Các tỉnh thành cả nước đều đang phải tiết giảm điện, nhiều nơi đã cắt điện luân phiên. Hà Nội tuy chưa tiết giảm điện nhưng thấp thỏm với phụ tải ngày nắng nóng.
Ưu tiên số 1 cho sản xuất
“Khi tiết giảm điện, cắt điện luân phiên là không tránh khỏi, song chúng tôi chỉ đạo các đơn vị, tối đa không để ảnh hưởng tới khu vực sản xuất và xuất khẩu”, ông Nguyễn Trường Sơn, Trưởng ban Kinh doanh, Tổng công ty điện lực miền Bắc nhấn mạnh.
Đây cũng là ưu tiên số một trong việc tiết giảm, cắt điện luân phiên hiện nay.
Ông Sơn cho biết, với sản lượng đáp ứng chỉ 270 triệu kWh/ngày của cả nước, miền Bắc chỉ được phép tiêu thụ 48 triệu kWh/ngày, thiếu mất 5- 8 triệu kWh so với nhu cầu. Tháng 5, 6, ngày hè nắng nóng, miền Bắc chỉ có thể đáp ứng được 70-80% nhu cầu, thiếu khoảng 9-10 triệu kWh/ngày.
Do đó, trong 24 tỉnh miền Bắc, tỉnh nào có nhiều khu công nghiệp và xuất khẩu sẽ phải ưu tiên phân bổ sản lượng điện năng. Ví dụ như Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…. Số các tỉnh còn lại, sẽ chia đều sản lượng điện năng, ông Sơn nói.
Trong trường hợp này, đành phải chấp nhận khu vực sinh hoạt và nông thôn sẽ bị thiệt thòi nhiều nhất, buộc phải “nhường” cho khu vực sản xuất.
Đó là lý do mà khi về các tỉnh, khu vực nông thôn bị cắt điện rất nhiều. Kể cả ở các thành phố lớn, điện sinh hoạt, nông thôn cũng phải chịu cảnh như vậy, ông Sơn nói.
Các đơn vị đều phải đảm bảo qui định cắt điện luân phiên công bằng, không kéo dài quá nhiều một khu vực và phải báo trước. Bên cạnh đó, các đơn vị điện lực buộc phải thực hiện đúng sản lượng tiêu thụ điện được phân bổ,để tránh tình trạng phải sa thải phụ tải và cắt điện không báo trước.
Các trung tâm chính trị, xã hội, bệnh viện, trường học… là phụ tải được ưu tiên số 2 trong kế hoạch tiết giảm điện. Tuy nhiên, sẽ tùy vào tình huống cụ thể mà đơn vị sẽ tiết giảm nhiều hay ít cho nhánh phụ tải này.
Doanh nghiệp “phấn đấu” tự lo điện vào giờ cao điểm
Khác với nhiều đợt thiếu điện trước đây, không chỉ khối hành chính sự nghiệp cần giảm 10% nhu cầu, năm nay, ngành điện có “sáng kiến” vận động khối doanh nghiệp tự tiết giảm từ 5-10% nhu cầu.
Ngay từ tháng 3, EVN đã chỉ đạo các đơn vị điện lực địa phương phải thỏa thuận với khách hàng sản xuất về biểu đồ phụ tải theo từng phương án khả năng đáp ứng 100%, 70% hay 50% nhu cầu phụ tải.Đặc biệt, với các doanh nghiệp, nhà máy có máy tự phát điện chạy dầu diesel, sẽ được vận động tự đảm bảo cấp điện trong giờ cao điểm sáng, cao điểm tối hoặc vào thời điểm thiếu điện khi có yêu cầu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban kinh doanh điện, Tổng công ty điện lực Hà Nội cho biết: “Tại khối văn phòng các doanh nghiệp, khu công nghiệp của Hà Nội, nhiều đơn vị đã cam kết giảm 30-50% điện chiếu sáng và thực hiện các qui định sử dụng thiết bị điện sao cho tiết kiệm nhất như để máy tính ở chế độ nghỉ sau 15 phút không dùng, hoặc sử dụng điều hòa nhiệt độ trên 25độ C…”
Công ty chiếu sáng đô thị Hà Nội cũng cam kết giảm 30% điện chiếu sáng. Một loạt các giải pháp đã bắt đầu thực hiện từ hôm 16/4 như cắt giảm đèn quảng cáo, trang trí không cần thiết, tắt điện sau 23h ở các tượng đài, giảm 1/3 – 2/3 công suất chiếu sáng sau 23h tại các tuyến phố…
Hà Nội vẫn thấp thỏm với phụ tải ngày nắng nóng
Khi mất điện đột ngột, người dân có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng của ngành điện in trên hóa đơn điện để báo khắc phục.
Tại Hà Nội là : 04. 2222000, tại TP HCM: 08. 2230.2230.
Với sự kiện chính trị văn hóa quan trọng là kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, hiện nay, duy nhất Hà Nội là chưa phải tiết giảm điện. Tuy nhiên, nỗi lo “mất điện không báo trước” vẫn luôn lơ lửng, khi phụ tải của Hà Nội đang tăng trưởng rất mạnh.
