Thời
gian qua, giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới từ
500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc cao hơn tới 3,6
triệu đồng/lượng. Đây được coi là nguyên nhân dẫn tới tình trạng người
dân, doanh nghiệp (DN) đua nhau gom USD để nhập lậu vàng, gây bất ổn cho
thị trường hối đoái.
Ước tính trong năm 2010, số dư ngoại tệ cả nước là 4 tỷ USD, nhưng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thu về được số ngoại tệ này. Ngược lại,
NHNN còn phải chi ra 8,8 tỷ USD để giữ tỷ giá hối đoái ổn định. Câu hỏi
đặt ra là 12,8 tỷ USD này đi đâu?
TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho
rằng, phần lớn số ngoại tệ trên được sử dụng để nhập lậu vàng.
Điều này cũng lý giải phần nào sự chênh lệch quá lớn trong số liệu thống kê về số lượng vàng hiện có của Việt Nam.
Theo số liệu của NHNN, lượng vàng hiện có tại Việt Nam (lấy số nhập
khẩu trừ đi số xuất khẩu) tính từ năm 1988 đến nay là hơn 70 tấn. Trong
khi đó, theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, người dân Việt Nam
đang nắm giữ 1.072 tấn vàng (giá trị tương đương 47 tỷ USD).
Còn dựa vào con số ước tính và thống kê của GFMS - Công ty tư vấn về
vàng lớn nhất thế giới- khối lượng vàng đang có ở Việt Nam ít nhất phải
ở mức 460 tấn (giá trị tương đương 20 tỷ USD).
Chính vì vậy, chuyện có bao nhiêu vàng trong dân vẫn là một ẩn số. Song
chắc chắn, tình trạng một lượng vàng rất lớn được nhập lậu vào Việt Nam
là có thật.
Được biết, ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc…, phần lớn
lượng vàng đều được “nhốt” ở ngân hàng trung ương. Quy định cấm người
dân dự trữ vàng gần đây mới được nhiều nước bãi bỏ. Hiện tại, ở Mỹ, mọi
giao dịch vàng miếng có giá trị trên 10.000 USD đều phải khai báo và bị
áp thuế ở mức cao.
Việc vàng tồn tại chủ yếu trong dân cư, không được chuyển hóa thành
tiền gửi trong các ngân hàng vừa gây lãng phí một lượng vốn lớn, vừa
khiến NHNN khó ổn định thị trường ngoại hối.
Theo ông Nghĩa, để lành mạnh hoá thị trường vàng thì giải pháp đầu tiên
là phải “vốn hóa” vàng, biến vàng trở thành nguồn vốn đầu tư cho nền
kinh tế. Muốn vậy, NHNN nên cho phép các ngân hàng thương mại huy động
tiền gửi bằng vàng, các ngân hàng thương mại phải bán lại vàng cho
NHNN, NHNN quy đổi số vàng đó ra VND để đưa vốn ra nền kinh tế. Như
vậy, NHNN vừa chuyển được vàng thành tiền để lưu thông, cho vay đầu tư,
vừa tăng dự trữ vàng trong kho dự trữ ngoại tệ của mình.
Giải pháp tiếp theo, như theo đề xuất mới đây của Ngân hàng Đầu tư và
Phát triển (BIDV), là thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia và hai sàn
giao dịch ở TP.HCM và Hà Nội, hoạt động tương tự như sàn giao dịch
chứng khoán. Đề xuất này được các ngân hàng thương mại, DN kinh doanh
vàng ủng hộ nhiệt tình.
Đại diện Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam cho rằng,
việc cho phép giao dịch vàng qua sàn sẽ làm giảm nhu cầu gom giữ vàng
vật chất của người dân và nhà đầu tư. Đồng thời, một khi sàn giao dịch
vàng được thành lập, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ liên
thông tốt hơn, từ đó giảm tình trạng nhập lậu vàng.
Ông Nghĩa cho biết, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ủng hộ đề xuất
của BIDV, bởi nhu cầu kinh doanh vàng ở Việt Nam rất lớn. “Thay vì ngăn
cấm, Nhà nước cần tạo ra một kênh giao dịch để kiểm soát, lại thu được
thuế, đồng thời đảm bảo cho người dân có thể thoải mái kinh doanh, đầu
tư vàng”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng muốn tham gia sàn vàng, nhất là các
DN làm ăn chụp giật, muốn lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo về vàng của Nhà
nước để dễ kiếm lời. Đó là chưa kể, rất nhiều người dân vẫn có thói
quen mua vàng tích trữ. Do vậy, ngay cả khi Sở giao dịch vàng ra mắt,
vẫn chưa thể chấm dứt được tình trạng tích trữ vàng vật chất.
Cho đến nay, NHNN chưa có ý kiến về đề xuất này của BIDV. Giá vàng
trong nước vẫn biến động phụ thuộc vào giá vàng thế giới và giá USD
trong nước.
|