Quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản và tỷ giá ngày 25/11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được cho là gây bất ngờ đối với thị trường khi trước đó cơ quan này liên tục có những công bố về việc sẽ duy trì chính sách tiền tệ ổn định.
ĐTCK ghi nhận ý kiến của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cùng một số chuyên gia xung quanh tác động của chính sách này tới nền kinh tế cũng như TTCK.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Trước đây, thị trường biến động khi tỷ giá lên 19.000 VND/USD, chúng ta chưa can thiệp. Lần này, chúng tôi quyết định điều chỉnh nhanh mạnh chính sách tiền tệ, giảm bớt biên độ tỷ giá từ 5% xuống còn 3%, đồng thời điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 5,44%. Nói cách khác, mất giá đồng tiền của Việt Nam là 3,44%, để chúng ta có một giá giao dịch cao nhất là 18.500 VND/USD.
Bên cạnh điều chỉnh tỷ giá, Bộ Công Thương sẽ rà soát thuế, xem lại phần nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết và có tác động tới nhập siêu.
Thủ tướng cũng sẽ yêu cầu một số tập đoàn xuất khẩu đang nắm giữ ngoại tệ lớn bán ra cho hệ thống ngân hàng. Lần này, sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ. Đồng tiền mất giá bao giờ cũng hỗ trợ xuất khẩu, giúp hạn chế nhập siêu ở một mức nào đó.
Xử lý lãi suất cũng được chúng tôi bàn rất kỹ, xem lãi suất như thế nào cho phù hợp và quyết định chọn tăng lãi suất cơ bản thêm 1%. Tăng trưởng tín dụng hiện đã là 34,5%, bình quân từ tháng 3 đến tháng 6 mỗi tháng tăng 4%, từ tháng 7 đến tháng 11 mỗi tháng tăng khoảng 2,2%; tăng cao sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.
Theo ý kiến của các bộ trưởng tại cuộc họp hôm 24/11, Thủ tướng kết luận dừng chính sách sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đúng thời hạn 31/12/2009, vì nâng lãi suất cơ bản mà để hỗ trợ lãi suất thì chẳng có ý nghĩa gì.
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Điều chỉnh chính sách tiền tệ như vừa qua là việc buộc phải làm, bởi chưa khi nào tình hình của các ngân hàng lại căng như dây dàn như thế. Đường cong lãi suất đã không tồn tại, mà biến thành đường thẳng; lãi suất kỳ hạn nào cũng giống nhau và kịch trần. Đầu ra không thay đổi, ngân hàng không thể cho vay thì sợi dây căng mãi sẽ đứt.
Làm sao cứu thị trường tiền tệ, xử lý lãi suất cơ bản, điều chỉnh tỷ giá chính thức để cung cầu có thể gặp nhau, có thể mua bán được? Phải “cởi trói” cho tiền tệ, ngân hàng có huy động được vốn mới có tiền cung cấp cho nền kinh tế, giải quyết căng thẳng thị trường.
Nhưng quan trọng hơn, theo tôi, là phải phối hợp đồng bộ với các thị trường khác. Chẳng hạn, với thị trường vàng, các cơ quan khác như Bộ Công Thương phải kiểm soát chống đầu cơ, kiểm soát nhập lậu hoặc thậm chí ra biện pháp hành chính kiểm soát giá vàng.
Ông Khổng Văn Minh, Giám đốc đầu tư Quỹ đầu tư Jaccar
Trong thời gian vừa qua, tâm lý NĐT khá bất ổn do hầu như không có thông tin vĩ mô tích cực, kết quả kinh doanh quý IV cũng như hoạt động doanh nghiệp được dự báo không có gì nổi bật. Việc thiếu thông tin hỗ trợ tác động tới TTCK khiến NĐT không rõ phương hướng tới đây chính sách sẽ được điều hành như thế nào.
Trong bối cảnh như vậy, quyết định thay đổi về chính sách tiền tệ gây bất ngờ cho hầu hết thành viên tham gia thị trường khi mà trước đó NHNN tuyên bố duy trì ổn định chính sách đến hết năm. Điều này dẫn đến phản ứng thái quá của các NĐT trên TTCK.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì tăng lãi suất cơ bản sau khi duy trì ổn định tới gần 1 năm cho thấy kinh tế đã phần nào phục hồi, khả năng hấp thụ vốn lớn của doanh nghiệp khiến hệ thống ngân hàng khan hiếm tiền đồng cho vay. Các động thái điều chỉnh vừa qua cũng nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, TTCK cũng sẽ dần ổn định trở lại.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc
Tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới chưa ổn định, thông điệp mới đây của các nhà lãnh đạo APEC cũng cho thấy, cần quyết liệt kích thích kinh tế, lạm phát phải chấp nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam “khỏe” rồi, không cần hỗ trợ, nhưng thực tế là chưa có dấu hiệu bền vững.
Chính sách hiện tại là hoãn kích thích kinh tế, bảo vệ chỉ số lạm phát, thắt chặt tiền tệ, nhưng tôi tin nếu kinh tế có dấu hiệu bất ổn thì Chính phủ sẽ có giải pháp để xốc trở lại. Hạn chế tăng trưởng tín dụng không cẩn thận là thành tăng trưởng âm.
Cũng cần nhìn nhận, lạm phát không phải hoàn toàn do yếu tố nội tại của Việt Nam, khi hàng nhập nhiều hơn xuất, nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu biến động.
Điều chỉnh nhanh, mạnh chính sách tiền tệ sẽ tác động ngay tới tâm lý của DN, khiến họ co cụm lại, giữ dòng tiền, lưu thông giảm khiến tiền ít đi, chứ không phải là căng thẳng thật sự về tiền. TTCK suy giảm sẽ kéo theo một loạt hệ lụy như DN không thể huy động được vốn, IPO doanh nghiệp nhà nước khó thực hiện, vốn gián tiếp không chảy vào đầu tư...
CTCK Sài Gòn (SSI)
Tăng lãi suất cơ bản giúp các NHTM có thể tăng lãi suất đầu vào, góp phần ổn định thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi tín dụng 11 tháng tăng 34,5%, trong khi huy động vốn chỉ tăng hơn 26%.
Việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, đồng thời giảm biên độ dao động giúp các DN xuất khẩu được lợi nhờ đánh giá lại thu nhập bằng ngoại tệ, hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh hơn. Nhưng các DN có vay nợ nước ngoài sẽ phải tăng trích lập rủi ro, giảm lợi nhuận.
VND mất giá ở mức độ vừa phải giúp cho xuất khẩu có lợi, đồng thời giảm bớt động lực mua USD tích trữ.
Nhưng nếu không có can thiệp tiếp theo để tăng lượng cung trên thị trường ngoại hối (các tập đoàn nhà nước bán ngoại tệ hoặc NHNN bán USD đủ lớn ra thị trường) thì mức tỷ giá 18.500 VND/USD (mức trần) khó có thể duy trì ổn định.
ĐTCK
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,539.90 | 5,039.90 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,604.60 | 4,104.60 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,709.20 | 13,209.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,759.70 | 1,359.70 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 395
- Truy cập hôm nay: 1181
- Lượt truy cập: 8820811