Đại bản doanh kỳ vĩ này của Apple, ít nhất là theo tưởng tượng của Jobs, sẽ không bao giờ thuần túy chỉ để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Khu đất nơi xây dựng công trình được Apple mua trong hai đợt: 50 arces được mua năm 2006, và khoảng 100 acres mua lại từ Hewlett-Packard vào năm 2010.
Jobs muốn công trình này trở thành một mô hình kiểu mẫu của sự bền vững. Ông đề ra mục tiêu tự cung cấp điện năng cho mọi hoạt động của tòa nhà, và coi lưới điện quốc gia là một phương án dự phòng. Ông muốn nơi này sẽ không quá giống một khu công sở, mà giống như một khu bảo tồn thiên nhiên.
Màu xanh phải tràn ngập văn phòng
Không lâu sau khi rẽ vào một trong hai đường dẫn vào trụ sở mới này, các tòa nhà sẽ lần lượt hiện ra, hầu hết ô tô sẽ được dẫn vào mạng lưới đường và bãi đỗ xe ngầm dưới lòng đất.
Apple dự kiến sẽ dành 15 acres để trồng giống cỏ bản địa của bang California cùng với 309 loại cây khác (bao gồm 6,000 cây trồng mới và 1,000 cây hiện có tại diện tích xây dựng sẽ được đào lên, lưu giữ tại vườn ươm và trồng lại sau khi hoàn thành). Khoảng sân rộng lớn nằm ở tâm của vòng tròn khu nhà chính sẽ được phủ xanh hoàn toàn với cây mơ, cây olive, cây táo, và khu vườn thảo dược ở gần khu phục vụ café lộ thiên.
Phối cảnh trụ sở tương lai của Apple (Ảnh: Hội đồng Thành phố Cupertino)
|
Sau khi công trình này được hoàn thiện, sẽ chỉ có 6 bộ phận người ngoài có thể quan sát được, gồm: tòa nhà chính, hành lang dẫn vào hội trường ngầm dưới đất (theo mô hình dựng thử thì khu hội trường này sẽ không kéo dài tới San Francisco nữa), một bãi đỗ xe bốn tầng ngăn cách khu trụ sở với đường cao tốc bắc-nam Interstate 280, một khu thể thao và hai phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển, chẳng hạn như một phòng cách âm để phân tích các tín hiệu vô tuyến điện tử.
“Cảm nhận chung về công trình này khi nó được hoàn thành sẽ tốt lên hàng tỉ lần so với bây giờ,” Jobs đã nói như vậy trước Hội đồng Thành phố Cupertino.
Để đạt được mục tiêu là trụ sở có “năng lượng ròng bằng không”, mái của công trình sẽ chứa các tấm pin mặt trời có tổng diện tích lên tới 700,000 feet vuông, đủ để sản sinh ra 8 megawatt điện năng. (Lượng điện năng này đủ để cung cấp cho khoảng 4,000 hộ gia đình.) Apple cho biết công ty hiện đang thỏa thuận các hợp đồng để khai thác nhiều hơn năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Để tiết kiệm lượng điện tiêu thụ, Apple dự kiến sử dụng công nghệ “biến đổi theo thời tiết”. Theo các bản vẽ thiết kế, công trình sẽ có hệ thống cửa sổ tự động mở hoặc đóng để cho phép một lượng vừa đủ ánh sáng, gió, và không khí tràn vào phòng, nhằm duy trì mức nhiệt độ phù hợp.
Apple cũng sẽ cho lắp đặt một số lượng lớn Solatubes – là các mái kính được dùng để phản chiếu ánh sáng bên ngoài vào không gian bên trong trụ sở - và các quạt gió khổng lồ cỡ cánh quạt máy bay do các công ty như Big Ass tại Lexington, Ky. chế tạo để di chuyển các luồng không khí mà không tốn quá nhiều năng lượng.
Sự hoàn hảo tốn kém
Tuy nhiên sự đắt đỏ của công trình này không nằm ở các công nghệ xanh hay các nguyên vật liệu được sử dụng – những vật liệu mà các nhà thiết kế gọi là “lắp ghép và hoàn thiện” mà nằm ở sự hoàn mỹ không tỳ vết của nó.
