Một nghịch lý đang diễn ra ở Cà Mau: DN làm ăn chân chính không được xét vay vốn ưu đãi, còn đơn vị trên đà phá sản lại được hỗ trợ. Rốt cuộc, ngân hàng có nguy cơ mất trắng hàng ngàn tỷ đồng bởi trao tiền cho “chúa chổm”.
Khoác áo đại gia nhờ vay tiền nhà nước
Khi con tôm hết thời, một số DN ở Cà Mau lao đao thì không ít đại gia thủy sản vẫn chễm chệ trên ôtô đời mới, đường hoàng ngụ trong những biệt thự lộng lẫy dù công ty đóng cửa, nợ NH không có khả năng chi trả. Để giúp một số DN có khả năng sản xuất, tăng ngân sách, Ngân hàng phát triển (VDB) tổ chức cho vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn 6,9%/năm. Tuy nhiên, dù quy định hết sức nghiêm ngặt nhưng tình trạng “con voi chui tọt lỗ kim” vẫn diễn ra khiến ngân sách nhà nước có nguy cơ mất trắng.
Sau thời gian thông báo, VDB Cà Mau đành phải lên danh sách một số DN từng là “con cưng” của NH và ra “tối hậu thư” đề nghị giải quyết nợ nần.
Từ ngày 18-6-2010 đến 24-1-2011, VDB Cà Mau cho Công ty TNHH chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Minh Châu (gọi tắt là Công ty Minh Châu) thực hiện 11 hợp đồng với dư nợ hơn 100 tỷ, số tiền được giải ngân từ 7 - 15 tỷ.
Xem lại các hợp đồng giải ngân của VDB với Minh Châu, chúng tôi phát hiện công ty này thành lập hầu như chỉ để vay vốn NH. Ngày 18-6-2010, VDB Cà Mau giải ngân cho Minh Châu 8 tỷ thì đến ngày 23-6-2010 công ty được giải ngân tiếp 15 tỷ và sáu ngày sau được vay đến 15 tỷ. Chỉ trong sáu tháng, Minh Châu được xét cho vay hơn 100 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi khiến nhiều DN khác ngỡ ngàng. Khi công ty này không có khả năng chi trả, VDB Cà Mau kiểm tra lại tài sản thế chấp chỉ có giá trị hơn 20 tỷ đồng gồm 4 xe tải, 1 chiếc Innova và tiền gởi VDB làm tin 4 tỷ đồng, không đủ trả lãi treo hơn 50 tỷ.
Do duyệt hồ sơ vay khá thoải mái, cán bộ VDB Cà Mau đã giao tiền vào tay nhiều con nợ khó đòi. Điển hình, dù xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn nhưng ông chủ Xí nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản và xuất khẩu Ngọc Sinh (gọi tắt Xí nghiệp Ngọc Sinh) vẫn ung dung như đại gia, sau khi bỏ vốn đầu tư nhà máy trên khu đất an ninh quốc phòng thuộc Trại giam K1 Cái Tàu, chẳng hiểu sao trong hai tháng (từ ngày 3-7 đến 23-9-2009), Ngọc Sinh được VDB Cà Mau 18 lần giải ngân với số tiền gần 300 tỷ?
Trong khi xí nghiệp không có khả năng chi trả, VDB Cà Mau lại hào phóng cho vay tiếp vào hai ngày 4 và 6-6-2010 gần 12 tỷ. Sau nhiều lần đòi nợ không hiệu quả, số lãi lên đến gần 130 tỷ đồng không thu được một xu, VDB Cà Mau kiểm tra lại tài sản của Ngọc Sinh chỉ có 90 tỷ gồm hơn 25 hécta đất ở An Giang và Ninh Thuận.
Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải từng được xem là đại gia lớn trong ngành thủy sản tỉnh này cũng được VDB Cà Mau cho vay ưu đãi hơn 120 tỷ. Đến nay lãi treo gần 50 tỷ, cán bộ tín dụng tìm đến công ty thì cửa đóng then cài, giám đốc đi Mercedes lên TPHCM nghỉ dưỡng. Tài sản thế chấp của Công ty TNHH Nhật Đức chỉ khoảng 30 tỷ đồng nhưng cán bộ VDB “trông gà hóa cuốc” duyệt cho vay gần 180 tỷ. Hiện Nhật Đức không có tiền trả lãi ưu đãi gần 90 tỷ.
Có hay không việc “bôi trơn” hồ sơ vay vốn ưu đãi?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, DN tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi không hề dễ dàng. Theo quy chế quản lý tín dụng xuất khẩu nhà nước của Ngân hàng phát triển Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15-9-2007, tại điều 14 khoản 2 mục b ghi rõ: “Ngân hàng phát triển lựa chọn khách hàng có đủ các điều kiện sau: kết quả sản xuất có lãi trong hai năm liền kề tại thời điểm xét cho vay, có văn bản cam kết thực hiện biện pháp bảo đảm tài sản theo yêu cầu của ngân hàng phát triển”.
Điều 11 của quy chế trên ghi: “Mức vốn cho vay đối với từng hợp đồng bằng 85% giá trị hợp đồng xuất khẩu”. Ngoài ra, DN phải có phương án kinh doanh cũng như kế hoạch trả ngân hàng. Quy định là vậy nhưng việc xét cho DN, công ty thủy sản ở Cà Mau vay ưu đãi khá thoải mái dẫn đến tình trạng không ít cán bộ VDB Cà Mau nhốn nháo khi hay tin Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Nam Thành (gọi tắt Công ty Nam Thành) “hô biến”. Cán bộ tín dụng kiểm tra thì hỡi ơi khi công ty này chỉ còn khung sắt rỗng ruột, xe tải đã thế chấp ngân hàng và toàn bộ nhà máy trên địa bàn huyện An Minh, Kiên Giang được bí mật di dời đi nơi khác, số nợ gần 40 tỷ cùng lãi gần 20 tỷ không biết đến bao giờ thu hồi được.
Trường hợp Công ty TNHH Hiệp Thành Phát mới chân ướt chân ráo gia nhập ngành thủy sản, tài sản hơn 800 triệu đồng nhưng được VDB Cà Mau hào phóng cho vay ưu đãi đến hơn 13 tỷ, hiện nợ gốc và lãi hơn 6 tỷ chẳng biết bói đâu ra. Với cách giải ngân trên, chỉ cần thành lập DN và “quan hệ tốt” với cán bộ VDB Cà Mau sẽ trở thành đại gia, khi NH xiết nợ giao lại “cục sắt” không đủ thanh toán lãi.
Thực trạng bát nháo trong việc xét duyệt hồ sơ vay vốn tại VDB Cà Mau đã để lại món nợ đầm đìa lên đến hàng ngàn tỷ đồng khó có khả năng thu hồi. Đề nghị VDB Việt Nam và cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau xem lại việc xét hồ sơ duyệt cho vay để xử lý theo pháp luật, đừng vì lợi ích của vài cá nhân mà ngân sách phải gánh nợ cho những đại gia ảo và cán bộ ngân hàng thiếu trách nhiệm.
Theo Thiện Thảo
Công an Tp. Hồ Chí Minh
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,487.40 | 4,987.40 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,561.10 | 4,061.10 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,569.50 | 13,069.50 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,746.60 | 1,346.60 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 116
- Truy cập hôm nay: 434
- Lượt truy cập: 8827756