Trên tờ Investment Week của Anh, ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành (CEO) quỹ Dragon Capital, đã có một bài viết đưa ra những lý do giải thích vì sao đã đến lúc nên rót thêm vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cho dù thị trường thời gian gần đây rơi vào trạng thái ảm đạm.
VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này.
“Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên khi giới đầu tư quốc tế cân nhắc các cơ hội đầu tư. Thực tế này không phải chỉ vì Việt Nam vẫn còn bị xem là một thị trường sơ khai (frontier market), mà còn bởi Việt Nam có một thị trường chứng khoán kém hiệu quả và môi trường kinh tế vĩ mô nhiều bất ổn trong vòng 4 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, những nhà đầu tư sẵn lòng đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh mục có thể sẽ gặt hái thành quả, nhất là khi các khoản đầu tư của họ được thực hiện trước khi những cải cách kinh tế ở Việt Nam bám rễ ăn sâu.
Một thị trường sơ khai như Việt Nam có quan hệ tương tác ở mức thấp với các thị trường phát triển, mà điều này sẽ đem đến một sự đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả. Câu chuyện về đầu tư vào Việt Nam là câu chuyện nói nhiều tới các yếu tố nền tảng của nền kinh tế, các cải cách kinh tế, cũng như về sự đa dạng hóa danh mục.
Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, giới quan sát tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc xuất khẩu tiếp theo ở khu vực châu Á. Sự kết hợp giữa các yếu tố dân số thuận lợi, nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, và một hệ thống chính trị ổn định đã tạo ra nền móng lý tưởng để phát triển hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, những kỳ vọng về “một cú đột phá chóng vánh từ cá lên con chip máy tính” đã đột ngột dừng lại bởi những quyết định chính sách vĩ mô dẫn tới một chu kỳ kinh tế không bền vững, từ phát triển bùng nổ tới tụt dốc.
Chính sách tài khóa và tiền tệ lỏng lẻo trong thời gian từ năm 2009-2010 là một trong những lý do chính dẫn tới lạm phát cao trong năm 2011. Hoạt động trợ giá cho các mặt hàng nước, xăng dầu, điện và một số mặt hàng thiết yếu khác cũng góp phần đẩy lạm phát cao. Tuy nhiên, vào cuối năm 2010, Chính phủ đã nhận ra vấn đề và bắt đầu theo đuổi mạnh mẽ các cải cách kinh tế.
Kết quả từ đó đến nay đã khá ấn tượng. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền, cũng như thâm hụt tài khóa, đã giảm xuống. Dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi trong vòng 8 tháng và lần đầu tiên trong vòng 5 năm, tỷ giá đồng nội tệ ổn định suốt hơn 1 năm, cho thấy chu kỳ giảm giá tiền đồng có thể cuối cùng đã không lặp lại.
Các nền kinh tế đều đi qua các chu kỳ khác nhau, gồm các giai đoạn hồi phục, phát triển quá nóng, và trì trệ. Mỗi giai đoạn đều được định hình riêng biệt bởi xu hướng tăng trưởng của GDP và đường đi của lạm phát. Mỗi một giai đoạn trong số này cũng đều gắn kết với sự gia tăng giá trị vượt trội của một loại tài sản cụ thể.
Trong thời kỳ tăng trưởng GDP giảm và lạm phát cao nhưng đang giảm dần (reflation), trái phiếu thường được xem là kênh đầu tư hiệu quả nhất. Trong khi đó, ở vào thời kỳ phục hồi kinh tế, các nhà đầu tư có xu hướng rót tiền vào cổ phiếu. Thách thức đặt ra là làm thế nào xác định được thời điểm mà nền kinh tế chuyển giao sang giai đoạn tiếp theo để đưa ra quyết định quản lý danh mục tốt nhất có thể.
