Tỷ giá giao dịch đôla Mỹ đã đạt gần 20.000 đồng đổi một USD vào trưa ngày 11/11, xác lập kỷ lục về giá trên thị trường tự do năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu là do đầu cơ, những căng thẳng trên thị trường ngoại tệ trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, cũng như cơn sốt giá vàng diễn ra vào giữa tháng 11.
Để giải quyết căng thẳng, ngày 25/11, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 17.034 lên 17.961 đồng một USD, thu hẹp mức chênh lệch cho phép đối với tỷ giá tại các ngân hàng thương mại từ 5% xuống 3%. Đây là lần điều chỉnh biên độ tỷ giá thứ hai trong năm của Ngân hàng Nhà nước, sau khi nâng từ mức 3% lên 5% vào tháng 3.
Cách giải quyết này rất dễ làm cho giá cả trong nước tăng lên, đồng nghĩa với việc lạm phát cao sẽ tăng theo và khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn. Kéo theo đó là sự suy giảm sản xuất kinh doanh trong nước. Và lãi suất cũng sẽ được điều chỉnh tăng, dễ gây ra tình trạng kiệt quệ nền kinh tế trong khi không giải quyết được bài toán nào.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên duy trì mức tỷ giá hiện tại là 17.961 đồng đổi một USD trong thời gian dài, để không tạo ra sự nặng nề thêm cho nền kinh tế. Về lâu dài, tùy theo tình hình mà có sự điều chỉnh linh hoạt tiếp theo.
Muốn đạt được hiệu quả cao trong hỗ trợ xuất khẩu, cần phải bằng nhiều công cụ, nhiều giải pháp như hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chiến lược, sản phẩm,chất lượng, vốn, công nghệ và con người. Vấn đề nan giải hiện nay là làm sao phải hạn chế được nhập siêu cao. Muốn vậy, Nhà nước phải dùng giải pháp: hàng rào kỹ thuật, dùng nghiệp vụ trong hệ thống ngân hàng; dùng chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước, nhất là sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu, phải vận động liên tục và hiệu quả chủ trương của Bộ Chính trị kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Và phải ngăn chặn được tình trạng buôn lậu qua biên giới. Có vậy, Việt Nam mới hy vọng giải quyết được bài toán hạn chế nhập siêu và ổn định tỷ giá, chứ không phải chỉ bằng cách tăng tỷ giá USD/VND.
Nhiều thời điểm, tỷ giá trên thị trường tự do có độ vênh lớn so với thị trường chính thức đã tạo điều kiện cho hoạt động găm giữ, đầu cơ, lũng đoạn thị trường, làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước đã phải triển khai biện pháp liên kết với Bộ Công an, Bộ Công thương, Tổng Cục an ninh, UBND TP Hà Nội, TP HCM tăng cường kiểm soát hoạt động ngoại tệ, vàng trên thị trường chợ đen, được coi là phương án mạnh tay để trấn tĩnh thị trường. Thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến nhiều hơn nữa về phương pháp xử phạt cụ thể để người dân thấy rõ chủ trương và góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.
Ngành tài chính Việt Nam năm 2009 phải đối mặt với nhiều biến động lớn. Ảnh: Hoàng Hà
Nhìn lại kinh tế 2009, tác hại của khủng hoảng tài chính trên thế giới là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, hậu quả vẫn thấp hơn rất nhiều so với những dự đoán trước đó. Nhiều người từng nghĩ, cuộc khủng hoảng này sẽ làm tê liệt kinh tế toàn cầu, suy thoái kinh tế thế giới diễn ra trong nhiều năm và có thể còn lớn hơn cuộc khủng hoảng 1929-1933. Nhưng thực tế, đến nay kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng. Cụ thể năm 2009 suy thoái, nền kinh tế thế giới bị âm 0,9%, nhưng các dự báo năm 2010 đều có chỉ số tăng trưởng dương 3,1%. Như vậy, kinh tế có thể biến động theo hình chữ V hoặc hình căn bậc hai.
Riêng Việt Nam có thể lạc quan trước những thành công đã đạt được. Sự điều hành linh hoạt của Chính phủ từng bước đã ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế từ quý II/2009. Quý I, tăng trưởng GDP chỉ 3,1%, quý II đạt 4,5% , quý III lên 5,8% và quý IV vượt lên 6,8%.
Như vậy, cả năm 2009, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,2%. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng nếu đặt trong bối cảnh thế giới toàn cầu đang suy thoái thì tăng trưởng này là một thành công rất lớn. Chỉ số giá tiêu dùng 2009 khoảng 6,5%, tức vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Kinh tế thế giới suy thoái, thất nghiệp gia tăng, tổng cầu thế giới suy giảm, thương mại thế giới cũng giảm theo, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 56 tỷ USD. Tuy so với năm 2008 có giảm đi khoảng 10%, nhưng điều này chứng tỏ ngành xuất khẩu vẫn đạt được những thành công nhất định trong năm 2009.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam 2009 vẫn trong sự an toàn, mặc dù một số nhà băng có biểu hiện thiếu thanh khoản vào cuối năm. Nhưng nếu nhìn vào nước Mỹ năm 2009, toàn hệ thống ngân hàng có đến 140 đơn vị bị phá sản, mới thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ. Tuy nhiên ngành ngân hàng Việt Nam vẫn không được chủ quan, nhất là đối với chất lượng tín dụng trong năm 2010.
