Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức thông báo điều chỉnh hạ 1% đối với hàng loạt lãi suất chủ chốt đối với tiền gửi bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh NHNN, áp dụng từ ngày 13/3/2012. Bên cạnh những niềm vui khi doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất giảm so với trước nhưng nỗi lo vẫn còn khi thanh khoản hệ thống chưa thực sự ổn định và lạm phát đang có dấu hiệu tăng cao.
Trần lãi suất huy động, một năm nhìn lại
Cũng vào thời điểm này năm ngoái, NHNN đã điều chỉnh theo hướng tăng hàng loạt lãi suất chủ chốt. Cụ thể, quy định mức lãi suất huy động VND tối đa của các TCTD là 14%/năm tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 03/3/2011; lãi suất tái chiết khấu tăng từ 7% lên 12%/năm; điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn tăng từ 11% lên 12%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng từ 11% lên 12%/năm vào ngày 08/3/2011. Với mục tiêu cuối cùng là ổn định giá cả, tỷ giá, nâng cao giá trị tiền VND, kiềm chế lạm phát, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế, trong năm 2011, NHNN đã điều chỉnh tổng cộng 5 lần lãi suất tái cấp vốn, 6 lần điều chỉnh lãi suất trên thị trường mở (OMO), 3 lần điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu, tuy nhiên chính sách điều hành lãi suất do NHNN thực hiện không mang lại kết quả như kỳ vọng thể hiện qua một số nét chính sau:
Thứ nhất, các chỉ tiêu về tăng trưởng GDP và CPI đề ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 đều không đạt kế hoạch. Cụ thể, chỉ tiêu về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7 - 7,5% so với năm 2010 và chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng không quá 7%. Tuy nhiên, năm 2011, hai chỉ tiêu này chỉ đạt lần lượt là 5,89% và 18,13%.
Thứ hai, “hầu hết các ngân hàng thương mại đều vượt trần lãi suất huy động”. Đây là thừa nhận của Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi NHNN ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 7/9/2011 về việc chấn chỉnh việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và bằng USD của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc vượt trần này có dưới nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, “vi phạm nghiêm trọng” các quy định hiện hành, tiềm ẩn nguy cơ gây rủi ro cho tổ chức tín dụng.
Thứ ba, hơn 50.000 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trong đó không ít doanh nghiệp giải thể, phá sản cho thấy rõ khó khăn của doanh nghiệp kể từ năm 2011 đến nay khi khó tiếp cận vốn và phải chấp nhận vay với lãi suất cao. Đi cùng với hệ quả của hơn 50.000 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản này là tình trạng nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Ước tính, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2011 chiếm khoảng 3,6-3,8% tổng dư nợ nền kinh tế, trong khi đó nợ xấu năm 2010 chỉ là 2,16%. Mặt khác, số liệu nợ xấu nêu trên vẫn chưa phản ánh đúng thực chất rủi ro tín dụng của các TCTD do tiêu chuẩn phân loại nợ hiện nay còn bất cập và TCTD thường không phân loại nợ đúng theo quy định của TCTD.
Giảm hàng loạt lãi suất chủ chốt, mừng trong nỗi lo
Theo thông báo của NHNN, kể từ ngày 13/3, hàng loạt các lãi suất chủ chốt sẽ đồng loạt giảm 1%. Cụ thể:
- Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 15%/năm xuống 14%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 16%/năm xuống 15%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 13%/năm xuống 12%/năm.
- Giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 14%/năm xuống 13%/năm. Quỹ TDND cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng trở lên giảm từ 14,5%/năm xuống 13,5%/năm.
Việc giảm hàng loạt lãi suất chủ chốt sẽ là một tín hiệu vui đối với các ngân hàng có thanh khoản kém, khi chi phí vay vốn qua kênh tái cấp vốn và qua thị trường liên ngân hàng sẽ giảm đi. Về phần doanh nghiệp, kỳ vọng về lãi suất cho vay giảm trong thời gian tới hoàn toàn có cơ sở khi lãi suất huy động sẽ hạ, việc tiếp cận vốn và giảm chi phí vay vốn sẽ là động lực giúp doanh nghiệp tiếp tục bám trụ thị trường trong cuộc chiến khốc liệt.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, động thái giảm hàng loạt lãi suất chủ chốt này có phần hơi sớm khi thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa thực sự ổn định, rủi ro về lãi suất vẫn tiềm tàng khi giá xăng dầu, nhiên liệu tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Đợt tăng giá xăng lên trên 10%, mặc dù thuế nhập khẩu đã giảm xuống 0%, sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian tới. Còn nhớ tại thời điểm tháng 2/2011, khi giá xăng cùng với giá điện tăng, ngay lập tức chỉ số CPI đã tăng mạnh trong tháng 3 và tháng 4 với chỉ số lần lượt là 2,17% và 3,32% so với tháng trước đó. Liệu lịch sử có lặp lại trong năm nay? Giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát khó có thể đạt được cả hai trong ngắn hạn, dường như mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang được ưu tiên.
Nguyễn Quân
Theo TTVN
http://cafef.vn/20120312055247619CA34/giam-hang-loat-lai-suat-chu-chot-mung-trong-noi-lo.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,574.70 | 5,114.70 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,633.40 | 4,153.40 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,802.00 | 13,342.00 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,742.00 | 1,342.00 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 149
- Truy cập hôm nay: 1045
- Lượt truy cập: 8854895