Liệu đề án tái cơ cấu kinh tế nói chung, hay đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói riêng có giải quyết được bài toán thua lỗ này?
Cuối cùng, điều gì phải đến đã đến với những người từng cầm lái con tàu Vinalines. Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Dương Chí Dũng và hai cựu lãnh đạo khác của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã bị khởi tố bị can với cáo buộc “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là hệ quả của hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp nhà nước này trong suốt thời kỳ 2007-2010 mà Thanh tra Chính phủ đã phát hiện gần đây.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, các khoản nợ khó có khả năng thu hồi của Vinalines lên đến 23.063 tỉ đồng. Tổng công ty đã mua 73 tàu biển từ nước ngoài tổng trị giá gần 23.000 tỉ đồng, trong đó 17 tàu đã qua sử dụng trên 15 năm, thậm chí trên 30 năm; và 34 tàu bị lỗ nặng, có tàu phải bán. Bên cạnh đó, rất nhiều dự án đầu tư của Vinalines có sai phạm, chẳng hạn dự án mua ụ nổi No83M đã qua sử dụng 43 năm, vượt 28 năm so với quy định. Tổng giá mua và chi phí sửa chữa của ụ nổi này lên tới gần 490 tỉ đồng, tương đương 70% giá đóng ụ nổi mới…
Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cả nước có 101 tập đoàn, tổng công ty và một ngân hàng thương mại do Nhà nước giữ 100% vốn. Đến cuối năm 2010, tổng vốn của các DNNN trên 700.000 tỉ đồng, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 653.000 tỉ đồng. |
Tất nhiên, Vinalines dưới thời ông Dũng báo cáo khác về tình hình kinh doanh của mình. Ví dụ, trong năm 2010 Vinalines công bố tổng doanh thu đạt 20.934 tỉ đồng, tăng 16%; tổng lợi nhuận đạt 1.241 tỉ đồng, tăng 40% so với năm 2009. Động thái này của lãnh đạo Vinalines giống hệt như báo cáo làm ăn có lãi của lãnh đạo Vinashin trước khi bị bắt. Với hoàn cảnh hiện tại, Vinalines đã làm tiêu tan hy vọng của Chính phủ trong việc lấy Vinalines để đỡ cho Vinashin.
Nhìn sang Vinashin, từ sau khi “tái cơ cấu”, tình trạng cũng bi đát không kém. Bộ Giao thông Vận tải trong báo cáo gửi thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết trong quí 1 năm nay, doanh thu của tập đoàn đạt 282 tỉ đồng, giảm 81,5% so với ba tháng đầu năm 2011. Báo cáo này cho biết thêm giá trị sản xuất của Vinashin chỉ đạt 960 tỉ đồng, bằng 10,4% kế hoạch năm và giảm 72,3% so với cùng kỳ năm 2011. Tình hình khó khăn này khiến Vinashin gần đây phải xin Bộ Tài chính miễn phạt chậm nộp thuế. Điều này cho thấy, Vinashin vẫn còn chưa có tiền nộp thuế, dù đã được vay vốn với lãi suất 0% từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để trả lương cho người lao động, cũng như được hưởng hàng loạt ưu đãi khác.
Tình trạng thua lỗ, nợ nần do đầu tư kém hiệu quả của Vinashin trước đây, và nay là Vinalines, đã tác động xấu đến chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước, vốn rất quan trọng trong bối cảnh khu vực đầy biến động trong thế kỷ này. Thực trạng đó, một lần nữa tiếp tục thách thức sự phát triển tới đây của ngành đóng tàu đã được xác định là ngành công nghiệp trọng điểm trong đề án tái cơ cấu kinh tế đang được Chính phủ trình Quốc hội.
Theo báo cáo “Thực trạng hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2006-2010” của Bộ Tài chính, đến hết năm 2010 tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty là 1.799.317 tỉ đồng, bằng 238% so với năm 2006. Đến hết năm 2010, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là 1.088.290 tỉ đồng, bình quân bằng 1,67 lần vốn chủ sở hữu (quy định hiện hành được huy động vốn trong phạm vi nợ phải trả không vượt quá ba lần vốn điều lệ). Báo cáo này cho biết, có 30 tập đoàn kinh tế, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn ba lần, trong đó có bảy tổng công ty trên 10 lần, có chín tổng công ty trên 5-10 lần, có 14 tổng công ty từ 3-5 lần. |
Giữ vị trí quán quân về khó khăn hiện tại không ai khác là tập đoàn Điện lực (EVN), mà nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Đào Văn Hưng, đã bị miễn nhiệm đầy nhẹ nhàng. Báo cáo chính thức của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, cho đến cuối năm 2010 nợ phải trả của EVN là 239.761 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 65.493 tỉ đồng, chiếm 27,31%, và nợ dài hạn là 174.268 tỉ đồng, chiếm 72,69%. Cơ quan này cho thấy, tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn là hơn 79% và tỷ lệ nợ phải trả lên đến 4,22 lần vốn chủ sở hữu.