Dưới sự chỉ đạo nhanh và linh hoạt của Chính phủ, ngành ngân hàng đã triển khai thành công gói hỗ trợ kích cầu thứ nhất với hình thức hỗ trợ lãi suất 4%, dư nợ hỗ trợ đạt trên 450.000 tỷ đồng, chiếm hơn ¼ dư nợ của toàn hệ thống. Đây là một giải pháp có sự khác biệt so với các nước trên thế giới và mang lại hiệu quả cao cho kinh tế Việt Nam; giúp nhiều doanh nghiệp duy trì được sản xuất kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động trong năm 2009.
Dư nợ của toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2009 tăng 38%, trong khi dư nợ 2008 chỉ tăng 22%. Đây là một trong những thành công, vì trong khi đó các nguồn vốn khác bị suy giảm như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, FDI, ODA và ngay cả vốn kiều hối gửi về cũng giảm. Do đó, vốn tín dụng tăng cao hơn so với dự kiến, trở thành tác nhân quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng ở mức 5,2%.
Quan hệ đối ngoại của hệ thống ngân hàng Việt Nam trên thương trường quốc tế với Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) có những bước tiến đáng kể. Chính điều này đã giúp cho vốn ODA và những cam kết cho ODA vào năm 2010 của Việt Nam ở tỷ lệ rất cao, trên 8 tỷ USD.
Tuy nhiên, không nên vội vui mừng với những thành công trên, vì bên cạnh đó vẫn có những điểm chưa thực vững chắc.
Việt Nam vẫn còn mất cân đối lớn như bội chi ngân sách 2009 khoảng 6,9%, một tỷ lệ rất cao, mặc dù 2010 dự báo sẽ còn khoảng 6,2%. Chính phủ cần phải đưa con số này về dưới 5% thì mới đảm bảo tính an toàn. Thâm hụt cán cân kinh tế vãng lai năm 2009 rất lớn khiến dự trữ ngoại hối bị giảm mạnh.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện chỉ góp phần kiểm soát lạm phát chứ không thể giải quyết triệt để bài toán lạm phát. Vì lạm phát ở Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác tác động, như giá xăng dầu tăng, khủng hoảng lương thực thế giới làm cho giá lương thực tăng, đầu tư công không hiệu quả, do đầu cơ lũng đoạn giá, do tâm lý, do tin đồn, do điều giá than điện nước theo cơ chế thị trường..
Đồng thời, để chính sách lãi suất hiệu quả hơn, phù hợp với quy luật cung cầu, Ngân hàng Nhà nước cần phải tiếp tục thuyết phục Quốc hội bỏ cơ chế lãi suất trần theo lãi suất cơ bản, để tiến tới tự do hóa lãi suất mà nước ta đã làm từ năm 2002.
Nếu Quốc hội quyết định vẫn giữ nguyên cơ chế lãi suất cơ bản thì Ngân hàng Trung ương phải có phương án thứ hai, như đưa ra những giải pháp thu phí trong hoạt động tín dụng. Tùy vào từng khách hàng vay khác nhau mà có những mức phí tương thích. Chỉ có cách này mới làm giảm gánh nặng cho lãi suất cơ bản.
Hiện nay,Việt Nam nằm trong top những nước có lãi suất cơ bản cao nhất thế giới, chỉ thấp hơn Pakistan,Venezuela... Ngân hàng Nhà nước phải phát huy hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ: lãi suất chiết khấu, dự trữ bắt buộc, hoạt động nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Về hoạt động sàn vàng, do chưa có một cơ chế chung trong việc quản lý nên đã để xảy ra những vụ ồn ào gây nhiễu loạn thị trường. Hai phương án xử lý sàn vàng đã được Ngân hàng Nhà nước đệ trình Chính phủ. Thời gian tới, sự lộn xộn này cần sớm được quản lý tập trung theo đúng pháp luật. Về lâu dài có thể tổ chức dưới hình thức Sở giao dịch vàng, giống như Sở giao dịch chứng khoán.
Riêng thị trường vàng vật chất, Việt Nam cần phải vận hành một cách trơn tru và liên thông với giá vàng thế giới, hạn chế tối đa việc để xảy ra hiện tượng bong bóng giá, gây rối loạn thị trường tiền tệ.
Dù vẫn còn tồn đọng một số khó khăn trên, nhưng với nỗ lực của mình, Việt Nam là một trong những nước sớm nhất vượt qua đáy suy giảm, duy trì được tăng trưởng dương trong suốt năm 2009 với tốc độ hợp lý.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc Gia
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh Tế TP HCM
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,333.50 | 4,913.50 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,426.80 | 4,026.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,205.60 | 12,905.60 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,728.40 | 1,378.40 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 248
- Truy cập hôm nay: 3607
- Lượt truy cập: 8590940