Chính phủ Anh dường như đang quyết tâm hơn bao giờ hết nhằm cải tổ ngành ngân hàng thời hậu khủng hoảng, với các chương trình cứu trợ trị giá hàng chục tỷ USD vừa được công bố ngày 3/11.
Kèm theo các khoản cứu trợ là những điều kiện siết chặt kiểm soát và chia nhỏ các ngân hàng nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bơm thêm 64 tỷ USD
Tổng số tiền Chính phủ Anh bỏ ra lần này lên tới gần 40 tỷ bảng (64 tỷ USD). Theo đó, ngân hàng Lloyds sẽ nhận được thêm 5,7 tỷ bảng (9,1 tỷ USD).
Cộng thêm đợt phát hành cổ phiếu mới, ngân hàng này sẽ huy động được khoảng 21 tỷ bảng (34,2 tỷ USD), đủ để Lloyds không phải tham gia chương trình “bảo hiểm tài sản xấu” với những chi phí đắt đỏ và điều kiện ngặt nghèo.
Sau đợt bơm vốn mới nhất, cổ phần của chính phủ trong Lloyds đã tăng lên 43,4%. Đối với Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS), Chính phủ Anh đã quyết định bơm thêm 25,5 tỷ bảng (40,8 tỷ USD), nâng cổ phần của chính phủ từ 70% sau đợt giải cứu năm ngoái lên hơn 85%.
Bộ Tài chính Anh cho biết, để nhận được các khoản hỗ trợ nói trên, các ngân hàng phải thực hiện một số điều kiện tái cơ cấu nhằm củng cố tình hình tài chính, giảm bớt rủi ro đối với nguồn vốn chính phủ (tức của người đóng thuế), đảm bảo tính cạnh tranh và bảo vệ khách hàng.
Theo tinh thần này, Lloyds sẽ phải bán toàn bộ các chi nhánh Lloyds TSB ở Scotland và một số chi nhánh Lloyds TSB ở Anh và xứ Wales. Giống như Lloyds, RBS phải bán mạng lưới chi nhánh ở Anh và xứ Wales; bán các chi nhánh ngân hàng thương mại NatWest ở Scotland; từ bỏ hoạt động bảo hiểm RBS Insurance và dịch vụ thanh toán Global Merchant Services.
Ngoài ra, hai ngân hàng này còn phải phải giảm và hoãn một số khoản tiền thưởng cho bộ máy quản lý, vốn là vấn đề gây nhiều bất bình cho cổ đông và dân chúng trong thời gian qua.
Để có thể đưa ra các điều kiện nói trên, Chính phủ Anh dựa vào quân bài chủ yếu là vốn cổ phần của chính phủ trong các ngân hàng này, đã tăng mạnh sau một loạt cuộc giải cứu trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng chịu sức ép lớn từ cơ quan quản lý tài chính Liên minh châu Âu (EU), nhằm làm trong sạch hệ thống ngân hàng thương mại vốn là mầm mống gây ra khủng hoảng.
Hiệu quả đến đâu?
Chính phủ Anh tỏ ý tin tưởng chương trình hỗ trợ mới sẽ vừa giúp lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, vừa đảm bảo quyền lợi của những người đóng thuế. Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling nói: “Tôi tin rằng các ngân hàng này sẽ được tái cơ cấu tốt hơn”.
Tổng Giám đốc Điều hành RBS Stephen Hester cũng khẳng định ngày 3/11 “sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình tái cơ cấu mạnh mẽ nhằm đưa RBS trở lại là một tổ chức tài chính vững vàng”.
Nhiều chuyên gia đồng tình rằng, những nỗ lực cải cách của Chính phủ Anh hứa hẹn mang lại những tác dụng tích cực cho cả người tiêu dùng lẫn hệ thống ngân hàng, mặc dù chúng có thể tạo ra những tranh cãi trong nội bộ các cổ đông của Lloyds và RBS.
Keith Bowman, nhà phân tích tại công ty môi giới chứng khoán Hargreaves Lansdown Stockbrokers, nói: “Về lý thuyết, người tiêu dùng Anh sẽ được hưởng nhiều sự lựa chọn hơn với mức giá thấp, trong khi các ngân hàng khác như HSBC sẽ hài lòng khi đối thủ của họ phải trả giá cho những sai lầm”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nghi ngờ hiệu quả của đợt cải tổ ngân hàng nói trên. Trước đó, chính phủ Anh đã bỏ ra tổng cộng hơn 50 tỷ bảng giải cứu ngành ngân hàng, khiến nhiều người cho rằng nền kinh tế buộc phải hy sinh nhiều khoản đầu tư khác giữa lúc rất cần thoát ra khỏi khủng hoảng.
Khoản cứu trợ mới trị giá hàng chục tỷ bảng chỉ là “xã hội hóa tình trạng thua lỗ của các ngân hàng”, trong đó, mỗi người dân phải gánh chịu một phần cung cách làm ăn thiếu cẩn trọng của ngành ngân hàng.
Hơn nữa, mặc dù vốn cổ phần chính phủ trong các ngân hàng được cứu trợ tăng mạnh, song trên thực tế, chúng vẫn hoạt động dưới sự điều hành của tư nhân, do đó không có gì đảm bảo chúng sẽ ưu tiên cho nhu cầu của nền công nghiệp, cộng đồng và xã hội.
Trong khi đó, có ý kiến chỉ trích rằng sự xé lẻ các ngân hàng lớn thành những cá thể nhỏ hơn theo yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài chính EU có thể làm giảm sức cạnh tranh của ngành ngân hàng Anh trước các đối thủ lớn trong khu vực.
Nếu các chi nhánh của RBS và Lloyds rơi vào một nhà đầu tư nước ngoài, có thể chính phủ sẽ mất quyền kiểm soát đối với ngành chiến lược này. Đó là chưa kể nỗ lực phi tập trung hóa hệ thống ngân hàng chỉ mang tính nửa vời, bởi sau cuộc xé lẻ RBS và Lloyds, thị trường vẫn còn lại hai ngân hàng siêu lớn khác là HSBC và Barclays.
Mặc dù vậy, Chính phủ Anh không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải tiếp sức hệ thống ngân hàng bất chấp thâm hụt ngân sách đã đến mức báo động, bởi nền kinh tế chỉ tồn tại chừng nào hệ thống ngân hàng tồn tại.
Điều này từng xảy ra với Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1990, cho dù sau đó Chính phủ Nhật phải trả giá bằng một thập kỷ kinh tế trì trệ./.
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,305.00 | 4,905.00 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,409.00 | 4,029.00 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,136.20 | 13,036.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,721.60 | 1,371.60 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 138
- Truy cập hôm nay: 2587
- Lượt truy cập: 8586083