Nhóm người biểu tình này đi đứng rất trật tự và lịch sự. Họ đeo kính thời trang. Họ giương cao những biểu đồ về số liệu thống kê của cuộc bầu cử, để chứng minh rằng đã có gian lận. Nói tóm lại, họ là những cư dân thành phố, những người được hưởng lợi lớn từ thị trường bất động sản tăng vọt của Moscow hoặc từ sự giàu có về dầu mỏ của quốc gia.
Maria A. Mikhaylova tham gia cuộc biểu tình với cặp kính thời trang cùng mái tóc được buộc gọn gàng bằng dây ruy băng màu trắng, một biểu tượng của phong trào đối lập mới. Mikhaylova, 35 tuổi, làm việc ở ngân hàng Moscow, nói rằng mục đích của cô không phải để chọc tức chính phủ của ông Putin. “Chúng tôi không muốn bạo lực xảy ra,” cô nói " Chúng tôi muốn hệ thống chính trị phải cân nhắc những vấn đề chúng tôi bận tâm".
“Tôi làm việc nhiều và công việc của tôi khá tốt”, cô nói. “Và tôi có thể làm nhiều việc khác vào cuối tuần hơn là đứng ở đây.” Đó là một nghịch lý, nhưng cũng là điều mà các nhà khoa học xã hội đã ghi nhận: các cư dân của Moscow và các thành phố lớn khác có xu hướng bộc lộ sự thất vọng lớn của mình đối với Thủ tướng Putin mặc dù chính phủ của ông đã giúp họ trở nên giàu có hơn. Một trong những nguyên nhân là mức độ tham nhũng cao, vấn đề đang đe dọa sự thịnh vượng của một tầng lớp trung lưu mới.
Theo các nhà phân tích, tăng trưởng nền kinh tế có thể vô tình làm suy yếu quyền thống trị về chính trị thông qua việc tạo ra một tầng lớp dân trung lưu đô thị đấu tranh cho các quyền lợi chính trị mới.
“Đây không phải là một cuộc biểu tình không mục đích,” Viktor A. Shenderovich, một nhà bình luận chính trị nói trên Đài phát thanh Ekho Moskvy. “Đây là cuộc biểu tình vì mục tiêu chính trị chứ không phải là kinh tế. Những công nhân mỏ than biểu tình vì họ không được trả lương. Còn những người đang biểu tình trên khắp các đường phố của Moscow rất giàu có. Những người này biểu tình vì họ thấy bị xúc phạm. Họ không được hỏi ý kiến. Họ chỉ được thông báo rằng ông Putin sắp trở lại nắm quyền".
Đây cũng không phải là cuộc biểu tình của tầng lớp tri thức, những người đã đứng lên chống lại chính quyền Liên Xô hai thập kỷ trước.
Hôm chủ nhật, Tổng thống Dmitry Medvedev đã dùng Facebook, nơi đã khơi mào cho việc tạo ra cuộc biểu tình hàng chục nghìn người, để đưa ra một tuyên bố rằng ông không đồng ý với những khẩu hiệu của người biểu tình, nhưng ông đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra đối với những lời tố cáo rằng có gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội vào tuần trước.
“Mọi người có quyền bày tỏ thái độ của mình, đó là điều họ đã làm hôm qua,” ông Medvedev viết hôm chủ nhật. Ông cũng nói thêm rằng “Tôi không đồng ý với các khẩu hiệu cũng như những tuyên bố tại các cuộc biểu tình. Mặc dù vậy, tôi đã ra lệnh cho kiểm tra lại tất cả các báo cáo từ những điểm bỏ phiếu xem có phù hợp với luật bầu cử hay không".
Bản thân những người biểu tình dường như không chắc chắn nỗ lực của họ sẽ đi đến đâu. Nhưng dù sao họ đã quyết định bày tỏ thái độ một cách mạnh mẽ.
“Không thể ngăn cản được chúng tôi,” Roman Volobuyev viết trên tờ tạp chí điện tử Afisha. “Điều đó rất khó. Một số người trong chúng tôi sẽ cần thay đổi công việc. Một số sẽ phải làm những thứ khác hẳn với việc chúng tôi đang làm để tạo ra những thay đổi chính trị bằng việc xây dựng một chính đảng không chịu sự chi phối bởi chiến lược gia chính trị có ảnh hưởng nhất với điện Kremlin, Vladislav Surkov.”
“Để các báo đưa tin,” ông Volobuyev viết. “Hay để kiện ra tòa - nơi có hàng ngàn vụ kiện mỗi ngày. So sánh với những việc đó thì việc xuống đường với các tờ áp phích và đứng trong một đám đông, tôi biết, đó là một trò ngu ngốc và mất thời gian, nhưng chúng tôi phải làm thế.”
Điều này chắc chắn sẽ gây cho Putin một nỗi buồn bởi những người đang biểu tình chính là những người đã được hưởng sự giàu có từ khi ông lãnh đạo đất nước, đầu tiên là tổng thống và giờ là thủ tướng. Từ năm 2000, năm ông lên nhậm chức tổng thống, đến năm 2008, lương được điều chỉnh vì lạm phát, đã tăng trung bình gần 15% mỗi năm. Giờ đây, tuy lương vẫn tăng nhưng theo số liệu cập nhật của Citibank, mức tăng thấp hơn rất nhiều - trung bình chỉ 1,3% mỗi năm kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008.
