Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Đi tìm nguyên nhân thực của căng thẳng tỷ giá
2010-02-11 13:36:22

Đúng lúc “năm cùng tháng tận”, thị trường ngoại tệ  đón nhận một quyết định bất đắc dĩ của Chính phủ, yêu cầu 7 doanh nghiệp lớn của Nhà nước bán lại một phần ngoại tệ cho ngân hàng. Có thể nhờ đó, căng thẳng tỷ giá tạm khép lại nhưng có ý kiến cho rằng, nếu biết triệt tiêu kỳ vọng của thị trường nhằm hướng nguồn lực đó vào sản xuất mới là giải pháp có căn cơ.  

Cùng với chính sách lãi suất và gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn thì tỷ giá là vấn đề nóng hổi của thị trường tiền tệ năm 2009. Để thấy rõ sự biến động của chúng, nếu so sánh ở ba góc độ của thị trường là thị trường liên ngân hàng, thị trường tự do, tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong 4 giai đoạn (tháng 1 - tháng 3; tháng 4 - tháng 9; tháng 10 - ngày 24/11 và từ 25/11 đến hết năm 2009), thật khó hình dung sự biến động của chúng lớn đến mức nào.

Và có vẻ như giữa hoạt động điều hành và thị trường, rất khó tìm thấy tiếng nói chung.   

Khổ sở vì tỷ giá

Đầu tiên, xét trên thị trường liên ngân hàng. Ở giai đoạn 1, tỷ giá dao động trong khoảng 17.450 đồng - 17.700 đồng, cách giá trần khoảng từ 0 - 200 điểm (một điểm tương đương một đồng), lúc đó tính thanh khoản thị trường kém, nguồn cung khan hiếm, ngoại trừ thời điểm thị trường được bổ sung từ doanh thu xuất khẩu vàng.

Giai đoạn 2, tỷ giá liên ngân hàng sát giá trần của Ngân hàng nhà nước (Ngân hàng Nhà nước) trong khoảng 10 ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỷ giá (từ +/- 3% lên +/- 5% vào ngày 23/3/2009). Tuy nhiên đến 9/4, tỷ giá liên ngân hàng tăng mạnh và duy trì biên độ 200 - 600 điểm so với giá trần.

Giai đoạn 3, từ cuối tháng 10/2009, tỷ giá tăng mạnh và đến ngày 10/11, cao hơn giá trần 1.000 điểm. Biến động tỷ giá rất dữ dội, có ngày tăng 200 - 300 điểm và đạt đỉnh ở mức 19.750 vào 24/11. Chỉ đến khi Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập vàng trở lại, tỷ giá ở thị trường này giảm trong 2 ngày nhưng vẫn cao hơn 1.200 - 1.500 điểm so với giá trần.

Giai đoạn 4, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng giảm từ mức cao 19.800 đồng xuống 18.500 đồng, sát với giá trần.

Ở thị trường tự do, tỷ giá biến động dữ dội hơn rất nhiều. Giai đoạn 1, chúng dao động trong khoảng 17.450 đồng - 17.800 đồng, cao hơn tỷ giá trên liên ngân hàng trên 100 điểm. Giai đoạn 2, từ 18.180 đồng - 18.250 đồng nhưng từ nửa cuối tháng 6/2009, tăng lên mức 18.450 đồng - 18.500 đồng.

Sang giai đoạn 2, tỷ giá thị trường tự do tăng rất nhanh, đạt đỉnh 20.000 đồng rồi giảm nhanh về 18.700 đồng trước khi tăng trở lại và duy trì ở mức 19.000 đồng - 19.300 đồng. Đến giai đoạn 4, tỷ giá thị trường này giảm mạnh.

Nếu  như tỷ giá hai thị trường trên biến động mạnh thì biến động của tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho tỷ giá thị trường biến động rất ít. ở giai đoạn 1, chúng biến động nhỏ và xoay quanh mức 16.980 đồng. Giai đoạn 2, sau khi nới biên độ, tỷ giá giảm từ 16.980 đồng xuống 16.935 đồng (- 0,26%) và duy trì đến hết tháng 5/2009. Từ tháng 6/2009, mặc dù Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng dần nhưng mức tăng thấp.

Giai đoạn 3, nhịp độ tăng của tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn không nhiều và tính đến 19/11/2009, mức tăng của chúng so với cuối 2008 chỉ 0,3%. Ở giai đoạn 4, kể từ 26/11, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 5,44% và so với cuối năm 2008, mức tăng của chúng chỉ 5,81%.

Cùng với USD, những ngoại tệ khác cũng tăng giá mạnh mẽ mà tỷ giá tính chéo giữa VND với một số ngoại tệ khác được áp dụng để tính thuế xuất nhập khẩu là một ví dụ. Và những nhà đầu cơ ngoại tệ khác ngoài USD đã vớ bẫm, mặc dù đó mới chỉ là số lời lãi tính trên tỷ giá tính chéo của Ngân hàng Nhà nước, còn thực tế thì còn lớn hơn nhiều.  