Cũng giống như mọi sản phẩm của Apple, Jobs muốn công trình này phải trơn tru, không tì vết, không kẽ hở, không có nét vẽ run tay nào; tất cả mọi bức tường, mọi mặt sàn, và thậm chí cả trần nhà phải được chau chuốt tới mức độ mềm mại trơn tru siêu nhiên. Theo một nguồn tin có mặt trong buổi họp về trụ sở mới diễn ra từ năm trước, tất cả các đồ nội thất làm bằng gỗ phải được chế tác từ một loại gỗ sồi đặc biệt, và chỉ có loại gỗ có chất lượng tốt nhất nằm ở “tâm gỗ” – tức phần giữa của cây gỗ mới được sử dụng.
Bản thân tòa nhà chính cũng sẽ lập một kỉ lục mới xét theo góc độ phương thức lắp ráp. Trong khi các khung kết cấu sẽ được dựng lên ngay tại công trường, các tấm kính dùng cho việc lắp ráp tường bao sẽ được uốn và lên khung tại nhà máy của Công ty Seele ở Gerthofen, Đức.
“Sẽ có khoảng 6 kilomet vuông kính,” Peter Arbour, một kỹ sư của Seele cho biết. Arbour cũng tiết lộ rằng chưa có công ty nào từng sản xuất các tấm kính lớn cỡ này – chưa kể rằng đây còn là những tấm kính cong. “Thường thì chúng tôi chỉ nói về các tấm kính có kích thước tính theo feet vuông.”
Seele là công ty sản xuất các cầu thang bằng kính tại nhiều cửa hàng của Apple cũng như khối lập phương lớn đặt tại lối vào của cửa hàng Apple trên Đại lộ số Năm. Công ty này đã tăng gấp đôi năng lực sản xuất tại các nhà máy của mình để phục vụ dự án của Apple, Arbour cho biết.
Thông thường thì hầu hết các tấm kính cong được tạo ra từ một quá trình xử lý nhiệt và có thể gây một số nhầm lẫn cho người dùng do hiệu ứng đám mây hay hiệu ứng nhà gương. Các tấm kính sản xuất cho Apple sẽ được áp dụng công nghệ uốn lạnh; và Seele đã lắp đặt các máy móc có khả năng uốn và giữ các tấm kính trong quá trình tán mỏng với vật liệu kết dính để giữ nguyên hình dáng thích hợp của chúng.
“Với các tấm kính được uốn lạnh, bạn sẽ có được một bề mặt thật sự, với độ trong suốt thực sự và khả năng phản chiếu thực sự,” Arbour nói. Seele chỉ có thể thực hiện thao tác này tại nhà máy của Công ty ở Gersthofen, và vì vậy các tấm kính hoàn chỉnh sẽ phải được vận chuyển từ châu Âu về Mỹ.
Sẽ không có bất cứ tấm kính phẳng nào,” Jobs nói (Ảnh: Hội đồng Thành phố Cupertino)
|
Sẽ có hàng ngàn trang thiết bị cơ khí chế tạo sẵn dài cỡ 26 feet được vận chuyển đến bằng xe tải, dùng cho nhiều mục đích khác nhau – như phòng tắm, các tủ đựng đồ, các dải ngăn cách văn phòng với thảm và cửa sổ hoàn chỉnh. Do các trang thiết bị này được chế tạo tại các nhà máy được thiết kế riêng với mục đích phục vụ dự án của Apple nên sẽ giúp việc lắp ráp đạt được độ chính xác cao hơn, tiết kiệm được thời gian lao động tại công trường – và có khả năng tiết kiệm phí công đoàn tại địa phương.
Cách làm này cũng giúp công việc xây dựng được triển khai nhanh gọn hơn. Apple hi vọng có thể hoàn thiện việc xây dựng trong vòng 2 năm so với khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm nếu sử dụng các phương pháp xây dựng thông thường.
Phải giảm ngân sách, giấc mơ của Jobs có thành hiện thực
Apple chưa từng thông báo về bất cứ thay đổi lớn nào so với thiết kế của Jobs, vì vậy khoản 1 tỷ USD cắt giảm trong ngân sách xây dựng rất có thể sẽ tới từ việc giảm bớt những yêu cầu siêu khắt khe của Jobs.