Từ quý 2/2010 đến quý 2/2011, kinh tế Việt Nam trải qua giai đoạn trì trệ, với các đặc trưng là lạm phát tăng nhanh, tăng trưởng GDP suy giảm và một thị trường chứng khoán èo uột. Vào quý 3/2011, Việt Nam bước vào giai đoạn mà tăng trưởng GDP vẫn yếu, lợi nhuận èo uột, nhưng lạm phát đã giảm tốc (gọi là giai đoạn reflation).
Câu hỏi quan trọng nhất đặt ra là: khi nào Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn phục hồi? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xem xét về vấn đề lạm phát và khi nào tăng trưởng GDP sẽ chạm đáy.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt đỉnh điểm 23,1% vào tháng 8/2011 và liên tục giảm tốc từ đó đến nay. CPI tháng 5/2012 tăng 0,18% so với tháng 4 và tăng 8,3% so với cùng kì năm 2011. Lạm phát 5 tháng đầu năm là 2,7% so với cuối năm 2011. CPI tháng 9 được kì vọng tăng 6% so với cùng kì năm trước và giữ ổn định khoảng 7% cho đến cuối năm, dưới mức trung bình 9% trong thập kỷ qua.
Cũng giống như ở các nước Âu-Mỹ, ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản gánh một lượng nợ lớn. Tuy nhiên, mức độ vay nợ của các hộ gia đình ở Việt Nam không giống như ở các nước Âu-Mỹ. Mức độ vay nợ theo các loại hình thẻ tín dụng và thế chấp nhà so với GDP của các hộ gia đình ở Việt Nam chỉ là 12% vào năm 2010, trong khi tổng dư nợ tín dụng tương đương tới 136% GDP. Kể từ đó trở đi, Việt Nam đã bắt đầu quá trình giảm nợ, với tổng dư nợ tín dụng so với GDP còn 117% vào cuối năm 2011.
Theo một nghiên cứu mà McKinsey tiến hành trên 45 trường hợp trước đây về tác động của quá trình giảm nợ đối với tăng trưởng GDP sau một cuộc suy giảm thoái, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chạm đáy trong vòng 2-3 năm kể từ khi bắt đầu giảm nợ.
Việt Nam bắt đầu quá trình giảm nợ vào năm 2011. Do đó tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chạm đáy vào đầu năm 2013 hay 2014. Tuy nhiên, do mức nợ của các hộ gia đình thấp, có thể tin rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chạm đáy sớm hơn, với mức đáy xuất hiện vào quý 3-4/2012 hoặc đầu năm 2013. Đó sẽ là những thời điểm tối ưu để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thêm một lý do nữa để thực hiện đầu tư vào thời điểm trên, là lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2012 này được dự báo sẽ tăng. Các cuộc trao đổi với nhiều công ty cho thấy, dự báo lợi nhuận doanh nghiệp năm nay có xu hướng tăng hơn là giảm. Theo dự báo, hệ số giá trên thu nhập (P/E) năm 2012 là 9 lần, với chỉ số VN-Index ở mức 450 điểm và tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 18% so với mức giảm 9% của năm 2011.
Lãi suất huy động tiền gửi từ 12-14% của Việt Nam là cao nhất châu Á. Hầu hết các quốc gia khác đều có lãi suất huy động dưới 4%. Với tốc độ lạm phát giảm, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực thực sự có nhiều cơ hội để vận dụng linh hoạt chính sách tiền tệ.
Bởi vậy, có thể kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ. Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng, lãi suất tiền gửi sẽ giảm 400 điểm cơ bản, còn 8%/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán”.
Theo Yến Thanh
VnEconomy
http://cafef.vn/20120807063829494CA31/thoi-diem-nao-nen-dau-tu-vao-chung-khoan-viet-nam.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,177.20 | 4,757.20 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,290.60 | 3,890.60 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
13,760.60 | 12,460.60 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,665.60 | 1,315.60 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 131
- Truy cập hôm nay: 91
- Lượt truy cập: 8607750