Năm 2010, tất cả khu vực kinh tế lớn trên thế giới đều chứng kiến thay đổi lịch sử.
1. TTCK thế giới
TTCK Mỹ
Quý 1/2010, chỉ số tăng 428,58 điểm tương đương 4,11%. Quý 2/2010, chỉ số hạ 1.082,61 điểm tương đương 9,97%.
Quý 3/2010, chỉ số tăng 1.014,03 điểm tương đương 10,37%. Từ đầu quý 4/2010 đến hết ngày 17/12/2010, chỉ số tăng 703,86 điểm tương đương 6,52%.
Tính từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2010 đến hết ngày 23/12/2010, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1.145,44 điểm tương đương 10,98%.
Phiên ngày 23/12, chỉ số đóng cửa ở 11.573,49 điểm, gần mốc 11.600 điểm. CNBC dự báo cùng thời điểm này năm 2011, Dow Jones sẽ tăng thêm hơn 20% lên 14.000 điểm.
TTCK châu Âu
Quý 1/2010, chỉ số Stoxx Europe 600 của thị trường châu Âu tăng 2,32%. Quý 2/2010, chỉ số hạ 7,68%. Quý 3/2010, chỉ số tăng 6,61%. Từ đầu năm 2010 đến nay, chỉ số tăng được 11%.
Trong cùng thời gian trên, chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh tăng được 11,01%; chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp hạ 0,91%.
TTCK châu Á
Quý 1/2010, chỉ số MSCI của TTCK châu Á – Thái Bình Dương tăng 2,5%. Quý 2/2010, chỉ số hạ 9,83%. Quý 3/2010, chỉ số tăng 11,9%. Tính từ đầu năm 2010 đến nay, chỉ số tăng 13%.
Từ đầu năm 2010 đến nay, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc hạ 13,4%; chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông tăng 4,4%; chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường Úc hạ 1,92%; chỉ số Bombay SE Sensitive của thị trường Ấn Độ tăng 14,94%.
2. Chính phủ Mỹ thông qua 3 kế hoạch lịch sử
Kế hoạch 1 nghìn tỷ USD cải tổ ngành y tế: Ngày 23/03/2010, kinh tế Mỹ chứng kiến thay đổi lịch sử. Tổng thống Obama đã chính thức ký thông qua dự thảo kế hoạch cải tổ ngành y tế Mỹ. Kế hoạch cải tổ ngành y tế định hình lại 1/6 quy mô kinh tế Mỹ. Kế hoạch sẽ được thực hiện trong vài năm coi là thay đổi lớn chưa từng có của chính phủ Mỹ. Kế hoạch cải tổ mới sẽ giúp 32 triệu người Mỹ hiện không thuộc diện chịu bảo hiểm được nhận hỗ trợ thuốc men, y tế.
Kế hoạch cải tổ lĩnh vực tài chính: Ngày 21/07, Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức ký thành luật dự thảo cải cách ngành tài chính sâu rộng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930 để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo sự ổn định kinh tế tốt hơn. Đạo luật đưa ra một loạt biện pháp cải cách thị trường Phố Wall, ngăn chặn nguy cơ các thể chế tài chính lớn sụp đổ gây ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, kiểm soát các khoản tiền thưởng và ngăn chặn những khoản đầu tư rủi ro. Đồng thời, tạo ra một cơ chế bảo vệ người gửi tiền tại các ngân hàng dưới sự giám sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Kế hoạch 600 tỷ USD mua trái phiếu của FED (QE2): Ngày 03/11, FED chính thức công bố sẽ dành 600 tỷ USD mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 11/2010 đến hết tháng 6/2011 với để giảm thất nghiệp và tránh giảm phát. Số tiền chi tiêu hàng tháng để mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ sẽ khoảng 75 tỷ USD, chương trình được thực hiện trong 8 tháng. 86% trái phiếu được mua sẽ tập trung chủ yếu vào thời hạn 2,5 đến 10 năm.
Biểu đồ lạm phát tại Mỹ năm 2010
Biểu đồ tỷ lệ thất nghiệp Mỹ năm 2010
3. Châu Âu chìm trong khủng hoảng nợ công
Khủng hoảng nợ công tại châu Âu
Chính phủ Hy Lạp chỉ biết chi tiêu (phần lớn cho cơ sở hạ tầng) chứ hầu như không quan tâm đến các kế hoạch trả nợ sau khi đã vay nợ mạnh tay suốt 1 thập kỷ. Khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp xảy ra như một tất yếu. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ xếp hạng tín dụng ngân hàng National Bank of Greece SA và 4 ngân hàng cho vay khác của Hy Lạp sau khi hạ xếp hạng tín dụng của nước này.
