Phần lớn bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý 3 và 9 tháng 2012 đã định hình. Nhìn lại, đây là kỳ báo cáo ấn tượng nhất trong nhiều năm qua, bởi khá nhiều thành viên dù chưa niêm yết cũng đã chủ động công bố báo cáo tài chính quý sớm như vậy.
Nhưng kết quả kinh doanh lại không ấn tượng. Nhìn vào những gì đang diễn ra, nợ xấu và lợi nhuận ngân hàng đang có một năm khó khăn hơn cả thời khủng hoảng 2008 - 2009.
Đã có ngân hàng lỗ, thậm chí lỗ lớn. Có trường hợp chỉ chớm dương dăm tỷ. Có thành viên quy mô vốn “khủng” nhưng lợi nhuận lại teo tóp. Nhìn chung, hầu hết đều giảm lãi…
Ở góc nhìn xã hội, có quan điểm cho rằng, kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản và đóng cửa, ngân hàng lãi ít là đương nhiên, mà lỗ cũng có thể xem là bình thường, mà nhiều năm qua họ đã lãi rồi.
Ở góc nhìn của nhà quản lý, ngân hàng giảm lãi hoặc lỗ lại có thể gây lo ngại.
Trong một lần trao đổi gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, nêu quan điểm: các ngân hàng thương mại cần có một mức lãi nhất định để giữ an toàn hoạt động. Do đây là các doanh nghiệp đặc thù, lãi quá thấp hoặc lỗ có thể làm suy yếu khả năng chống đỡ rủi ro, mà nếu đổ vỡ xẩy ra có thể lây lan hệ thống và tác động tiêu cực đến nền kinh tế…
Ông Bình lý giải, ngân hàng cần có mức lãi nhất định để có nguồn trích lập dự phòng, nhất là khi nợ xấu tăng cao, nếu không có lãi và nợ xấu ăn vào vốn là đáng ngại. Mặt khác, áp lực lợi nhuận cũng dễ dẫn tới động cơ che đậy nợ xấu để hạn chế chi phí trích lập dự phòng; nguy cơ càng khó lường định.
Một ví dụ tham khảo là, tại Trung Quốc, họ áp trần lãi suất huy động đồng thời áp sàn lãi suất cho vay. Điều này hàm ý rằng, các ngân hàng cần có một chênh lệch nhất định, đảm bảo có lãi để dự phòng nguồn xử lý nợ xấu, rủi ro.
Hay cụ thể tại Việt Nam, trong quý 3 vừa qua, có ngân hàng thương mại đã buộc phải giảm rất mạnh lương thưởng cho nhân viên để cải thiện mức lãi. Có lẽ áp lực chỉ tiêu lợi nhuận là một phần, phần nữa là cần cải thiện nguồn để đối phó với nợ xấu tăng lên.
Nhìn chung, những năm qua, hầu hết các nhà băng đều có lãi (“khủng” hay không là vấn đề khác). Song theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, phần lớn lãi đồng nào lại xào đồng nấy, chia hết thay vì tích lũy cho nguồn vốn.
Thông thường, các nhà băng để dành 5% nguồn lợi nhuận cho quỹ dự trữ tăng vốn điều lệ. Thế nhưng, cũng có một khoản khá lớn cỡ 2 - 2,8% đều đặn chia cho cơ cấu lãnh đạo quản trị, điều hành. Trong môi trường rủi ro gia tăng, nợ xấu dâng lên và hiệu quả kinh doanh kém đi, nên chăng cần cân đối lại cơ cấu hai tỷ trọng này?
Hay ở một hướng khác, góp ý cho dự thảo thay đổi quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng trước đây, một số ngân hàng nước ngoài đề nghị nên quy định các tỷ lệ trích lập hiện nay là tối thiểu, giả sử nợ nhóm 2 hiện yêu cầu trích lập 5% nhưng ngân hàng có thể chủ động trích nhiều hơn với 10%, 20%...
Ở góc độ tích cực, nếu thực hiện nghiêm túc và thực sự chủ động như đề nghị đó, các ngân hàng sẽ tự giảm lãi để xử lý bài toán nợ xấu tốt hơn. Nợ xấu theo đó có thêm nguồn đối ứng để chính các ngân hàng tự xử lý chứ không phải đặt ra như một vấn đề chung cho cả nền kinh tế hiện nay.
Tại diễn đàn Quốc hội hôm 30/10, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng xử lý nợ xấu là trách nhiệm của nhiều cơ quan, trong đó có cả Quốc hội và Chính phủ. Cũng như trả lời VnEconomy mới đây về khả năng xử lý nợ xấu từ nay đến cuối năm, ông nói rằng cá nhân mình không thể trả lời vì tùy thuộc vào nhiều yếu tố chung, nhiều nút thắt chung chứ không theo mong muốn chủ quan của Ngân hàng Nhà nước.
Yếu tố chung, trách nhiệm chung, bởi theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu hiện nay không phải chỉ do hiện tại, chỉ do các ngân hàng tạo ra. Nó đã tích tụ nhiều năm, gắn với những tác động bất lợi bên trong và bên ngoài, nhất là với một truyền thống ưa và dựa quá nhiều vào đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp.
Đồng xu chỉ kêu khi bị rơi chứ không phải lúc đút vào túi. Một thập kỷ vừa qua kinh tế Việt Nam phát triển với đòn bẩy là sự bùng nổ của tín dụng, rộng cửa hội nhập. Nhưng khi nước rút, nợ xấu nổi lên thành vấn đề nhức nhối. Trên góc độ nào đó, đây cũng có thể xem là sự trả giá cho một giai đoạn tăng trưởng nóng, khi sức đề kháng của một nền kinh tế mới nổi còn hạn chế, mà rộng cửa hội nhập không phải mọi ngọn gió thổi vào đều lành…
Theo Minh Đức
VNeconomy
http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/no-xau-va-loi-nhuan-khi-dong-xu-roi-20121031081145158ca34.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,543.70 | 5,083.70 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,607.80 | 4,127.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,719.60 | 13,259.60 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,733.00 | 1,333.00 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 263
- Truy cập hôm nay: 1290
- Lượt truy cập: 8847790