Các thông báo bán ra một lượng lớn cổ phiếu (CP) lên tới hàng ngàn tỉ đồng đã làm rúng động TTCK và làm không ít nhà đầu tư, cổ đông nhỏ hoang mang. Thực chất đằng sau việc các đại gia đua nhau bán CP là gì và ai lợi, ai thiệt đang là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Cả tổ chức và cá nhân ồ ạt thoái vốn...
Theo quan sát của giới đầu tư, nhu cầu tái cấu trúc hoạt động của nhiều DN cũng như chủ trương thoái vốn của DNNN đã làm thị trường liên tục xuất hiện các giao dịch bán ra với khối lượng lớn của các cổ đông lớn và nội bộ. Chính điều này làm cho cơ cấu cổ đông của DN có nhiều thay đổi.
TPC có tỉ lệ cổ tức hằng năm lên đến 20% nhưng cổ đông lớn, Cty TNHH Quế Trân vẫn đồng thời mua 10.000 cổ phiếu (CP) và bán 672.050 CP TPC. Qua đó, Cty Quế Trân giảm tỉ lệ nắm giữ CP TPC từ 7,92% xuống 4,81%. Với PVV, chỉ trong vòng 2 tháng, Cty chứng kiến sự ra đi của một loạt cổ đông lớn. Cụ thể, CTCK MB (mã CK: MBS) liên tục bán CP PVV, hạ tỉ lệ nắm giữ từ 14,53% xuống còn 4,33%. Oceanbank cũng đã bán hết toàn bộ 5 triệu CP - chiếm 18,67% vốn điều lệ PVV và không còn là cổ đông của Cty này. Tương tự, với chiến lược cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư và thoái vốn khỏi các DN ngoài ngành, PVF lần lượt bán hơn 2 triệu CP PTL. PVF thoái vốn còn 5,95% và bán 5 triệu CP PVS, giảm sở hữu còn 5,85%.
Không chỉ cổ đông lớn là tổ chức mà cả cá nhân cũng thông báo thoái vốn. Được bàn tán xôn xao nhất trong thời gian gần đây chính là việc 2 nhân vật cộm cán của CTCP khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) đăng ký bán một lượng lớn số CP đang nắm giữ, dù rằng Cty này vừa có BCTC quý II có lợi nhuận tăng khá tốt. Cụ thể, bà Đặng Thị Hoàng Phượng - Chủ tịch HĐQT - đăng ký bán ra 22 triệu CP từ ngày 1.8 đến 24.8. Trước đó, ông Đặng Thành Tâm - anh bà Phượng - cũng đã đăng ký bán 22 triệu CP từ 30.7 đến 24.8, giảm lượng CP nắm giữ xuống 44 triệu CP, chiếm 40% lượng CP SQC. Với giá trung bình hơn 60.000đ/CP, nếu giao dịch thành công, ông Đặng Thành Tâm sẽ thu về khoản tiền dự kiến lên tới gần 1.400 tỉ đồng.
Hay như trường hợp hàng loạt nhân vật chủ chốt của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG) bán chui CP hồi cuối tháng 6 vừa qua là ví dụ khác. Theo đăng ký, người chủ tịch và nhiều lãnh đạo DLG bán CP từ 26.6, nhưng trên thực tế bà Hương (vợ chủ tịch HĐQT) đã bán hơn 1 triệu CP từ ngày 21.6. Một loạt nhân vật khác như chị chủ tịch, thành viên HĐQT, phó TGĐ... mỗi người bán hàng trăm ngàn CP trước thời hạn đăng ký.
...và “thoát xác”?
Cách đây một năm, mảng tối bắt đầu xuất hiện ở CTCK NH Sài Gòn Thương Tín (mã CK: SBS) khi quý II/2011, Cty báo lỗ 163 tỉ đồng. Cuối năm, con số nâng lên 610 tỉ đồng và sau kiểm toán, Cty chính thức lỗ 788 tỉ đồng. Đến quý I/2012 các cổ đông SBS tiếp tục té ngửa khi bị báo lỗ thêm 660 tỉ đồng, tức trung bình 7,3 tỉ đồng/ngày. Lúc này, trên một loạt các đầu báo về tài chính, ông Nguyễn Hồ Nam - cựu Chủ tịch HĐQT SBS - nói rằng, SBS đang nỗ lực tái cấu trúc tài chính, khi phục hồi, chắc hẳn SBS sẽ có 600 tỉ đồng tiền mặt gửi NH, từ quý II/2012, Cty bắt đầu kinh doanh có lãi... Nhiều tranh cãi xảy ra sau đó CP SBS lại được quan tâm và săn đón trở lại. Kết quả, SBS tăng trần nhiều phiên liền trong niềm hân hoan của không ít cổ đông trung thành. Thế nhưng, sau khi vẽ ra viễn cảnh tươi sáng thì chỉ trong vài tuần đầu tháng 4, tháng 5 các sếp lớn tại SBS thoái sạch vốn.
