Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

TS Vũ Bằng: 3 nguyên nhân khiến TTCK sụt giảm thời gian qua
2012-07-27 09:34:49

 

12 năm qua, huy động vốn qua TTCK được 700 nghìn tỷ đồng, thị trường chứng khoán đã và đang là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh ngân hàng khó khăn.

Đầu tư chứng khoán là một loại hình đầu tư đòi hỏi kiến thức phức tạp bậc nhất trong số các loại hình đầu tư. Thế nhưng, trong 12 năm qua, đã không ít lần thị trường chứng khoán Việt Nam đã vô tình bị biến thành một trò chơi mang đầy tính may rủi.

Nhất là khi giá cổ phiếu cứ tăng liên tục, thoát ly hoàn toàn khỏi hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết thì thị trường chứng khoán - vốn là một định chế tài chính cao cấp bậc nhất của kinh tế thị trường, đã bị biến thành một sòng bạc thực sự với phần lớn những người chơi không có nhiều kiến thức về chứng khoán.

 

Quanh sự kiện 12 năm phát triển của thị trường chứng khoán, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

 

Là cơ quan quản lý trực tiếp thị trường chứng khoán, ông cảm thấy thế nào về những định kiến “sòng bạc” mà nhiều người gán cho thị trường chứng khoán Việt Nam?

 

12 năm qua, huy động vốn qua thị trường chứng khoán được 700 nghìn tỷ đồng, thị trường chứng khoán đã và đang là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh ngân hàng khó khăn.

 

Kết quả này đã giúp thanh minh cho chứng khoán khỏi tiếng bị coi là “sòng bạc, nơi hoạt động của người giàu”.

 

Thị trường chứng khoán tuy hoạt động 12 năm nhưng vẫn là ngành kinh doanh mới, chứa đựng nhiều khó khăn, rủi ro. 12 năm nhìn lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự có sự trưởng thành sau khi nỗ lực vượt qua nhiều gian khó, qua đó đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Đáng kể nhất là đảm bảo thị trường vận hành an toàn, ổn định ngay trong những thời điểm khó khăn nhất, điều mà không phải thị trường non trẻ nào cũng đạt được.

 

Bằng chứng nào để chứng minh điều ông nói là đúng?

 

Sự trưởng thành của thị trường được thể hiện sinh động qua nhiều con số. So với cách đây 12 năm, quy mô thị trường hiện tăng trên 50 lần, vốn hoá năm đầu tiên dưới 1% GDP, nhưng cuối năm 2011 đạt gần 27%.

Khối lượng giao dịch cũng tăng 30- 40 lần so với năm đầu tiên giao dịch. Công ty niêm yết trong năm đầu tiên thị trường hoạt động chỉ hơn 10 doanh nghiệp, nay tăng lên gần 800 doanh nghiệp.

 

Huy động vốn thực sự là điểm đáng chú ý hơn cả, với gần 700.000 tỷ đồng huy động cho nền kinh tế qua 12 năm, đỉnh cao là năm 2007 đạt 127.000 tỷ đồng. Luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thời điểm cao nhất lên đến 12 tỷ USD, nay khoảng 6,7 tỷ USD, góp phần cân bằng cán cân thanh toán, cũng như gia tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư quốc tế.

 

Các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã có những bước phát triển về quy mô, mạng lưới công nghệ và trở thành một tổ chức trung gian phục vụ cho hoạt động tư vấn, cổ phần hóa kết nối cung cầu trên thị trường chứng khoán.

 

Về số lượng tài khoản nhà đầu tư cũng ngày một gia tăng, khi mới có thị trường chứng khoán chỉ có khoảng 3.000 tài khoản, nhưng đến hiện nay đã có 1,2 triệu tài khoản. Lượng vốn huy động qua thị trường, đặc biệt là từ khối nhà đầu tư nước ngoài đến nay danh mục của khối này khoảng 8 tỷ USD.

 

Các tổ chức thị trường như Sở, Trung tâm Lưu ký cũng ngày càng phát triển, công nghệ thông tin đã được cải thiện, nhiều dịch vụ, nghiệp vụ, sản phẩm mới cũng đã được triển khai đảm bảo cho hoạt động thị trường được thông suốt, không xảy ra đổ vỡ. Khung pháp lý cho thị trường cũng ngày càng được hoàn thiện và từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.

 

Kết quả này có được là bởi ngay từ đầu thị trường chứng khoán đã có cơ quan quản lý, có hệ thống luật pháp điều chỉnh tương đối đồng bộ và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của nhà đầu tư, họ đã bền bỉ tham gia thị trường ngay vào những thời điểm khó khăn nhất.

 

Trên bình diện vĩ mô, các điểm sáng về kinh tế như lạm phát, lãi suất giảm,... cho thấy những triển vọng tích cực nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn theo xu hướng giảm với cầu yếu và thanh khoản thấp. Chẳng nhẽ, thị trường chứng khoán lại vô cảm với những tín hiệu tích cực đó sao, thưa ông?

 

Trong 5 tháng đầu năm 2012, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục với khoảng 20%. Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường hoạt động tương đối cầm chừng, thanh khoản sụt giảm. Theo tôi, xuất phát từ 3 nguyên nhân chính.