Giáo sư kinh tế học đoạt giải Nobel, ông Paul Krugman, nhận định rằng, đồng euro chính là một trở ngại đối với sự tăng trưởng của kinh tế Hy Lạp, vì việc sử dụng đồng tiền chung không cho phép Athens phá giá đồng tiền để nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Một phần nguyên nhân chính là tham vọng nhất thể hóa bằng mọi giá của các nhà lãnh đạo châu Âu - những người bị cho là đặt vấn đề chính trị lên trên thực lực kinh tế. Khủng hoảng châu Âu đã lan sang Ireland, Bồ Đào Nha, và nếu tồi tệ nhất, khủng hoảng sẽ lan sang cả Tây Ban Nha – nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới.
Hy Lạp và Ireland đã nhận tiền giải cứu từ EU và IMF. Đức là nước đóng góp nhiều tiền nhất trong các quỹ giải cứu tại châu Âu.
Ảnh hưởng từ khủng hoảng lên đồng euro
Ngày 05/05/2010, đồng euro rời mức 1,30USD/euro lần đầu tiên từ tháng 4/2009 bởi lo lắng gói giải cứu từ Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) không thể giải quyết được khủng hoảng nợ của khu vực này. Tại thị trường Singapore, đồng euro giảm xuống mức 1,2971USD/euro.
Ngày 16/05/2010, đồng euro xuống mức thấp nhất trong 4 năm. Đồng euro rơi xuống mức 1,2306USD/euro, mức thấp nhất tính từ tháng 4/2006.
Từ thời điểm đó đến nay, đồng euro liên tục mất giá. Phiên gần nhất, đồng euro mất giá 0,5% so với đồng USD và giao dịch ở mức 1,3109USD/euro. Từ đầu năm 2010 đến nay, so với đồng USD, đồng euro hạ hơn 8%.
4. Châu Á đưa ra nhiều thỏa thuận quan trọng, các chính trường “dậy sóng”
Quỹ Tiền tệ châu Á (AMF) do 10 nước ASEAN cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc thành lập theo mô hình IMF, chính thức ra mắt ngày 23/3 với tổng trị giá 120 tỷ USD. Quỹ 120 tỷ USD này sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ.
Nếu một nước thành viên cần hỗ trợ, Ngân hàng Trung ương của nhóm nước thành viên sẽ cung cấp USD để đổi lấy đồng nội tệ của nước có nhu cầu USD.
Châu Á cần đầu tư 8 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới để phát triển hạ tầng
Ông John Lipsky, phó giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng nhóm nền kinh tế đang phát triển tại châu Á cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội để kích thích tăng trưởng dài hạn ở một khu vực mà hàng triệu người đã trở lại cảnh nghèo khổ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khủng hoảng kinh tế đã đẩy 14 triệu người châu Á trở lại cảnh đói nghèo.
Ông Lipsky dự báo nền kinh tế của khu vực năng động nhất thế giới sẽ có thể tăng trưởng 8,5% trong năm 2010. Trong khi đó, theo ông, kinh tế thế giới năm 2010 có thể tăng trưởng 4% trong năm 2010 và 4,25% trong năm 2011.
Đông Nam Á sẽ dùng chung 1 đồng tiền?
Tại hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN tháng 4/2010 tại Nha Trang, đại diện các nước khẳng định sử dụng đồng tiền nội khối ASEAN sẽ mang lại nhiều lợi ích, thống đốc ngân hàng trung ương 10 nền kinh tế thành viên Đông Nam Á cho rằng cần nghiên cứu thêm các mô hình thanh toán và những yếu tố khác.
ASEAN + 3 lập quỹ tín dụng 700 triệu USD
Ngày 01/05, Bộ Tài chính Hàn Quốc ra thông báo cho biết ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí thành lập một quỹ tín dụng khu vực trị giá 700 triệu USD nhằm hỗ trợ các thị trường trái phiếu châu Á. Quỹ này có chức năng chính là cung cấp các cơ sở hạ tầng cốt lõi nhằm phát triển các thị trường trái phiếu tại châu Á.