Hơn 2 tháng sau, trong đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên bị trì hoãn tổ chức tới ba lần, các cổ đông dài hạn mới nhận ra đã bị ăn một cú lừa ngoạn mục khi các VIP này đồng loạt từ nhiệm, rời ghế và bán tháo CP trước đó. Cuối cùng, sự thật con số thua lỗ lũy kế của SBS cũng được phơi bày là nó đã ăn gần hết vốn chủ sở hữu.
|
Ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng Phòng Phân tích & Tư vấn đầu tư CTCK Kim Eng Việt Nam: Xử phạt nhẹ, lợi lớn nên cổ đông lớn sẵn sàng bán tháo CP |
Có một số lý do thường gặp khi các cổ đông (CĐ) lớn bán CP của mình ra: Thứ nhất, CĐ lớn cần tiền để trang trải cho một số dự án khác nào đó hoặc có thể đang bị mắc nợ (DN hoặc cá nhân), chuyện này bây giờ quá nhiều như chuyện 25 triệu CP của CTCP thủy sản Bianfishco mà báo chí đang đăng. Điều này theo tôi là tốt cho DN và cho thị trường, vì người mua sẽ cơ cấu lại giúp DN tiếp tục phát triển và quan trọng là người bán vì hoàn cảnh mới phải bán. Trường hợp này thông thường CĐ lớn chỉ bán một phần chứ không bán hết bao giờ và thường luôn dưới 50% số lượng họ nắm giữ. Thứ hai, CĐ lớn mất niềm tin với chính DN của mình, CĐ lớn không có nợ nần, không có nhu cầu dùng tiền để đầu tư dự án khác, hay nếu có không đến mức độ phải bán hết sạch CP mà vẫn bán sạch toàn bộ (hoặc bán hầu hết) thì trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến thị trường và làm thiệt hại các CĐ khác. Bởi vì việc các CĐ lớn này là những ông chủ DN thật sự bán sạch CP chỉ trong trường hợp họ hoàn toàn mất niềm tin về DN và biết rằng DN không còn khả năng hoạt động hoặc chuẩn bị lâm vào tình trạng rất khó khăn. Thường các CĐ lớn sẽ biết những thông tin này trước, do họ có chân trong ban lãnh đạo Cty. Bởi thế khi các CĐ nhỏ hơn và thị trường nhận ra thì thông thường là quá muộn và CP phải chịu cảnh bán tháo như trường hợp của CTCP dược phẩm Viễn Đông (mã CK: DVD) và rất nhiều trường hợp khá |
Về luật pháp có quy định rất kỹ về việc công bố thông tin để tránh cho các CĐ bị thiệt hại, nhưng để có thể phát hiện trường hợp nào tận dụng thông tin để trục lợi và có bằng chứng xác thực không phải là đơn giản, bởi thế trong thời buổi TTCK khó khăn thì những việc này càng nhiều mà xử phạt hầu như rất ít và lại quá nhẹ tay với những lợi ích mà các CĐ lớn này thu được nên CĐ lớn khi DN “có biến” họ vẫn làm. B.C (ghi) Ông Võ Duy Phương - chuyên gia tư vấn CTCK Bản Việt: Các cổ đông nhỏ là người chịu thiệt hại lớn nhất |
Có cả 1.001 lý do để các cổ đông thực hiện thoái vốn. Do vậy không chỉ nhìn vào hiện tượng bên ngoài để suy diễn bản chất bên trong của sự việc. Tuy nhiên, trên thực tế, đây đều là các cổ đông nội bộ nắm những thông tin trọng yếu của DN niêm yết, việc bán cổ phần của những NĐT lớn này muốn hay không đều gây ra tác động tâm lý tới thị trường, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Việc ông Đặng Thành Tâm và bà Đặng Thị Hoàng Phượng đăng ký bán hơn 40 triệu CP SQC trị giá tới hơn 2.500 tỉ đồng, trong khi SQC đang có lợi nhuận tăng lên khá mạnh thì bất chấp việc thoái vốn do khan hiếm tiền mặt hay chỉ đơn giản để chốt lời tìm cơ hội khác thì cũng vẫn khiến NĐT nhỏ bất an và đặt câu hỏi nghi ngờ về tính hấp dẫn không chỉ của CP này mà cả các CP khác trên TTCK. |
Tôi cũng không loại trừ khả năng việc thoái vốn là do sau khoảng thời gian đầu tư không hoặc chưa hiệu quả, chưa đủ tiềm lực tài chính hoặc đầu tư không đúng thế mạnh và chuyên môn của mình, thì đây là khoảng thời gian bắt buộc cổ đông lớn phải suy tính kỹ càng về việc có thể tiếp tục “leo lưng cọp” nữa hay không hoặc tiến hành thoái vốn trước khi quá muộn. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, do sự khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DN rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt cho hoạt động sản xuất kinh doanh, buộc nhiều ông chủ phải bán các CP đang nắm giữ để lành mạnh hóa tình hình tài chính. Trong những tình huống ấy, rõ ràng sự đi ở, tăng giảm sở hữu của cổ đông lớn không còn là giao dịch thuần túy. Nó cho thấy những thay đổi lớn ở DN. Nếu thay đổi này diễn ra liên tục, thì việc ổn định “đội hình” trở thành bài toán khó với DN. Thường cổ đông nhỏ nhận ra thì đã quá muộn và người chịu thiệt hại lớn chính là những cổ đông đã tin tưởng và nắm giữ CP của các DN ấy.
Theo Bảo Chương
Lao động
http://cafef.vn/20120807062927106CA31/thoai-von-hay-thoat-xac.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,178.70 | 4,758.70 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,291.80 | 3,891.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
13,764.40 | 12,464.40 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,666.10 | 1,316.10 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 167
- Truy cập hôm nay: 135
- Lượt truy cập: 8607794