10 nghịch lý của kinh tế Việt Nam
2010-09-06 11:01:31
Tuy nhiên xét theo ý nghĩa phát triển (rộng hơn, thực chất hơn so với tăng trưởng), thì kinh tế Việt Nam còn đứng trước nhiều nghịch lý, trong đó có 10 nghịch lý được xét trên các góc độ khác nhau.
Một là, tăng trưởng cao hơn nhưng vẫn tụt hậu, thậm chí còn tụt hậu xa hơn.
Năm 2010 (tạm tính tăng 6,5%), GDP của Việt Nam so với năm 1985 cao gấp gần 5,2 lần (bình quân thời kỳ 1986 - 2010 tăng 6,8%/năm); so với năm 1990 cao gấp trên 2 lần (bình quân thời kỳ 1991- 2010 tăng 7,4%/năm). Đó là những tốc độ tăng khá cao.
GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân năm 2008 của Việt Nam đạt 1.052 USD (năm 2010 ước tính sẽ đạt khoảng 1.138 USD), thấp xa so với các con số tương ứng của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á (Singapore 37.597,3 USD, Brunei 35.623 USD, Malaysia 8.209,4 USD, Thái Lan 4.042,8 USD, Indonesia 2.246,5 USD, Philippines 1.847,4 USD). G
DP bình quân đầu người của Việt Nam mới bằng 42,8%, con số tương ứng của khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 7/11 nước; bằng 26% con số tương ứng của châu Á và đứng thứ 36/50 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh; bằng 11,7% con số tương ứng của thế giới và đứng thứ 138/182 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh.
Nếu họ “đứng yên” thì cũng phải nhiều năm sau Việt Nam mới bằng mức hiện nay của họ. Nhưng đó chỉ là giả thiết, thực tế họ vẫn tiến, thậm chí có nước, có năm còn tiến nhanh hơn.
Từ các con số trên, có thể rút ra hai nhận xét đáng lưu ý. Một, thứ bậc về GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn nằm ở nửa dưới trong các nước ở khu vực Đông Nam Á, ở châu Á và trên thế giới. Hai, do giá trị của 1% tăng lên của GDP bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp như trên, nên tốc độ tăng chỉ tiêu này của Việt Nam phải cao gấp đôi tốc độ tăng của khu vực Đông Nam Á, cao gấp trên 4 lần tốc độ tăng của châu Á và cao gấp 9 lần tốc độ tăng trung bình của thế giới thì mới không bị tụt hậu xa hơn (chênh lệch tuyệt đối giảm).
Hai là, tăng trưởng liên tục trong thời gian dài, nhưng vẫn chưa được coi là phát triển bền vững.
Tăng trưởng kinh tế sau khi bị giảm trong năm 1979 và năm 1980, thì từ năm 1981 đã tăng trưởng liên tục, tính đến năm 2010 này là 30 năm, vượt kỷ lục cũ của Hàn Quốc (23 năm tính đến năm 1996) và hiện chỉ thấp hơn kỷ lục 32 năm hiện do Trung Quốc đang nắm giữ.
Tăng trưởng liên tục trong 30 năm với tốc độ tăng 6,73%/năm, nhưng vẫn chưa được coi là phát triển bền vững, bởi chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, về mặt xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc, việc bảo vệ và cải thiện môi trường còn nhiều hạn chế.
Tăng trưởng kinh tế chủ yếu do sự đóng góp của yếu tố tăng vốn (chiếm khoảng 52 - 53%); do sự đóng góp của yếu tố tăng số lượng lao động (chiếm khoảng 19 - 20%); còn yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (gồm hiệu quả sử dụng vốn, năng suất lao động trên cơ sở khoa học - công nghệ) mới chiếm 28 - 29%, thấp xa so với con số 35 - 40% của một số nước trong khu vực.
Kinh nghiệm trong lịch sử và kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, mục tiêu cuối cùng đạt được không phải chỉ bằng tốc độ tăng trưởng cao trong ngày hôm nay, mà phải bằng độ bền của tốc độ tăng trưởng trong dài hạn. Đã đến lúc, nếu không nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững, thì ngay cả việc tăng trưởng với tốc độ cũ cũng khó mà đạt được.
Ba là, mở cửa hội nhập để đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng nhập siêu liên tục với quy mô lớn.
Nhập siêu của Việt Nam có năm điểm đáng lưu ý. Một, nhập siêu gần như liên tục, trong thời gian dài. Trong 25 năm đổi mới, chỉ có một năm xuất siêu nhẹ (41 triệu USD) và cách đây cũng đã khá lâu (năm 1992), còn có tới 24 năm nhập siêu. Hai, mức nhập siêu khá lớn (năm 2008 lên đến trên 18 tỷ USD và 4 năm nay, nếu tính bằng tỷ USD đã ở mức hai chữ số); Tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu, so với GDP vượt mức an toàn (trên 20%).
Ba, mở cửa, hội nhập là để tìm thị trường tiêu thụ, nhưng gần như càng mở cửa, hội nhập thì càng nhập siêu. Đặc biệt nhập siêu lại bùng lên khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bốn, nhập siêu thường kèm theo là giá giảm, người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng trong khi sản xuất trong nước thì bị cạnh tranh, giảm thị phần, còn người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao. Điểm thứ năm, nhập siêu không phải từ thị trường có hàng kỹ thuật cao, có công nghệ nguồn, mà lại từ các thị trường không phải có kỹ thuật cao, có công nghệ nguồn - đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.
Bốn là, chuyển sang kinh tế thị trường đã nhiều năm, nhưng thể chế chuyển chậm.