Giải mã ẩn số “bình ngưng”!

Thông thường, cứ mỗi đợt tỷ giá căng thẳng, lời giải thích của cơ quan quản lý bao giờ cũng là “cân đối cung cầu ngoại tệ vẫn ổn định”, “thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể không đến mức lo ngại”, “lãi suất USD trên thị trường ở mức bình thường” và vì thế, “tỷ giá vẫn trong vòng kiểm soát”…

Thế nhưng, những gì đang diễn ra trên thị trường lại không tuân theo những trấn an kia, bởi sự căng thẳng tỷ giá trong thời gian qua có phải do những nguyên nhân dài hạn như trên?

Trở  lại với thực tế trong năm 2009, mặc dù ngân hàng quá dồi dào nguồn ngoại tệ cho vay tới hàng tỷ  USD, khiến lãi suất giảm thấp (dĩ nhiên, lãi suất USD giảm ở Việt Nam còn có một nguyên nhân khác là đồng USD xuống giá so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác) nhưng nguồn để kinh doanh (bán ra) thì thiếu.

Khi thiếu, một mặt ngân hàng không có nguồn bán cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp tăng cường “vét” trên thị trường tự do, đẩy tỷ giá ở thị trường này tăng chóng mặt; mặt khác, họ hối thúc Ngân hàng Nhà nước phải bán ra.

Hiển nhiên như vậy nhưng ít ai tìm thấy mối liên hệ giữa câu chuyện nguồn huy động ngoại tệ thì thừa nhưng nguồn ngoại tệ kinh doanh lại thiếu. Cũng vì thế, hành động ra sao để tạo ra bình thông nhau giữa hai nguồn ngoại tệ này trong hệ thống ngân hàng không được quan tâm, mà thay vào đó là Ngân hàng Nhà nước phải bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã hành động theo hướng này và mỗi lần thực hiện “bơm” ra, thị trường bình ổn trở lại nhưng khi hết đợt, tỷ giá lại tăng. Có những thời điểm, Ngân hàng Nhà nước bán ra bao nhiêu, hết bấy nhiêu, hệt như đổ vào “hố đen” không đáy.

Để rõ hơn vấn đề này, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích: “Nhiều người nghĩ tỷ giá là do tác động của thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế nhưng đó chỉ là những tác động mang tính dài hạn. Còn trong ngắn hạn đối với Việt Nam hiện nay, câu chuyện tỷ giá liên quan nhiều đến lãi suất”.

Theo ông, ở một quốc gia bị “Đô la hóa” từ lâu như Việt Nam, khi Chính phủ có chủ trương hỗ trợ lãi suất đã làm cho lãi suất cho vay của đồng Việt Nam giảm xuống. Tuy nhiên, vì Chính phủ không song song hỗ trợ lãi suất đồng USD nên đã làm cho khoảng cách của chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND bị thu hẹp lại. Khi khoảng cách này càng gần thì nghiễm nhiên, VND trở nên mất giá và đồng USD bị tăng giá cục bộ ở Việt Nam một cách giả tạo.

Từ đó, một lượng lớn ngoại tệ bị rút khỏi lưu thông, nằm dưới dạng “tài sản để dành”, “găm giữ” của doanh nghiệp và dân chúng trên tài khoản hoặc ở két sắt, chờ tỷ giá tăng để săn tìm lợi nhuận. Và đó cũng chính là tình trạng góp phần tạo nên “bình ngưng” ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng mà Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong một văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ một số vướng mắc trong hoạt động kinh doanh ngân hàng đã đề cập.

Dĩ  nhiên, tác động phụ này sẽ không xảy ra nếu Chính phủ đồng thời làm hai việc vừa tài trợ lãi suất cho tín dụng nội tệ, vừa tài trợ lãi suất cho tín dụng ngoại tệ, nhằm phản ánh đúng tỷ lệ lạm phát của Việt Nam so với tỷ lệ lạm phát của Mỹ cũng như uy tín của VND so với USD.

Nhìn ở góc độ khác, tình trạng trên cũng lý giải một phần câu chuyện khi cân đối cán cân thanh toán tổng thể, cơ quan chuyên môn đưa ra con số thâm hụt 3 tỷ USD nhưng số “sai sót” lên tới 5,6 tỷ USD.

Số “sai sót” trên có nghĩa như thế nào? Ông Nghĩa phân tích: ở các nước xuất khẩu tư  bản thì đó là đầu tư tư bản ngầm ra nước ngoài. Còn ở Việt Nam, vốn là quốc gia “Đô la hóa” nên lượng USD nói trên không ra khỏi biên giới mà chỉ ra khỏi lưu thông và nằm lại dưới dạng “của để dành”, không có tính thanh khoản như mong đợi của thị trường và cũng không thể hiện ở đâu cả.

