Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Gió đã thổi... ra tiền
2010-02-15 14:55:34

“Gió như phang, nắng như rang” của đất Ninh Thuận đang dần trở thành nguồn tài nguyên năng lượng khổng lồ và quý giá.

 
Bao thế kỷ vật lộn cùng nắng gió

Ninh Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất của nước ta, với đặc trưng là khô nóng, gió nhiều. Nhiệt độ trung bình năm là 27 độ C, với hai mùa mưa - nắng rõ rệt, nhưng mùa mưa chỉ kéo dài 3 tháng trong năm, với lượng mưa trung bình chỉ 700 - 800 mm/năm.

Cuối thế kỷ XVII, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh của chúa Nguyễn Phúc Chu đem quân tiến sâu vào vùng đất cực Nam của Tổ quốc để khai hoang mở cõi. Năm 1693, ông đã vượt sông Ma Nương băng theo vùng gió cát ven biển Đông vào trấn miền biên ải Bình Khương (vùng Khánh Hòa - Bình Thuận ngày nay). Vài năm sau, dải đất rộng hơn trăm dặm từ sông Ma Nương đến sông Lũy (Ninh Thuận và phía Bắc Bình Thuận) đã in đậm “dấu ấn” Nguyễn Hữu Cảnh trong công cuộc “Nam chinh” của người Việt.

Theo Đại Nam thực lục tiền biên, khi vào đến vùng đất biên cương Bình Khương để bình định, an dân, do thường xuyên đối diện với cái “gió như phang” của thời tiết nhiệt đới gió mùa ở nơi này, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã phải thốt lên: “Xứ đâu mà tháng 3, tháng 4 gió chướng, tháng 9 gió bấc, thổi ồ ạt quanh năm”.

Có một chi tiết khá thú vị trong lịch sử hơn trăm năm về Quốc lộ 1A qua đoạn Phan Rang - Tháp Chàm. Vào đầu thế kỷ trước, trong quá trình thi công mở rộng con đường thiên lý đi từ thành Gia Định ra Phan Rang, Công ty Thầu khoán châu Á lúc đó đã buộc phải bẻ ngoặt con đường, chứ không theo thiết kế ban đầu, theo đó, không tiếp tục thi công tuyến đường này men theo mép biển, mà cho lấn sâu vào đất liền để tránh gió cát.

Sau sự cố “nắn đường” đó, nguồn tài nguyên năng lượng gió vô tận của nước ta đã được người Pháp nhắc đến lần đầu tiên trong bản đồ khảo sát vùng vịnh Con Vịt (Le Canard), tức làng biển Cà Ná, huyện Thuận Nam ngày nay. Song những ý định lắp các tua-bin phát điện từ sức gió của người Pháp ở vùng đất này chưa thể thực hiện được, bởi trình độ kỹ thuật tại thời điểm đó không thể đáp ứng. Và mấy mươi năm sau, hồ sơ các dự án về điện gió vẫn tiếp tục nằm trên bàn giấy của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.

 

 

Nay gió đã thổi... ra tiền

Ninh Thuận có địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và là vùng đất cuối cùng của dãy Trường Sơn, với nhiều dãy núi đâm ra biển. Toàn bộ diện tích của tỉnh được bao bọc bởi 3 mặt núi: ở phía Bắc và phía Nam là 2 dãy núi cao chạy sát ra biển, còn ở phía Tây là vùng núi cao giáp tỉnh Lâm Đồng. Với đặc điểm địa hình như thế, Ninh Thuận được đánh giá là một trong những nơi có tiềm năng phát triển năng lượng gió lớn nhất của cả nước.

Theo bản đồ phân bố các cấp tốc độ gió khu vực Đông Nam Á của Tổ chức True Wind Solutions LLC (Mỹ) lập theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), các vùng gió tiềm năng ở Ninh Thuận chủ yếu tập trung tại huyện Ninh Phước (bao gồm cả huyện Thuận Nam mới được tách ra từ Ninh Phước) và một vài vị trí nằm ở các huyện Bác Ái và Thuận Bắc. Nếu ở độ cao 65 m của huyện Ninh Phước, gió có tốc độ trung bình 7 - 7,5 m/s, còn trên các đỉnh núi, gió có tốc độ trung bình 8 - 8,5m/s. Tốc độ gió mạnh nhất trong tháng và trong năm là 18 - 28 m/s (ở độ cao 12 m), hướng gió chủ yếu là Bắc Đông Bắc và Tây Tây Nam.

