TTCK Việt Nam một thời được xem là miền đất hứa, thúc đẩy trào lưu CTCK 49% vốn ngoại ra đời, nhưng rất ít trong số đó thể hiện được mình.
Tuy nhiên, cuộc đua giữa các đối thủ nội - ngoại chưa thể tới đích khi CTCK 100% vốn ngoại sắp được phép hoạt động.
Bức tranh màu xám
Năm 2009, sau khi quỹ đầu tư chứng khoán của Indochina Capital đạt được sự đồng thuận giải thể, phần vốn góp của Quỹ tại CTCK Mekong được chuyển cho đối tác Nga. Rất nhanh, ông chủ mới thổi một luồng sinh khí mới vào Mekong.
David Kadarauch, một chuyên gia lăn lộn nhiều năm ở các thị trường cận biên được mời về làm Giám đốc phân tích; các nhân sự giỏi trong ngành chứng khoán được Mekong chiêu mộ với mức lương cao và các chế độ đãi ngộ tốt; chiến lược phát triển của Mekong được định vị lại, chuyển từ hoạt động “bán buôn” cho Indochina và các khách hàng của quỹ này sang mảng “bán lẻ”, trọng tâm là các NĐT nội địa...
Không lâu sau đó, Mekong đã thay da đổi thịt. Bản tin Mekong Tide có thời điểm trở nên có cá tính nhất thị trường khi không ngại đề cập đến các vấn đề gai góc của DN niêm yết và các câu chuyện nóng về tỷ giá, lạm phát của kinh tế Việt Nam. Thậm chí, vào cuối năm 2010, đội ngũ phân tích của Mekong còn được Bloomberg bình chọn là “nhóm phân tích xuất sắc nhất”.
Nhưng tất cả ấn tượng chỉ dừng lại như vậy. Các khó khăn hiện hữu của kinh tế Việt Nam và TTCK đi xuống dai dẳng khiến ông chủ mới của Mekong không còn đủ kiên nhẫn. Họ quyết định từ bỏ cuộc phiêu lưu khi hành trình mới bắt đầu chưa lâu.
Để tiết giảm chi phí, Công ty đã chuyển từ trụ sở chính rộng rãi, đẹp đẽ trên đường Đinh Tiên Hoàng về đường Hàm Nghi (TP. HCM). Từ CTCK đặt mục tiêu lọt vào Top 5 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất, Mekong trở thành CTCK bị kiểm soát đặc biệt vào đầu quý II năm nay.
Mekong chỉ là một trong nhiều trường hợp CTCK “ngoại” có số phận ba chìm, bảy nổi. Ngoại trừ Kim Eng Việt Nam, nhiều CTCK “ngoại” dù được chống lưng bởi các quỹ đầu tư hay định chế tài chính danh tiếng, nhưng không được nếm hương vị ngọt ngào của TTCK Việt Nam.
Vina Securities thua lỗ nhiều năm liên tiếp. Golden Bridge Việt Nam dù gần đây lọt vào Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất tại HNX nhưng vẫn giữ vị thế khá khiêm tốn khi so sánh với các đối thủ nội địa.
Hay CTCK Thành Công chỉ được biết đến bởi các mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông vài năm trước. Những cái tên khác như Kenanga Việt Nam, Mireas Asset, Morgan Stanley Hướng Việt, SaigonBank Berjaya, Woori CBV… cũng xuất hiện khá mờ nhạt.
Cuộc đua chưa tới đích
Dù đa dạng về nguồn gốc, nhưng có thể phân chia các CTCK có vốn ngoại làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất được hậu thuẫn bởi các nhà môi giới chuyên nghiệp như: Woori CBV, Kim Eng Viet Nam… Ở TTCK phát triển, khi các hãng môi giới chuyên nghiệp đã mở rộng đến mức gần bão hòa, trước sức ép cổ đông, họ phải đi tìm các miền đất mới còn dư địa tăng trưởng.
Nhóm thứ hai là các CTCK như Horizon, Vina Securities, Golden Bridge, Mireas Asset, được chống lưng phía sau là các quỹ đầu tư. CTCK được thành lập nhằm phục vụ cho chính nhu cầu của quỹ và các khách hàng nước ngoài.
Nhóm thứ ba là các CTCK như SaigonBank Berjaya, Phú Hưng…, đứng đằng sau là các tập đoàn đa ngành.
Dù chiến lược phát triển và cách tiếp cận thị trường khác nhau, nhưng cuộc phiêu lưu của các CTCK ngoại đều rơi vào tình trạng dang dở, khi vài năm qua, TTCK Việt Nam bùng phát rồi suy thoái khá nhanh. Cá biệt như Horizon Securities, 5 năm sau khi thành lập toàn thua lỗ, vốn chủ sở hữu chỉ còn 15 tỷ đồng.
Đầu năm nay, trước khi các cam kết WTO trong lĩnh vực chứng khoán có hiệu lực, nhiều CTCK 49% vốn ngoại đã xác định, nhiệm vụ trước mắt là phải vượt qua giai đoạn đào thải nghiệt ngã của thị trường.
Bên cạnh các trường hợp thua lỗ lớn như Horizon, Vina Securities, Mekong…, một số CTCK như Mireas Asset, Thành Công bị lỗ thâm vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn còn vài trăm tỷ đồng tiền mặt. Phần còn lại dù chỉ hoạt động cầm chừng nhưng vẫn có lãi nhờ tiền gửi.
Đáng chú ý, đa phần các CTCK ngoại xác định vào Việt Nam nhưng mới ở giai đoạn “ném đá dò đường” nên hầu hết chỉ thực hiện nghiệp vụ môi giới và tư vấn nên chưa bung hết nguồn lực.
Tuy nhiên, không vì sự thất thế của các ngoại binh hiện nay mà các CTCK hàng đầu trong nước chủ quan. Hiện nay, CTCK TP. HCM (HCM) giữ thị phần môi giới số 1, nhưng ông Johan Nyvene vẫn thận trọng khi đề cập đến vị thế dẫn đầu của HCM trong tương lai.
Theo ông Johan, sự thận trọng này xuất phát từ việc so sánh tiềm lực tài chính giữa khối các CTCK nội địa với các định chế tài chính mạnh nước ngoài. Nếu không có sự chuẩn bị về mọi mặt, khối CTCK nội địa sẽ cảm nhận rõ nét sự thua sút khi các định chế tài chính lớn gia tăng sự ảnh hưởng ở TTCK Việt Nam.
Theo Giang Thanh
ĐTCK
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,158.70 | 4,738.70 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,275.30 | 3,875.30 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
13,711.30 | 12,411.30 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,669.80 | 1,319.80 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 170
- Truy cập hôm nay: 395
- Lượt truy cập: 8608054