Hết thời lợi nhuận cao
Những năm gần đây, cổ phiếu ngân hàng không còn được xem là cổ phiếu vua, vì đây là ngành chịu ảnh hưởng khá nặng nề khi nền kinh tế rơi vào đình đốn và phải chia sẻ những khó khăn với nền kinh tế. Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, các cổ đông tiếp tục nhận nhiều thông tin về kết quả hoạt động năm 2012 không mấy khả quan của nhiều ngân hàng.
Một trong lý do chính là tín dụng tăng thấp, do sức cầu trong và ngoài nước giảm mạnh, hàng tồn kho của DN tăng cao đã hạn chế khả năng hấp thụ vốn, khả năng trả nợ của DN suy giảm dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Trong điều kiện ấy, NHNN rất quyết liệt tiến hành thanh tra, đồng thời yêu cầu các NHTM phải rà soát, đánh giá lại nợ xấu và trích lập đủ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Thu từ các hoạt động dịch vụ cũng giảm mạnh do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ.
Hệ quả là lợi nhuận của nhiều ngân hàng giảm sút từ 30-50%, thậm chí có ngân hàng giảm đến 70% lợi nhuận so với năm trước đó. Đó là chưa kể đến những ngân hàng yếu nằm trong diện tự tái cơ cấu và tái cơ cấu bắt buộc theo yêu cầu NHNN thì nợ xấu xử lý không đơn giản trong một vài năm. Do vậy, cổ đông khó mong chờ năm nay nhận được cổ tức từ các ngân hàng này.
Điểm chung ở nhiều NHTMCP lớn là dù tốc độ tăng tổng tài sản, vốn huy động, tín dụng trong năm 2012 khá ổn định, nhưng lợi nhuận sụt giảm mạnh so với năm trước.
Đơn cử tại Sacombank, mặc dù vốn điều lệ không đổi so với năm 2011, tổng tài sản tăng 8% so với cuối năm 2011, tổng nguồn vốn tăng 11% so với đầu năm 2011, dư nợ tăng 24% so với đầu năm 2011… nhưng do phải trích lập dự phòng rủi ro với số tiền 2.054 tỷ đồng, tăng 1.424 tỷ đồng (2,3 lần) so với mức trích lập năm 2011 (630 tỷ đồng), nên lợi nhuận trước thuế còn lại là 1.315 tỷ đồng, chỉ bằng 39% kế hoạch và giảm 52% so với năm trước. Do lợi nhuận giảm nên tỷ lệ chia cổ tức dự kiến trình ĐHCĐ vào ngày mai (25/4) chỉ 6% trên vốn điều lệ.
Techcombank cũng vừa tổ chức ĐHCĐ với kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2012 chỉ đạt 1.018 tỷ đồng. Trong khi, những năm trước đây Techcombank là NHTMCP có khả năng tạo lợi nhuận ấn tượng nhất trong hệ thống, cả về con số tuyệt đối. Năm 2009 lợi nhuận trước thuế ngân hàng này là 2.253 tỷ đồng, năm 2010 là 2.744 tỷ đồng và đặc biệt năm 2011 đột biến tới 4.221 tỷ đồng.
Vì lẽ đó, các cổ đông thống nhất dành toàn bộ lợi nhuận năm 2012 vào việc củng cố và phát triển ngân hàng, chia sẻ với nền kinh tế, đưa số vốn chủ sở hữu của ngân hàng lên 13.290 tỷ đồng.
Với MaritimeBank, năm 2012 ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.350 tỷ đồng thì kết quả chỉ đạt 255 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn hơn 226 tỷ đồng do phải dành hơn 700 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Đây là mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong lịch sử hoạt động ngân hàng này.
Theo giải thích của MaritimeBank, hai tháng cuối năm 2012, Maritime Bank đã tiến hành rà soát, đánh giá lại khả năng phát mại tài sản đảm bảo nhằm xác định giá trị, từ đó trích lập tối đa dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Điều này khiến lợi nhuận trước thuế năm 2012 của MaritimeBank giảm mạnh hơn 70% so với năm 2011.
Chậm nhưng chắc
Trong bức tranh u ám về lợi nhuận của khối NHTMCP, chỉ có một số nhỏ ngân hàng vẫn duy trì hoạt động hiệu quả, song mức tăng lợi nhuận cũng không lớn như các năm trước đây.
Chẳng hạn Vietcombank năm 2012 đặt kế hoạch lợi nhuận 6.550 tỷ đồng, mức chi trả cổ tức 12% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2,8% tổng dư nợ… Kết quả lợi nhuận hợp nhất năm 2012 của Vietcombank chỉ đạt 5.764 tỷ đồng, bằng 88% kế hoạch được giao, tăng 1,17% so với năm 2011; nợ xấu khống chế ở mức 2,4%. BIDV cũng báo cáo cổ đông kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2012 là 4.325 tỷ đồng và dự kiến chia cổ tức 10,8%, trong khi kế hoạch đề ra là 11,7%...