Tháng 6/2009, không thiếu điện nhưng người dân Hà Nội lại khốn khổ vì mất điện đột ngột 4-5 lần/đêm. Lý do là nắng nóng 40 độ C, đồng loạt nhiều nhà dân dùng điều hòa, phụ tải tăng một lúc tới 40% dẫn tới quá tải cục bộ, nhảy aptomat tại các trạm biến áp.
Ông Hùng, Giám đốc Trung tâm điều độ, Tổng công ty điện lực Hà Nội khẳng định: “Rút kinh nghiệm từ tình trạng đó, chúng tôi đã chuẩn bị mọi giải pháp kỹ thuật để ứng phó với phụ tải tăng cao”.
Doanh nghiệp trễ hàng vì cúp điện
Tại Bình Dương, ngành điện lực lên kế hoạch trên các tuyến mỗi tuần (trừ ngày chủ nhật) sẽ có hai ngày bị cúp điện từ 6 - 22 giờ. Cuộc sống sinh hoạt của người dân, kế hoạch kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp vì thế mà xáo trộn, bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Thạc Việt, người dân ở thị trấn Lái Thiêu, Bình Dương, than phiền trong những ngày qua, trời vừa nắng nóng lại vừa bị cúp điện đến 22 giờ nên sinh hoạt của gia đình hết sức khó khăn. Do cúp điện, sức mua các mặt hàng như nến, đèn dầu, đèn sạc điện và máy phát điện tăng lên rõ rệt, kéo theo giá các mặt hàng này tăng từ 5 - 10%.
Về phía các doanh nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Điền, giám đốc sở Công thương Bình Dương, cuối tuần qua, sở làm việc với ban quản lý các khu công nghiệp và đại diện hiệp hội các ngành nghề trên địa bàn tỉnh thì hầu hết các ý kiến đều bức xúc do lịch cúp điện vừa triển khai gây ra. Không ít doanh nghiệp đang cận kề ngày giao hàng nhưng đứng trước nguy cơ bị trễ thời gian so với hợp đồng đã ký kết. (Theo SGTT)
Trong đó, việc nâng công suất truyền tải đã được chuẩn bị sớm. Hà Nội đã cấy thêm 200 Trạm biến áp ở những nơi thiếu trạm, nâng công suất lưới 110V lên mức 2.837 MVA, nâng tổng công suất lưới phân phối lên mức 5.896 MVA.
Ngoài ra, các đơn vị điện lực quận, huyện sẽ phải bám sát tình hình phụ tải trong ngày, để có cân tải kịp thời, hợp lý khi có hiện tượng tăng nhu cầu dùng điện đột biến.
Tuy nhiên, rất khó nói trước việc cắt điện luân phiên hay mất điện đột ngột có diễn ra hay không tại Hà Nội! Ông Hùng phân tích, sản lượng điện là do EVN phân bổ. Nếu tới đây, Hà Nội cũng phải chịu giới hạn về mức tiêu thụ điện thì dĩ nhiên là phải cắt luân phiên.
Trong khi, nhu cầu dùng điện lại phụ thuộc vào thời tiết. Với thời tiết còn mát mẻ, mỗi ngày Hà Nội đang tiêu thụ khoảng 23,5 triệu kWh/ngày. Nhưng vào hôm 13/4, khi nhiệt độ mới chỉ lên mức 32- 34 độ C trong một buổi trưa, phụ tải Hà Nội đã tăng đột biến lên mức 26 triệu kWh.
Tháng 5- 6 sẽ nắng nóng hơn, phụ tải của Hà Nội dự báo cao nhất có thể lên mức 36-38 triệu kWh/ngày. Nếu nắng nóng hơn 40 độC là rất đáng lo vì nguy cơ phụ tải lại tăng đột biến.
Do đó, cắt giảm điện chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Tiết kiệm điện trong từng nhà dân, công sở, nhà máy vẫn là giải pháp lâu dài và khả thi.
Tại thời điểm này, ngoài Tổng công ty Điện lực Hà Nội, 4 Tổng công ty Điện lực trên cả nước đang phải thực hiện tiết giảm điện. Trong đó, miền Bắc phải chịu tiết giảm nhiều nhất, từ 10-12%, tương ứng 7-8 triệu kWh/ngày.
Tổng công ty điện lực miền Nam tiết giảm 6 triệu kWh/ngày, tương ứng 7% nhu cầu. Đây là đơn vị chiếm tỷ trọng sản lượng điện của cả nước nhiều nhất, tới trên 25%.
Tổng công ty Điện lực miền Trung tiết giảm 2 triệu kWh so với nhu cầu, tương đương khoảng 6,5% nhu cầu dùng điện.
Riêng TP.HCM, tuy được “ưu tiên” nhưng cũng đã phải giảm 1,5% nhu cầu, cũng tương ứng khoảng gần 2 triệu kWh/ngày.
Vietnamnet
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,555.10 | 5,095.10 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,617.20 | 4,137.20 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,749.90 | 13,289.90 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,756.30 | 1,356.30 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 84
- Truy cập hôm nay: 3055
- Lượt truy cập: 8842781