Dựa vào nguồn thông tin hấp dẫn nêu trong bản đồ gió của True Wind Solutions, 5 - 6 năm trước, không ít nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng tìm đến Ninh Thuận để đặt vấn đề với chính quyền nơi đây về việc đầu tư, khai thác năng lượng điện gió.

Ông Nguyễn Hoàng Thái, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Sở đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án điện gió trên địa bàn, với tổng công suất 344 MW và vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng; chấp thuận địa điểm đầu tư cho 2 dự án điện gió khác, với tổng công suất 187 MW, trong đó có một dự án có vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận đang triển khai kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào 9 dự án điện gió có vị trí nhà máy nằm trải dài ở các huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Phước và Thuận Nam, với tổng công suất dự kiến khoảng 848 MW.

Rồi đây, hàng chục ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư khắp nơi sẽ được đổ vào Ninh Thuận, để cho hàng chục nhà máy điện gió được xây dựng và hàng trăm tua-bin phát điện từ sức gió sẽ mọc lên sừng sững trên dải đất đầy gió cát, khô cháy này của tỉnh Ninh Thuận.

Háo hức chờ đón... “cánh quạt quay”

Được dịp đến tỉnh Ninh Thuận vào những ngày cuối năm, phóng viên Báo Đầu tư đã làm một chuyến “thực địa” bằng xe gắn máy đến các vị trí đặt nhà máy điện gió nằm ở huyện Ninh Phước và Thuận Nam, để cảm nhận cái “gió như phang, nắng như rang” mà mọi người hay nhắc tới khi nói đến Phan Rang.

Mới khoảng 9 giờ sáng mà ánh náng mặt trời đã chiếu gay gắt, hắt những tia nắng chói chang xuống con đường bê tông không một bóng cây. Đúng là nắng Phan Rang, khiến da thịt đen giòn và rát bỏng. Thêm vào đó là những cơn gió hun hút từ biển thổi vào như muốn hất tung tất cả.

Có đến nơi mới thấy được sự háo hức của người dân khi nói về những nhà máy, những tua-bin điện gió sẽ được khởi công xây dựng trên mảnh đất khốn khó này. Ở địa bàn hai xã Phước Hải, An Hải (huyện Ninh Phước) và xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) sẽ là nơi đặt các tua-bin điện gió của Nhà máy Điện gió An Phong thuộc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Thuận Phong (dự án có tổng vốn đầu tư 6.537 tỷ đồng, đang chuẩn bị khởi công trên diện tích đất 2.230 ha).

Chỉ tay về phía đồi cát hồng của xã An Hải, ông Châu Văn Bổn, người dân tộc Chăm ở xã An Hải vui mừng nói: “Đời sống kinh tế của người dân rồi đây sẽ giàu có hơn nhờ các nhà máy điện gió được xây trên những quả đồi toàn gió cát và cây xương rồng này”.

Còn ông Nguyễn Thành Du ở xã Phước Dinh thì tâm sự: “Như những đứa trẻ thơ ngây, người dân chúng tôi đang háo hức trông chờ để được nhìn những cánh quạt của tua-bin điện gió quay tít trên bầu trời lộng gió, như thể chờ đón mùa xuân về. Những “cánh quạt quay” ấy sẽ góp phần giúp cuộc sống người dân ngày một khấn khá lên”.

Dọc dải đất rộng hơn 900 km2 của hai huyện Ninh Phước và Thuận Nam đã có 4 dự án điện gió được cấp phép đầu tư, một dự án chấp thuận địa điểm xây dựng và 6 dự án khác đang kêu gọi đầu tư... Các dự án này chắc chắn sẽ đủ sức phục hóa hàng ngàn héc-ta đất cát bỏ hoang lâu nay, đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho vùng đất này.

Những... gió bấc, gió chướng từng làm khốn khó biết bao thế hệ cư dân vùng duyên hải Phan Rang - Tháp Chàm đang dần chuyển sang sứ mệnh “gom gió” đổi lấy tiền. Những... luồng gió hun hút, vô tận ấy sẽ làm cho các tua-bin điện gió “đơm hoa, kết trái” trên những cánh đồng cát trắng. Gió sẽ mang “thần tài” đến với đất Ninh Thuận.

Theo Quốc Trị
vir.com.vn





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,215.204,815.20
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,335.403,945.40
100g ABC Bullion Bar
13,898.6012,748.60
1kg ABC Bullion Silver
1,689.401,339.40
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 34
  • Truy cập hôm nay: 1094
  • Lượt truy cập: 8621392