Hệ số an toàn vốn tối thiểu theo Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN và áp lực tăng vốn điều lệ tại Nghị định 141 là cơ hội để sàng lọc ngân hàng thương mại nhỏ, yếu và đẩy nhanh tiến trình mua bán - sáp nhập (M&A).
Tuy nhiên, thái độ ứng xử của Nhà nước trong câu chuyện này mới là quan trọng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Áp lực của pháp lý và thực tiễn kinh doanh
Thưa ông, hiện có khoảng 20 ngân hàng thương mại phải tăng đủ vốn điều lệ lên mức 3.000 tỷ đồng trong năm nay. Vì sao câu chuyện này quá quan trọng như vậy?
Nếu xét trên phương diện luật pháp thì năm 2010 là kỳ hạn cuối cùng để các ngân hàng thương mại có mức vốn dưới 3.000 tỷ đồng phải đáp ứng mức vốn điều lệ tối thiểu là 3.000 tỷ đồng và hiện có khoảng 20 ngân hàng chưa đạt yêu cầu này.
Còn xét trên phương diện hệ số an toàn vốn tối thiểu (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro - Capital Adequacy Ratio - CAR) theo chuẩn quốc tế thì nếu nhìn chung cả hệ thống thì đều đạt mức 8%. Tuy nhiên, khi đi sâu vào chi tiết thì có khá nhiều vấn đề rất đáng bàn.
Vì thế, áp lực của pháp lý và thực tiễn kinh doanh trong việc đạt hệ số an toàn vốn đã buộc các tổ chức tín dụng phải tính đến phương án tăng vốn điều lệ.
Ngoài ra, do nhu cầu thực tế, nếu tổ chức tín dụng muốn mở rộng quy mô hoạt động thì phải nâng vốn điều lệ. Chẳng hạn, cơ quan quản lý đang gắn việc mở chi nhánh, phòng giao dịch, mở rộng tín dụng của ngân hàng thương mại với vốn điều lệ.
Xu hướng chung trên thế giới là phải nâng hệ số này cao hơn nữa. Nhiều nước trong khu vực đã đạt 12% từ lâu và chưa dừng ở đây, còn ở các nước phát triển còn khuyến nghị cao hơn, tiêu chuẩn Basel II đặt ra mức là 15%.
Kinh doanh ngân hàng không thể chỉ bằng nước bọt
Ông đánh giá gì về hệ số CAR giữa các nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay?
Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, có nhiều đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn vì nhiều lý do về chính trị, kinh tế, cho vay kích cầu, cho vay dự án các doanh nghiệp nhà nước nên mức tăng trưởng tín dụng rất cao.
Trong khi đó, vì là ngân hàng thương mại nhà nước nên vốn điều lệ phải do nhà nước cấp nhưng hiện nay, nhà nước chưa cấp đủ số vốn điều lệ cần thiết cho họ nên hệ số CAR nhóm này còn thấp.
Còn ngân hàng thương mại cổ phần, kể cả số đã đáp ứng đủ mức vốn điều lệ tại Nghị định 141 thì về hình thức, hệ số an toàn vốn đạt tỷ lệ mức bình quân khoảng 12% - 13%, cao hơn nhóm ngân hàng thương mại nhà nước nhưng nhìn chung, họ đều dùng vốn điều lệ để góp vốn, kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong khi mức khấu trừ ra khỏi vốn điều lệ để tính toán hệ số nói trên còn chưa chặt chẽ.
Vì thế, tính trên hình thức thì có vẻ đạt hoặc cao hơn tiêu chuẩn nhưng đi vào thực chất bóc tách từng khoản đã đầu tư, đôi khi ở vượt quá giới hạn cho phép.
Tôi ví dụ đơn giản thế này: một ngân hàng có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, và muốn có một tổng tài sản rủi ro khoảng 12 nghìn tỷ, nhưng nếu ngân hàng đó đã dùng khoảng 300 tỷ trong số vốn điều lệ góp vào một dự án bất động sản thì vốn điều lệ để tính toán hệ số chỉ 700 tỷ chứ không còn là 1.000 tỷ nữa. Như vậy, hệ số an toàn vốn tối thiểu đã thay đổi theo hướng giảm đi.
