Cánh đồng Broadbalk rộng 1.6 héc ta nằm tại trung tâm trang trại Rothamsted, cách London 40km về phía bắc. Người xây dựng nên trang trại này năm 1847, ông John Lawes, đã miêu tả địa chất ở đây là loại đất sét nặng trên đá vôi, và có khả năng trồng loại lúa mì tốt nếu được chăm bón cẩn thận. Song kết quả mùa vụ năm 2010 lại không có vẻ gì giống như lời nhận định ấy. Ở trung tâm thửa ruộng, sản lượng lúa mì khá dồi dào, đạt 10 tấn/ héc ta, mức sản lượng cao nhất trên thế giới đối với một vụ mùa thương mại. Nhưng ở cuối phía tây thửa ruộng, gần ngôi nhà gác canh, sản lượng lại chỉ đạt 4 – 5 tấn/héc ta, những chỗ thưa thớt hơn thì chỉ đạt 1 – 2 tấn.
Broadbalk không phải là thửa ruộng bình thường. Vụ lúa mì mùa đông lần đầu thử nghiệm được thực hiện từ mùa thu năm 1843, và trong suốt 166 năm qua, thửa ruộng thuộc Viện nghiên cứu Rothamsted này đã là địa điểm liên tục thực hiện các thử nghiệm nông nghiệp lâu nhất trên thế giới. Giờ đây, mỗi phần khác nhau của thửa ruộng được gieo trồng bằng những phương pháp riêng biệt, biến Broadbalk thành mô hình thu nhỏ của nền nông nghiệp thế giới.
Sản lượng lúa mì 1 tấn/héc ta là kết quả giống như ở châu Phi, cùng chung 1 lý do: vụ mùa này đã không được bón phân, phun thuốc, không áp dụng bất cứ công nghệ nào. Mọi người đôi khi cho rằng chính các nông dân châu Phi phải chịu phần nào trách nhiệm với mức sản lượng thấp của họ, song vấn đề là họ không có sẵn công nghệ để sử dụng. Với cùng công nghệ, các nông trang châu Âu và châu Mĩ cũng cho mức sản lượng tương tự.
Sản lượng lúa mì đạt từ 4-5 tấn/hecsta thì xấp xỉ với thời kì Cách mạng xanh, cuộc cải tổ nông nghiệp đã lan rộng trên phạm vị toàn cầu những năm 70. Thời đó phân bón và thuốc diệt cỏ đã được sử dụng, song công nghệ chưa đạt đến tiêu chuẩn nông học hiện đại, và giống lúa mì cũng không phải loại có năng suất cao nhất. Đây là mô hình vụ mùa tại Ấn Độ và Ác-hen-ti-na.
Kết quả khác thường tại trung tâm thửa ruộng đạt được nhờ sử dụng hạt giống, phân bón, thuốc diệt nấm và phương pháp canh tác đều thuộc loại tốt nhất. Vụ mùa ở đây đạt sản lượng cao hơn sản lượng trung bình ở Anh, và xứng đáng với sự chăm sóc mà nó nhận được.
Đáng để nghi ngờ
Nhưng cánh đồng Broadbalk cũng cho thấy điều khác. Biểu đồ 1 ghi lại kết quả sản lượng từ lúc thử nghiệm bắt đầu, cho thấy sự phân hóa của 3 kiểu canh tác khác nhau – châu Phi, Cách mạng Xanh và hiện đại, đôi khi có những thay đổi đột ngột: năm 1960 với sự ra đời thuốc diệt cỏ trong cuộc Cách mạng Xanh, và năm 1980 với thuốc diệt nấm và các giống tiểu mạch mới. Dù vậy, điều đáng lo là, trong 15 năm qua sản lượng các giống lúa mì ở Broadbalk đã bắt đầu ngừng tăng trưởng hay thậm chí sụt giảm, mà về vấn đề này, Broadbalk cũng có thể là mô hình thu nhỏ cho nông nghiệp thế giới.
Công nghiệp thực phẩm khủng hoảng từ đầu năm 2011. Giá thực phẩm trên thế giới đã tăng vượt mức đỉnh của đầu năm 2008 (xem bản đồ 2). Đó cũng là thời điểm mà hàng trăm triệu người rơi vào nghèo đói, các cuộc bạo động lương thực đã làm lay chuyển chính quyền ở nhiều nước đang phát triển, các nước xuất khẩu đã cấm bán thóc ra nước ngoài, và việc các nước nhập khẩu giàu chiếm dụng đất của những nước nông nghiệp nghèo đã làm dấy lên một câu hỏi khó về cách tốt nhất để giúp các nước nghèo.
