1. Kết quả GDP có là liều thuốc màu nhiệm vực dậy niềm tin của thị trường?
Niềm vui sau thắng lợi của ngài chủ tịch Bernanke không thể thắng được nỗi thất vọng của thị trường sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama trong ngày hôm qua, các nhà đầu tư từ bỏ các kênh đầu tư sinh lợi cao để quay về những hầm trú ẩn an toàn. Đồng USD tiếp tục gia tăng khoảng cách so với các đối thủ của mình trên thị trường ngoại hối, chỉ số DXY ngày hôm qua tăng thêm khoảng 25 điểm so với giá mở cửa 78.74 đầu ngày. Sự tăng giá của đồng bạc xanh đang phản ánh nỗi lo sợ của giới đầu tư quốc tế khi kinh tế thế giới chưa đạt được sự phục hồi như mong đợi.
Trong ngày hôm qua, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 23/1/2010 đã giảm 8.000, xuống 470.000 người, từ mức 478.000 trong tuần trước đó. Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho hay, số đơn đặt hàng lâu bền trong tháng 12/2009 đã tăng 0,3%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2% của giới phân tích. Số hàng tồn kho trong tháng 12/2009 đã giảm 0,2%. Các chuyên gia đang cố gắng dự đoán kết quả GDP quý 4 sắp công bố tối nay. Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến GDP: doanh số bán lẻ, số liệu thương mại và tồn kho. Mặc dù chi tiêu dùng giảm 0.3% vào tháng 12 nhưng đã tăng đến 1.8% vào tháng 11 và 1.2% vào tháng 10 và nếu tính bình quân, chỉ tiêu này đã có sự cải thiện so với quý 3. Trong khi đó, số liệu cán cân thương mại tháng 10 và tháng 11 cho thấy nước Mỹ vẫn tiếp tục bị thâm hụt, tuy nhiên mức độ có chiều hướng giảm nhẹ. Số đơn đặt hàng vẫn còn ở mức thấp nhưng chỉ số PMI khu vực dịch vụ và chế tạo cho thấy số hàng tồn kho ở các doanh nghiệp tiếp tục tăng lên. Do đó khả năng GDP quý 4 sẽ đạt tốc độ tăng mạnh nhất trong năm, tuy nhiên khó có thể vượt mức 4.7%.
Nỗi thất vọng lớn nhất của thị trường trong ngày hôm qua chính là Thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ Obama. Thị trường hy vọng ông sẽ đề cập đến kế hoạch cải tổ hệ thống pháp lý ngành tài chính, tuy nhiên trọng tâm của bài phát biểu lần này của Tổng thống lại chủ yếu bàn về vấn đề thị trường lao động. "Nhiều người đang bị thất nghiệp. Họ gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ của chúng ta. Và tôi muốn một dự thảo về việc làm có mặt ngay trên bàn tôi không một chút chậm trễ. Việc làm sẽ là mục tiêu số một của chúng ta năm 2010". Obama cam kết, tăng trưởng việc làm sẽ là ưu tiên cao nhất của ông và kêu gọi Quốc hội đang bị chia rẽ hãy cùng hợp tác về kế hoạch kích thích chi tiêu mới cũng như cứu viện kinh tế trong giai đoạn ngắn. Tổng thống Mỹ cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi những thay đổi dài hạn về y tế, năng lượng, giáo dục.... Một phần nhỏ trong bài phát biểu được dành để bảo vệ gói cứu trợ tài chính cho các ngân hàng, vốn gây ra nhiều tranh cãi. Ông nói, đó là cần thiết để cứu nền kinh tế. "Khi tranh cử Tổng thống, tôi cam kết sẽ không chỉ làm những việc được ưa chuộng mà làm cả những việc cần thiết. Nếu chúng ta cho phép hệ thống tài chính sụp đổ, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay sẽ là gấp đôi. Sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Nhiều gia đình sẽ mất nhà hơn". Ông cũng sẽ chú trọng tập trung vào việc giải quyết bài toán thâm hụt ngân sách."Bắt đầu từ 2011, chúng ta chuẩn bị đóng băng chi tiêu chính phủ trong 3 năm".
Cũng trong ngày hôm qua, Ngài Bernanke đã chính thức nhận được sự chấp thuận của Thượng viện để tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp của mình tại chiếc ghế chủ tịch FED sau kết quả bầu cử 70 phiếu thuận – 30 phiếu chống, kết quả có sự chênh lệch nhiều nhất kể từ khi những cuộc bầu cử chủ tịch FED được bắt đầu năm 1978. Mặc dù với những chính sách vừa qua, FED vẫn chưa thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình hồi phục kinh tế Mỹ, tuy vậy với những nỗ lực của mình, ngài Bernanke vẫn là người xứng đáng nhất được lựa chọn để tiếp tục điều hành FED.