 

Thứ nhất, mặc dù kinh tế vĩ mô đã có nhiều cải thiện hơn, ngay báo cáo Chính phủ cũng đã đề cập là kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, lạm phát giảm, thanh khoản ngân hàng có sự cải thiện, lãi suất có xu hướng giảm, dự trữ ngoại tệ tăng lên. Đó chỉ là những mặt tích cực. Nhìn chung, kinh tế vĩ mô cũng còn rất nhiều khó khăn.

 

Trong khi đó, diễn biến thị trường chứng khoán còn phụ thuộc rất lớn vào thực trạng hoạt động của doanh nghiệp và dòng tiền.

Thực trạng doanh nghiệp lại cho thấy doanh nghiệp hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là vấn đề hàng tồn kho, nợ xấu, đầu ra cho doanh nghiệp; chi phí lãi vay tăng; số lượng doanh nghiệp niêm yết thua lỗ tăng hơn trước (cuối năm 2011 có 72 công ty thua lỗ, quý I-2012 là 113 công ty và quý 2 dự báo số lượng này sẽ tăng lên), hơn 60 công ty chứng khoán thua lỗ.

 

Con số trên cho thấy nền tảng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn hơn là thời điểm trước.

 

Thứ hai, tình hình quốc tế cũng đã tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đầu năm 2012 thì vấn đề nợ châu Âu rất căng thẳng và đến tháng 6 này tiếp tục căng thẳng; dự báo tăng trưởng toàn cầu cũng giảm; các chỉ số niềm tin, sản xuất tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều sụt giảm;...

 

Diễn biến đó khiến cho dòng tiền cũng có sự điều chỉnh. Dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng qua thấp hơn nhiều nếu so với con số của năm 2011 (năm 2011 có 240 triệu USD, 2010 là 1 tỷ USD, trong khi 6 tháng khoảng 50-60 triệu USD).

 

Trong tháng 5 thì dòng tiền lại có xu hướng rút ra. Rõ ràng, khi kinh tế châu Âu và toàn cầu có khó khăn thì tái cơ cấu lại danh mục đầu tư xảy ra và dòng tiền có sự điều chỉnh, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Gần đây thị trường không tăng mạnh như những tháng đầu năm mà có xu hướng giảm, đi ngang. Điều này cũng là phù hợp với thực tế đang diễn ra.

 

Thứ ba, lãi suất tuy giảm nhưng tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, tín dụng ra 6 tháng đầu năm ở mức thấp nên dòng tiền cho thị trường cũng còn những điểm hạn chế. Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp cho vấn đề này nhưng các giải pháp cũng cần phải có thời gian.

 

Các biện pháp hỗ trợ thị trường cũng đã được đưa ra như xây dựng chỉ số, kéo dài thời gian giao dịch, đưa lệnh thị trường vào, tính toán điều chỉnh biên độ để cải thiện thanh khoản. Tuy nhiên, những biện pháp đó chỉ mang tính nghiệp vụ, kỹ thuật thôi còn cái chính vẫn là nền tảng kinh tế vĩ mô.

 

Góc độ Bộ Tài chính cũng đã triển khai quyết liệt Nghị quyết 13 của Chính phủ như cải thiện đầu tư công, các chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Góc độ ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước đã có điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nhằm cải thiện thanh khoản, tín dụng ngân hàng cũng như tập trung vào tái cấu trúc ngân hàng để xử lý nợ xấu, khi xử lý được nợ xấu thì doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tốt hơn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Những biện pháp hỗ trợ từ vĩ mô cùng các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ, sản phẩm mới đã được đưa ra như: giao dịch ký quỹ, kéo dài thời gian giao dịch,... nhưng dòng tiền vào thị trường chứng khoán vẫn rất yếu. Phải chăng liều lượng các giải pháp chưa đủ?

 

Trước đây, nhiều ý kiến đã cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần thiết phải áp dụng các nghiệp vụ, sản phẩm mới như đã nêu để thị trường phát triển mạnh hơn nhưng nay khi ban hành thị trường chứng khoán vẫn gặp nhiều khó khăn.

 

Tôi cho rằng, đây chỉ là các biện pháp nghiệp vụ để cải thiện thanh khoản còn sự phát triển của thị trường chứng khoán dựa trên hai nền tảng: doanh nghiệp và dòng tiền mà dòng tiền thực chất là cung cầu. Mà hai yếu tố này còn nhiều những khó khăn như đã nêu trên. Với nền tảng như vậy nên dù có tin tốt cũng khó cải thiện.

 

Định hướng trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020 và cũng đã xây dựng tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm trình Bộ Chính trị, Chính phủ và sắp tới sẽ ban hành. Định hướng dài hạn thời gian tới là tập trung vào tái cấu trúc 4 trụ cột: hàng hóa, nhà đầu tư, công ty chứng khoán, các sở giao dịch chứng khoán.

Theo Lan Hương
VnEconomy





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By NTGOLD
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,554.605,094.60
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,616.804,136.80
100g ABC Bullion Bar
14,748.4013,288.40
1kg ABC Bullion Silver
1,735.101,335.10
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 145
  • Truy cập hôm nay: 5734
  • Lượt truy cập: 8845460