Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Ngân hàng mạnh tay bơm vốn
2010-10-14 08:47:47

Ngân hàng mạnh tay bơm vốn
 
Do tốc độ tăng trưởng dư nợ khá chậm trong 9 tháng qua, nên dư địa tín dụng trong quý còn lại của năm ở nhiều ngân hàng còn rất lớn. Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng vào cuối năm. Vì thế, các ngân hàng đang đẩy mạnh bơm vốn ra nền kinh tế. Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn của thị trường vẫn chưa được như kỳ vọng, do áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận còn cao.

Đẩy mạnh cho vay

Nhiều ngân hàng đã và đang dành ra những khoản vốn lớn hỗ trợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Ông Nguyễn Hữu Đặng, quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank), cho biết, Ngân hàng sẽ có chương trình ưu đãi 2.000 tỉ đồng dành cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, với lãi suất cho vay từ 12,5 - 13,5%/năm. Chương trình dự kiến sẽ được áp dụng từ đầu tháng 11.2010.

Theo ông Đặng, tính đến ngày 30.9.2010, huy động vốn của HDBank đạt 24.856 tỉ đồng, bằng 118,36% kế hoạch cả năm; dư nợ ước đạt 10.300 tỉ đồng, bằng 98% so với kế hoạch năm. Như vậy, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng đã gần hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đã dành khoảng 3.000 tỉ đồng cho vay doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân với lãi suất chỉ bằng khoảng 80% chi phí lãi vay bằng tiền đồng thông thường. Chương trình sẽ được triển khai từ nay đến hết năm 2010.

Ngoài ra, ACB còn triển khai cho vay qua hệ thống ACB Online và vốn sẽ được giải ngân chỉ sau 1 phút. Ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng Giám đốc ACB, cho biết, nhu cầu vốn bằng tiền đồng của doanh nghiệp bắt đầu có chiều hướng tăng lên. Đây là thời điểm tốt để ACB phát triển tín dụng.

Tuy nhiên, Thông tư 13/2010/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1.10 vừa qua đã có ảnh hưởng nhất định đến các chương trình phát triển tín dụng của ngân hàng. Mặc dù một số quy định đã được điều chỉnh theo hướng có lợi hơn cho hoạt động cho vay, nhưng chất lượng tín dụng sẽ phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn 9%.

Nếu không, các ngân hàng sẽ buộc phải trích lập dự phòng cho vay cao hơn, dẫn đến lợi nhuận giảm. Đáng chú ý là đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán, hệ số rủi ro lên đến 250%. Quy định này sẽ khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc triển khai tín dụng cuối năm.

Tuy nhiên, ông Đặng cho rằng, ngành ngân hàng hoàn toàn có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 25% mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra. Bởi lẽ, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành đã đạt 19,5%. Hơn nữa, nhu cầu thanh toán tiền của doanh nghiệp vào cuối năm rất cao. Vì thế, dư nợ tín dụng quý IV/2010 được dự báo có thể sẽ tăng mạnh.

Song ông Đặng cũng nhấn mạnh: “Dư nợ tăng đột biến hay không còn phụ thuộc vào phương án kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả và khả thi. Đây là điều các ngân hàng sẽ cân nhắc rất kỹ nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu gia tăng”.

Áp lực lãi vay còn cao

Các chính sách tín dụng mới được đưa ra đều kèm theo những ưu đãi về lãi suất cho vay thỏa thuận bằng tiền đồng. Ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân ACB, cho biết, lãi suất đối với chương trình vay vốn qua ACB Online sẽ được giảm 0,4 điểm phần trăm/năm so với chi phí lãi vay cá nhân thông thường, tức trên dưới 13%/năm.

Trong khi đó, tại HDBank, lãi suất cho vay vốn trung và dài hạn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị chỉ ở mức 11,5%/năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, theo ông Đặng, vì tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu phục hồi ổn định, nên hoạt động kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tỉ suất sinh lời của nhiều dự án kinh doanh ở mức thấp hoặc hòa vốn. Vì thế, ông cho rằng, mức lãi suất cho vay trung bình 13 - 15%/năm hiện nay cũng có phần khó khăn cho doanh nghiệp.

Lãi suất cho vay được các ngân hàng áp dụng hiện có phần cạnh tranh hơn so với trước. Thế nhưng, đối với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất cho vay ở lĩnh vực sản xuất vẫn phổ biến ở mức 14 - 15%/năm.

Còn một số doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhóm khách hàng truyền thống và có quan hệ sử dụng dịch vụ tốt được áp dụng mức lãi suất cho vay hấp dẫn hơn, từ 12 - 13%/năm. Vì thế, một số doanh nghiệp vẫn chuộng vay bằng ngoại tệ hơn nhằm tránh áp lực lãi suất thỏa thuận bằng tiền đồng.

Còn đối với lĩnh vực phi sản xuất, lãi suất thỏa thuận bằng tiền đồng được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 15,1 - 17%/năm, tùy theo lĩnh vực đầu tư, kinh doanh và mục đích sử dụng vốn. Riêng đối với tín dụng tiêu dùng, lãi suất cho vay lên đến 20 - 25%/năm.

Đó là lý do trong cuộc họp mới đây, bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), đã kêu gọi các ngân hàng hội viên giảm lãi suất huy động còn 11%/năm kể từ ngày 15.10 tới, thay vì 11,2%/năm hiện nay nhằm giảm áp lực lãi vay cho doanh nghiệp.

Thế nhưng, bà Hương cho biết, các ngân hàng đã đưa ra kiến nghị rằng, vì áp lực lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng, nên cần theo dõi động thái thị trường và diễn biến của nền kinh tế, từ đó mới cân nhắc việc hạ lãi suất. Vì thế, theo bà, lãi suất sẽ được điều chỉnh trên cơ sở thận trọng.

Ông Đặng, HDBank, cũng cho rằng: “Vì người dân có tâm lý cho rằng lạm phát sẽ gia tăng trong thời gian tới, nên họ kỳ vọng vào mức lãi suất huy động cao. Vì thế, việc hạ lãi suất huy động sẽ không khuyến khích được người dân gửi tiền vào ngân hàng, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp vốn cho vay”.

Theo Thanh Nguyên
Nhipcaudautu



Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,251.104,831.10
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,351.903,951.90
100g ABC Bullion Bar
13,957.5012,657.50
1kg ABC Bullion Silver
1,694.101,344.10
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 236
  • Truy cập hôm nay: 4296
  • Lượt truy cập: 8604666