Những tháng đầu năm 2012, nhìn tổng quan thị trường đã tăng khoảng 25%, và có nhiều tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế vĩ mô, khiến thị trường khởi sắc trở lại, giá trị giao dịch cả hai sàn bắt đầu đạt gần 2000 tỷ đồng.
Phóng viên CafeF đã có cuộc trao đổi với Th.s Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT FLC Group, một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành xung quanh vấn đề này, nhằm đánh giá sự tăng trưởng TTCK gần đây và những giải pháp đồng bộ tạo động lực tăng trưởng cho thị trường.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT FLC Group
Tháo gỡ những rào cản đối với thị trường
Những tháng đầu năm 2012 TTCK Việt Nam có nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại, ông có đánh giá như thế nào về sự tăng trưởng này?
Những tháng đầu năm cho thấy có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng để cho thị trường lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng thực sự có nhiều nhiệm vụ cần làm.
Năm 2011, việc huy động vốn qua kênh niêm yết, phát hành thêm cổ phiếu là phổ biến, vì để tránh tác động của lãi suất cao. Do đó việc huy động vốn qua kênh này tiếp tục tăng, khiến cho cổ phiếu càng bị pha loãng và mất giá.
Lạm phát và cuộc đua lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao đã buộc Chính phủ phải can thiệp để bình ổn thị trường, hạn chế tăng trưởng tín dụng và siết chặt tín dụng với các lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có chứng khoán và bất động sản. Đây tiếp tục là đòn giáng vào các công ty niêm yết, các công ty chứng khoán và các nhà đầu tư.
Trong khi đó, Luật Chứng khoán thông qua năm 2006 còn nhiều bất cập, đã tạo ra nhiều kẽ hở để các công ty chứng khoán, các công ty niêm yết và cả nhà đầu tư lợi dụng. Nhiều công ty chứng khoán ra đời cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp niêm yết thua lỗ, khiến cho các nhà đầu tư chán nản, mất niềm tin vào thị trường.
Bên cạnh đó, UBCKNN cũng chưa có đủ thẩm quyền để vận hành thị trường, nhất là việc thanh tra, giám sát. Để TTCK thực sự khởi sắc thì những rào cản trên cần phải được tháo gỡ.
Gần đây, có nhắc nhiều đến vấn đề tái cấu trúc thị trường CK, ông có bình luận gì về vấn đề này?
Tái cấu trúc quyết liệt
Số lượng 105 công ty chứng khoán hiện nay là quá nhiều so với quy mô và nhu cầu thực của trường. Năm 2011, số lượng công ty chứng khoán thua lỗ chiếm gần 80%. Thậm chí, nhiều công ty chứng khoán đã phải ăn vào cả vốn chủ sở hữu.
Do vậy, tái cấu trúc các công ty chứng khoán là điều không thể tránh khỏi. UBCKNN đã lên lộ trình tái cơ cấu thị trường, nhất là với thời hạn 1-4 tới đây khi Thông tư 226 về tỷ lệ an toàn tài chính với các Công ty chứng khoán có hiệu lực. Dự báo, sẽ có ít nhất vài chục công ty không đạt yêu cầu phải chịu sáp nhập hay giải thể.
Còn với gần 1000 công ty niêm yết, hiện UBCKNN chỉ mới đưa ra hình thức buộc hủy niêm yết khi thua lỗ 3 năm. Hiện nay, phần lớn là làm ăn thua lỗ nhưng chưa có cơ chế để loại những công ty này ra khỏi cuộc chơi. Nếu chỉ nhìn vào báo cáo tài chính đã qua kiểm toán thì khó có thể đánh giá đúng thực trạng của DN. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng.
Tái cấu trúc thị trường phải đi đối với việc tăng cường vai trò, vị thế và thẩm quyền của UBCKNN trong hoạt động quan lý, vận hành TTCK, nhất là trong lĩnh vực thanh tra, giám sát và cưỡng chế thi hành pháp luật về chứng khoán và TTCK theo tinh thần Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Một số giải pháp đã và đang được UBCKNN xem xét áp dụng như giảm thời hạn bán chứng khoán từ T+3 xuống còn T+2, mua bán cùng một loại cổ phiếu trong phiên, nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản, giảm thời gian thanh toán tiền bán chứng khoán và tiến tới rút thời hạn giao dịch xuống còn T+0 như thông lệ quốc tế. Điều này cũng sẽ làm tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Tuy nhiên, để thực hiện có khá nhiều khó khăn như cần xử lý vấn đề kết nối dữ liệu giữa VSD và các công ty chứng khoán. Trong hoàn cảnh thực tế của TTCK Việt Nam hiện nay thì rất khó để triển khai áp dụng đồng bộ các giải pháp đó.
