Hiện nay, nhiều ngân hàng giới thiệu chương trình cho vay mua nhà, xe với nhiều điều kiện ưu đãi hơn trước, song áp lực mới về lãi suất khiến người đi vay e ngại.
Vì sao vốn vay trở nên khan hiếm?
Với mặt bằng lãi suất huy động 10,5%, cộng với chi phí khuyến mãi trên dưới 1%, các ngân hàng thường áp lãi suất vay tiêu dùng với mức cao nhất 17-18% sau khi tính đủ chi phí và dư địa lợi nhuận cho mình. Cá biệt có nơi đẩy lãi lên trên 20% khiến những người có ý định vay tiêu dùng cá nhân phải cân nhắc kỹ, đặc biệt là khi tiền lương chưa điều chỉnh kịp với mức tăng lãi suất.
Vợ chồng chị Quỳnh tại Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) có ý định vay ngân hàng 1 tỷ đồng để mua căn nhà gần chỗ thuê. Qua bạn bè giới thiệu, chị tìm hiểu thông tin cho vay của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) – một trong những nơi có lãi suất hấp dẫn. Nhân viên tư vấn tài chính cá nhân nói vợ chồng chị Quỳnh có thể vay 1 tỷ đồng theo hình thức vay thế chấp vì đáp ứng được đủ các điều kiện như tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng là 35 triệu đồng, đã công tác ở công ty 2 năm. Ngoài ra, chị Quỳnh còn được bố mẹ cho mượn sổ đỏ để thế chấp căn nhà trị giá 3,5 tỷ đồng.
Chưa kịp vui mừng vì đủ điều kiện vay tiền, vợ chồng chị Quỳnh lại gặp nỗi lo mới khi được thông báo lãi suất vay lên tới 16,5% một năm theo dư nợ thực tế, thời hạn 5 năm. Theo như tính toán của tư vấn viên, tháng đầu tiên, vợ chồng chị Quỳnh phải trả 30,4 triệu đồng tiền gốc và lãi. Sang các tháng tiếp số trả có giảm đi nhưng cũng ngót nghét 30 triệu đồng. Chị Quỳnh ngao ngán: “Lãi suất cao thế này thì đi làm chỉ đủ ‘kéo cày trả nợ’ ngân hàng”.
Vay dưới dạng tín chấp, trả góp... hút khách hơn cả vì nhiều người tưởng số tiền vay nhỏ, các khoản phải trả kể cả tiền lãi sẽ ít hơn. Tuy nhiên, lãi suất cao tại thời điểm này cũng khiến nhiều người choáng. Chị Thủy, làm việc tại một công ty bất động sản có mức thu nhập 15 triệu đồng một tháng được Techcombank chấp nhận cho vay thấu chi lương (ứng trước tài khoản cá nhân) 75 triệu đồng, hạn mức 5 tháng. Thủ tục khá đơn giản, không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, chị Thủy giật mình khi nhìn vào lãi suất hơn 20%. Chị Thủy tâm sự: “Dù biết lãi suất cao nhưng vì đang cần tiền nên mình cũng không có nhiều sự lựa chọn”.
Anh Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) nhận định ban đầu lãi suất tăng cao có thể làm nản lòng một số người có ý định vay, nhưng khi thị trường xác lập mặt bằng chung thì người vay sẽ thấy bình thường.
Có một thực tế, dù được gọi là thỏa thuận nhưng ngân hàng đưa ra mức lãi nào, khách hàng buộc phải đồng ý bởi họ không có nhiều lựa chọn. Ngoài ra, chính sách mới lập tức có hiệu lực ngay cả với các khoản vay cũ. Anh Tùng, phó giám đốc một công ty dầu khí vay Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) 2,5 tỷ đổng để mua thêm một căn hộ chung cư vào tháng 11/2009. Tại thời điểm đó, MB tính lãi suất khá mềm – 14,5% một năm. Với lãi suất này, anh Tùng phải trả cả tiền gốc và lãi 47,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, vào tháng một, anh Tùng lại nhận được thông báo lãi suất sẽ được thỏa thuận thêm lần nữa, nâng từ 14,5% một năm nay lãi suất tăng thành 16,5% một năm. Như vậy, mỗi tháng anh Tùng phải trả 59 triệu đồng tiền lãi, tăng hơn trước 11,5 triệu đồng. Anh Tùng bức xúc gọi điện đến nhân viên tư vấn tài chính cá nhân giúp mình vay tiền thì nhận được giải thích điều này không vi phạm hợp đồng. Hợp đồng có điều khoản ghi rõ ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất khi có biến động. Đến lúc này dù xót tiền, anh Tùng cũng ngậm ngùi “đâm lao phải theo lao”.
Anh Nguyễn Ngọc Anh, Phó giám đốc Công ty Máy tính Bách Khoa cho biết lãi suất tăng đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số của công ty. Trong tháng 2, doanh số bán hàng trả góp của công ty giảm 33% so với tháng một. Từ đầu tháng 2 tới nay, rất nhiều khách hàng hủy hợp đồng mua máy tính trả góp với lý do lãi suất quá cao (một chiếc máy tính mua trả góp đắt hơn máy tính mua ngay từ 1,5 triệu đến 4 triệu đồng).
Nhân viên tư vấn tài chính cá nhân một ngân hàng thương mại trên phố Bà Triệu cho biết trong quý đầu năm nay, khách hàng đến vay tiêu dùng không nhiều. Một phần vì tâm lý đầu năm tránh vay mượn. Bên cạnh đó, một nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách hàng vay tiêu dùng là lãi suất cao khiến người dân phải cân nhắc, tính toán chặt chẽ. “Lãi suất cao, nên hầu như không có khách hàng cá nhân vay. Nếu cần vốn, người ta sẽ cố gắng huy động từ anh em bạn bè", nhân viên tư vấn tài chính này nhận xét thêm.
Một số ngân hàng chủ yếu cho các khách hàng hiện hữu vay, hoặc chỉ giải ngân cho các hợp đồng tín dụng đã ký kết từ trước. Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2010, các ngân hàng tập trung cho vay sản xuất kinh doanh là chủ yếu nên ACB cũng hạn chế cho vay tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quang Định - Tổng giám đốc Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) cho biết lãi suất tiêu dùng sẽ không biến đổi nhiều vì hiện nay đã ở mức khá cao. Ông dự báo nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân những quý tiếp theo có thể sẽ tăng so với quý đầu năm vì thị trường bất động sản đã ổn định.
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,333.50 | 4,913.50 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,426.80 | 4,026.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,205.60 | 12,905.60 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,728.40 | 1,378.40 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 122
- Truy cập hôm nay: 3732
- Lượt truy cập: 8596714