Trung Quốc có tham vọng biến đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền dự trữ ngoại tệ thế giới. Chỉ có điều song hành với tham vọng này là việc Bắc Kinh không thể tiếp tục ấn định tỷ giá đồng nội tệ thấp như trước đây.
Tham vọng biến đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền dự trữ ngoại tệ thế giới được thể hiện rõ qua chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Trước khi rời Bắc Kinh lên đường đi Washington, ông Hồ Cẩm Đào đã nói rằng “cường quốc số 1 thé giới” Mỹ phải chuẩn bị tinh thần để chấp nhận một sự tái phân bổ quyền lực. Trong một bài trả lời phỏng vấn viết sẵn dành cho Wall Street Journal và Washington Post, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói hệ thống tiền tệ thế giới lấy đồng đôla Mỹ làm ngoại tệ dự trữ là “sản phẩm của quá khứ”.
Mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là biến đồng nhân dân tệ (NDT) trở thành một đồng tiền dự trữ ngoại tệ của thế giới. Nếu điều này xảy ra, nhiều nước sẽ chuyển sang dự trữ ngoại tệ bằng đồng NDT, thay vì dùng đồng USD và đồng euro. Qua đó, Trung Quốc có thể sử dụng đồng NDT để tiến hành các vụ giao dịch và giành được những lợi thế vốn có của đồng USD trên các thị trường, đặc biệt là thị trường buôn bán nguyên vật liệu.
Hội thảo về sự thăng trầm của các cường quốc
Cách đây mấy năm, ban lãnh đạo Trung Quốc đã mời các học giả hàng đầu trình bày sự thăng trầm của các cường quốc trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc hội thảo này, họ nhận thức ra rằng không một quốc gia đương đại nào có thể trở thành cường quốc khi mà đồng tiền của nước đó không phải là ngoại tệ dự trữ. Nước Mỹ đã tiếp quản vai trò của Đế chế Anh sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi đồng USD thay thế đồng bảng Anh trở thành đồng tiền chi phối hệ thống tiền tệ thế giới. Điều này lý giải vì sao Trung Quốc tích cực theo đuổi việc quốc tế hóa đồng NDT sau khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu năm 2008.
Chỉ có điều, hiện thời, đồng NDT lại không thể trao đổi tự do với các đồng tiền khác trên thế giới. Để thúc đẩy xuất khẩu, Trung Quốc đã định giá đồng NDT thấp ở mức giả tạo và gắn tỷ giá đồng nhân dân tệ với đồng USD. Cho đến nay, Bắc Kinh đã sử dụng một hệ thống kiểm soát ngoại tệ rất phức tạp nhằm bảo vệ đồng NDT trước các luồng vốn toàn cầu.
Để NDT trở thành một đồng tiền sự trữ của thế giới, Trung Quốc cần loại bỏ những rào cản nói trên và phải dần dần nâng giá đồng nội tệ. Cái giá phải trả là hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn nhiều và điều này sẽ làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Đầu tư ra nước ngoài "có định hướng"
Ông Zhou Xiaoping, một quan chức ngoại thương của thành phố Wenzhou, cam kết sẽ để cho cư dân thành phố hoàn toàn tự do dùng tiền đầu tư ra nước ngoài, chừng nào họ đầu tư vào bất động sản hoặc chứng khoán. Theo ông, “việc định hướng các dòng chảy tiền tệ là tốt hơn việc ngăn cản chúng”.
Theo kế hoạch của chính quyền thành phố Wenzhou ở miền Đông Trung Quốc, kể từ tháng 1/2011, cư dân của thành phố được phép đầu tư ra nước ngoài tới 200 triệu USD (148 triệu euro). Wenzhou hiện là cái nôi của các doanh nghiệp tư nhân trên toàn Trung Quốc. Theo báo chí địa phương, ban lãnh đạo Trung Quốc hiện chưa phê chuẩn kế hoạch nói trên.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) đã cho phép 67.400 doanh nghiệp xuất khẩu được sử dụng đồng NDT để giao dịch ở nước ngoài. Đây quả là một sự nới lỏng đáng kể, nếu ta biết rằng trước đây chỉ có 365 doanh nghiệp được hưởng đặc ân này.
Thanh toán bằng đồng NDT
Trung Quốc hiện đang thử nghiệm việc thanh toán bằng đồng NDT ở nước ngoài. Mới đây, tại Mátxcơva, đại sứ Trung Quốc đã tham dự lễ khai trương việc trao đổi đồng NDT với đồng rúp ở cấp độ liên ngân hàng, mặc dù việc trao đổi này được giới hạn trong khoảng thời gian 1 tiếng đồng hồ trong ngày. Cũng trong tháng 1/2011, một chi nhánh của Bank of China ở New York đã lần đầu tiên mời chào khách hàng thực hiện thanh toán giao dịch bằng đồng NDT.
