Theo lộ trình vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (dự kiến thí điểm vào quý 2/2011 và chính thức vào cuối năm 2011), Cục Điều tiết điện lực sắp trình Chính phủ giá điện theo cơ chế thị trường, điều chỉnh tăng giảm định kỳ hằng năm và hằng quý, theo biến động các yếu tố chi phí đầu vào.
Nhà đầu tư khó đàm phán giá với EVN
Giá bán điện được phân tách thành giá của 4 khâu: phát điện, truyền tải, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ, phân phối và bán lẻ điện. Tập đoàn điện lực VN (EVN) xem xét biến động các yếu tố đầu vào (nhiên liệu than, dầu, khí và tỷ giá ngoại tệ) so với thông số cơ sở, điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân quý và năm. Để tránh tình trạng giá điện tăng liên tục, khi tỷ lệ chênh lệch giá dưới một mức quy định sẽ không tiến hành thay đổi giá điện hằng quý. Mặt khác, nếu mức điều chỉnh tăng nhỏ hơn 5% sẽ do Bộ Công thương phê duyệt, nếu mức tăng trên 5% phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, tại hội thảo thị trường phát điện cạnh tranh được tổ chức tại Bộ Công thương sáng 18.8, nhiều công ty phát điện vẫn tỏ ra băn khoăn về phương pháp xác định giá phát điện cũng như khung giá phát điện khi triển khai. Theo Cục Điều tiết điện lực, khung giá được xác định theo giá nhà máy điện chuẩn, là giá của nhà máy mới có chi phí thấp nhất theo từng nhóm có cùng quy mô, công nghệ, loại nhiên liệu. Nhưng trên thực tế, mô hình nhà máy điện chuẩn này vẫn đang trong lộ trình mà chưa được thực hiện.
Ông Trần Hữu Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng cho rằng, nếu không sớm có phương án nhà máy điện chuẩn, không xác định được khung giá rất khó cho các nhà máy để có phương án điều chỉnh giá phù hợp.
Theo khẳng định của ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, khung giá xây dựng định hướng cho từng loại nguyên liệu, từng nhà máy tương đối tiện cho các nhà máy khi đàm phán với EVN. “Ban hành khung giá cao rất dễ cho EVN và các nhà đầu tư đàm phán hợp đồng, nhưng EVN sẽ sập tiệm vì thu từ bán lẻ không đủ tiền để trả cho nhà máy phát điện. Mặt khác, nếu làm theo điều này, giá điện mỗi năm sẽ tăng tới 20 - 30%, nền kinh tế không thể chịu được”, ông Thắng nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nam cho rằng việc chia nhiều khung giá đầu vào khác nhau sẽ khó cho nhà đầu tư trong đàm phán giá với EVN. Theo ông Nam, tính đầu vào nguyên liệu theo giá thị trường thì dễ, công khai cho Nhà nước, nhưng giá tính theo công suất nhà máy rất khó, mỗi nhà máy đầu tư một công nghệ khác nhau sẽ lấy gì làm chuẩn? Nếu không có chuẩn chính xác, đầu tư đắt không được lợi gì, đầu tư rẻ cũng không được lợi, sẽ không ai tính chuyện tiếp tục đầu tư. “Phải có giá chuẩn, nếu tôi đầu tư công nghệ cao, giá đắt thì tôi sẽ tiết kiệm, cân đối về sau này, nếu đầu tư rẻ được lợi lúc này nhưng về sau sẽ thiệt. Chủ đầu tư phải biết để cân đối mục tiêu đầu tư vào cái gì, cái đó mới là khó”, ông Nam chia sẻ.
Vẫn chưa thể minh bạch
Nhiều người cũng tỏ ra băn khoăn khi vai trò của EVN vẫn còn rất lớn khi vừa là người mua vừa là người bán, đặc biệt kiêm luôn cả vai trò điều hành hệ thống. Theo ông Thắng, “về nguyên tắc người bán và người mua phải tách biệt mới khách quan, nếu anh vừa bán vừa mua vừa điều hành nữa làm sao khách quan được.
Đặc biệt người điều hành hệ thống, điều hành thị trường phải độc lập mới minh bạch. Như chứng khoán, anh vừa quản lý thị trường, vừa chào bán, đương nhiên anh sẽ xếp của anh trước. Luật ban hành ra, nhưng không phải lúc nào cũng kiểm soát được hết. Vấn đề cấu trúc lại như thế nào cho phù hợp là rất quan trọng, nhưng thực hiện không đơn giản”.
Ông Thắng cho biết, năm 2008 Bộ Công thương đã trình Đề án tái cơ cấu ngành điện lên Chính phủ, tách các nhà máy điện khỏi EVN, EVN chỉ còn làm truyền tải, phân phối và mua bán điện, quản lý một số nhà máy điện thuộc độc quyền của Nhà nước như các nhà máy điện lớn.
Nhưng hiện nay đề án chưa được Chính phủ phê duyệt vì EVN phản đối. “Trên thế giới, khi phát triển thị trường phải thực hiện tái cơ cấu đầu tiên, phải có bước cấu trúc ngành phù hợp với vận hành thị trường thì thị trường mới vận hành hiệu quả. Còn nếu giữ cấu trúc như hiện nay, dù Thủ tướng giao nhiệm vụ thiết kế nhưng chúng tôi khẳng định thị trường sẽ rất khó vận hành minh bạch và càng khó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng”, ông Thắng khẳng định.
Theo Mai Hà
Thanh Niên
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,201.30 | 4,801.30 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,319.70 | 3,929.70 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
13,848.00 | 12,698.00 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,666.40 | 1,316.40 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 98
- Truy cập hôm nay: 3773
- Lượt truy cập: 8616394