, công ty nhà nước nữa. Rất tiếc, đề án tái cơ cấu kinh tế mà Chính phủ trình Quốc hội mới chỉ đưa ra cái khung, mới ở dạng ý tưởng chứ chưa hẳn là đề án đầy đủ. Điều quan trọng, không phải chỉ xác định phát triển ngành gì mà còn là làm cách nào, dựa trên nguồn lực nào.

TS. Nguyễn Quang A:

Mềm quá thì tiêu!

Tập đoàn nhà nước ở Việt Nam là một sự tập trung quyền lực hết sức mạnh mẽ. Mà đã tập trung quyền lực, cho nó được ưu ái nhiều hơn thì ắt sẽ dẫn đến một tình trạng mà giới kinh tế học gọi là ràng buộc ngân sách mềm. Tức là ở bên ngoài mang vào cho doanh nghiệp chứ không phải do tự doanh nghiệp làm ra. Điều này dẫn đến hệ quả là làm cho người lãnh đạo doanh nghiệp đó sinh ra tâm lý ỷ lại, chẳng phải lo lắng gì cả. Cần gì phải lo khi mà được ưu ái đến vậy. Thiếu tiền, đã có ngân hàng cho vay hoặc lỗ lã thì được bù theo chỉ đạo.

Ngược lại, ngân sách cứng là doanh nghiệp phải tự lo, tự xoay xở. Ví dụ, muốn có một khoản vay tín dụng, phải bị ngân hàng săm soi tính hiệu quả. Khi ngân hàng làm vậy, họ đã thực hiện một chức năng vô cùng quan trọng, đó là làm cho ràng buộc ngân sách của doanh nghiệp cứng lên. Nếu hai điều kiện cơ bản để một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là ràng buộc ngân sách cứng và cạnh tranh thì cả hai điều kiện ấy đều thiếu đối với các tập đoàn nhà nước Việt Nam.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM:

Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật!

Trong khi hàng triệu người dân phải tính từng đồng bạc, từng mớ rau, quả trứng thì sự phung phí một cách vô lối ở các tập đoàn như thế rõ ràng là một tội lỗi. Tội lỗi đối với nền kinh tế. Tội lỗi đối với người dân. Đây chính là lúc Nhà nước phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá một cách cầu thị và dẫu có đắng cay, cũng phải làm để có thể gầy dựng lại từ đống đổ nát này. Trước mắt, cần phải xem xét toàn diện khung pháp lý về quản trị đối với các tập đoàn nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Câu hỏi đặt ra là còn những “tên tuổi” nào chưa bị phát hiện?

Theo Nguyên Tấn

TBKTSG

http://cafef.vn/2012052507438531CA33/qua-dam-bong-thay-vi-qua-dam-thep.chn





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,537.605,077.60
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,602.704,122.70
100g ABC Bullion Bar
14,703.1013,243.10
1kg ABC Bullion Silver
1,724.201,324.20
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 267
  • Truy cập hôm nay: 6373
  • Lượt truy cập: 8846099