Không giống như tái cấu trúc các công ty chứng khoán, việc tái cấu trúc các tổ chức đặc thù và quan trọng như sở giao dịch chứng khoán đang đặt ra khá nhiều thách thức cho các bên.
Theo Quyết định 1826/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm, chủ trương cấu trúc lại các sở giao dịch chứng khoán đã được xác định theo hướng sáp nhập các sở giao dịch chứng khoán thành một sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, thống nhất về bộ máy quản lý và điều hành, thống nhất về nền tảng công nghệ, thống nhất và chuẩn hóa tiêu chí niêm yết, chế độ báo cáo, công bố thông tin, tiêu chuẩn về thành viên và giao dịch...., phân tách và chuyên biệt hóa thị trường theo hàng hóa giao dịch, bao gồm: một sàn giao dịch cổ phiếu và một sàn giao dịch trái phiếu, chứng khoán phái sinh.
Với chủ trương này, lộ trình thực hiện dự kiến theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1: nghiên cứu xây dựng và ban hành Đề án tái cấu trúc các sở giao dịch chứng khoán (2012 - 2013). Giai đoạn 2: tổ chức triển khai thực hiện và hoàn tất việc tái cấu trúc các sở giao dịch chứng khoán (2014 - 2015).
Những phác họa ban đầu
Trên thực tế, kế hoạch tái cấu trúc các sở giao dịch chứng khoán theo hướng hợp nhất đã phải lùi lại thêm 1 năm, thay vì hoàn tất vào năm 2014 như dự kiến. Do quá trình sắp xếp phụ thuộc rất nhiều yếu tố (hàng hoá, công nghệ và đặc biệt là con người) nên các cơ quan quản lý đang phải tính toán và cân nhắc kỹ càng, tránh gây xáo trộn khi thực hiện.
“Ban đầu, quan điểm của chúng tôi là năm 2012 sẽ xong đề án nhưng do kinh tế, thị trường chứng khoán quá khó khăn nên việc này dự định phải năm 2013 mới trình được lên Chính phủ. Thời điểm hiện nay cũng chưa thật chín muồi cho việc triển khai do việc hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán cần phải chú ý đến vị trí địa lý, các yếu tố kinh tế - chính trị để xác định trụ sở chính cũng cần phải tính toán sao cho hợp lý. Chính vì những lý do đó nên Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép giãn tiến độ triển khai tái cấu trúc sở giao dịch chứng khoán thêm 1 năm so với kế hoạch”, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết.
Kinh nghiệm các nước trong khu vực cho thấy, để hoàn tất việc sáp nhập các sở giao dịch chứng khoán cần tới ít nhất là 3-4 năm. Do đó, đối với Việt Nam, theo giới chuyên môn, lộ trình hoàn tất dự kiến vào năm 2015 được xem là khá phù hợp, trong bối cảnh việc sáp nhập sẽ được tiến hành từ từ, từng bước một.
Có thể ban đầu tạo ra một cơ cấu tổ chức, hình thành ban lãnh đạo ở trên, giữ nguyên các phòng, ban hai đầu Hà Nội và Tp.HCM như hiện nay và sau đó dịch chuyển dần dần. Chẳng hạn, nơi nào là trụ sở chính thì các phòng, ban đủ, còn nơi kia sẽ giảm bớt đi.
Một vấn đề cũng khá quan trọng khác phải xử lý khi hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán là: công nghệ. Khi hợp nhất hai Sở, công nghệ sẽ phải đồng nhất và công ty chứng khoán có thể kết nối với bất kỳ đầu nào cũng có thể vào thị trường được. Nhưng đây cũng là cái khó. Với hệ thống công nghệ hiện đại đã đầu tư sẽ phải sử dụng ra sao, cái gì mua tiếp, cái gì sử dụng lại, cái gì thay đổi.
“Với thị trường, cái lợi của việc hợp nhất sẽ rất nhiều, nhưng sự phức tạp này cũng sẽ cần phải có những tính toán thận trọng”, ông Vũ Bằng thừa nhận.
Hợp nhất để mạnh hơn
Nhìn chung, việc chỉ có một sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trên cơ sở hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán hiện tại sẽ mang lại thuận lợi hơn cho thị trường chứng khoán.
Ở góc độ thành viên tham gia thị trường, việc chỉ có một sở giao dịch chứng khoán quản lý và điều hành thị trường thành viên thị trường sẽ tiết giảm được chi phí như đầu tư hệ thống giao dịch, thuê đường truyền, chi phí vận hành và duy trì hệ thống giao dịch do từ nay chỉ có một chuẩn hệ thống giao dịch thay vì hai hệ thống giao dịch như trước kia.
Khi có một sở giao dịch chứng khoán, các hoạt động liên quan đến hoạt động đấu giá doanh nghiệp nhà nước và niêm yết sẽ được tập trung và chuyên sâu hơn, từ đó góp phần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy quá trình niêm yết các doanh nghiệp này, nhằm tăng cung hàng hóa có chất lượng cho thị trường.