“Không ai có khả năng ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính và giải cứu nền kinh tế hơn ngài chủ tịch đương nhiệm Bernanke.” (trích phát biểu của thành viên đảng Dân chủ - Charles Schumer)
Tuy nhiên niềm vui trước sự đắc cử của ngài Bernanke không lấn át được sự thất vọng của thị trường. Sắc đỏ ngự trị hầu hết các thị trường. Vì vậy, thông tin GDP quý 4 được công bố tối nay đóng vai trò quan trọng, nếu đạt hoặc vượt kỳ vọng của thị trường thì nó sẽ là liều thuốc an thần đối với giới đầu tư quốc tế, ngược lại nó sẽ khiến xu thế giảm điểm tiếp tục thắng thế.
2. Vàng tiếp tục giảm giá bởi sự suy giảm nhu cầu đầu tư sinh lợi.
Hôm qua, vàng lại tạm thời “án binh bất động” khi bạc xanh lên giá còn phố Wall giảm điểm mạnh. Nỗi lo ngại về nợ công tại Hi Lạp vẫn dai dẳng “đeo bám” các nhà đầu tư, khiến nhu cầu đầu tư rủi ro khó được thực hiện. Thêm vào đó, những thông tin về kết quả kinh doanh đáng buồn của giới công nghệ Mỹ cũng là lý do khiến thị trường không được sôi động. Hơn nữa, việc quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc đang có những bước đi đầu tiên để giảm đà tăng trưởng kinh tế được xem là quá nóng khiến thị trường ngày càng quan ngại hơn cho tương lai của vàng. Trong khi đó, tại đầu tàu, thong báo toàn bang của tổng thống B.Obama dầu không gay gắt lên tiếng cải tổ hệ thống tài chính nhưng cũng không có gì mới ngoài những hứa hẹn tạo thêm việc làm, cắt giảm thuế. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/01/2010, vàng chốt phiên ở mức 1,087.40 USD/oz, thay đổi không đáng kể so với giá mở cửa đầu ngày.
Tại thị trường vàng vật chất Việt Nam, giá vàng vật chất thay đổi không đáng kể so với ngày hôm trước. Giá mua vào – bán ra vẫn xoay quanh mức 26,30 triệu – 26,55 triệu đồng/lượng.
Hôm nay, dự báo thị trường vàng không có nhiều biến động nếu những tin tức tại đầu tàu không thực sự khả quan.
3. Khủng hoảng nợ công Hy Lạp tiếp tục ám ảnh đồng EUR .
Đòn bẩy của thông tin kinh tế lạc quan đã không đủ sức cứu vãn đồng EUR khỏi sức ép của cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp. Đồng EUR hôm qua giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thị trường ngoại hối. So với “đối thủ” USD và JPY, đồng EUR có biểu hiện kém cỏi nhất khi lần lượt rơi xuống các điểm đáy trong vòng 6 tháng qua với các mức tỷ giá EUR/USD 1.3963 thấp nhất kể từ 14/7/2009 và EUR/JPY 125.11, mức thấp nhất kể từ 28/4/2009.
Dẫu rằng sự khó khăn của đơn lẻ một nền kinh tế thành viên sẽ ảnh hưởng đến sự thịnh vượng chung của toàn khối, song những biểu hiện gần đây cho thấy các nền kinh tế khác thuộc khối EU, thậm chí là Ngân hàng trung ương Châu Âu – ECB cũng tỏ ra không mặn mà lắm trong việc chung tay giúp sức cho “người anh em” – Hy Lạp vượt qua cơn khủng hoảng lần này. Điều này khiến cho thị trường thực sự hoang mang khi mà Hy Lạp phải “đơn thân độc mã” đương đầu với khó khăn ngân sách. Và theo dõi diễn biến cuộc đấu giá trái phiếu chính phủ khi tỷ suất kỳ vọng đặt ra ngày càng cao (tương ứng với rủi ro cao) cũng ít nhiều phản ánh được nỗi lo lắng đó. Như những gì được thấy trên thị truờng ngoại hối, xu hướng bán tháo đồng Euro, hình tượng biểu trưng cho nền kinh tế Eurozone, là minh chứng cho sự tác động của một “cá thể” (Hy Lạp) đến tập thể (Châu Âu). “Nhiều người đang lo ngại rằng tình trạng xấu hơn cũng đang tiếp tục diễn ra trên các quốc gia khác”…” họ đang mất dần lòng tin nơi đồng EUR, và họ đang buông dần nó”, trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật tại Bay Crest Partners, New York, ông Christian Bendixen nói.
