Ngân sách cho y tế sụt giảm
Trong một bài viết đặc biệt gửi hãng tin CNN mới đây, các nhà dịch tễ và kinh tế học David Stuckler (Anh) và Sanjay Basu (Mỹ) cho rằng, chính sách thắt lưng buộc bụng tại châu Âu trong những năm vừa qua khiến công tác chăm sóc y tế giảm sút và “gián tiếp” làm cho tình trạng dịch bệnh bùng phát tại nhiều nước.
“Nếu thắt lưng buộc bụng là một cuộc thử nghiệm lâm sàng, việc này đáng lẽ đã phải chấm dứt ngay. Trong khi các nhà lãnh đạo khu vực thì dường như vẫn làm ngơ trước những tác động tiêu cực này” – các tác giả trên nêu quan điểm trong bài viết.
Dưới góc độ là những chuyên gia về y tế cộng đồng, 2 tác giả cho rằng, việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng một cách quá nghiêm khắc và thiếu chọn lựa, không những không phải là giải pháp tốt mà còn đang trở thành một phần nguyên nhân khiến nguồn nhân lực đang bị tổn thương.
Tại các nền kinh tế như Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha hay Anh cũng như nhiều nước khác tại châu Âu, đã có thêm hơn 10 nghìn vụ tự tử trong giai đoạn 2007 - 2010, một con số vượt xa so với các xu hướng trong quá khứ, trong đó tăng mạnh nhất tập trung ở các nền kinh tế phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc nhất.
Các chuyên gia trên tin rằng, tự tử và trầm cảm không phải là những hậu quả không thể tránh được của suy thoái kinh tế. Bởi các quốc gia cắt giảm ngân sách y tế và bảo trợ xã hội mạnh (thắt lưng buộc bụng quá mức) thì sức khỏe người dân cũng “xuống cấp theo” và thấp hơn hẳn những quốc gia lựa chọn chính sách kích thích kinh tế hơn là thắt lưng buộc bụng.
Và hậu quả nhìn từ một quốc gia
Một ví dụ điển hình là Hy Lạp. Để đáp ứng các mục tiêu về cắt giảm thâm hụt ngân sách do NHTW châu Âu, Ủy ban châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra (nhằm được cứu trợ), ngân sách cho ngành y tế của nước này đã bị cắt giảm tới hơn 40%.
Nó chua xót như lời của Bộ trưởng Y tế nước này: “Cắt giảm ngân sách cho y tế không phải bằng con dao mổ ở bệnh viện mà bằng một con dao của chủ lò mổ gia súc”. Mức cắt giảm này khiến chi phí cho y tế ở Hy Lạp chỉ còn chiếm 6% GDP, thấp hơn mức 8% tại Anh và 9% tại Đức.
Hậu quả là gì? Tỷ lệ lây nhiễm HIV tại nước này đã tăng vọt tới trên 200% kể từ năm 2010, chủ yếu bùng phát ở những người tiêm chích ma túy, vì ngân sách cho chương trình cung cấp kim tiêm tiệt trùng bị cắt giảm một nửa.
Trong khi đó, dịch bệnh sốt rét bùng phát trở lại, hiện ở mức lớn nhất trong 40 năm qua, sau khi ngân sách cho công tác phun thuốc diệt muỗi bị cắt giảm. Có tới hơn 200 loại thuốc phòng, chữa bệnh thiết yếu không còn xuất hiện trong nhiều quầy thuốc do nhiều công ty dược phẩm đã tháo chạy khỏi nước này trong cảnh nợ nần khi ngân sách nhà nước bị cắt giảm.
Chưa hết, kể từ năm 2008 đến nay, những người về hưu cho biết không thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế đã tăng lên tới hơn 40%. Chưa hết, do các bệnh nhân không đủ khả năng chi trả cho y tế tư nhân cũng như cho chăm sóc phòng ngừa, các bệnh viện công đã ghi nhận sự gia tăng tới 24% các bệnh nhân phải nhập viện, dẫn đến tình trạng quá tải đối với các bác sỹ và phòng khám. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng đã tăng tới 40% trong giai đoạn 2008 - 2010.
Cũng trong những năm thắt lưng buộc bụng vừa qua, có tới 35 nghìn bác sỹ, y tá và nhân viên y tế mất việc trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp chung của nước này đã lên tới 27% và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tại một số lĩnh vực đã xấp xỉ 75%. Với một thực trạng quá tối tăm cũng như một hình ảnh tương lai về dịch vụ y tế không mấy sáng sủa, nhiều người dân Hy Lạp đã phải tìm tới những loại thuốc tổng hợp, giá rẻ.