Đồng thời, quy mô thị trường lớn hơn sẽ có khả năng thỏa mãn nhu cầu đầu tư của cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, giúp luân chuyển dòng vốn đầu tư, đồng thời tăng tính thanh khoản qua khối lượng và giá trị giao dịch tăng cho thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp tăng tính cạnh tranh của sở giao dịch chứng khoán Việt Nam so với khu vực.
Ở góc độ cơ quan quản lý, sự thuận lợi còn thể hiện qua việc nâng cao năng lực quản lý thị trường chứng khoán, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả xuyên suốt toàn ngành. sở giao dịch chứng khoán Việt Nam sau hợp nhất sẽ có thuận lợi hơn khi được Nhà nước tập trung về chính sách, cơ chế và tài chính để phát triển thị trường chứng khoán theo đúng Chiến lược, mục tiêu đề ra.
Ngược lại, sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là nơi thực hiện nhiệm vụ chính trị về chứng khoán và thị trường chứng khoán do Chính phủ đặt ra.
Tuy nhiên, việc hợp nhất thành một sở giao dịch chứng khoán duy nhất cũng sẽ có tác động lớn tới thị trường chứng khoán. Bởi khi tất cả dồn về một mối và từ mối đó sẽ có sự phân định rõ ràng hơn các thị trường theo loại sản phẩm, hàng hóa như cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh...
Các chính sách xây dựng cho thị trường từ đó cũng sẽ đồng bộ hơn bởi chính sách lên một thị trường sẽ có tác động lên thị trường khác và ngược lại. Công tác triển khai hàng hóa, sản phẩm mới cũng thuận lợi do chúng ta thống nhất được nguồn lực, cả về nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất kỹ thuật và quá trình vận hành xuyên suốt. Hiệu quả hoạt động của sở giao dịch chứng khoán không những sẽ cao hơn mà việc hợp nhất này còn là cơ sở cho việc giảm các loại phí cho các thành viên thị trường.
Chuẩn bị của người trong cuộc
Lãnh đạo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) thừa nhận rằng chủ trương hợp nhất là cần thiết và mang lại lợi ích cho thị trường.
“Trong câu chuyện hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán, vấn đề quan trọng nhất được đặt ra sẽ là cấu trúc nội tạng của sở giao dịch chứng khoán hợp nhất làm sao để có lợi nhất cho sự phát triển lâu dài của thị trường, thuận lợi nhất cho thành viên và cho doanh nghiệp. Sẽ không có sự triệt tiêu như nhiều người nghĩ, mà trái lại sẽ là một sự cộng hưởng sức mạnh của cả hai”, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nhấn mạnh.
Hiện nay, HNX đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia vào kế hoạch tái cấu trúc thị trường chứng khoán.
“Việc ra đời và thành lập các sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam có những vai trò và ý nghĩa lịch sử nhất định. Nay, trong điều kiện mới, Chính phủ đã có chủ trương tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trong đó có quyết định hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán thành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh cho thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, cho biết.
Riêng các nhà đầu tư, những người vốn rất thực tế trong cả cách nghĩ và hành động, lại tỏ ra không quan tâm nhiều đến sự hợp nhất các sở giao dịch chứng khoán bởi thực ra đó chỉ là vấn đề về quản lý.
Với thị trường thì các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, họ quan tâm nhiều hơn tới vấn đề phân loại công ty và các tiêu chí phân loại công ty niêm yết. Dù là một sở giao dịch chứng khoán duy nhất thì việc phân loại các nhóm công ty niêm yết cũng sẽ là cần thiết. Tuy nhiên, nếu hợp nhất sẽ có lợi thế là tư duy và cách tiếp cận sẽ thống nhất và tạo ra được chuẩn chung cho Việt Nam.
Một số năm trước, trên thế giới diễn ra xu hướng hợp nhất, sáp nhập các sở giao dịch chứng khoán. Tại Việt Nam, ý tưởng hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên, trước tình trạng khủng hoảng tài chính kéo dài như hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, chính việc hợp nhất các sở giao dịch chứng khoán khiến việc chống đỡ trước khủng hoảng của nhiều thị trường tài chính suy giảm.
Bất cứ sự hợp nhất nào cũng sẽ có những ưu điểm và nhược điểm do các quan điểm khác nhau của các cơ quan quản lý, của các thành viên thị trường cũng như bản thân các sở giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, cuối cùng thị trường sẽ là nơi kiểm chứng sự thành công của công cuộc sáp nhập. Hy vọng là điều này cũng sẽ đúng với Việt Nam.
VnEconomy
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,542.20 | 5,042.20 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,606.50 | 4,106.50 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,715.50 | 13,215.50 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,753.60 | 1,353.60 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 135
- Truy cập hôm nay: 6082
- Lượt truy cập: 8833404