Các NHTM lại được kêu gọi đồng thuận thực hiện mức lãi suất huy động 12%/năm và cho vay ngắn hạn là 14,5%/năm. Trước mắt, điều đó là có thể, nhưng sau tháng 4 thì… còn tùy!
Thực ra thông tin về việc NHNN sẽ cởi trói cho tín dụng ngắn hạn đã được các tổ chức tín dụng (TCTD) đoán định từ trung tuần tháng 3/2010. Vậy nên, phản ứng ban đầu của các TCTD khi tiếp nhận Thông tư 12 của NHNH về thực hiện lãi suất thỏa thuận (LSTT) chính thức hoá việc tăng lãi suất huy động.
Không thể “đồng thuận sống qua ngày”!
Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Vietinbank kiêm Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã có ý kiến đề nghị, một lần nữa các NHTM đồng thuận thực hiện mức lãi suất huy động quanh 12%/năm và cho vay ngắn hạn là 14,5%/năm...
Về trần lãi suất huy động, nay được “thanh minh” là NHNN chỉ ra thông báo: sẽ thanh tra, kiểm soát những TCTD nào có mức huy động vượt 10,5%/ năm. Trần này, thực tế xuất phát từ sự kêu gọi đồng thuận của VNBA. Và giờ, tuy đã được “cởi trói” nhưng một lần nữa ông Hùng lại kêu gọi các thành viên đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương giảm mặt bằng lãi suất. Song lần này e là khó!
Một điều dễ nhận thấy, các NHTMCP nhỏ là đối tượng chịu sức ép lớn nhất trong việc thực hiện lãi suất thoả thuận (LSTT). Các ngân hàng lớn, với nhiều ưu thế về cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao dịch, tiềm lực tài chính... sẽ là người quyết định mặt bằng lãi suất.
Đồng tình với quan điểm này ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc NHTMCP Eximbank cho rằng, cơ chế cho vay thỏa thuận rất khắc nghiệt. Dù muốn hay không các TCTD phải tạo ra chênh lệch lãi biên giữa huy động và cho vay. Các TCTD phải “liệu cơm gắp mắm”, nếu không người gửi sẽ đi sang NH khác.
Một diễn biến khác, tuần qua lãi suất giao dịch VND trên thị trường liên ngân hàng giảm. Lượng giao dịch trên thị trường này cũng giảm. Nguyên nhân của việc này chính là vì Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã giao cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tiến hành thanh tra toàn diện các tổ chức tín dụng có tỷ lệ vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng lớn hơn 20% vốn huy động trên thị trường một (từ dân cư và tổ chức). Để không vi phạm quy định này, các TCTD buộc phải giảm huy động trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời tăng huy động trên thị trường một. Mà muốn tăng thì phải tăng lãi suất huy động!
Vậy mức lãi suất sẽ là bao nhiêu? Rõ ràng, các NHTM, dù lớn hay nhỏ cũng không thể “đồng thuận” chỉ để sống qua ngày. Một số NHTM đã lập tức dừng các chương trình khuyến mại bằng lãi suất cho người gửi tiền. Ngân hàng khác thì áp dụng biểu lãi suất huy động mới theo hướng tăng hơn so với trước. Như vậy, nếu nói sẽ có cuộc đua tăng lãi suất thì chưa đủ căn cứ, nhưng cũng không loại trừ trường hợp này.
Hiện lãi suất cho vay phổ biến (theo thông báo của NHNN) đang ở mức 12% cho tín dụng ngắn hạn và 15 - 17% cho trung và dài hạn. Đa số doanh nghiệp cho rằng họ chỉ có thể chịu nổi mức lãi suất 10 - 12%/năm. Nghĩa là, để cung - cầu gặp nhau thì cần một quãng nữa.
Từ VND nhìn qua USD
Tỷ giá trên thị trường tự do, sau một thời gian dài, lần đầu tiên đã bằng, thậm chí thấp hơn tỷ giá công bố chính thức của các NHTM: 18.980 - 19.040 đồng/USD mua vào bán ra.
Hiện tượng này, nhìn mặt nổi là do cung USD tăng đáng kể: trong khi lãi suất huy động VND, được các NHTM bằng cách này hay cách khác đẩy lên thì lãi suất USD, vàng đều giảm, khiến không ít người bán USD lấy VND để gửi tiết kiệm. Thứ hai, lãi suất vay USD thấp hơn nhiều VND nên các doanh nghiệp nhập khẩu chọn vay USD khiến cầu về USD giảm. Đó là chưa kể khoản tiền 1 tỷ USD từ nguồn vốn FDI được giải ngân.
Phân tích sâu hơn thì thấy, sở dĩ tỷ giá ở hai thị trường xích lại gần nhau là do chủ trương neo tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng của NHNN suốt thời gian qua. Dù chịu nhiều sức ép từ dư luận, từ các tổ chức tài chính quốc tế nhưng NHNN đã quyết tâm không quá “linh hoạt” trong điều hành tỷ giá.
Thêm vào đó là chủ trương cho phép các TCTD cho vay bằng ngoại tệ đối với 3 nhóm đối tượng: Thanh toán cho nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; trả nợ nước ngoài trước hạn; đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Các DN thực hiện các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu được vay bằng ngoại tệ...
Các doanh nghiệp xuất khẩu khi bán được hàng phải bán lại ngoại tệ cho TCTD. Chính sách này, theo tổng giám đốc một NHTM lớn chuyên cho vay xuất nhập khẩu, và cũng là người từng nhiều năm xây dựng chính sách về ngoại hối cho NHNN là: NHNN đã tạo ra chính sách để đưa cung ngoại hối từ tương lai về hiện tại và dịch cầu ngoại hối hiện tại về tương lai.
Nhưng chúng ta không thể “được” mà không mất cái gì. Chính việc tăng mạnh về tín dụng USD sẽ tạo sức ép về cầu USD để trả nợ trong thời gian tới. Để tránh cái “mất” trong tương lai, thì cần tạo sự ổn định thị trường, nhất là về mặt tâm lý.
Năm 2009, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu liên tục đưa ra khẳng định không phá giá VND, nhưng vẫn có những điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng và điều chỉnh biên độ tỷ giá. Vì thế, đây chính là thời điểm NHNN nên công bố ổn định tỷ giá, và ổn định ở khoảng nào (từ nay đến cuối năm USD sẽ chỉ tăng bao nhiêu so với VND). Thậm chí, đây cũng là lúc điều chỉnh giảm biên độ tỷ giá để tạo sự ổn định bền vững hơn.
Những con số này, nếu NHNN chính thức công bố có thể sẽ khiến IMF - cơ quan tư vấn chính sách cho NHNN không hài lòng. Nhưng nếu NHNN thực hiện các giải pháp trên sẽ tạo được tâm lý tốt cho thị trường. Một quan ngại khác, nếu không quản lý tốt việc cho vay bằng ngoại tệ thì TCTD khó mà thu lại được ngoại tệ như kỳ vọng.
Vì sẽ không tránh khỏi việc doanh nghiệp vay xong lại mang bán luôn; hoặc không thực hiện cam kết khi có ngoại tệ là bán lại cho ngân hàng, nhất là khi kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới được dự báo là khó lòng cải thiện như kỳ vọng.
Chính sách tỷ giá lâu nay của Việt Nam là hỗ trợ xuất khẩu. Việc này là cần thiết nhưng thay vì áp dụng đại trà chính sách cho vay USD thì nên có chính sách thưởng trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, như vậy sẽ chính xác và hiệu quả hơn.
|