Dòng vốn USD đang được lưu thông khá mạnh trên thị trường, không chỉ các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đi vay USD mà nhiều doanh nghiệp sản xuất khác cũng đang chuyển hướng các khoản vay đồng ngoại tệ này, bởi theo tính toán của họ thì vay USD “lợi hơn nhiều” so với vay VND.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tuần từ ngày 9 đến 15/4, trên thị trường liên ngân hàng, các giao dịch bằng USD phát sinh ở tất cả các kỳ hạn.
Lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm và 2 tuần giảm với các mức giảm không đáng kể, lần lượt giảm 0,01% và 0,22%. Lãi suất các kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng lại có xu hướng tăng mạnh so với mặt bằng lãi suất bình quân tuần trước đó; lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng mạnh từ 0,91% lên 1,75% (tăng 0,84%); lãi suất 1 tháng cũng tăng gấp đôi từ 0,43% lên 0,88%.
Bên cạnh đó, tuần này còn phát sinh thêm giao dịch ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng với lãi suất bình quân cao nhất là 2,59%/năm (kỳ hạn 12 tháng) và 2,03% (6 tháng); lãi suất các kỳ hạn còn lại dao động từ 0,38% đến 1,75%/năm. Doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đạt 1.530 triệu USD, bình quân đạt 306 triệu USD/ngày. So với tuần trước, giao dịch bằng USD đã tăng 261 triệu USD.
Đặc biệt, doanh số giao dịch qua đêm bằng USD là 793 triệu USD, chiếm 52% so với tổng doanh số giao dịch cả tuần. Kết quả giao dịch này cho thấy, các ngân hàng đang tăng mạnh việc vay vốn USD trên thị trường liên ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vay của các doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Đăng Hoàng, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cho biết: mặc dù ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay tiền đồng, nhưng thực tế lãi suất này vẫn còn khá cao đối với doanh nghiệp trong giai đoạn chống đỡ vượt qua khủng hoảng.
Theo tính toán, vay USD thời điểm này khá an toàn và có lợi hơn, nhất là với những khoản vay ngắn hạn. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ: đang xuất hiện xu hướng doanh nghiệp thích vay USD hơn VND. Nếu tính lãi suất USD là 7%/năm, cộng với mức độ trượt giá 5%/năm thì khi doanh nghiệp vay USD đem bán để dùng tiền Việt thì giá vốn vẫn rẻ hơn so với vay VND.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn cảnh báo các doanh nghiệp muốn vay vốn USD thay VND hãy thận trọng và chỉ nên vay USD khi chính doanh nghiệp có nguồn thu USD từ các hợp đồng xuất nhập khẩu để có thể bảo toàn vốn trong khi thị trường có biến động. Doanh nghiệp khi vay USD cần theo dõi sát biến động của đồng ngoại tệ này trên thị trường để khi cần thiết có thể chuyển đổi sang vay bằng VND nhằm tránh rủi ro.
Việc người dân và giờ là các doanh nghiệp “mặn mà” với đồng USD đang khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại đồng ngoại tệ làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính và nền kinh tế, làm gia tăng lạm phát. Ông Võ Trí Thành bày tỏ: chính sách tiền tệ giai đoạn từ nay đến cuối năm 2010 nếu không giám sát tốt sự dịch chuyển của USD với VND thì áp lực lạm phát và thị trường ngoại hối sẽ căng thẳng.
Đồng quan điểm này, chuyên gia tài chính Nguyễn Đại Lai cho rằng: nên gắn sớm việc điều hành tỷ giá trong khuôn khổ của chính sách quản lý ngoại hối; thực hiện chương trình chống “đô-la hóa”, giảm dần tiến tới giảm triệt để tín dụng ngoại tệ trong nước, sớm thống nhất một tỷ giá để tiến tới thả nổi có điều kiện: không còn ngoại tệ hóa nền kinh tế.
Làm việc với Ngân hàng Nhà nước ngày 20/4/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước lưu ý đến việc nhiều doanh nghiệp chọn vay USD thay vì VND; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá một cách linh hoạt trong mối quan hệ với lãi suất, lạm phát, cán cân thương mại và các kênh đầu tư khác nhằm giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối.
|