Nếu từ bỏ đồng Euro, nước Pháp sẽ ra sao?
2010-12-28 16:07:17
Theo tờ Global Study, ngay cả khi có Quỹ bình ổn tài chính châu Âu lên tới 1.000 tỷ Euro, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn ở bên bờ vực sụp đổ vì các ngân hàng đòi hỏi thanh toán tới 3.000 tỷ Euro.
Giới phân tích cho rằng, Eurozone vẫn đang có nguy cơ đứng bên bờ vực sụp đổ, nếu Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, thậm chí cả Italia, cũng cần được cứu trợ như Hy Lạp và Ireland. Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Liên minh châu Âu (EU) và những người có trách nhiệm đã đẩy châu Âu sa vào một cái “bẫy” tài chính - kinh tế.
Cuộc khủng hoảng nợ công tại một số nước châu Âu hiện chưa được giải quyết và sẽ không được giải quyết bằng các chính sách hiện nay. Một khi Ireland và Hy Lạp từ bỏ đồng Euro, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và thậm chí cả Italia cũng có thể bị buộc phải làm như vậy. Điều đó có nghĩa là đồng Euro sẽ không thể tồn tại. Khi đó, các nước này bắt buộc phải thực thi việc kiểm soát tiền tệ và ấn định giá trị đồng nội tệ thấp để tăng sức cạnh tranh. Tiến trình phục hồi sẽ mất 5 - 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Các nước sẽ trở lại dùng đồng tiền mới, tái thiết các nền kinh tế và thị trường. Chu kỳ mới sẽ lại bắt đầu. Trang tin của đài RFI dẫn bản tin trên nhật báo Le Figaro hôm 21/12 cho rằng, nếu nước Pháp từ bỏ đồng Euro, thì đây sẽ là một kịch bản đầy tai họa, khó có thể hình dung đối với nước này. Le Figaro cho rằng, nếu Eurozone tan rã, các nước quay trở lại với đồng tiền quốc gia trước đây, thì sẽ dẫn đến nạn suy thoái trên toàn châu Âu, kể cả nước Đức. Riêng đối với Pháp, sản xuất sẽ bị sụt giảm 10%, tỉ lệ thất nghiệp sẽ là 13,8%. Về vấn đề này thì “không có kế hoạch B”. Đó là câu trả lời dứt khoát từ Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Pháp, hai cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tình hình nếu Eurozone tan rã. Theo hai cơ quan trên, kịch bản này là tệ hại nhất. Chỉ có Mark Cliffe, một nhà kinh tế thuộc ngân hàng ING đưa ra những con số cụ thể. Le Figaro nhắc lại trường hợp của Argentina cuối năm 2001, đã quyết định chấm dứt hệ thống tỉ lệ chuyển đổi cố định giữa đồng peso và USD, sau đó peso mất giá đến 55%. Tổng sản phẩm nội địa giảm 11%, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 20%, và tỉ lệ lạm phát 40%. Tờ báo đặt câu hỏi, liệu châu Âu có tồn tại nếu đồng tiền chung biến mất ? Điều chắc chắn là thị trường sẽ ra tay trước, và theo dự đoán của ông Mark Cliffe, thì đồng Euro sẽ sụt xuống chỉ còn tương đương với 0,85 USD. Nhiều khó khăn khác nảy sinh như vấn đề chuẩn bị cung cấp lượng tiền mới, kiểm soát vốn đầu tư tại châu Âu… Riêng với Pháp, thì năm đầu tiên GDP sẽ giảm 4%, và tính chung trong vòng ba năm là 10%. Nạn giảm phát sẽ làm cho thất nghiệp của Pháp lên 13,8%, còn Tây Ban Nha lên đến 25,5%. Giá cả giảm xuống, tiền lương cũng giảm, và lãi suất trái phiếu Pháp và Đức thời hạn 10 năm chỉ còn có khoảng 1%. Xăng dầu sẽ đắt đỏ hơn, giá một lít xăng sẽ tăng lên đến 1,75 Euro. Thị trường tài chính sẽ phải đóng cửa một tuần lễ, việc thanh toán quốc tế sẽ bị kiểm soát và tạm ngưng một