Cũng tại thời điểm này, đã có những cấm vận xuất khẩu, bạo động lương thực, sự hoang mang trong tiêu dùng và kiểm soát giá khẩn cấp, giống như năm 2007-08. Lo ngại rằng hạn hán có thể phá hoại vụ mùa lúa mì tại Trung Quốc, quốc gia lớn nhất thế giới, đã gây hoang mang cho thị trường thế giới.
Sự bất mãn về việc giá bánh mì tăng cũng là một trong những lý do làm dấy lên các cuộc nổi loạn tại Trung Đông. 4 năm với 2 lần tăng giá thực phẩm đột ngột, 2 lần tuy khác nhau, đều đã cho thấy dấu hiệu của mối đe dọa nghiêm trọng lên chuỗi cung ứng thực phẩm trên thế giới.
Công nghiệp thực phẩm đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều ngành khác. Trong nhiều năm, chương trình tivi được ưa thích nhất tại các nước nói tiếng Anh là chương trình dạy nấu ăn. Có thể điều đó cho thấy mối quan quan tâm lớn đến thực phẩm, mà cũng có thể là không. Sử gia Livy cho rằng đế chế La Mã bắt đầu sụp đổ từ khi các đầu bếp đòi hỏi địa vị xã hội.
Trong cuộc họp G8 các nước công nghiệp năm 2009, các nhà lãnh đạo đã đặt vấn đề lương thực ngay sau khủng hoảng tài chính thế giới trong danh mục các vấn đề ưu tiên hàng đầu, với cam kết dành cho nông nghiệp 20 tỷ USD trong vòng 3 năm nữa. Năm nay, chủ tịch đương thời G20, ông Nicolas Sarkozy muốn đặt vấn đề lương thực lên ưu tiên số 1. Quỹ Gates, quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, vốn trước đây tập trung vào sức khỏe và sự phát triển nói chung, đã bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề lương thực thế giới. Diễn đàn kinh tế thế giới tháng trước đã tập hợp các doanh nhân và các nhà lập pháp tại Davos, 17 công ty toàn cầu đã cho ra mắt chương trình mà họ gọi là “tầm nhìn mới cho nông nghiệp”, cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn thúc đẩy thị trường cho các tiểu chủ - dấu hiệu tăng trưởng cho khu vực tư nhân.
Có gì ăn cho bữa tối?
Một số quan tâm của cộng đồng và giai cấp chính trị đối với vấn đề này trước đây còn khá rời rạc, song giờ đây đã có sự điều chỉnh. Kỷ nguyên thực phẩm giá rẻ đã kết thúc. Sự kết hợp của nhiều yếu tố – nhu cầu tăng tại Ấn Độ và Trung Quốc, chế độ ăn kiêng chuyển dịch từ ngũ cốc sang thịt và rau, và những phát triển ngoài ngành nông nghiệp, ví như sự mất giá đồng đô la – đã đóng cửa một giai đoạn bắt đầu từ hồi đầu những năm 70, khi mà giá các sản phẩm lương thực chủ đạo (gạo, lúa mì và ngô) giảm xuống mỗi năm. Đây là một cú sốc lớn. Cho đến những năm 90, các vấn đề nông nghiệp gần như đã được giải quyết. Sản lượng tăng, sâu bệnh đã được kiểm soát và các mảnh đất cằn cỗi đã được bón phân dinh dưỡng. Các lĩnh vực khoa học đời sống cần nghiên cứu không còn là cây trồng nữa mà là những thứ như HIV/AIDS.
Sự kết thúc kỉ nguyên thực phẩm giá rẻ cũng đồng thời làm tăng nỗi lo về lương thực cho thế giới. Dân số thế giới được dự báo là sẽ tăng lên 7 tỷ người trong năm 2011 – 2012, khuấy động nỗi lo của thuyết Man-tuýt. Giá cả leo thang một lần nữa đẩy hàng triệu người – những người phải dành 1 nửa thu nhập cho thực phẩm – rơi vào cảnh nghèo đói. Số người sống ở mức dưới nghèo 1.25USD/ngày, vốn đã giảm liên tục trong những năm 90, lại tăng đột ngột vào năm 2007 – 08. Điều này cho thấy thế giới còn không nuôi nổi dân số hiện tại của mình, huống hồ là 9 tỷ người như dự báo vào năm 2050. Thêm nữa là nỗi lo về biến đổi khí hậu, trong đó nông nghiệp vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân. Vậy thì thế giới sẽ đối mặt với 4 thập kỉ tới như thế nào?
Đó cũng là câu hỏi xuyên suốt bản báo cáo này. Câu trả lời không thể đơn giản là vấn đề công nghệ hay sinh học, bởi lương thực là căn bản của cuộc sống. Theo truyền thuyết khởi tạo của người Maya, con người đầu tiên được nặn từ bột ngô. Theo cách nói lóng của tiếng Marathi, ngôn ngữ trung tây Ấn Độ, những người đàn ông trên phố được gọi là “bánh mì khô” – theo món ăn vặt ưa thích của họ.
