Chứng khoán tuy không phải là ngành đang quá mức bết bát như một số ngành đổ nợ dây chuyền, song khó khăn của các CTCK suốt năm 2013 vẫn chưa thực sự suy giảm khi miếng bánh TTCK không nở ra, mà số CTCK tham gia vẫn còn đông. Vì lẽ đó, những khoản mục đầu tư của các DNNN đã góp vốn thành lập, đầu tư CTCK, nếu so với kì vọng ban đầu, nay có thể coi như “đổ sông đổ biển”.`
EVN và chứng khoán
Nói về Tập đoàn Điện lực VN, DNNN có hạng mục đầu tư ngoài ngành lớn. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tính đến hết năm 2011, Cty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của Cty mẹ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng.
Như vậy EVN đầu tư ra ngoài DN vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ, trong đó có cả nghìn tỉ đồng mà theo Thanh tra Chính phủ, EVN đã đầu tư vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán vượt tỉ lệ vốn góp theo quy định.
Điển hình là ngoài vốn góp tại NHTMCP An Bình, EVN còn góp vốn tại CTCK An Bình ABS, với tỷ lệ sở hữu theo báo cáo quản trị bán niên 2013, là gần 30% tương đương hơn 11,4 triệu cổ phiếu – tỷ lệ cổ đông lớn nhất của Cty này. Ngoài ra, Ngân hàng An Bình, nơi là EVN cũng đang là một trong những cổ đông lớn nhất cũng đang nắm hơn 2 triệu cổ phần ABS tương đương 5,2%.
Trên sàn chứng khoán OTC, trong nhiều tháng qua, cổ phiếu ABS không có nhiều giao dịch. Sự đứng yên của mã cổ phiếu này được giới chuyên môn cho là có nguyên nhân, với thanh khoản kém của nhóm cổ phiếu CTCK nói chung, cũng như bản thân ABS đang chưa có nhiều thông tin tích cực để thu hút thanh khoản.
Kết quả kinh doanh quí 3/2013, ABS chỉ lãi vỏn vẹn 2 tỉ đồng, giảm 41% so với cùng kì năm trước. Mặt khác, Kiểm toán cũng đang lưu ý khoản phải thu đã quá hạn, chưa trích lập dự phòng trị giá 11, 74 tỉ đồng tính đến bán niên 2013 của ABS.
Với tình hình đó, việc EVN muốn thoái vốn khỏi ABS, khi mà đồng thời cũng phải thoái vốn khỏi AnBinhBank, thì cơ may thanh khoản cho cổ phiếu ABS sẽ càng ít ỏi, cho dù là bán dưới mệnh giá. Cần nhớ, trong 2 đợt tăng vốn điều lệ năm 2007 và năm 2008, đưa mức vốn ban đầu từ 50 tỉ đồng lên 397 tỉ đồng, những đối tác mua vốn của ABS cơ bản đều là những “gà nhà” quen mặt.
EVN rút chân khỏi ABS hẳn sẽ không chỉ nhờ trợ lực được bán vốn dưới mệnh giá, mà còn phụ thuộc vào việc có tìm được nhà đầu tư trong nước mua vốn của AnBinhBank, như thông tin mà mới đây ABS-đơn vị tư vấn thoái vốn cổ phần của EVN – cho biết.
Biết đâu, nhà đầu tư trong nước có tiền mua 6% cổ phần AnBinhBank, cũng sẽ hào sảng phóng tay cho khoản cổ phần ABS mà cả EVN lẫn AnBinhBank đang nắm giữ!?
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, báo cáo hợp nhất của 25 tập đoàn, tổng Cty nhà nước cho thấy đến cuối 2012, số lỗ lũy kế là 17.033 tỉ đồng và 16 Cty mẹ lỗ 11.820 tỉ.
Trong đó, đầu tư ngoài ngành của các Cty mẹ giảm ở danh mục chứng khoán, vào quỹ đầu tư, bảo hiểm nhưng tăng 3% ở ngân hàng lại và đặc biệt đầu tư vào bất động sản của các Cty mẹ là 6.089 tỉ đồng, tăng khoảng 20% so với năm 2011.
Tổng Cty Hàng hải Vinalines với vốn góp trực tiếp 20-50% ở 2 Cty CK và bất động sản Vinalines là một ví dụ. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2013, Vinalines phải thoái toàn bộ 12,24% vốn tại Cty CP bất động sản Vinalines, chủ đầu tư của nhiều dự án đô thị, khu văn phòng, khách sạn, khu công nghiệp, sân golf lớn tại Vĩnh Phúc, Hà Tây (cũ), Khánh Hòa...
Bất động sản: “Đùi gà, hay... xương gà chiên bơ” ?
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương từng thốt lên rằng ông rất ngạc nhiên khi tới đâu ở dọc dải đất chữ S, cũng nhìn thấy các loại resort, hotel, nhà hàng, và các hạng mục dự án địa ốc... gắn hình ảnh ngọn lửa đỏ - biểu tượng logo của Tập đoàn Dầu khí VN.