thời gian cần thiết. Tờ báo nhắc lại trước đây, Argentina đã phải giới hạn việc rút tiền của các cá nhân tối đa 250 đô la một tuần, và sau đó phải tạm ngưng. Tỉ lệ chuyển đổi được Argentina ấn định có lợi cho người vay tiền hơn là với người gởi tiền tiết kiệm, khiến các ngân hàng bị mất quân bình, chính phủ phải trợ cấp để ngân hàng khỏi phá sản. Còn với nước Pháp, hai phần ba trong tổng số nợ công 1.200 tỉ Euro đang do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, Pháp sẽ thiệt hại nặng nề nếu “đồng Franc mới” bị sụt giá so với “đồng Euro cũ”. Le Figaro lo ngại, nợ chính phủ tính bằng Euro vốn đã quá nặng, khi đồng tiền mất giá thêm thì sẽ ra sao ? Làm thế nào tránh được sự phá sản của các ngân hàng ? Ai sẽ bảo vệ cho nước Pháp chống nạn siêu lạm phát, và ai có thể tin được là việc quay trở lại với đồng quan là đủ để tái công nghiệp hóa, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay ? Ngoài ra, liệu việc từ bỏ đồng Euro có là tiếng chuông báo hiệu sự tan rã của EU? Theo Le Figaro, Hiệp ước Lisbon đã nói rõ đây là một “liên minh kinh tế và tiền tệ, trong đó đồng tiền sử dụng là Euro”. Và như vậy, quay mặt với đồng tiền chung Euro cũng là kết thúc EU. Trong khi đó, mới đây, giới phân tích và các nhà đầu tư nhận định, Pháp có nguy cơ mất mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất AAA sau khi một loạt quốc gia Eurozone bị hạ bậc tín nhiệm và đưa vào diện xem xét hạ bậc do khủng hoảng nợ công châu Âu. Hiện Pháp là nước nắm giữ nhiều trái phiếu của các quốc gia Eurozone nhất. Ông Toby Nangle, người giám sát 46 triệu USD tài sản tại Baring Asset Management, London nhận định: “Từng quốc gia có thể lần lượt bị hạ bậc trong năm tới. Nếu Pháp bị mất mức tín nhiệm AAA, đây là một việc hết sức nghiêm trọng. Theo tôi, khả năng tụt bậc tín nhiệm sẽ không được phản ánh trên thị trường”. Ông Padhraic Garvey, người đứng đầu bộ phận chiến lược nợ của các thị trường phát triển tại ING Bank NV, Amsterdam cho rằng Pháp rất dễ tụt bậc tín nhiệm nếu nước này không thực hiện các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách mạnh tay. Trong khi đó, theo ông Markus Ernst, chiến lược gia tín dụng tại UniCredit SpA, Munich, các ngân hàng Pháp là tổ chức nắm giữ nợ của các quốc gia Eurozone nhiều nhất. Điều này có thể dẫn đến các rủi ro hệ thống. Theo số liệu từ Tổ chức nghiên cứu thị trường vốn CMA tại New York, chi phí bảo hiểm trái phiếu Chính phủ Pháp đã tăng gấp 3 lần trong năm nay lên khoảng 1.02% và từng chạm mức kỷ lục 1.05% vào ngày 30/11. CMA cho biết CDS của trái phiếu Pháp hiện tương ứng với mức xếp hạng Baa1, thấp hơn 7 bậc so với mức xếp hạng của Moody’s. |
||
Theo Vneconomy |
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,193.30 | 4,793.30 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,313.10 | 3,923.10 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
13,826.70 | 12,676.70 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,681.00 | 1,331.00 |
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
© 2011 Copyright By Ngoc Thanh NTGold. All Rights Reserved.
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 38
- Truy cập hôm nay: 1020
- Lượt truy cập: 8613641