“Không thể hiện ở đâu cả” thì làm sao biết được “sai sót” những 5,6 tỷ USD? Ông Nghĩa giải thích: “Người ta biết được từ ước lượng kết quả thâm hụt ngoại tệ giảm đi ngần này, thu ngoại tệ ngần này, chứng tỏ có một khối lượng đang nằm đâu đó. Phương pháp này được xác định bằng cách lần mò từ con số cuối cùng đi lên”.

Điều này đồng nghĩa, số “sai sót” trên cũng không phải xuất phát từ nguyên nhân “nhập lậu” vì thực tế, nhập lậu xuất hiện đã hàng chục năm nay nhưng chưa bao giờ có con số thông kê, vậy thì khi xuất hiện con số “sai sót” nói trên, không thể đổ lỗi cho nhập lậu.

Có nên trách cứ kỳ vọng thị trường?

Như vậy, đến bao giờ thì triệt tiêu được kỳ vọng của thị trường? Có lẽ, trước khi trả lời câu hỏi này thì phải hiểu rằng, kỳ vọng thị trường là chuyện đương nhiên, và không nên/không thể trách cứ kẻ có tiền kỳ vọng.

Một chuyên gia cho rằng, chừng nào kỳ vọng còn tăng thì còn găm giữ và ngược lại, họ sẽ bán tống, bán tháo. Vấn đề quan trọng nhất của nhà hoạch định chính sách là đừng tạo ra kỳ vọng đó; hoặc nếu tạo ra thì phải hai chiều: ngày hôm nay bán tốt nhưng ngày mai có thể mua tốt, khiến cho không ai dám để dành bởi sự khó lường của giá cả.

Và đó là nghệ thuật của bàn tay điều hành chính sách.

Bởi vậy, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, muốn đồng USD quay trở lại thị trường một cách bình thường thì đầu tiên, tỷ giá hối đoái phải hợp lý, khiến cho người sở hữu ngoại tệ thấy rằng, với giá này, mình có thể bán.

Mặt khác, khi lãi suất VND tăng lên, người sở hữu USD sẽ bán USD để lấy VND. Hai yếu tố này sẽ làm cho kỳ vọng thị trường giảm xuống, nhu cầu tích trữ USD như một thứ “của để dành” như vàng hay kim cương sẽ được triệt tiêu dần.

Thứ  ba, còn một yếu tố nữa, khi các cơ hội đầu tư, sản xuất, tiêu dùng phục hồi thì người sở  hữu đồng USD sẽ mang chúng để đầu tư  với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn tích trữ.

Một câu hỏi khác được đặt ra là cơ hội sinh lời từ đầu cơ ngoại tệ trong năm nay sẽ như thế nào?

Ông Nghĩa cho rằng, những khoản sinh lời từ đầu tư ngoại tệ có được trước đó chẳng qua là do may mắn. Bởi vì khi Chính phủ kích cầu, Ngân hàng Nhà nước không thể sử dụng các công cụ thị trường nên phải thay vào đó là các công cụ hành chính như khống chế tăng trưởng tín dụng, lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu đầu tư sản xuất thực sự trở lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ  quay về với các công cụ thị trường, chính sách lãi suất, tỷ giá thực hiện theo đúng cung - cầu thị trường. Từ đó, yếu tố kỳ vọng của thị trường sẽ bị triệt tiêu dần và hành vi đầu cơ sẽ khó có cơ hội.

Đến đây, sẽ có người hỏi rằng: nếu “kỳ vọng thị trường” là “tội đồ” gây nên căng thẳng tỷ giá thì liệu có cần thiết buộc các doanh nghiệp Nhà nước bán lại một phần ngoại tệ cho ngân hàng một cách “oan uổng” như vừa qua?

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nêu quan điểm: “Nguồn ngoại tệ mà các doanh nghiệp đang sở hữu được tạo nên từ những tài nguyên của đất nước. Trong khi thị trường bất ổn, hành động chia sẻ khó khăn với Chính phủ là việc nên làm và phải làm”. Và như vậy, giá như sự chung tay của họ xuất phát từ sự tự nguyện sẽ tốt và đáng trân trọng hơn nhiều lần từ một quyết định “cực chẳng đã”.

Mặt khác, từ việc phân tích biến động tỷ giá qua 4 giai đoạn trong năm 2009, cho thấy, mức tăng tỷ giá hai thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do đã không bám sát với mức tăng của tỷ giá bình quân do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Liệu, đó có phải là bàn tay quản lý đang dần thoát ly khỏi thị trường?

InfoTV 
(Vneconomy)




Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,539.905,039.90
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,604.604,104.60
100g ABC Bullion Bar
14,709.2013,209.20
1kg ABC Bullion Silver
1,759.701,359.70
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 187
  • Truy cập hôm nay: 3737
  • Lượt truy cập: 8815047