Nhưng thưa ông, vốn nào mà chẳng phải kinh doanh? Vì sao đưa một phần vốn điều lệ kinh doanh khác ngành đăng ký thì không được “xập xí xập ngầu” vào vốn tự có để tính toán hệ số CAR?
Đã kinh doanh ngân hàng thì không thể chỉ bằng nước bọt. Ngân hàng đi vay 10 đồng về để cho vay lại, chẳng may rủi ro mất một đồng thì còn có tiền túi để bù đắp rủi ro đó. Vốn điều lệ thì phải kinh doanh đúng ngành nghề của mình, còn mang bớt đi kinh doanh ngành nghề khác thì quy mô kinh doanh ngành nghề đã đăng ký phải thu hẹp lại.
Và cũng đừng nên “xập xí xập ngầu chỗ này”. Trong trường hợp trên nếu muốn mở rộng kinh doanh thì phải tăng vốn tự có và đó là đạo lý bình thường trong làm ăn.
Nên buộc sáp nhập ngân hàng không đủ vốn điều lệ
Theo ông, trong khi thị trường chứng khoán còn khó khăn, làm thế nào để các ngân hàng thương mại trong diện tăng vốn thành công?
Nếu là nhóm ngân hàng thương mại nhà nước thì việc tăng vốn điều lệ phải phụ thuộc vào việc nhà nước cấp thêm vốn từ ngân sách, bằng cách hoặc dùng ngân sách tăng vốn cho họ hoặc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các ngân hàng này để thu hút vốn từ bên ngoài.
Hiện nay, nhóm này mới chỉ có VietinBank và Vietcombank đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ phát hành ra công chúng vẫn rất nhỏ. Tất nhiên, khi cổ phần hóa các ngân hàng này thì giá sẽ không còn cao như vài năm trước nhưng nếu gọi được các cổ đông chiến lược, bán với mức giá gấp vài ba lần mệnh giá thì việc tăng vốn cũng không phải quá khó khăn.
Còn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần thì là cả một vấn đề. Đối với các đơn vị chưa đáp ứng đủ mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng thì áp lực mạnh hơn rất nhiều, nhất là lúc thị trường chứng khoán èo uột và lòng tin vào cổ phiếu ngân hàng bị giảm sút rất mạnh. Nếu có chút lợi nhuận thì phải giữ lại để tăng vốn và chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Trong trường hợp “cố” bán ra ngoài thì không hẳn đã là tốt. Bởi lẽ, khi cổ phiếu của một ngân hàng đang được giao dịch với mức giá “1.8” mà muốn thu hút nhiều bán rẻ xuống “1.1” thì sẽ phương hại đến cổ đông hiện hữu.
Theo ông, nếu các ngân hàng thương mại không thể nâng vốn điều lệ theo mức quy định thì nên ứng xử như thế nào?
Tôi được biết không ít ngân hàng đã đề nghị Chính phủ cho giãn tiến độ thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ theo Nghị định 141.
Tất nhiên, Chính phủ quyết định theo hướng nào là do Chính phủ. Cá nhân tôi cho rằng, nên kiên quyết buộc những tổ chức tín dụng không tự nâng vốn điều lệ theo quy định phải sáp nhập với nhau, để đẩy nhanh quá trình mua lại, sáp nhập các ngân hàng, không nên để quá nhiều ngân hàng nhỏ, làm thị trường rối thêm.
Quá trình sáp nhập, mua lại luôn tốt đối với các ngân hàng đủ vốn và nhất là các ngân hàng không có khả năng tăng vốn. Ngoài ra, chúng còn làm giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng đang hiển diện khá đông trong nền kinh tế so với quy mô thị trường nhỏ như hiện nay.
|