Triều Tiên – Hàn Quốc
Phía Triều Tiên không chấp nhận đường biên giới do Liên Hợp quốc đưa ra vào cuối Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Ngày 23/11/2010, Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong ở biên giới Hàn Quốc khiến 2 binh sỹ Hàn Quốc thiệt mạng và hơn 60 nhà dân bị bốc cháy. Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc đã khiêu khích trước và châm ngòi cho vụ đấu pháo gây chết người. Triều Tiên đe dọa sẽ tiếp tục tấn công tiếp nếu Hàn Quốc có bất kỳ khiêu khích quân sự liều lĩnh nào.
Triều Tiên đe dọa các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ chỉ dẫn đến chiến tranh liên triều.
Hàn Quốc đã đẩy mạnh an ninh biên giới và quanh đảo Yeonpyeong. Theo Yonhap, Hàn Quốc sẽ tăng cường các nỗ lực ngoại giao với Trung Quốc để giúp kiềm chế Triều Tiên.
Trong động thái mới nhất, Nhật bổ sung tên lửa đánh chặn đối phó Triều Tiên. Hàn Quốc sẵn sàng cho tình huống bị oanh tạc và cải tổ quân đội. Phía Triều Tiên dọa chiến tranh hạt nhân và thề trả đũa Hàn Quốc mạnh tay.
Chính trường Nhật và Úc nổi sóng
Nhật: Chính trường Nhật nổi sóng khi người dân mất niềm tin vào khả năng điều hành kinh tế của chính phủ Nhật. Ông Naoto Kan, Bộ trưởng Tài chính Nhật, lên nắm giữ cương vị Thủ tướng nước này.
Úc: Thủ tướng mất chức vì đạo luật đánh thuế ngành khai mỏ. 3 năm trước, ông Rudd đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên tỷ lệ ủng hộ đối với ông ngày càng giảm. Đặc biệt khi ông đưa ra dự thảo luật đánh thuế các công ty trong lĩnh vực khai mỏ, trong khi ngành này đóng góp quan trọng vào kinh tế Úc, ông đã không còn được lòng giới chính trị gia và công luận.Ông đưa ra dự thảo đánh thuế đối với các công ty khai mỏ, thuế lợi nhuận lên tới 40%.
5. Trung Quốc khiến thế giới đau đầu với vấn đề đồng nhân dân tệ, thương mại và đất hiếm
Đồng nhân dân tệ
Tháng 3/2010, giáo sư kinh tế học đại học New York và là người từng dự báo chính xác về khủng hoảng tài chính, ông Nouriel Roubini cho rằng Trung Quốc sẽ chỉ nâng giá đồng nhân dân tệ tối đa thêm 4% trong 12 tháng tới bởi quan điểm siêu thận trọng đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.
Thực tế: 19/06/2010, Trung Quốc đưa ra quyết định điều chỉnh tỷ giá lịch sử. Từ đó đến nay, đồng nhân dân tệ tăng giá được 2,8%. Tháng 11/2010, đồng nhân dân tệ chỉ tăng giá 0,1%, thấp hơn nhiều so với con số 1,7% trong tháng 10/2010 mà Mỹ cho rằng phù hợp.
Diễn biến tỷ giá đồng nhân dân tệ trong 1 năm vừa qua (Nguồn: Trading Economics)
Bản chất cuộc chiến tỷ giá Mỹ - Trung: Mỹ cho rằng Trung Quốc luôn cố tình định giá đồng NDT thấp hơn so với giá trị thực của nó để hưởng lợi trong xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Mỹ muốn gây áp lực mạnh hơn đối với đồng NDT kết hợp cùng một loạt các chính sách ngoại giao khác để tăng cường ảnh hưởng Đông Nam Á, kiềm chế Trung Quốc.
Không phải do Mỹ thiếu sức mạnh để đối phó, mà là điều ràng buộc giữa hai nền kinh tế này là quá lớn: Mỹ cần tiền của Trung Quốc còn Trung Quốc lại cần thị trường của Mỹ. Cuộc chiến sắp tới sẽ phức tạp nhưng cuối cùng nó cũng “bất phân thắng bại” vì cả hai bên đều cần duy trì quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Xung đột tiền tệ Mỹ - Trung có thể dẫn đến chiến tranh thương mại. Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cố gắng né tránh một cuộc chiến tranh thương mại, song cả hai bên đều đã sẵn sàng đối phó khi cần thiết.
