Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Trung Quốc thất bại trong chính sách hướng ngoại
2010-07-16 14:01:57

Chính phủ Trung Quốc luôn trộn lẫn khéo léo giữa viện trợ giữa chính phủ - chính phủ và hình thức hỗ trợ khác để doanh nghiệp Trung Quốc mua tài sản ở nước ngoài.

Và trong chính sách tiền tệ song phương, Bắc Kinh ưu tiên các công cụ đầu tư trực tiếp, trợ cấp trực tiếp, các khoản vay ưu đãi, khoản vay với thời hạn hào phóng hơn so với trên thị trường.

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài từ năm 1999, song chính sách "hướng ngoại" này đã chết yểu ngay khi mới bắt đầu.

Khi đó, Trung Quốc tập trung sửa đổi khu vực doanh nghiệp nhà nước đang rệu rã, và lĩnh vực tư nhân vẫn yếu kém nên chưa thể hướng ra bên ngoài được. Chính sách này đã trở lại vào năm 2005, không lâu sau khi lượng dự trữ ngoại tệ trong PBC tăng vọt, và các doanh nghiệp nhà nước đã khẳng định được vị trí đứng đầu của mình trong nhiệm vụ đầu tư ra nước ngoài. Khi đó, nhu cầu về năng lượng và nguyên liệu đầu vào cho sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế ngày càng lớn, việc tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới mở rộng ra toàn thế giới.

Trong 10 năm đầu áp dụng chính sách hướng ngoại này, châu Á luôn là một khu vực có lợi ích lớn đối với các công ty Trung Quốc. Châu Phi và Mỹ Latinh giờ cũng đang ngày càng trở thành mối quan tâm lớn tương tự.

Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư vào ngành dầu khí, mỏ và kim loại, và các dịch vụ tài chính, song cũng không bỏ qua các lĩnh vực kinh tế khác. Cùng với thời gian, Chính phủ Trung Quốc đã chú trọng tích lũy bí quyết sản xuất: một trong các mục tiêu của Tập đoàn Dầu mỏ Ngoại quốc của Trung Quốc (CNOOC) để vượt gã khổng lồ năng lượng Mỹ Unocal vào năm 2005 là có được công nghệ khai thác và sản xuất năng lượng.

Hầu hết lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc do các công ty nhà nước cung cấp. Dù các doanh nghiệp cá nhân ngày càng có nhiều sáng kiến, nhưng các khoản đầu tư lớn vẫn là kết quả của sự kết hợp với các công ty của chính phủ. Trong những ngày đầu áp dụng chính sách này, các doanh nghiệp có ý định chi lượng dự trữ tiền mặt của mình, nhưng giờ đây, các ngân hàng lớn được nhà nước hỗ trợ, như Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc, là nhà cung cấp nguồn tài chính này.

Trong khi các công ty Mỹ đầu tư ra nước ngoài nhằm tìm kiếm lợi nhuận và chính phủ Mỹ can thiệp hoặc hỗ trợ họ ở mức tối thiểu, thì hầu như mọi đầu tư của các công ty Trung Quốc đều cần có sự đồng ý ở mức nào đó của nhà nước.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố trong báo cáo công tác chính phủ hồi tháng Ba vừa qua rằng Bắc Kinh sẽ hỗ trợ các công ty có chất lượng tiến hành liên danh, liên kết hoặc mua các công ty nước ngoài, đồng thời cho phép họ chủ động hơn trong việc đầu tư ra nước ngoài. Như vậy là đã có sự ủng hộ của nhà nước.

Nhằm duy trì quyền quản lý tuyệt đối về giá trị đồng tiền, chính phủ đã thắt chặt kiểm soát các thị trường vốn của Trung Quốc, vốn hầu như dựa trên nguồn tài chính của ngân hàng và phát hành cổ phiếu. Dù vậy, các công ty Trung Quốc sẽ vẫn dễ dàng có được sự đồng ý để đầu tư ra nước ngoài. Trừ các thỏa thuận nhạy cảm về chính trị hoặc quá lớn, đòi hỏi được Bắc Kinh ưu tiên xem xét đặc biệt, thì hầu hết các dự án trong một tháng rưỡi qua đều do cấp Phòng ở địa phương của Bộ Thương Mại và Ủy ban Kế hoạch và Cải cách quốc gia phê duyệt và những thay đổi ngoại hối thường được thực hiện ngay sau đó.

