“Đây là một trong những ví dụ cho thấy mối quan hệ thương mại giữa hai nước còn có thể phát triển mạnh hơn nữa”, ông Abhay Thakur nói.
“Ấn Độ muốn tham gia đầu tư mạnh hơn nữa vào Việt Nam ở những lĩnh vực mà nước này có thế mạnh như: điện, khai khoáng… Đặc biệt, các doanh nghiệp Ấn Độ còn muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu của các doanh nghiệp Việt Nam bằng hình thức mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất trong quan hệ giao thương giữa hai nước là chưa có đường bay trực tiếp”, ông Abhay Thakur cho hay.
Các quan chức trong phái đoàn thương mại của Ấn Độ cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm. Ấn Độ là thị trường lớn thứ 3 thế giới nếu tính theo sức tiêu thụ thực phẩm với tổng giá trị lên tới 181 tỉ USD/năm. Hiện nay xu hướng tiêu dùng của người dân đối với những thực phẩm đắt tiền chế biến sẵn đang tăng lên cùng với mức tăng thu nhập. Tuy nhiên, phần lớn nhu cầu của thị trường chưa được đáp ứng đủ.Không chỉ vậy, để phát triển lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm, Ấn Độ đã xây dựng 30 khu “Siêu công viên thực phẩm” (Mega Food Park). Đây là các khu vực kết nối giữa sản xuất và chế biến thực phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Rajnish Kumar, Giám đốc Công ty Pristine Mega Food Park, các khu "Siêu công viên thực phẩm" được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông hoàn chỉnh, nhân công và mọi thứ khác đã sẵn sàng. Các nhà đầu tư chỉ việc đưa máy móc thiết bị, công nghệ đến là có thể bắt tay ngay vào sản xuất.
Từ năm 2007, Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Thương mại hai nước đã tăng từ 2 tỉ USD năm 2009 lên 4 tỉ USD trong năm 2012 và dự kiến sẽ đạt khoảng 5 tỉ USD trong năm nay.
Theo Chí Nhân