Bởi lương thực rất quan trọng, nông nghiệp – hơn bất cứ loại hình hoạt động kinh tế nào – được kì vọng đạt được một loạt các mục tiêu chồng chéo thay đổi liên tục theo từng thời điểm và địa điểm khác nhau. Thế giới trông chờ người nông dân làm được nhiều hơn là chỉ sản xuất lương thực. Nông nghiệp cũng là vấn đề trung tâm cho việc giảm đói (tuy không hoàn toàn là 2 vấn đề giống nhau) và giải thoát nhiều người khỏi nghèo khó. Lương thực có lẽ là ảnh hưởng duy nhất và lớn nhất đến sức khỏe con người, tuy rằng theo những cách khác nhau ở nước nghèo và nước giàu, nơi mà vấn đề lớn nhất hiện giờ là béo phì. Lương thực cũng là một trong số ít những phúc lợi sẵn có cho những người nghèo nhất. Tại favelas (khu ổ chuột) của Sao Paulo, thành phố lớn nhất Nam Mĩ, tiệm pizza mang đi đang rất phổ biến bởi các gia đình không có nhà bếp phù hợp giờ đây thích đặt pizza tại nhà để kỉ niệm các dịp đặc biệt.
Với những mục đích mâu thuẫn như vậy, thật không có gì ngạc nhiên khi khủng hoảng lương thực lại gây ra những vấn đề chủ đạo mâu thuẫn nhau và những giải pháp hoàn toàn khác nhau. Một nhóm người chủ yếu quan tâm đến việc có đủ lương thực cho dân số thế giới đang ngày một tăng. Họ tranh luận rằng giá cao và tăng đột ngột sẽ gây khó khăn cho việc thúc đẩy nguồn cung nhờ vào sự phát triển của nông nghiệp hiện đại, nghiên cứu cây trồng và chế biến thực phẩm tại các nước nghèo. Với các công ty lương thực, gây giống cây trồng và các cơ quan phát triển thế giới thuộc nhóm này, Cách mạng Xanh đã đạt được thành công đáng kể, và giờ đây chúng ta cần tái thực hiện nó.
Một quan điểm khác lại nghi ngờ, hoặc thậm chí rất bức xúc với ngành thực phẩm hiện đại. Nhóm người theo quan điểm này chịu ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ và một số người tiêu dùng, lại tập trung vào vấn đề lương thực ở các nước giàu, ví dụ như quyền lợi động vật và bệnh béo phì. Họ cho rằng nông nghiệp hiện đại đang sản xuất ra những thứ thức ăn vô vị, dinh dưỡng không thích hợp và phá hoại môi trường. Họ cho rằng Cách mạng Xanh là một sự thất bại, hoặc ít nhất thì cũng phá hoại môi trường nhiều hơn và mang lại lợi ích ít hơn so với kì vọng của mọi người. Một cuốn sách có sức ảnh hưởng khá lớn viết theo quan điểm này, cuốn “The Omnivore’s Dilemma” của Michael Pollan, được bắt đầu bởi một câu hỏi: “Chúng ta nên ăn gì trong bữa tối?”. Ngược lại, những người lo lắng về nguồn cung thực phẩm lại hỏi: “Có gì để ăn cho bữa tối?”
Bản báo cáo đặc biệt này tập trung vào vấn đề lương thực cho 9 tỷ người, bởi vậy nó thiên về quan điểm của nhóm người thứ nhất. Báo cáo tranh luận rằng nhiều khẳng định của nhóm này là hợp lý: nuôi cả thế giới trong năm 2050 là rất khó khăn, và nền nông nghiệp như bình thường là không thể cáng đáng nổi. Bản báo cáo tìm cách để tăng sản lượng các vụ mùa chính, cân nhắc những hạn chế của đất, nước và việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, đánh giá các chính sách nhiên liệu sinh học, giải thích tại sao công nghệ lại ảnh hưởng nhiều và nghiên cứu những tác động của việc giá cả tăng cao hiện nay. Nó cũng chỉ ra rằng mặc dù nỗi lo của những người chỉ trích nông nghiệp hiện đại là có thể hiểu được, những hành động chống lại thâm canh rốt cuộc cũng chỉ là cách làm xa xỉ của những người giàu. Canh tác theo phương pháp truyền thống và hữu cơ thừa sức cung ứng lương thực cho cả châu Âu và châu Mĩ, song không phải cho toàn thế giới.Theo Economist
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,574.70 | 5,114.70 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,633.40 | 4,153.40 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,802.00 | 13,342.00 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,742.00 | 1,342.00 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 108
- Truy cập hôm nay: 1076
- Lượt truy cập: 8852300