Chính phủ Trung Quốc dường như chưa bao giờ có nhiều thiện chí như vậy trong việc khuyến khích FDI tới càng nhiều nơi càng tốt. Trong kế hoạch công tác mới nhất của mình, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lần đầu tiên nêu chi tiết lợi ích của ngành sản xuất ở nước ngoài, ngành công nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, và các nhãn mác nổi tiếng, đồng thời bày tỏ mong muốn sở hữu các nguồn lực ở bên ngoài hơn là chuyển chúng trực tiếp về Trung Quốc như trước đây.

Tính đến lợi ích này, hiện FDI của Trung Quốc đang thấp hơn mức mong muốn. Trong năm 2009, các công ty Trung Quốc chỉ đầu tư 48 tỷ USD ra nước ngoài, chiếm khoảng 1% GDP nước này; trong khi đó các công ty Mỹ đầu tư 340 tỷ USD, tương đương 2,4% GDP của Mỹ. Đến cuối năm 2009, tổng FDI của Trung Quốc đạt 211 tỷ USD, chiếm 4,3% GDP, trong khi con số này của Mỹ ước tính đạt 3.245.000 tỷ USD, tương đương 23% GDP của Mỹ.

Nếu tính đến tỷ giá đồng tiền, FDI của Trung Quốc đến năm 2047 vẫn không thể đuổi kịp Mỹ. Dù các con số thống kê về FDI của Trung Quốc, do Bộ Thương mại và Sở Giao dịch Ngoại hối cung cấp, chưa nói hết tổng lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của các công dân Trung Quốc (vì lợi nhận tái đầu tư chưa được khai báo), nhưng chúng cho thấy một khoảng cách khá lớn giữa FDI của Trung Quốc và Mỹ.

Sự chênh lệch trên một phần là kết quả của các hình thức cản trở đối với đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài. Một trong số này là sự oán giận đối với các công ty nhà nước Trung Quốc, vì cho rằng họ đã mang việc làm, và cả nhà cửa, đến những nước mà họ đầu tư. Các công ty Trung Quốc đã vấp phải sự phản kháng dữ dội trước một số ý định mua các công ty nước ngoài nổi tiếng, đặc biệt là của Mỹ. Việc Lenovo mua được IBM với giá 1,7 tỷ USD năm 2005 dường như là một ngoại lệ.

Cùng năm đó, Chevron đã phát động một chiến dịch quan hệ công chúng rộng rãi nhằm kích động chủ nghĩa bài Mỹ, chống lại CNOOC, công ty đang muốn mua chi nhánh Unocal ở California. Một cách nhanh chóng, Chevron đã thuyết phục được CNOOC rằng Quốc hội Mỹ sẽ bác bỏ thương vụ này và nên bỏ vụ đấu giá lên tới 19 tỷ USD này.

Tháng 2/2008, công ty tài nguyên thiên nhiên BHP Billiton của Australia có ý định mua công ty khai mỏ Rio Tinto cũng của nước này, nhưng Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp 40 tỷ USD cho tập đoàn Aluminum (Chinalco) của mình để thắng trong buổi đấu giá. Họ tìm cách ngăn cản thỏa thuận trên vì cho rằng sự hợp nhất giữa BHP Billiton và Rio Tinto - hai nhà cung cấp sắt quặng lớn, nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất thép chủ chốt của Trung Quốc - có thể khiến giá sắt quặng tăng vọt. Hai năm sau đó, Chinalco đã tìm cách để chỉ nắm giữ số cổ phần khiêm tốn trong Rio Tinto, và BHP Billiton giờ đang trên đường sáp nhập các hoạt động của họ và của Rio Tinto thành một công ty liên doanh.

Ham muốn mạnh mẽ của Australia nhằm giữ các công ty lớn nhất của mình khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc là một động lực chính của cuộc đấu tranh dai dẳng này. Tại Australia cũng như nhiều nơi khác, các công ty Trung Quốc đang đạt tiến bộ trong các thỏa thuận nhỏ về tài nguyên, nhưng họ đều vấp phải sự phản kháng đối với các âm mưu thôn tính trong các nền kinh tế phát triển.