“Bàn tay hữu hình” còn quá dài, trong khi “bàn tay vô hình” còn quá ngắn. Doanh nghiệp nhà nước giảm về số lượng, nhưng phình to về quy mô, chiếm tỷ trọng lớn về vốn, chiếm tỷ trọng nhỏ về lao động; doanh nghiệp tư nhân ra đời nhiều, giải quyết được nhiều công ăn việc làm, nhưng quy mô nhỏ, chậm lớn. Cải cách hành chính chậm, thủ tục hành chính còn nặng nề. Chi phí bất hợp lý, thậm chí bất hợp pháp còn nhiều. Cạnh tranh chưa bình đẳng, “ra sân chơi chung, nhưng đã chấm trước người thắng kẻ thua”. Kinh tế thị trường nhưng độc quyền còn lớn.
Năm là, chuyển sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã trên 15 năm, nhưng tính gia công còn nặng.
Do gia công nặng, nên vừa làm cho giá trị tăng thêm thấp, vừa phụ thuộc vào nước ngoài, làm tăng nhập siêu, dễ bị ảnh hưởng khi thị trường nước ngoài gặp bất ổn.
Sáu là, “tam nông” rất quan trọng, nhưng chưa được quan tâm tương xứng.
Việt Nam xuất phát từ nông nghiệp đi lên; Tỷ lệ dân số nông thôn từ trên 90% trước Cách mạng đã giảm xuống nhưng hiện vẫn còn chiếm 70%; tam nông đã đóng góp tích cực trong việc giúp cho đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tiềm ẩn từ cuối những năm 70, bùng phát trong thập kỷ 80, kéo dài tới đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước; giúp ổn định ở trong nước để ứng phó với cuộc khủng hoảng khu vực những năm 1997 - 1998, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới 2008- 2009,... nhưng tỷ trọng vốn đầu tư cho nông, lâm - thủy sản trong tổng vốn đầu tư phát triển xã hội giảm và hiện ở mức thấp (năm 2000 chiếm 13,8%, năm 2005 còn 7,5%, năm 2009 còn 6,3%).
Diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt đất trồng lúa giảm. Chênh lệch giữa thành thị và nông thôn còn lớn cả về thu nhập, chi tiêu, nhà ở, điện nước, vệ sinh, đồ dùng lâu bền... còn lớn. Tỷ lệ nghèo ở nông thôn cao gấp đôi ở thành thị, số người nghèo ở nông thôn chiếm trên dưới 90% tổng số hộ nghèo của cả nước...
Bảy là, với mục tiêu tăng trưởng cao, Việt Nam đã kích cầu đầu tư lớn (có tỷ lệ đầu tư so với GDP đứng hàng đầu thế giới), nhưng lãi suất vay vốn ở Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước và vùng lãnh thổ. Thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán của dân cư còn thấp do thu nhập của lao động thấp; nhưng khi kích cầu đầu tư và tiêu dùng thì có một phần không nhỏ hàng hóa, vật tư của nước ngoài nhập siêu vào chiếm lĩnh thị phần.
Tám là, tỷ lệ tiết kiệm, tỷ lệ động viên tài chính cao, nhưng tỷ lệ bội chi ngân sách lớn và tăng.
Tỷ lệ tích lũy so với GDP của Việt Nam đã tăng khá nhanh (từ 27,1% năm 1995 lên 29,6% năm 2000, lên 35,6% năm 2005, lên 43,1% năm 2007, vài năm có giảm xuống nhưng năm 2009 vẫn ở mức 38,1%, thuộc loại cao trên thế giới.
Tỷ lệ tổng thu ngân sách so với GDP của Việt Nam tăng và thuộc loại cao (nếu năm 2000 mới đạt 20,5% thì năm 2005 đã đạt 27,2%, năm 2008 là 28,1%), nhưng tỷ lệ bội chi so với GDP tăng lên (từ 4,1% năm 2000 lên 5,2% năm 2008, lên 6,9% năm 2009 và năm 2010 có thể giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao trên 6%). Đây là một trong những yếu tố làm bất ổn vĩ mô, yếu tố tiềm ẩn của lạm phát.
Chín là, khoa học - công nghệ là động lực của tăng trưởng, là yếu tố để nâng cao chất lượng tăng trưởng, nhưng tác động đối với nền kinh tế còn thấp.
Tỷ trọng hoạt động khoa học- công nghệ trong GDP nhiều năm nay chỉ chiếm 0,62-0,63%, tác động đối với tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế nhỏ. Tình hình này do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do đầu tư chưa đủ độ (năm 2009 đã tăng lên nhưng cũng chỉ chiếm 0,73% tổng vốn đầu tư toàn xã hội). Có nguyên nhân do cơ chế vận hành hoạt động này chậm được chuyển đổi, khi có cơ chế thì thực hiện còn lúng túng. Có nguyên nhân do hoạt động khoa học- công nghệ và hoạt động sản xuất kinh doanh chưa có sự kết hợp chặt chẽ. Thị trường khoa học công nghệ chậm hình thành và chậm phát triển.
Mười là, giáo dục được coi như quốc sách hàng đầu, nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Nếu khoa học - công nghệ là động lực của phát triển, thì giáo dục - đào tạo là chìa khóa của khoa học - công nghệ. Giáo dục - đào tạo sớm được xác định là quốc sách hàng đầu, với tỷ trọng chi cho giáo dục - đào tạo trong tổng chi ngân sách tăng. Ngành giáo dục - đào tạo liên tục cải cách, nhưng hiệu quả thấp...
cafef.vn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,333.50 | 4,913.50 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,426.80 | 4,026.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,205.60 | 12,905.60 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,728.40 | 1,378.40 |
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
© 2011 Copyright By Ngoc Thanh NTGold. All Rights Reserved.
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 207
- Truy cập hôm nay: 5702
- Lượt truy cập: 8598684