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ sẽ giúp phản ánh minh bạch thực trạng kết quả tài chính của các NHTM, là tiền đề để các ngân hàng phát triển bền vững trong thời gian tới. Bản thân các cổ đông và nhà đầu tư cũng có thể giám sát được sức khỏe tài chính của các NHTM một cách dễ dàng và có quyết định đầu tư chính xác hơn.
Khi đó, dù không còn thời lợi nhuận tăng hàng ngàn tỷ đồng, nhưng cổ phiếu ngân hàng sẽ vẫn trở thành cổ phiếu hấp dẫn trong dài hạn trong mắt nhiều nhà đầu tư khi hoạt động của hệ thống NHTM đi vào thực tế hơn.
Nhìn bức tranh kinh tế và kết quả kinh doanh quý I/2013 vừa qua của một số NHTM vừa hé mở cũng cho thấy sự sụt giảm khá mạnh về lợi nhuận, mà nguyên nhân chính là do tín dụng không tăng trưởng, dù nguồn vốn của ngân hàng dồi dào và lãi suất cho vay đã giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo năm 2013 ngành Ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh nền kinh tế chưa mấy khởi sắc, cộng thêm yêu cầu tái cơ cấu của NHNN và Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống.
Từ định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và kết quả kinh doanh năm 2012, nhiều NHTM năm nay khá thận trọng trong việc đưa ra chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2013 bởi hơn ai hết họ nhận thức được cơ hội thu lợi nhuận khủng và bất thường ở nhiều lĩnh vực phi truyền thống (kinh doanh ngoại tệ, vàng, đầu tư…) không còn nhiều nữa.
Đặc biệt, nhiều NHTM đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2013 giảm hơn năm trước, cao lắm chỉ bằng hoặc tăng nhẹ so với kết quả đạt được năm 2012. Đơn cử, Sacombank đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2013 chỉ đạt 2.800 tỷ đồng, kiểm soát nợ xấu không quá 3%, chia cổ tức dự kiến 9-10% vốn cổ phần. Vietcombank đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm nay là 5.800 tỷ đồng; còn BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 4.720 tỷ đồng (lợi nhuận 2012 của BIDV là 4.325 tỷ đồng), cổ tức dự kiến 8-9% (năm 2012 cổ tức chia 10,8% trên kế hoạch 11%)… Năm 2013 Techcombank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 1.543 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với năm 2012, nhưng là rất thấp so với bình quân nhiều năm gần đây…
Các NHTM như MaritimeBank, TienphongBank đưa ra kế hoạch lợi nhuận 2013 cũng rất khiêm tốn. Trong đó, MaritimeBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng gấp hơn 3 lần lên 863 tỷ đồng so với năm 2012 nhưng tỷ lệ chia lợi tức cổ phần giữ nguyên mức 7% như của năm 2012. Năm 2013 TienphongBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận chỉ 316 tỷ đồng và mục tiêu đến năm 2015 sẽ bù hết các khoản lỗ trước năm 2012 (năm 2012 lợi nhuận ngân hàng này chỉ 116 tỷ đồng, nợ xấu 3,66%)…
Điểm nóng nhất trong năm 2013 của các NHTM là biến động lớn về nhân sự cấp cao ở hầu hết các NHTMCP như ACB, Techcombank, MaritimeBank, Sacombank… đồng thời những kế hoạch cắt giảm chi tiêu, tiết giảm bộ máy nhân sự.
Lãnh đạo các NHTM đều thừa nhận năm nay sẽ cải tiến tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, theo hướng giảm nhân sự gián tiếp, tăng nhân sự cho hoạt động bán hàng. Theo TS. Trần Du Lịch, đây là thời kỳ các NHTM sẽ phải “cày” để kiếm lợi nhuận trên những mảng kinh doanh chính (cho vay, dịch vụ…), đặc biệt quyết liệt xử lý nợ xấu và hạn chế tối đa nợ xấu mới trong cho vay.
Trong điều kiện ấy nhiều NHTM ở thế thủ, ngoài việc tiết kiệm chi phí, nhân sự thì cũng đã giảm chỉ tiêu lợi nhuận và tỷ lệ cổ tức dự kiến theo tương ứng nhằm giảm bớt áp lực lợi nhuận từ cổ đông…
Theo Trần Kiên
Thời báo ngân hàng
http://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan/eo-seo-mua-dai-hoi-co-dong-201304260729538173ca31.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,526.60 | 5,026.60 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,593.50 | 4,093.50 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,673.80 | 13,173.80 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,741.20 | 1,341.20 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 412
- Truy cập hôm nay: 5575
- Lượt truy cập: 8825205