Trung Quốc cũng đã thỏa thuận với Hàn Quốc, một số nước láng giềng, Iceland, Belarus và Argentina tham gia hoạt động trao đổi tiền tệ. Những thỏa thuận nói trên cho phép ngân hàng trung ương của các nước nói trên cho phép các công ty của họ sử dụng đồng NDT trong giao dịch.
Tuy nhiên, mảnh đất mà Trung Quốc thử nghiệm quốc tế hóa đồng NDT lại chính là Hong Kong. Kể từ tháng 9/2009, một số công ty của Đặc khu Hành chính Hong Kong đã được phép tiến hành các họat động thương mại thanh toán bằng đồng NDT. Các tập đoàn nước ngoài, trong đó có tập đoàn bán đồ ăn nhanh McDonald's của Mỹ đã ban hành trái phiếu bằng đồng NDT ở Hong Kong để tài trợ cho công cuộc mở rộng các chuỗi cửa hàng ở Trung Quốc đại lục.
Khối lượng giao dịch thương mại bằng đồng NDT ở Hong Kong đã tăng vọt lên 340 tỷ NDT trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10/2010. Điều này khiến cho ban lãnh đạo ở Bắc Kinh lo ngại về các hành động né tránh hệ thống kiểm soát tiền tệ của Trung Quốc và tích lũy đồng NDT ở Hong Kong để đổi ra đồng USD với tỷ giá hấp dẫn hơn nhiều so với tỷ giá được áp dụng tại Đại lục.
Có một nghịch lý là một mặt Trung Quốc muốn tăng cường vị thế của một cường quốc bằng việc hạ thấp vai trò của đồng USD. Mặt khác, nước này lại muốn ấn định tỷ giá đồng NDT thấp giả tạo so với đồng USD để giành lợi thế xuất khẩu.
Để duy trì tỷ giá thấp ở mức giả tạo, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tạo ra một hệ thống kiểm soát chặt chẽ các đồng ngoại tệ. Thông qua biện pháp này, Trung Quốc đã bổ sung vào kho dự trữ ngoại tệ của mình thêm 450 tỷ USD trong năm 2010 và nâng tổng số dự trữ ngoại tệ lên mức 2.850 tỷ USD. Trung Quốc đã đầu tư phần lớn số dự trữ ngoại tệ này vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Chính vì vậy mà Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào thừa nhận rằng việc biến đồng NDT thành một đồng tiền thế giới là “một quá trình rất lâu dài”.
“Wall Street ở châu Á”?
Mục tiêu của Trung Quốc là rõ ràng. Cách đây hai năm, chính phủ Trung Quốc long trọng thông báo ý định biến Thượng Hải trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu vào năm 2020.
Chỉ có điều, Thượng Hải chỉ có thể trở thành “một Wall Street ở châu Á”, nếu trung tâm tài chính này phát triển thành một thị trường tài chính hiện đại. Thượng Hải còn lâu mới đạt được đẳng cấp này, một phần do chính phủ Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thị trường.
Trung tâm tài chính thực sự của Trung Quốc chính là Bắc Kinh. Các ngân hàng quốc doanh do Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) dẫn đầu đã đặt dại bản doanh tại Bắc Kinh. Xét về số vốn hiện có, ICBC là ngân hàng lớn nhất thế giới.
Trong năm ngoái, các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đã cho vay tới 8.000 tỷ NDT (tương đương 900 tỷ euro) và đã góp phần gây ra “bong bóng bất động sản”.
Học giả Xiang Songzuo của Đại học Nhân dân Bắc Kinh cảnh báo nếu đồng NDT được thả nổi tự do, Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu tấn công của giới đầu cơ như các “con Hổ châu Á” trong năm 1997. Ông cho rằng Trung Quốc cần có 15 năm nữa để biến đồng NDT thành một đồng tiền trao đổi tự do. Để làm được điều này, Trung Quốc cần phải cải tổ các ngành công nghiệp dựa vào lương thấp, kích thích tiêu dùng nội địa và xây dựng được một hệ thống tài chính minh bạch công bằng.
Nói tóm lại, Trung Quốc cần chuyển đổi từ hệ thống tư bản nhà nước thành một nền kinh tế thị trường. Đến khi đó, phần còn lại của thế giới mới chấp nhận đồng NDT là một đồng tiền dự trữ của thế giới.
Theo Tamnhin.net
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,539.90 | 5,039.90 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,604.60 | 4,104.60 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,709.20 | 13,209.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,759.70 | 1,359.70 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 197
- Truy cập hôm nay: 5019
- Lượt truy cập: 8816329