Thay vì sử dụng sàn nhà bằng xi măng thông thường, Jobs muốn sử dụng vật liệu bằng đá như gạch đá mài, được mài bóng đến độ lấp lánh thường được sử dụng tại các viện bảo tàng hoặc khu nhà ở hạng sang. Jobs kiên quyết rằng khoảng cách nhỏ xíu nơi các bức tường và các bề mặt khác gặp nhau phải nhỏ hơn 1/32 inch, trong khi thường thì trong tập quán xây dựng tại Mỹ, khoảng cách này là 1/8 inch.
Thay vì sử dụng tấm lợp siêu nhẹ và hút âm thanh, Jobs muốn trần nhà là bê tông được mài bóng. Thông thường các nhà thầu sẽ dựng các khuôn với giàn giáo thô để đổ bê tông vào, và cách làm này thường để lại những dấu vết không đẹp mắt tại những điểm mà giàn giáo tạo áp lực hơn mức cần thiết lên bề mặt bê tông.
Thay vào đó, theo thông tin của hai người đã từng xem bản thiết kế, Apple sẽ đổ khuôn từng mảng trần nhà ở dưới mặt đất, sau đó nâng các tấm bê tông này lên và ghép vào vị trí. Cách làm này quả thực tốn kém hơn rất nhiều so với cách làm thông thường, và đã khiến cho một người tham gia vào dự án không thốt nên lời.
Theo một chuyến thị sát công trường mới đây, có dấu hiệu cho thấy công trình tráng lệ trong tương lai đang phải vật lộn với thực tế không mấy hoa mỹ.
Apple đã cho di dời một số tòa nhà ở góc khu công trường xây dựng, nhưng các bãi đỗ xe nằm trên diện tích cần di dời lại gần như chật kín xe của các nhân viên Apple. Có một cấu phần xây dựng lớn đang dần hiện lên phía sau trụ sở chính của hiện nay của Apple, với hàng rào bao quanh cao tới 30 feet và được phủ kín bằng vải nhựa màu trắng.
Nhìn qua hàng rào ta có thể thấy được mô hình lối vào trụ sở tương lai với kích thước đúng như trong thiết kế, có những tấm kính dựng đứng cao từ sàn nhà lên trần nhà và một tấm băng-rôn khổng lồ được trải từ trần nhà xuống đất, trên có hình chiếc iPhone giống với chiếc được treo tại sảnh của trụ sở Infinite Loop của Apple. Nhìn tổng thể, bộ phận trong suốt, giản đơn nhưng đẹp đến lộng lẫy này mang hình dáng của một chiếc iPad 4 tầng.
Giấc mơ của nhà kiến trúc
Wyatt, đối tác của phía NBBJ, đã gặp gỡ và trao đổi với Jobs về hàng loạt các dự án khác nhau trong nhiều năm. Wyatt nói: “Tôi có thể tượng tượng hình ảnh Jobs đi thăm các tòa nhà của hãng thiết kế Foster và nghĩ rằng, “Kiến trúc nên là như thế này.” “Điều này chẳng có gì xấu cả, tuy nhiên đó là kiến trúc của các nhà thiết kế, không phải là kiến trúc mà nhà thiết kế làm ra cho khách hàng.”
Foster và cộng sự đã thiết kế một vài công trình đáp ứng những đòi hỏi khắt khe nhất với những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Tiếng tăm của Foster nổi lên từ sau khi ông này thiết kế trụ sở cho Ngân hàng Hồng Kông – Thượng Hải (HSBC); công trình này được hoàn thành năm 1985.
Được xây dựng chóng vánh với các trang thiết bị và kỹ thuật xây dựng tối tân thời đó (được thể hiện qua các cột trụ hình ống và kết cấu giàn cao dần lên ở phía ngoài tòa tháp), tòa nhà chọc trời này có chi phí xây dựng là 1.3 tỷ USD – tỷ giá năm 1985, trở thành tòa cao ốc văn phòng có chi phí xây dựng cao nhất thế giới vào thời điểm đó.
Kể từ đó, Foster được mệnh danh là kiến trúc sư nổi tiếng nhất Vương quốc Anh. Các dự án được ông lựa chọn thiết kế hiện nay, như các sân bay mới tại Hồng Kông và Bắc Kinh, hiếm khi là các dự án bị ràng buộc về mặt chi phí, mà các khách hàng của ông thường tỏ ra rất hài lòng được chi tiền cho việc xây dựng.