FDI của Trung Quốc cũng bị giới hạn bởi sự hoài nghi của các doanh nghiệp Trung Quốc về các cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp ngày càng lo lắng sau thất bại thảm hại của các thỏa thuận dường như đầy hứa hẹn ban đầu.

Tháng 10/2004, Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải đã chi 500 triệu USD mua 51% cổ phẩn của nhà sản xuất xe hơi SsangYong Motor của Hàn Quốc với các nhà máy lớn để xây dựng một loại xe hơi Trung Quốc có sử dụng công nghệ của Hàn Quốc và biến Tập đoàn Thượng Hải thành một công ty Fortune 500. Nhưng khoản đầu tư này đã gặp vấn đề với các nghiệp đoàn ngay từ đầu.

Và năm 2009 sau một loạt các tranh cãi nảy lửa với công nhân, SsangYong Motor tuyên bố phá sản. Công ty bảo hiểm Bình An, có trụ sở tại Thâm Quyến hy vọng được quản lý lượng tài sản đầu tư vào tập đoàn Fortis Group của Hà Lan cuối năm 2007 nhưng ít lâu sau đầu tư này chỉ còn là thứ đồ bỏ đi trị giá 3,3 tỷ USD.

Năm đó, TCL, nhà sản xuất TV lớn của Trung Quốc, cũng vấp phải rủi ro tương tự trong một công ty liên doanh với Thomson Electronic ở Pháp, khiến họ bị thua lỗ lớn ở châu Âu, buộc phải giảm sản lượng, sau đó đóng cửa và bán hầu hết các cổ phiếu châu Âu của mình.

FDI của Trung Quốc còn bị giới hạn bởi sức quyến rũ của các cơ hội tốt hơn trên thị trường trong nước. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng so với các nước khác đến nỗi nó cần nguồn đầu tư cực lớn của các công ty Trung Quốc vào bất cứ đâu. Hơn nữa, vì tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ quốc tế trong thương mại và tài chính, người Trung Quốc vẫn cảm thấy thoải mái hơn khi kinh doanh ở nhà. Họ cũng tin rằng NDT sẽ mạnh hơn các ngoại tệ khác, từ đó làm suy yếu các đầu tư không phải của người Trung Quốc.

Viện trợ có ràng buộc

Chính phủ Trung Quốc đã sớm quyết định không nhờ cậy vào các công ty nhà nước hay các chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài. Năm 2007, họ đã thành lập một quỹ đầu tư nhà nước, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC), với vốn ban đầu là 200 tỷ USD.

Sau một số sai lầm ban đầu khi đầu tư cùng Blackstone Group and Morgan Stanley, và trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới mới đây, CIC dường như đã tìm ra chỗ đứng của mình. Họ đã nhận được 17% lãi đầu tư năm 2009, và giờ đang quản lý hơn 300 tỷ USD, có thể thêm nhiều khoản tiền mới khác.

CIC đang đầu tư vốn cho các nhà quản lý tiền tệ không phải người Trung Quốc đã được thử thách và các công ty tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực như nguồn tài nguyên thiên nhiên và công nghệ. Bắc Kinh cũng thiết lập các quỹ khác nhỏ hơn, trị giá hàng tỷ USD để đầu tư trực tiếp vào châu Á và châu Phi. Cả Sở Giao dịch Ngoại hối - cơ quan quản lý dự trữ ngoại hối của Trung Quốc - và Quỹ Hưu trí quốc gia đều đã bắt đầu chọn các nhà quản lý vốn cho quỹ Hedge Fund và vốn tư nhân.

Tương tự, một thước đo quan trọng của chính sách đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc là thưởng trợ cấp, viện trợ và cho vay ưu đãi dành cho các chính phủ nước ngoài ủng hộ các dự án đặc biệt, nhưng đổi lại họ chỉ được thuê các công ty Trung Quốc làm việc này. Số liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy tổng số tiền trợ cấp và viện trợ nước ngoài (bao gồm các hỗ trợ về quân sự) của Bắc Kinh đã gần đạt 2 tỷ USD trong năm 2009 (so với 28 tỷ USD của Mỹ).

