Lo lắng
về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái lần 2 có lẽ quá lớn, cũng như người ta
đã có phần quá lạc quan về sự phục hồi của kinh tế khu vực đồng tiền
chung châu Âu.
Hiếm khi nước Mỹ phải nhìn sang châu Âu với sự ghen tỵ. Vài tuần qua,
thực sự người Mỹ đã có cảm giác này. Lo lắng về đà phục hồi của kinh tế
Mỹ đã tăng lên cũng như sự sợ hãi về kinh tế khu vực đồng tiền chung
châu Âu đã nhạt dần. Đồng USD tăng trưởng yếu nhất trong nhóm các đồng
tiền của nhóm nước giàu.
Thế nhưng người Mỹ cần nhớ: còn quá sớm để tuyệt vọng về nền kinh tế của
họ. Và người châu Âu cần thận trọng: chưa đến lúc chắc chắn rằng kinh
tế châu Âu đã có cái nền vững.
Nhiều chuyên gia phân tích tin rằng số liệu GDP quý 2/2010 tăng trưởng
2,4% của kinh tế Mỹ có thể đánh dấu sự khởi đầu của xu thế trượt giảm
đến thời kỳ suy thoái kinh tế lần 2. Một mối lo lớn chính là sự thiếu
việc làm.
Doanh nghiệp Mỹ chỉ tạo ra 71 nghìn việc làm trong tháng 7/2010, con số
quá thấp nếu xét trong tương quan với tăng trưởng của nhóm người thuộc
lực lượng lao động và quá thấp để có thể làm ngắn lại hàng dài người xếp
hàng chờ việc. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 9,5%, giới doanh nghiệp
Mỹ dư tiền nhưng lại muốn lấy được năng suất lao động cao hơn từ ít lao
động.
Sự lạc quan về kinh tế châu Âu tương phản với sự bi quan về kinh tế Mỹ.
Số liệu mới công bố cho thấy kinh tế châu Âu tăng trưởng 1% trong quý
2/2010, chủ yếu nhờ kinh tế Đức tăng trưởng ấn tượng.
Doanh số bán hàng sang nhóm thị trường mới nổi, đặc biệt là Braxin,
Trung Quốc và Ấn Độ, đã giúp ngành kinh tế Đức hồi phục ấn tượng nhất
trong 2 thập kỷ. Nhóm người giàu mới nổi tại các nước trên chạy đua mua
xe ô tô Audi và Mercedes cũng như hàng xa xỉ từ châu Âu.
Nhu cầu hàng hóa tiêu dùng bền từ nhóm nước mới nổi phục hồi nhanh hơn
so với tính toán trước đây của các công ty sản xuất tại Đức. Tỷ lệ thất
nghiệp tại Đức hiện ở mức 7,6%, thấp hơn một chút so với thời kỳ đầu
khủng hoảng tài chính.
Chỉ vài tháng trước, câu chuyện khác hẳn. Khi đó, nước Mỹ có vẻ như đang
lên mạnh còn châu Âu tụt lại đằng sau. Đồng USD tăng giá mạnh bởi nhà
đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản đồng euro do lo sợ về khủng hoảng nợ
châu Âu.
Điều này nói lên điều quan trọng nhất đối với các nhà hoạch định chính
sách: kinh tế Mỹ và châu Âu liên quan mật thiết đến nhau. Bất chấp tất
cả các yếu tố cạnh tranh, giới chính trị gia tại Brussel và Frankfurt
cần cầu nguyện kinh tế Mỹ tăng trưởng cũng giống như đồng sự của họ tại
Washington DC cần vui vẻ khi nghe tin giới giàu mới nổi ở Trung Quốc
mạnh tay đặt hàng ô tô Đức và rượu vang Pháp.
Và nay, cả châu Âu và Mỹ đều “chịu trận” từ những ảo tưởng (về sức mạnh
cũng như sự suy yếu). Tại châu Âu, còn quá sớm để reo hò với sự hồi phục
bởi 2 yếu tố.
Thứ nhất, tại châu Âu, bên ngoài biên giới Đức, các nước còn lại đương
đầu rất nhiều khó khăn. Kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng thấp, tỷ lệ thất
nghiệp lên tới 20%. Thứ hai, nước Đức phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu chứ
không phải chi tiêu nội địa. Doanh số bán xe ô tô Mercedes tại Đức giảm
trong năm nay. Sự đi lên của kinh tế Đức liên quan mật thiết đến thế
giới, trong đó bao gồm cả Mỹ, thị trường lớn nhất của nước này.
Rủi ro kinh tế Mỹ suy thoái lần 2 lớn đến mức nào? Đà phục hồi của kinh
tế Mỹ mất đà bởi các của hàng và kho hàng đều đầy hàng vì thế động lực
ban đầu từ việc khôi phục hàng tồn kho giảm đi. Các công ty sợ hãi với
khả năng tiêu dùng giảm rất thận trọng trong hoạt động đầu tư. Tín dụng
ngân hàng khan hiếm.
Các yếu tố trên cản đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Thế nhưng kinh tế chỉ có
thể suy thoái lần 2 nếu các công ty lại cắt giảm hàng tồn kho, tiêu
dùng vốn và việc làm. Lượng tiền mặt lớn mà các công ty Mỹ đã xây dựng
phòng khi kinh tế khó khăn khiến khả năng trên khó xảy ra.
Ngay cả nếu không phải đương đầu với suy thoái kinh tế lần 2, người Mỹ
có thể làm tốt hơn. Các công ty sẽ sẵn sàng chi tiêu tiền nếu họ đón
được tín hiệu rõ ràng từ phía chính quyền Tổng thống Obama về việc cuối
cùng ông sẽ có kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách như thế nào (ngoài ra là
chi tiết về thuế). Trong ngắn hạn, mọi con mắt đang dồn về FED.
Ngày 10/08/2010, Ngân hàng Trung ương thừa nhận đà phục hồi của kinh tế
Mỹ đã suy yếu và sẽ tái đầu tư tiền thu được từ chứng khoán thế chấp vào
trái phiếu chính phủ Mỹ. Chính sách trên tiến gần tới biện pháp nới
lỏng định lượng nhưng thấp hơn nhiều so với nhóm chuyên gia bi quan về
thị trường kỳ vọng.
Lo lắng về giảm phát vẫn còn tồn tại: bất kỳ dấu hiệu giảm phát nào sẽ
cần đến biện pháp mạnh tay từ phía các Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên ở
hiện tại FED đã phát đi thông điệp chính xác: lo lắng những không nên
hoảng loạn. Hiện chưa thể rõ kế hoạch kích cầu mới có thể mang lại nhiều
việc làm hay không. Tỷ lệ việc làm trống tại Mỹ tương ứng với số lượng
việc làm thấp.
Nhiều công ty than phiền rằng nhóm lao động chưa có việc làm hiện nay
không có những kỹ năng mà họ cần. Tình trạng thất nghiệp bắt nguồn từ
nguyên nhân sâu xa hơn và sẽ còn thêm nhiều người thất nghiệp thời gian
dài hơn. Quá trình phục hồi việc làm sẽ đầy khó khăn. Thế nhưng với
những gì đang diễn ra trong hiện tại, không nên nói đà phục hồi của kinh
tế Mỹ sẽ ngưng lại.
Theo CafeF.
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,574.70 | 5,114.70 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,633.40 | 4,153.40 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,802.00 | 13,342.00 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,742.00 | 1,342.00 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 110
- Truy cập hôm nay: 1740
- Lượt truy cập: 8852964