Trụ sở chính của Ngân hàng Commerzbank tại Frankfurt xây dựng năm 1997 đã đi tiên phong trong ứng dụng nhiều công nghệ bảo tồn năng lượng và sáng tạo nên những khu vườn nhiều tầng “trên trời”. Năm 1999, Foster cũng đã biến trụ sở bị hư hỏng của Tòa nhà Quốc hội Đức Bundestag thành một công trình kiến trúc tinh xảo, sử dụng nhiều tấm kính công nghệ cao đắt đỏ. Thiết kế của Foster đã gây ra những tranh luận nhất định, mặc dù công trình này đã trở thành biểu tượng về một nước Đức tiến bộ và thống nhất được đông đảo công chúng yêu mến.
Những gì Jobs và Foster đã vạch ra xung quan dự án xây dựng trụ sở mới của Apple có vẻ sẽ không gặp phải khó khăn nào từ phía cộng đồng dân cư. Dave Brandt, quản lý Hội đồng Thành phố Cupertino, cho biết Thành phố hi vọng sẽ nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường hoàn chỉnh vào tháng 7, và cho rằng dự án sẽ không phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ nào từ cộng đồng.
Apple đã ghi điểm qua việc chấp nhận di dời khu Glendenning Barn, một địa danh lịch sử của địa phương, tới một địa điểm khác dễ tiếp cận hơn cho người dân, và thông qua việc đầu tư vào hệ thống phương tiện công cộng để khuyến khích hơn 1/3 số nhân viên của mình đi làm bằng phương tiện khác ngoài xe hơi.
Tuy nhiên, Apple có thể sẽ gặp phải khó khăn trong việc tìm các nhà thầu phụ. Hiện đang có một làn sóng xây dựng ở thung lũng Silicon, với các bệnh viện mới, một sân vận động mới cho đội bóng bầu dục San Francisco 49ers (cuối cùng thì đội bóng này cũng đã chịu rời sân vận động Candlestick Park để chuyển tới vùng Santa Clara), các khu văn phòng cho Samsung, Trụ sở phía Tây của Facebook, và trụ sở mới của Google.
Với rất nhiều cơ hội làm ăn tốt đang mở ra, nhiều công ty có thể sẽ ngần ngại khi dồn nguồn nhân lực cho một dự án đang triển khai chậm (như dự án của Apple). Ngoài ra Apple hiện đang đề xuất các hợp đồng với mức chi phí tăng thêm và lợi nhuận giảm đi một nửa với các đối tác lớn. Điều này có thể khiến các đối tác tiềm năng lo ngại rằng Apple kì vọng họ tham gia kí kết hợp đồng để được gắn tên tuổi với một công trình xây dựng khổng lồ chứ không phải vì lợi nhuận.
Nếu điều này là sự thật – và không nghi ngờ gì nữa, nhiều nhà cung cấp của Apple phát hiện ra rằng họ đã rơi vào cuộc chơi nhào nặn thực tế của Jobs – có vẻ rằng mọi chuyện sẽ thực tế hơn nhiều trong kỉ nguyên của Tim Cook. Apple có thể có nhiều tiền hơn Croesus, nhưng nếu không có sức mạnh siêu sao và sự kiểm soát cực đoan của Jobs, Apple đang dần trở nên tương tự như các công ty lớn và truyền thống khác. Trớ trêu thay, đó có thể là lý do vì sao một ngày nào đó con tàu vũ trụ theo hình dung của Jobs sẽ hạ cánh tại Thành phố Cupertino, cho dù chi phí có là bao nhiêu chăng nữa. Việc rút lui bây giờ cũng ngang với việc thừa nhận sự thật này.
Ngọc Anh
Theo TTVN/Businessweek
http://cafef.vn/tai-chinh-quoc-te/tat-ca-cac-tam-kinh-deu-phai-cong-201304241623097074ca32.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,333.50 | 4,913.50 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,426.80 | 4,026.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,205.60 | 12,905.60 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,728.40 | 1,378.40 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 150
- Truy cập hôm nay: 2295
- Lượt truy cập: 8595277