Trợ cấp thuần túy của Trung Quốc được tiến hành dưới dạng hỗ trợ về y tế và kỹ thuật, học bổng, đầu tư vào các chương trình dạy tiếng Trung, hoặc vốn xây dựng các loại công trình trao tay. Khác với Chính phủ Mỹ, Chính phủ Trung Quốc cung cấp viện trợ mà không đưa ra điều kiện gì liên quan đến nhân quyền hay thúc đẩy dân chủ. Các viện trợ của họ gắn với các dự án đặc biệt: xây dựng một cảng biển, đường sắt, đường ống dẫn dầu hay một công trình thể thao nào đó.

Trung Quốc coi thông tin về vốn và lãi của các khoản viện trợ và cho vay là bí mật quốc gia. Nhưng theo các số liệu năm 2007 (mới nhất cho đến nay) từ Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc, nguồn cho vay ưu đãi lớn nhất của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể đã cho vay tới 10 tỷ USD kiểu này trong năm 2009.

Một chính sách đầu tư ra nước ngoài điển hình có thể bao gồm cả đầu tư trực tiếp của một doanh nghiệp nhà nước hay một khoản vay dành cho một doanh nghiệp hoặc chính phủ nước ngoài với lãi suất thấp hơn thị trường và với thời hạn trả nợ hào phóng hơn. Giống như viện trợ và trợ cấp của Bắc Kinh, các khoản vay ưu đãi này thường đòi người nhận phải thuê các công ty Trung Quốc tiến hành các dự án đã nêu trong thỏa thuận.

Ví dụ, Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc cung cấp 85% trong số 1 tỷ USD đầu tư xây dựng cảng biển mới ở Hambantota (Sri Lanka), nhưng công trình này phải do công ty China Harbour Engineering của Trung Quốc xây dựng. Tương tự, Chính phủ Trung Quốc cũng ủng hộ phát triển các công trình cầu cảng ở Bangladesh, Myanmar và Pakistan; các tuyến đường sắt ở Nepal; đường bộ và các sân vận động trên khắp châu Phi; và các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác ở Mỹ Latinh. Khoảng 750.000 công nhân Trung Quốc đang làm việc ở nước ngoài trong các dự án mà Chính phủ Trung Quốc tài trợ.

Nói theo một cách nào đó, Bắc Kinh đang hành xử giống với Washington trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong các dự án ở nước ngoài. Tập đoàn Đầu tư tư nhân hải ngoại của Mỹ cũng có các chương trình đảm bảo và tài trợ cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở hơn 150 quốc gia trên thế giới.

Nhưng các công ty Mỹ tìm kiếm lợi nhuận một cách chuyên tâm hơn các đồng nghiệp Trung Quốc. Và dù công ty Mỹ thường được hưởng lợi từ chính sách đối ngoại của chính phủ, nhưng không giống các đối tác Trung Quốc, họ không phải là mũi nhọn của chính sách này.

Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc luôn trộn lẫn khéo léo giữa viện trợ giữa chính phủ - chính phủ với các hình thức khuyến khích khác để các doanh nghiệp Trung Quốc mua tài sản ở nước ngoài. Một nửa chuyên gia ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đang làm việc nhằm đạt mục tiêu kinh tế này.

Thực tế là các thỏa thuận chính phủ - chính phủ này không được tiết lộ và các hợp đồng cho dự án được thưởng mà không thông qua một quá trình chọn lọc công khai đang khiến người ta lo ngại xảy ra tham nhũng.

Có một bằng chứng là cách tiếp cận bằng hỗ trợ của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối ở các nước tiếp nhận vì hậu quả là tác động về môi trường của một số dự án và các đóng góp không bền vững cho nền kinh tế. Đòi hỏi tuyển dụng các nhân công Trung Quốc nhập cư đồng nghĩa với hạn chế các lợi ích của kinh tế địa phương, nhất là khi lương trả cho công nhân Trung Quốc lại được gửi vào các tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc. Trước những lo ngại và phản đối này, Bắc Kinh có thể một ngày nào đó phải quyết định chuyển hướng.

Theo Quốc Thái
Tuần Việt Nam





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,549.305,089.30
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,612.404,132.40
100g ABC Bullion Bar
14,734.4013,274.40
1kg ABC Bullion Silver
1,743.601,343.60
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 117
  • Truy cập hôm nay: 3547
  • Lượt truy cập: 8850047