Không chỉ riêng Hy Lạp, Bồ Đào Nha hiện cũng đang đối mặt với tình trạng khó khăn trong khả năng chi trả. Theo báo cáo của công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s thì Bồ Đào Nha phải giảm lượng chi tiêu ngân sách cho mục đích chế ngự các khoản nợ trong năm 2010 và để tránh tình huống bị hạ điểm tín nhiệm.
Theo ông Amelia Bourdeau, nhà phân tích chiến luợc tại UBS AG, Stamford, Connecticut “Thật sự đang có những lo ngại về rủi ro mang tính hệ thống trong khu vưc Eurozone”. Ông nói thêm “chúng tôi đánh giá có nhiều mối rủi ro cao xung quanh vấn đề Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Điều đó đã đẩy đồng EUR đi xuống”.
Trong khi đó, thông tin kinh tế công bố hôm qua về thị trường lao động Đức lại có tín hiệu khả quan. Số lượng việc làm cắt giảm trong tháng 1 ít hơn so với mức dự báo trước đó. Ngoài ra, các chỉ số niềm tin về môu trường kinh doanh cũng như triển vọng kinh tế cũng được củng cố với các mức tăng đáng kể.
Thông tin kinh tế đáng chú ý hôm nay gồm có tin về tỷ lệ thất nghiệp Eurozone và con số ước tính CPI của Eurozone. Dự báo tỷ giá EUR/USD giảm trong ngày.
4. Lợi thế của công cụ an toàn giúp JPY hấp dẫn hơn.
Xu hướng kinh doanh rủi ro sụt giảm tiếp tục ủng hộ cho đồng JPY tăng cao hơn so với các đồng tiền khác. Trong vài tuần gần đây, đồng JPY đã được “ưa thích” đặc biệt với vai trò công cụ tài sản an toàn, mặc dù kinh tế Nhật ít được cải thiện, kết thúc phiên hôm qua JPY tăng thêm 20 điểm so với USD và giao dịch xung quanh mốc 89.70 điểm. Lý giải cho sự “hấp dẫn” của đồng tiền xứ sở mặt trời mọc so với USD là những lo lắng về sự thay đổi các qui định về ngân hàng của chính phủ Mỹ và định hướng lại thị trường, bất ổn chính trị… đã thúc đẩy mọi người “ưa chuộng” JPY hơn.
Dựa trên những báo cáo kinh tế gần đây, chi tiêu người tiêu dùng đang được “thu hẹp” dù tháng 12 là mùa mua sắm đặc biệt trong năm, điều này đã ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ khi giảm 1.2%. Trong một nỗ lực mới nhất để thúc đẩy nền kinh tế yếu kém, quốc hội Nhật đã thông qua ngân sách phụ thứ 2 với mức 7,2 tỷ JPY. Bộ trưởng bộ tài chính ông Naoto Kan đã tuyên bố rằng gói kích thích mới nhất sẽ tăng thêm 0.7% cho nền kinh tế trong năm tới để chống lại nguy cơ giảm phát. Tuy nhiên, quốc gia này đang chịu một gánh nặng nợ so với tỷ lệ GDP cao nhất trong số các quốc gia phát triển, cộng thêm chi tiêu trong nước vẫn là “bài toán khó” chưa được giải cho các nhà lãnh đạo nước này, đây có thể xem là “trở ngại” lớn cho nền kinh tế Nhật lẫn JPY trong năm 2010.
Kết quả công bố về tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5.2% xuống 5.1% đã mang đến cái nhìn lạc quan hơn cho thị trường việc làm của Nhật, dù các công ty đang sa thải với tốc độ chậm hơn khi xuất khẩu phục hồi trong năm 2009, nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng tuyển dụng lao động trở lại cho tới khi lợi nhuận của họ phục hồi mạnh. (nhận định của ông Nishioka, chuyên gia kinh tế trưởng tại RBS Securities Japan ở Nhật). Hơn nữa, dữ liệu kinh tế của xứ sở hoa anh gồm PMI sản xuất, chi tiêu hộ gia đình, giá người tiêu dùng và sản xuất công nghiệp đều cho thấy “ cải thiện” nhẹ, điều này cũng đã tác động tích cực cho đồng JPY.
Thị trường ngoại hối sẽ chịu ảnh hưởng từ những thông tin quan trọng của đầu tàu kinh tế Mỹ như công bố về GDP, chi tiêu cá nhân,…điều này có thể sẽ gây “khó khăn” cho các công cụ an toàn bởi những dự đoán nghiêng theo hướng có sự cải thiện tích cực.
Nguồn: Vfinance.vn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,555.90 | 5,085.90 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,617.80 | 4,127.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,751.90 | 13,251.90 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,762.30 | 1,362.30 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 367
- Truy cập hôm nay: 1949
- Lượt truy cập: 8836035