Và khi họ trở nên giàu hơn, những cư dân của các thành phố lại quay sang trút sự thất vọng của họ vào hệ thống chính trị. Trong một nghiên cứu năm 2010 về các khuynh hướng chính trị của người Moscow, Mikhail Dmitriyev, chủ tịch của Trung tâm phát triển chiến lược, một tổ chức nghiên cứu ở Moscow, đã tập trung vào lĩnh vực bất động sản, chỉ ra rằng giá bất động sản ở Moscow đã tăng ba lần từ năm 2002 đến năm 2010. Việc này tăng đáng kể giá trị tài sản dân cư, nhưng lại khiến họ không hài lòng với chính phủ bởi vì cùng với việc giá bất động sản tăng lên, cái giá cho những vụ việc kiện tụng liên quan đến bất động sản cũng tăng, do hệ thống tòa án vốn nổi tiếng là tham nhũng.
“Ở Moscow, thu nhập tăng tỷ lệ thuận với sự bất mãn của người dân,” ông Dmitriyev viết. Moscow và các thành phố khác đã trở thành nơi nuôi dưỡng sự thù địch trong dân chúng ở Nga, đặc biệt là trong những người trẻ.
“Đây là nơi tập trung 5 triệu cá nhân nguy hiểm trong vòng 10 dặm quanh điện Kremlin,” ông này viết.
Khi nói về những cuộc nổi dậy của tầng lớp trung lưu, Daniel Treisman, một giáo sư khoa học chính trị ở đại học California, Los Angeles, đã ghi nhận một khuynh hướng chung. Đó là, có một số nhà lãnh đạo đã theo đuổi chính sách kinh tế hiệu quả nhưng lại trở thành nạn nhân của những thành công của chính họ. Ở Nga, sau sự bùng nổ của dầu mỏ kéo dài một thập niên, có khoảng một phần ba dân số đã được "lên đời", gia nhập tầng lớp trung lưu. Và giờ thì một số người trong đó đi biểu tình phản đối chính phủ.
Yêu sách của những người tham gia biểu tình hôm thứ bảy ở Moscow là đòi những quyền về chính trị, chứ không phải công ăn việc làm hay kinh tế. Những người tham gia cuộc biểu tình này gồm có tầng lớp sinh viên và bố mẹ họ, những người đã nghỉ hưu và các viên chức trẻ. “Trước khi cuộc biểu tình diễn ra, họ thông báo rằng họ chọn màu trắng, màu của hòa bình,” Alexei Kolotilov, nhân viên an ninh, 47 tuổi, dừng thổi còi và nói khi anh trên đường đến nơi biểu tình.
Ông cho biết con gái ông tham gia sự kiện riêng cùng các sinh viên. “Chúng tôi không muốn làm một cuộc cách mạng,” Kolotilov nói, “Chúng tôi chỉ muốn bầu cử công bằng.”
Nếu có một động lực duy nhất cho các sự kiện xảy ra gần đây, đó có lẽ là tuyên bố của ông Putin vào tháng chín rằng ông sẽ một lần nữa tham gia chạy đua vào chức tổng thống, nhằm hoán đổi vị trí với ông Medvedev. Giờ đây, một số người Nga so sánh sự việc này với “rokirovka” - từ trong tiếng Nga nói về việc nuôi một quân xe trong bàn cờ để rồi sau đó tiến hành bước “nhập thành” nhằm di chuyển cùng lúc quân xe ra ngoài và quân vua vào trong để bảo vệ vua.
Các thủ lĩnh của những người biểu tình này đại diện cho tập hợp đa dạng của các nhóm dân chúng, bao gồm các đảng chính trị nhỏ, thường đối đầu với nhau cũng như phản đối đảng nước Nga Thống nhất, đảng cầm quyền của ông Putin và ông Medvedev.
Những người tổ chức biểu tình gặp nhau hôm chủ nhật cố gắng lập ra một ban lãnh đạo. Họ hy vọng cuộc biểu tình này sẽ tạo động lực cho các sự kiện lớn hơn nhằm tăng áp lực lên chính phủ tiến tới lấy đi một số ghế của đảng nước Nga Thống nhất ở quốc hội. Phong trào của họ không liên quan đến những bức xúc về kinh tế, nhân tố dẫn đến phong trào Mùa xuân Ả rập ở Bắc Phi và Trung Đông. Các blogger gọi đây là "Diễn biến tháng mười hai" của Nga.
Oksana, 18 tuổi, là một sinh viên đến từ Kirov có mong muốn trở thành luật sư. Cô nói, cô không chắc chắn điều cô mong muốn từ việc tham gia biểu tình. Oksana, từ chối cung cấp họ tên đầy đủ của mình, cho biết mẹ cô là kế toán, bố cô là một nhà quản lý ở một công ty máy tính và chị gái cô đang lên kế hoạch bắt đầu cho công việc kinh doanh riêng. “Biểu tình dân chủ vẫn còn rất hiếm ở đất nước của chúng tôi,” cô nói. “Nhưng giờ tôi thấy những cuộc biểu tình như vậy là hoàn toàn có thể.”
Yuri Dryugin, 45 tuổi, một thương gia trong lĩnh vực vận tải, nói rằng ông đã cố tình làm lá phiếu của mình trở nên không hợp lệ trong cuộc bầu cử tuần trước “bởi vì, tôi không thích cuộc bầu cử này nữa".
Theo Cao Thu
VnExpress/NyTimes
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,567.70 | 5,127.70 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,621.10 | 4,141.10 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,750.10 | 13,290.10 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,724.40 | 1,324.40 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 180
- Truy cập hôm nay: 993
- Lượt truy cập: 8856808