“Nhưng cũng có rất nhiều hotel, nhà hàng “vắng như chùa Bà Đanh”, như thể việc mọc lên đó là để biểu dương sức mạnh, truyền bá thương hiệu, hơn là có một quy hoạch, một chiến lược đầu tư cụ thể. Và vì vắng vẻ như vậy, nên chắc chắn các Tập đoàn sẽ mắc kẹt khi muốn thoái vốn khỏi các dự án địa ốc kiểu này, đặc biệt trong bối cảnh địa ốc ế ẩm...”, TS Lê Đăng Doanh bình luận.
Vì lẽ đó, bán vốn dưới mệnh giá được xem là một lối thoát hiểm cần thiết cho các DNNN nói chung, khi thoái vốn khỏi hạng mục đầu tư địa ốc và cả nhiều lĩnh vực đa ngành khác. Nhưng lối thoát hiểm này có thực sự giúp các DNNN thoát hiểm được hay không?
Tháng 7/2013, ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch HĐTV PVN thừa nhậnviệc thoái vốn khỏi BĐS là rất khó khăn, vì thoái vốn ở thời điểm nào, ai mua là cả vấn đề, đặc biệt khi phải bảo toàn vốn.
Một chuyên gia cho rằng kể cả khi không phải bảo toàn vốn, mà được phép bán vốn dưới mệnh giá – điều đang được nhiều DNNN ví von sẽ là một “phép thông công” để họ được quyền cắt lỗ mà không lo trách nhiệm làm thất thoát vốn Nhà nước thổi bay ghế của mình – việc DNNN muốn thoái vốn khỏi BĐS ở nhiều khu vực cũng ví như gặm... xương gà chiên bơ.
“Nhiều nhà đầu tư nghe thì rất thơm ngon hấp dẫn, nhưng “bập” vào lại chẳng... có gì hấp dẫn”.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa QTKD Trường ĐH Tài chính Ngân hàng cho rằng, không thể nhìn đơn giản hay đặt mục tiêu một chiều khi DNNN thoái vốn dưới mệnh giá, mà cần phải nhìn ở nhiều góc độ.
Có những trường hợp DNNN bán vốn dưới mệnh giá cũng chẳng ai mua, nhưng cũng có những trường hợp khoản vốn đầu tư đang rất có tiềm năng và đáng được định giá cao, nhưng do được phép bán vốn dưới mệnh giá nên DN vẫn sẽ bán vốn dưới mệnh giá (để giải quyết nhanh hoặc vì nguyên do khác)… Vậy ai sẽ là cơ quan đứng ra thẩm định, định giá từng hạng mục và giám sát sát sao hoạt động thoái vốn này?
Hiện tại, các DNNN có được thoái vốn dưới mệnh giá hay không, vẫn chưa thực cụ thể. Giới chuyên môn cho rằng với Nghị định 151 mà Chính phủ vừa ban hành, chính thức cho Tổng Cty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được bán vốn dưới mệnh giá đối với DN sản xuất kinh doanh thua lỗ, và Nghị định 206 về quản lý nợ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thay thế cho nghị định 69 năm 2002 về quản lý và xử lý nợ tồn đọng của các DNNN mà theo đó các DNNN sẽ được quyền bán nợ xấu cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, thì quyết định để các DNNN được thoái vốn dưới mệnh giá có thể chỉ còn là chuyện nay mai.
Nhưng rốt cuộc, có nên đồng loạt cho phép các DNNN được bán lỗ vốn Nhà nước? Và nếu cho phép, cơ quan nào sẽ đứng ra thiết lập hệ thống định giá chuẩn mực và độc lập, cũng như mất bao lâu mới có hệ thống này?;
Để bên cạnh việc tạo hành lang cho các đơn vị tái cấu trúc nhanh, tận dụng cơ hội thị trường đang có nhiều nguồn lực “chờ sẵn” thời cơ sở hữu các ông lớn, việc thoái vốn của các DNNN vẫn đảm bảo có thể mang lại lợi nhuận tối đa cho nguồn vốn Nhà nước, mà không bị thao túng vì lợi ích nào khác ngoài lợi ích quốc gia?
Có thể thấy chuyện thoái vốn đầu tư đa ngành của các DNNN trong gánh nặng đảm bảo các mục tiêu, đang diễn ra tương tự như cuộc chuyển giao với miếng đệm kê trên đôi vai gánh trời của Thần Atlas. Làm sao để việc chuyển giao bầu trời không phụ thuộc vào các “mánh khóe” sửa đệm kê, kết cục của câu chuyện này mới hy vọng xoay chuyển.
Theo Lê Mỹ
Diễn đàn doanh nghiệp
http://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan/thoai-von-duoi-menh-gia-dui-ga-hay-xuong-ga-chien-bo-2013121308330794712ca31.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,539.90 | 5,039.90 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,604.60 | 4,104.60 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,709.20 | 13,209.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,759.70 | 1,359.70 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 329
- Truy cập hôm nay: 829
- Lượt truy cập: 8812139