Sự kiện ông S. Dhanabalan (ảnh), 75 tuổi chính thức rời khỏi vị trí Chủ tịch Temasek kể từ thứ năm tuần trước (1-8) không những có một ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của tập đoàn đầu tư nhà nước này mà còn đánh dấu một cột mốc mới trong việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Singapore.
Theo nhiều nhà quan sát, việc ông Dhanabalan về hưu sau 53 năm cống hiến cho khu vực nhà nước và tư nhân là một mất mát lớn, bởi Singapore giờ đây khó tìm được một người lãnh đạo có bề dày kinh nghiệm tổng hợp cả trong lĩnh vực quản trị nhà nước và điều hành doanh nghiệp.
Trước khi bước chân vào chính trường Singapore năm 1976, ông Dhanabalan đã là một ngôi sao sáng của Ngân hàng DBS. Ông được TS. Ngô Khánh Thụy, một trong những bậc khai quốc công thần và kiến trúc sư cho nền kinh tế Singapore, chọn lựa, dìu dắt và nhanh chóng đưa vào đội ngũ lãnh đạo của đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) và nắm những chức vụ quan trọng trong guồng máy công quyền như ngoại giao, công thương và phát triển quốc gia.
Thế hệ của ông Dhanabalan là những nhà kỹ trị đầu tiên đã thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh được nhà nước Singapore thu hút và trọng dụng để phục vụ quyền lợi của quốc gia. Cùng thế hệ ông là những chính trị gia sáng giá như cựu thủ tướng Goh Chok Tong - từng làm tổng giám đốc cho tập đoàn tàu biển Neptune Orient Lines (NOL), cố tổng thống Ong Teng Cheong - có bằng cấp chuyên môn là kiến trúc sư và tổng thống đương nhiệm Tony Tan Keng Yam - đã từng được quy hoạch để làm tổng giám đốc Ngân hàng OCBC.
Nhưng nay và trong nhiều năm tới, Singapore sẽ khó tìm được những nhà lãnh đạo có tố chất tổng hợp như trên thuộc thế hệ của ông Dhanabalan.
Trong số 18 thành viên nội các hiện nay của thủ tướng Lý Hiển Long, chỉ có 5 người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư nhân: Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen từng là bác sĩ phẫu thuật, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Luật pháp K. Shanmugam từng hành nghề luật sư, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong từng làm công chức rồi lãnh đạo Tập đoàn Natsteel, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ bà Grace Fu từng là Tổng giám đốc Tập đoàn PSA quản lý cảng vụ Singapore và Bộ trưởng Môi trường và Nguồn nước Vivian Balakrishnan cũng là bác sĩ và từng làm tổng giám đốc của Bệnh viện Đa khoa Singapore.
Trong khi đó, 4 bộ trưởng trẻ đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore đều xuất thân từ quốc phòng hay hành chính công vụ: Bộ trưởng Giáo dục Heng Swee Keat và Quyền Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Lawrence Wong có kinh nghiệm làm công chức, Quyền Bộ trưởng Phát triển Xã hội và Gia đình Chan Chun Sing và Quyền Bộ trưởng Nhân lực Tan Chuan-Jin trước đây là tướng lĩnh trong quân đội.
Singapore quả đã gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài trong lĩnh vực doanh nghiệp tham gia vào guồng máy chính quyền trong lúc dư luận thỉnh thoảng lại có nhiều tranh cãi việc trả lương cao cho bộ trưởng. Chưa hết, xu hướng chính trường cởi mở và bối cảnh cử tri mạnh miệng hơn, đôi lúc hung hăng và khiêu khích khiến nhân tài trong khu vực tư nhân và doanh nghiệp chẳng mấy quan tâm vào chính trị và tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước.
Chủ tịch mới thay ông Dhanabalan lãnh đạo Temasek là ông Lim Boon Heng đã từng làm việc cho Tập đoàn NOL trong khoảng thời gian 10 năm trước khi trở thành đại biểu quốc hội vào năm 1980.
Sẽ là khập khiễng nếu ai đó muốn so sánh bản lĩnh nghề nghiệp của vị chủ tịch mới với người tiền nhiệm, nhưng dù sao ông Lim cũng đã có bề dày kinh nghiệm trong chính trường với vị trí của một Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Nghiệp đoàn NTUC do PAP lãnh đạo và Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng. Tuy nhiên, đáng lưu ý là ông Lim chỉ mới tham gia hội đồng quản trị của Temasek từ hơn 1 năm nay.