Theo báo cáo kiểm toán cuối năm ngoái, EVN lỗ gần 17.000 tỉ đồng trong năm 2011, đưa tổng lỗ lũy kế lên đến 40.400 tỉ đồng. Kiểm toán Nhà nước khẳng định, EVN đã lâm vào tình hình tài chính khó khăn, không đảm bảo độ an toàn.
Tất nhiên, EVN khó mà biện minh cho tình trạng EVN Telecom thua lỗ triền miên, rồi cuối cùng bị chuyển cho Viettel; hay việc chi tiêu hoành tráng cho trụ sở đang xây tại phố Cửu Bắc, Hà Nội - tòa nhà bị hỏa hoạn cuối năm ngoái.
Chi phí như vậy tất nhiên là có những người gánh chịu mà điển hình nhất là tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV). Than do TKV khai thác buộc phải bán cho EVN với giá bằng 60% giá thành sản xuất. Chênh lệch giá chỉ so với giá xuất khẩu đã lên tới 900 triệu đô la Mỹ trong năm 2011, theo Tổng giám đốc TKV Lê Minh Chuẩn công bố tại một hội thảo cuối tuần trước. Như vậy, con số này đã cao hơn nhiều so với con số 8.500 tỉ đồng mà TKV phải chịu để bù chênh lệch giá mà tập đoàn này bán than cho EVN (theo đơn kêu cứu của TKV gửi Thủ tướng vào đầu tháng này). Trong đơn gửi Thủ tướng đề nghị giảm thuế xuất khẩu than từ mức 20% xuống 0%, TKV khẳng định đang đối diện với nguy cơ thua lỗ cao trong năm nay và khó cân đối về tài chính.
Cũng như TKV, một chủ nợ khác của EVN là PVN. Vào trung tuần tháng 1 năm nay, theo Thông tấn xã Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) Vũ Quang Huy cho biết EVN nợ tổng công ty này 14.000 tỉ đồng, trong đó có 2.000 tỉ đồng là lãi chậm trả. Số nợ này đã cao hơn nhiều so với 10.000 tỉ đồng mà EVN mua điện nợ của PVN, theo công bố của đại diện PVN tại buổi họp giao ban tháng 10-2011 của Bộ Công Thương. Nhưng, đến lượt mình, PVN cũng rất nhập nhèm về tài chính khi bị Thanh tra Chính phủ báo cáo là có “khuyết điểm” trong chi tiêu tới 18.000 tỉ đồng hồi tháng 4 năm nay.
Cũng trong đợt công bố hồi tháng 4 năm nay, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý hơn 10.676 tỉ đồng bị sử dụng sai quy định tại tập đoàn Sông Đà. Tập đoàn này bao gồm sáu tổng công ty nhà nước như Lilama, Licogi, Coma, Sông Hồng, Sông Đà, và Dic Corp trong ngành xây dựng vốn đang gặp khó khăn. Con số này tương đương 500 triệu đô la Mỹ, lớn hơn nhiều so với 124 triệu đô la Mỹ mà tập đoàn này vay của ADB để tái cấu trúc doanh nghiệp.
Những số liệu trên chỉ là một phần nhỏ trong các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra Chính phủ công bố tiến hành với các tập đoàn, tổng công ty gần đây. Có một điểm chung trong các báo cáo đó, là tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều bị phát hiện có sai phạm về tài chính khi được hai cơ quan này thanh tra. Không phải bàn cãi, số tiền đó là rất lớn nếu so với số tiền 2.100 tỉ đồng mà 40 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp khác đăng ký với Chính phủ hỗ trợ cho các huyện nghèo trong giai đoạn 2009-2020, theo Báo cáo của Chính phủ trình kỳ họp thứ 3 của Quốc hội đang diễn ra.
Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì một cuộc tham vấn với nhiều bộ ngành nhằm xem xét đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tài chính soạn thảo. Kết thúc buổi tham vấn, theo lời kể của một số người tham dự, Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính thay đổi nhiều nội dung trong đề án này theo hướng mạnh mẽ hơn. Như vậy, đề án quan trọng nhất trong chương trình tái cơ cấu kinh tế ba trụ cột sẽ còn phải bổ sung thêm sau hơn nửa năm được bắt đầu chuẩn bị, và chưa biết bao giờ mới được thông qua để tạo hành lang thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này.
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,536.70 | 5,076.70 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,602.00 | 4,122.00 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,700.90 | 13,240.90 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,723.40 | 1,323.40 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 290
- Truy cập hôm nay: 6401
- Lượt truy cập: 8846127