Khó khăn về vốn đang là vấn đề ở nhiều lĩnh vực, trong đó có chứng khoán, theo ông cần có những giải pháp nào để khơi thông được nguồn vốn cho chứng khoán?
Khơi thông nguồn vốn cho thị trường
Chính sách thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát đến nay đã thành công bước đầu. Do đó, đến nay có thể xem xét đến biện pháp nới lỏng những hạn chế đối với tín tín dụng chứng khoán.
Đến nay nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô tốt có thể hậu thuẫn cho việc hạ lãi suất. Động thái gần đây của NHNN trong việc hạ mức trần lãi suất đầu vào từ 14% xuống còn 13%/năm đã gửi một tín hiệu tích cực cho nhà đầu tư về khả năng ổn định và kiểm soát vĩ mô của Chính phủ nhưng chưa có tác động đến thị trường.
Dòng vốn từ kênh đầu tư khác như BĐS để chảy vào chứng khoán không phải là dễ, do nhiều nhà đầu tư đã bị mắc kẹt vốn ở thị trường BĐS và các kênh đầu tư khác. Do đó, thị trường BĐS cũng cần có giải pháp tháo gỡ để mở nút cho dòng vốn này.
Vốn ngoại đổ vào chứng khoán hiện này chiếm tỷ trọng đáng kể, năm 2010 chiếm 1,82% vốn hóa thị trường, và chủ yếu vào cp blue-chips, năm 2011 các cổ phiếu này sụt giảm nên nhà đầu tư ngoại cũng cắt giảm mạnh danh mục đầu tư.
Sang năm 2012, dòng vốn ngoại có tín hiệu quay trở lại thị trường, tuy chưa đáng kể và xu hướng chưa rõ ràng. Do vậy, việc tạo cơ chế thu hút dòng vốn này là rất cần thiết như giảm thiểu các thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch cho thị trường,…
Một yếu tố quan trọng khác góp phần giữ bình ổn thị trường là lượng kiều hối. Những năm qua dòng vốn này liên tục tăng cao từ 1,34 tỷ USD vào năm 2000 lên 8,26 tỷ USD vào năm 2010, đạt 9 tỷ USD năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có chính sách căn cơ để khơi thông và thu hút ngày càng nhiều dòng kiều hối.
Vậy còn chính sách điều hành thì sao, thưa ông?
Chính sách vĩ mô linh hoạt
Về trung và dài hạn, việc tiếp tục kiềm chế lạm phát và từng bước kéo lãi suất tiền gửi về ngưỡng an toàn là rất cần thiết. Song, theo kinh nghiệm của các nước đang phát triển khác cũng như thực tế ở Việt Nam, việc “kìm cương” CPI và lãi suất theo đích mong muốn trong một thời gian ngắn là rất khó.
Tỷ giá ổn định có lợi cho vĩ mô, nhưng việc VND đứng giá quá lâu so với USD đã làm cho xuất khẩu gặp phải bất lợi trong khi nhập khẩu lại được khuyến khích. Khi xuất khẩu giảm sẽ lại gây sức ép lên cán cân vãng lai, làm tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng và buộc lại phải duy trì chính sách lãi suất huy động ở mức cao và đến lượt nó lại kéo theo CPI và hàng loạt chỉ số khác tăng cao. Do vậy, việc sử dụng công cụ tỷ giá như thế nào cho linh hoạt và hợp lý là một vấn đề hết sức nan giải.
Phục hồi niềm tin cho nhà đầu tư
Những tín hiệu từ thị trường cho thấy niềm tin của nhà đầu tư phần nào đã được củng cố. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư không chỉ được phục hồi bằng các chính sách vĩ mô, mà còn phải bằng các giải pháp cụ thể để làm minh bạch hóa thị trường và các cơ chế để bảo đảm và bảo vệ an toàn cho nhà đầu tư, giúp cho họ hoàn toàn an tâm khi quay trở lại thị trường, và điều quan trọng hơn là họ phải nhận thầy lợi ích lớn hơn từ việc đầu tư vào chứng khoán so với gửi tiết kiệm hay các kênh đầu tư khác.
Tóm lại, sự phục hồi của TTCK thời gian tới không chỉ được quyết định bởi một vài giải pháp đơn lẻ mà phụ thuộc vào hàng loạt chính sách, giải pháp đồng bộ.
Xin cám ơn ông!
Gia Hân (ghi)
Theo TTVN
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By NTGOLD | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,555.60 | 5,095.60 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,617.60 | 4,137.60 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,751.20 | 13,291.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,742.40 | 1,342.40 |
Powered by: Ngoc Thanh NTGold
- Đang online: 134
- Truy cập hôm nay: 2620
- Lượt truy cập: 8849120