Thương mại
Tháng 11/2010, Trung Quốc công bố thặng dư thương mại đạt 22,9 tỷ USD. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh vấn đề đồng nhân dân tệ tăng cao. Năm 2010, chỉ duy nhất tháng 3/2010 Trung Quốc chịu thâm hụt thương mại 7,2 tỷ USD.
Thặng dư thương mại 11 tháng đầu năm của Trung Quốc đạt 171,4 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc có thêm nguồn cung ngoại tệ quan trọng khi đã ở mức kỷ lục 2,65 nghìn tỷ USD.
Trung Quốc liên tục có thặng dư (Nguồn:Trading Economics)
Lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2010 tăng 5,1%, vượt dự báo của các chuyên gia. Chỉ số giá sản xuất tháng 11/2010 tăng 6,1%, cũng cao hơn so với kỳ vọng. Tại Trung Quốc, lạm phát 11 tháng đầu năm lên tới 3,2%, vượt mức mục tiêu 3% của chính phủ.
Tốc độ tăng của giá cả và dòng vốn vào Trung Quốc nhiều khả năng sẽ buộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nâng lãi suất cơ bản sau khi đã đưa ra quyết định nâng lãi suất đầu tiên từ năm 2007 vào tháng 10/2010. Trung Quốc mới đây đã tuyên bố sẽ chuyển hướng sang chính sách tiền tệ thận trọng vào năm 2011.
Biểu đồ lạm phát Trung Quốc 11 tháng đầu năm 2010
Bất động sản
Cuối tháng 9/2009, lần đầu tiên Trung Quốc cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư bất động sản. Trong khi đó môi trường lãi suất thấp tại nhóm nước phát triển khiến dòng tiền tìm đường đến các thị trường mới nổi đang có lãi suất cao. Giá cổ phiếu và bất động sản tại Trung Quốc vì thế tăng mạnh trong năm 2010. Năm 2009, Trung Quốc vượt qua Mỹ trong vai trò thị trường đầu tư bất động sản lớn nhất thế giới. Xu thế này nhiều khả năng đã tiếp diễn trong năm 2010.
Tổ chức China Index Academy nghiên cứu về thị trường bất động sản Trung Quốc công bố giá trị các hợp đồng mua bán bất động sản tại Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2010 đạt 4,23 nghìn tỷ nhân dân tệ tương đương 630 tỷ USD, tăng 17,48% so với cùng kỳ năm trước. Con số cả năm có thể lên tới 4,7 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Giá bất động sản tại Trung Quốc tháng 9 tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm trước sau khi tăng 9,3% trong tháng 8.
Đối với năm 2010, các chuyên gia dự báo giá bất động sản tại Trung Quốc tăng chậm lại, mức tăng từ 8 đến 9%.
Tăng trưởng GDP Trung Quốc từ đầu năm 2009 đến nay (Nguồn:Trading Economics)
Đất hiếm
Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”.Nguyên tố đất hiếm có thể được coi như là một “vũ khí kinh tế- chính trị” trong thế kỷ 21. Đất hiếm dùng làm nguyên liệu không thể thiếu được trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật để sản xuất các chi tiết quan trọng của những sản phẩm như xe tăng, radar, tên lửa, máy bay, ô tô, điện thoại di động, tivi, sản phẩm cho công nghệ năng lượng sạch…
Khi các nước ngày một gây sức ép lên Trung Quốc buộc Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ và giảm thặng dư thương mại, Trung Quốc lập tức dùng lợi thế của mình để đáp trả. “Con bài” đất hiếm được sử dụng rất hiệu quả. Mỹ và Nhật ráo riết tìm kiếm nguồn cung đất hiếm trên khắp thế giới để thay thế.
Trung Quốc khiến cuộc chiến giành đất hiếm trên thế giới trở nên căng thẳng hơn khi tuyên bố sẽ tăng thuế xuất khẩu lên tới 25%. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm trong năm 2011.
Ban Biên Tập CafeF
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,549.10 | 5,089.10 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,612.20 | 4,132.20 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,733.80 | 13,273.80 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,745.50 | 1,345.50 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 247
- Truy cập hôm nay: 3396
- Lượt truy cập: 8849896