Lượng thuốc sử dụng chống trầm cảm tăng vọt, trong khi số vụ tự tử tại Hy Lạp – vốn ở mức thấp nhất tại châu Âu trước đây – cũng tăng mạnh. Đáng chú ý là thời điểm mà các vấn đề sức khỏe, bệnh tật bùng phát như vậy không trùng với sự khởi đầu của suy thoái kinh tế trong những năm 2008 và 2009, mà trùng với thời điểm việc thực hiện cắt giảm ngân sách mạnh mẽ và chính sách thắt lưng buộc bụng được bắt đầu từ năm 2010.
Thế nên phải đặt ra câu hỏi: Liệu những hậu quả không phải mang tính tất yếu này chỉ là do suy thoái kinh tế hay còn do chính cách thức mà người ta xử lý suy thoái ấy thông qua các chính sách thắt lưng buộc bụng?
Nhìn từ thực tiễn tác động của các cuộc khủng hoảng, biến động kinh tế lớn trong lịch sử đến hệ thống y tế, hai tác giả này cho rằng, không phải tất yếu người dân sẽ phải bị ốm hay chết khi nền kinh tế gặp khó khăn mà chính chính sách tài khóa mới có thể là một trong những yếu tố đáng nói đến trong sự sống và cái chết ở đây.
Ví dụ, trong cuộc Đại suy thoái kinh tế tại Mỹ những năm 1930, Tổng thống Mỹ lúc đó là Franklin Roosevelt đã quyết tâm triển khai Chính sách Kinh tế mới (New Deal) nhằm cứu nền kinh tế nước này. Chính sách này đặc biệt tập trung cho việc tạo ra một mạng lưới an sinh xã hội, khuyến khích người dân quay lại làm việc và xây dựng hệ thống hạ tầng y tế…
Kết quả là tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh không những không tăng lên mà đã giảm đi khoảng 10%; số vụ tự tử cũng giảm được 4 vụ/100.000 dân; tỷ lệ người mắc bệnh lao cũng giảm nhanh ở những bang triển khai tốt Chính sách Kinh tế mới này.
Trở về cuộc suy thoái kinh tế hiện nay ở châu Âu, trường hợp Iceland cũng là một nước được các tác giả nghiên cứu rất kỹ. 5 năm trước, nền kinh tế này gần như sụp đổ sau khi có tới 3 ngân hàng lớn nhất phá sản và nợ công lên tới 800% GDP, buộc Iceland phải viện đến IMF.
Tổ chức này yêu cầu Iceland phải cắt giảm 50% chi tiêu ngân sách nếu muốn nhận cứu trợ. Ngay khi kế hoạch cắt giảm chi phí y tế 30% được đưa ra, các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ đã diễn ra buộc Bộ trưởng Y tế nước này phải từ chức. Điều này buộc Tổng thống Iceland phải đưa ra một bước đi mang tính quyết định: Trưng cầu ý kiến người dân xem họ muốn làm gì.
Vào tháng 3/2010, 93% của người dân Iceland đã bỏ phiếu chống các cắt giảm ngân sách hà khắc. Thay vào đó, yêu cầu chính phủ Iceland phải giữ nguyên ngân sách chăm sóc sức khỏe. Nhờ thực hiện theo mong muốn này, số vụ tự tử hay tỷ lệ người bị trầm cảm không tăng lên đáng kể; các bệnh truyền nhiễm cũng không bùng phát.
Kinh tế Iceland cũng nhanh chóng ổn định trở lại và đã ghi nhận sự tăng trưởng GDP 2,7%, thất nghiệp xuống dưới 5% trong năm 2012 – những con số rất đáng nể nếu so với GDP tăng trưởng âm tại nhiều nước khác trong khu vực.
Trên cơ sở những phân tích chính sách kinh tế dưới góc độ y học như vậy, hai chuyên gia Stuckler và Basu khuyến nghị chính sách thắt lưng buộc bụng hiện nay ở châu Âu cần thay đổi. “Việc cắt giảm một cách hà khắc, bừa bãi các chương trình y tế xã hội không chỉ dẫn đến những thất bại kinh tế mà còn là mạng sống con người” – bài viết kết luận.
Nghiên cứu của 2 tác giả cũng chỉ ra, chi phí để giải quyết các vấn đề y tế của Hy Lạp hiện nay như HIV, dịch sốt rét bùng phát… còn tốn kém hơn so với việc đáng lẽ nên làm là ngăn ngừa, phòng chống nó xảy ra.
Theo Đỗ Lê
Thời báo Ngân hàng
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,333.50 | 4,913.50 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,431.80 | 4,031.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,205.60 | 12,905.60 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,728.40 | 1,378.40 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 138
- Truy cập hôm nay: 1188
- Lượt truy cập: 8588521